Khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống trong một số tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

17/06/2016

Trong số những nhạc sĩ trưởng thành sau năm 1975, Đỗ Hồng Quân nổi lên là một nhạc sĩ tài năng, một người hoạt động âm nhạc trên nhiều lĩnh vực.

Ở lĩnh vực sáng tác, mỗi thể loại nhạc sĩ đều có những tác phẩm thành công, để lại dấu ấn trong lòng khán thính giả. Trong đó, nổi bật là những tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng. Những tác phẩm giao hưởng của ông rất đa dạng về bút pháp, bên cạnh việc sử dụng những màu sắc mang hơi hướng hiện đại, thì nguồn chất liệu từ âm nhạc truyền thống được nhạc sĩ khai thác rất phong phú.

Âm nhạc truyền thống Việt Nam được sinh ra trong nền kinh tế nông nghiệp và đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền âm nhạc chuyên nghiệp ở nước ta từ trước đến nay. Trong quá trình xây dựng nền âm nhạc mới, các nhạc sĩ Việt Nam luôn luôn coi nền âm nhạc truyền thống là kho tàng quý giá để xây dựng ngôn ngữ âm nhạc cho tác phẩm của mình. Họ thường sử dụng những nhân tố hoặc hình tượng mang bản sắc dân tộc bằng cách chắt lọc chất liệu từ âm nhạc dân gian như: giai điệu, thang âm, điệu thức, tiết tấu… để tạo nên đường nét độc đáo, điển hình mang tính dân tộc trong các tác phẩm của mình. Việc sử dụng âm nhạc truyền thống đã trở thành một trong những nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của các nhạc sĩ, và Đỗ Hồng Quân cũng là một trong những nhạc sĩ đi theo con đường đó.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có một khối lượng tác phẩm khá phong phú ở nhiều thể loại khác nhau, đặc biệt là các sáng tác giao hưởng. Trong đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bốn tác phẩm sáng tác trong giai đoạn 1995 - 2010 vì theo chúng tôi đó là những tác phẩm mới có nhiều tìm tòi, sáng tạo về mặt ngôn ngữ âm nhạc, cũng như bút pháp sáng tác, đặc biệt là cách khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống một cách phong phú, khéo léo của nhạc sĩ. Đó là: nocturne symphonic Tiếng vọng (1995), symphonic fantasy Mở đất (1998), tác phẩm Trổ một (2007) và tổ khúc giao hưởng Dáng rồng lên (2010).

Từ nguồn âm nhạc truyền thống dồi dào, nhạc sĩ đã sử dụng nhiều cách thức khai thác để đưa vào những tác phẩm giao hưởng nói trên những motif, chủ đề, những nét nhạc đậm đà bản sắc, khiến cho khán thính giả dù mới nghe lần đầu đã thấy có giai điệu quen thuộc vang lên trong một cảm quan mới, những nét nhạc vốn ở trong tâm khảm của khán giả Việt, cho nên những bản giao hưởng hương vị quê hương luôn dễ đi vào lòng người là vì thế. Chúng ta cùng tìm hiểu nghệ thuật khai thác chất liệu dân gian mà nhạc sĩ sử dụng qua bốn tác phẩm giao hưởng nói trên.

Sử dụng một nét giai điệu dân ca hoặc đồng dao các vùng miền

Dân ca với âm hưởng độc đáo cùng sự phong phú, đa dạng về mặt hình tượng đã thể hiện được những nét điển hình của từng dân tộc. Dân ca phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc ta. Các bài dân ca vốn đã quen thuộc, dễ hiểu đối với người nghe, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả bởi vẻ đẹp và sức hấp dẫn vốn có của giai điệu. Với những đặc điểm trên, dân ca luôn là nguồn chất liệu vô tận để các nhạc sĩ có thể khai thác và sáng tạo nên những tác phẩm khí nhạc hoàn chỉnh, làm cho những tác phẩm đó gần gũi hơn với người nghe.

Chủ đề trong các tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng được xây dựng từ nguồn chất liệu quý báu đó. Ông lấy motif trong các làn điệu dân ca mang tính chất như dẫn đề vào cảm xúc. Với bốn bản giao hưởng nói trên, chúng tôi thấy rằng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sử dụng một số làn điệu dân ca của Nam bộ và vùng đồng bằng Bắc bộ.

Trong tác phẩm Mở đất, chủ đề một và chủ đề hai đều được lấy chất liệu từ các bài dân ca Nam bộ để xây dựng chủ đề.

Chủ đề một được phát triển từ âm điệu của bài Lý con cua. Ở nhịp 116-127, nét giai điệu được diễn tấu bởi violon I và flute trên âm hình tiết tấu chấm dôi với các bước nhảy rộng đã tạo nên tính chất âm nhạc mạnh mẽ, khoáng đạt, diễn tả hình ảnh người dân Nam bộ giản dị và thẳng thắn.

Ví dụ 1: Nhịp 116 - 127

So sánh với giai điệu của bài Lý con cua [383:18] (trích Lý con cua - Ký âm: Lư Nhất Vũ):

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ đề hai được phát triển từ âm điệu của bài Lý bông trang - một điệu lý trữ tình của Nam bộ. Chủ đề do kèn oboe diễn tấu trên nền bè đệm của bộ dây và kèn clarinette (nhịp 156-171). Nét giai điệu với tiết tấu ngân dài được kết hợp bởi những bước đi liền bậc cùng những bước nhảy quãng 3, quãng 4 đã vẽ lên hình ảnh sông nước Nam bộ êm dịu với tính chất mềm mại, rộng mở và trữ tình.

Ví dụ 2: Nhịp 156 - 171

Chủ đề trong chương III của tổ khúc giao hưởng Dáng rồng lên được lấy cảm hứng từ bài dân ca Nam bộ Lý ngựa ô (nhịp 31-33). Xuất phát từ câu đầu tiên “Khớp con ngựa ngựa ô”, nét giai điệu do các nhạc cụ của bộ gỗ và bộ đồng kết hợp trình bày theo kiểu đối đáp: piccolo, flute, oboe và trompete đối đáp với clarinette, clarinette basse, fagotto và trombone.

Ví dụ 3: Nhịp 31 - 33

Đối chiếu với giai điệu của bài Lý ngựa ô [147:8]:

trích Lý ngựa ô - Ký âm: Xuân Khải

Sau khi sử dụng câu đầu, ở nhịp 37-41, tác giả tiếp tục dùng chất liệu đoạn tiếp theo của bài dân ca để xây dựng đường nét giai điệu nhằm phát triển âm nhạc: “Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen, búp sen lá dặm, dây cương nhuộm thắm, cái roi anh bịt bằng vàng”.

Ví dụ 4:

Nét giai điệu khẩn trương, rộn ràng trên nền bè đệm của bộ gõ với âm hình tiết tấu miêu tả tiếng vó ngựa đã tạo nên sự sôi động, mạnh mẽ và kịch tính trong âm nhạc nhằm diễn tả hình tượng vua Quang Trung áo vải cờ đào cùng quân sĩ trong cuộc hành quân thần tốc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng thành Thăng Long.

Ngoài các làn điệu dân ca Nam bộ, trong tác phẩm Trổ một, ở nhịp 96-108 thuộc phần giữa xuất hiện một nét giai điệu rất trong trẻo, được lấy nguyên gốc từ bài dân ca Quan họ Bắc Ninh Ba mươi sáu thứ chim do kèn oboe diễn tấu.

Ví dụ 5: Nhịp 96-108

So sánh với giai điệu của bài Ba mươi sáu thứ chim [11:8]:

trích Ba mươi sáu thứ chim - Ký âm: Xuân Khải

Bên cạnh việc chắt lọc giai điệu của dân ca để xây dựng chủ đề, nhạc sĩ còn sử dụng đồng dao ở 6 nhịp đầu chương IV, giao hưởng Dáng rồng lên. Xuất phát bằng cảm xúc từ thuở ấu thơ với trò chơi Rồng rắn lên mây của trẻ mục đồng gắn với câu đồng dao “Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có nhà điểm mây, thầy thuốc có nhà hay không”, tác giả đã xây dựng một motif âm nhạc mô phỏng lại tiếng đồng dao đó.

Ví dụ 6: Nhịp 1 - 6

Chủ đề do kèn fagotto diễn tấu ở âm khu trầm, sau đó được đưa dần lên các âm khu cao hơn ở các bè oboe, rồi đến flute và piccolo như để diễn tả tiếng đồng dao - những tiếng vọng từ ký ức tuổi thơ ngày càng rõ hơn, gần hơn với hiện tại.

Nét giai điệu khai thác từ ngữ điệu của câu đồng dao đã hình thành nên âm điệu xoay quanh trục quãng 4 đúng (A-D) và quãng 5 đúng (A-E) kết hợp với một quãng 2 trưởng - các quãng được sử dụng nhiều trong âm nhạc của người Việt khiến cho người nghe có cảm giác được nghe chính ngôn ngữ của mình. Điều này tạo nên sự đồng cảm của khán giả đối với người nhạc sĩ và đặc biệt làm cho tác phẩm mang đậm yếu tố dân tộc.

Khai thác một số nhân tố đặc trưng trong Chèo, Vọng cổ, âm nhạc cung đình Huế

Từ các làn điệu Chèo…

Trong tác phẩm Trổ một, các làn điệu Chèo được sử dụng rất phong phú và đa dạng. Ngay từ phần đầu tiên, nhạc sĩ sử dụng một motif mang đậm âm hưởng Chèo, đó là nét giai điệu của Lưu không. Mỗi làn điệu trong Chèo cổ đều có câu Lưu không gắn liền với nó và được nhắc lại có thể một, hai hoặc nhiều lần tùy theo từng bài. Bằng thủ pháp mở rộng âm vực từ một quãng 8 lên hai quãng 8, giai điệu mang âm hưởng của câu hát đã trở thành một nét giai điệu mang tính khí nhạc.

Ví dụ 7: Nhịp 13-15

Xen kẽ giữa một số lần xuất hiện motif trên là nét giai điệu được lấy chất liệu từ làn điệu Xẩm xoan. Đây là một làn điệu mang tính chất vui tươi, giai điệu rộn ràng, trong sáng, tình tứ dưới dạng diễn kể. Giai điệu đó trong những lần xuất hiện chỉ mang yếu tố xé lẻ chất liệu, và đến phần tái hiện (nhịp 317-324), âm hưởng của làn điệu này mới được vang lên rõ nét. Giai điệu do bè violon I và violon II đảm nhiệm trên nền bè đệm của bộ gõ và các nhạc cụ khác thuộc bộ dây.

Ví dụ 8: Nhịp 317-324

Đối chiếu với giai điệu của làn điệu Xẩm xoan [359:3]:

Nhịp nhanh - vui trích Xẩm xoan - Ký âm: Bùi Đức Hạnh

Ở phần giữa (nhịp 255-260), xuất hiện một nét giai điệu mang âm hưởng của làn điệu Chèo Lới lơ do violon I diễn tấu. Đây là một điệu hát được viết cho vai Xúy Vân giả dại trong vở Chèo Kim Nham, diễn tả tâm trạng chập chờn của cô gái khi chưa ổn định trong sự lựa chọn hạnh phúc cho mình. Ở đây, nét giai điệu không sử dụng nguyên gốc làn điệu Chèo Lới lơ, mà chỉ dựa trên âm hưởng chính của làn điệu.

Ví dụ 9: Nhịp 255-260

So sánh với chủ đề của bản giao hưởng:

Giai điệu của làn điệu Lới lơ [267:3]:

Nhịp vừa - thảng thốt trích Lới lơ - Ký âm: Bùi Đức Hạnh

Có thể nói, cách xây dựng tác phẩm dựa trên các làn điệu Chèo quen thuộc đã đưa bản giao hưởng Trổ một đến gần hơn với đông đảo người nghe nhạc, giúp cho họ có thể cảm nhận được sự gần gũi qua âm nhạc dân gian, dù đó là tác phẩm được viết ở thể loại âm nhạc mang tính “hàn lâm”.

…Đến Vọng cổ

Trong phần trình bày của bản giao hưởng Mở đất, nhạc sĩ đã xây dựng một đoạn nhạc mang tính ngẫu hứng cao bằng việc đưa âm sắc đàn tranh và đàn bầu cùng diễn tấu với dàn nhạc giao hưởng. Âm sắc đàn tranh trên âm hưởng của điệu thức đô Oán biến thể 4 (c-e-f-g-a-c), vang lên ở đoạn mở đầu với tính tự sự, đậm nét u buồn, não nề. Sau đó là âm thanh ngân nga, trầm bổng của cây đàn bầu ngẫu hứng một câu Vọng cổ trên nền đệm với phong cách tự do của bộ dây ở cường độ rất nhỏ (pp). Vọng cổ là một bài ca xuất xứ tại miền Nam và rất phổ biến trong đại chúng với điệu tính buồn não nùng, tha thiết, dễ cảm, dễ xót xa. Tác giả đã dùng điệu Vọng cổ với âm thanh của đàn bầu để diễn tả sự vắng lặng cùng nỗi buồn man mác của những ngày đầu khai hoang mảnh đất miền Nam. Âm sắc của cây đàn bầu đã từng được ví “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là điệu tính cha”. Cây đàn chỉ với một dây cùng cần rung ở tay trái đã nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh, thổi vào âm thanh một hơi thở, một sinh khí mới. Âm sắc mềm mại của cây đàn bầu đã góp phần diễn tả sự mênh mông của sông nước Nam bộ, tạo nên âm hưởng mang đậm hồn Việt.

Trong đoạn nhạc này, nhạc sĩ chỉ đưa ra thang âm và một số quy định về tiết tấu và mô típ âm nhạc để phát triển, còn phần thể hiện do nhạc công có thể tự ứng tác theo cảm hứng của mình. Cùng với nhạc cụ dân tộc, dàn dây tham gia chơi kỹ thuật âm bồi (son harmonique). Vẫn với phong cách chơi tự do, đến cuối đoạn nhạc là sự tham gia của cả dàn nhạc với cường độ ff tạo âm hưởng mạnh mẽ, huy hoàng, để dẫn đến giai đoạn kết của phần trình bày. Có thể nói, đoạn nhạc đã thể hiện một phong cách sáng tác vô cùng độc đáo, là một sự kết hợp tuyệt vời của nhạc sĩ trong việc đưa hồn dân tộc vào dàn nhạc giao hưởng hiện đại tạo ra sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố dân tộc và yếu tố đương đại.

…Và nhạc cung đình Huế

Trong chương IV của tổ khúc giao hưởng Dáng rồng lên, ở nhịp 72-81 xuất hiện nét giai điệu ở bè trompete được lấy chất liệu từ bài Lưu thủy kim tiền - nhạc cung đình Huế. Đây là bản nhạc lễ được dùng cả trong cung đình lẫn trong dân gian, thường được chơi trong lúc có lễ rước, dâng hương, dâng rượu… và rất nhiều dịp lễ khác như cúng tế trong cung đình, hay rước ngoài đường…Dùng âm hưởng của nét nhạc Lưu thủy Kim tiền, nhạc sĩ đã phác họa một đám rước đi từ quá khứ đến hiện tại, từ lịch sử đến hôm nay, một đám rước được biểu hiện bằng không gian và thời gian. Đồng thời, tác giả muốn diễn tả niềm lạc quan, niềm vui và ước nguyện đẹp đẽ trước một Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến với “lưu thủy” - có nghĩa là “dòng nước chảy không bao giờ dừng”, thể hiện một sự sống vĩnh cửu. Giai điệu do trompete diễn tấu tạo nên âm hưởng vừa hoành tráng, hào hùng, vừa tưng bừng, hân hoan, diễn tả được không khí sôi nổi trong ngày đại lễ của toàn dân tộc.

Ví dụ 10: Nhịp 72-81 (chương IV)

Sử dụng các dạng thang âm - điệu thức dân tộc

Trong các cách khai thác nguồn chất liệu xây dựng chủ đề trong bốn bản giao hưởng này, chúng tôi nhận thấy thang âm, điệu thức được nhạc sĩ vận dụng rất đa dạng: từ thang 3 âm, 4 âm đến thang 5 âm, như thang 3 âm (a-d-e) trong chủ đề chương IV, bản giao hưởng Dáng rồng lên với sự trình diễn bằng kỹ thuật staccato và nhấn vào những nốt ngân dài để phù hợp với hướng chuyển động của ngữ điệu câu đồng dao, quy luật bằng - trắc - bằng, thang 4 âm (g-a-c-d) trong chủ đề 1 của chương I cùng trong tác phẩm này được cấu thành bởi hai quãng 2 trưởng ở hai đầu và nối liền bằng một quãng 3 thứ, từ âm thấp đến âm cao là một quãng 5 đúng. Nét giai điệu của chủ đề mềm mại, mượt mà do kèn oboe diễn tấu được mở rộng ở phần trầm bằng nốt d1 có quan hệ quãng 8 đúng với âm thứ tư của thang âm là d2, tạo nên sự kết hợp uyển chuyển giữa những bước đi liền bậc cùng các bước nhảy quãng 4, diễn tả phong cảnh thiên nhiên yên bình và giản dị của đất Thăng Long xưa.

Ví dụ 11: Nhịp 10-12 (chương I)

Trong tác phẩm Mở đất, nhịp 46-49, chủ đề mở đầu do các nhạc cụ kèn đồng (corni và trompete) diễn tấu diễn tả hình tượng Lê thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được nhạc sĩ xây dựng trên sự chuyển tiếp giữa hai thang 4 âm: c-g-a-b và c-f-g-b, trong đó nhấn mạnh các bước nhảy quãng 4 và quãng 5 tạo nên tính chất mạnh mẽ, khoáng đạt.

Ví dụ 12: Nhịp 46-49

Có thể thấy rằng, mặc dù với thành phần âm không nhiều, nhưng những chủ đề sử dụng thang 3 âm và 4 âm vẫn tạo được những nét độc đáo riêng, bởi nó phù hợp với ý tưởng xây dựng chủ đề của tác giả.

Tuy nhiên, phần lớn các chủ đề của các tác phẩm giao hưởng này được xây dựng trên cơ sở điệu thức 5 âm dân tộc, đặc biệt là điệu Nam. Đây là một dạng thang âm vốn thịnh hành trong dân ca Việt Nam, với cơ cấu gồm hai nhóm 3 âm, mỗi âm chứa một quãng 3 thứ và một quãng 2 trưởng. Chúng ta có thể tìm thấy một số chủ đề sử dụng thang 5 âm điệu thức Nam ở trong bốn tác phẩm giao hưởng này.

Trong tác phẩm Trổ một, nhạc sĩ sử dụng các thang năm âm theo dạng điệu thức Nam để xây dựng một số nét giai điệu. Ngay phần mở đầu, motif lấy từ nét giai điệu của Lưu không được dịch chuyển từ âm hưởng của điệu thức Rê Nam (d-f-g-a-c-d) sang điệu thức Xi Nam (h-d-e-fis-a-h), và cuối cùng là điệu thức Mi Nam (e-g-a-h-d-e) tạo nên sự phát triển liên tục và liền mạch trong âm nhạc (xem ví dụ 7).

Cũng trong tác phẩm Trổ một, chủ đề ở nhịp 157-160 thuộc đoạn Allegetto được xây dựng trên điệu thức Xi Nam (h-d-e-fis-a-h). Nét giai điệu do kèn clarinette diễn tấu với sự trải đều và xuất hiện gần như lần lượt của các âm trong thang âm.

Ví dụ 13: Nhịp 157-160

Trong chương I, bản giao hưởng Dáng rồng lên, ở nhịp 31-38, nét giai điệu mượt mà của chủ đề hai do violon I và violon II trình bày được xây dựng trên điệu thức Mi Nam (e-g-a-h-d-e).

Ví dụ 14: Nhịp 31-38

Chủ đề ở nhịp 22 - 25 thuộc giai đoạn hai phần mở đầu của bản giao hưởng Tiếng vọng cũng được xây dựng trên điệu thức Mi Nam. Giai điệu là sự đan xen giữa âm sắc mượt mà của flute và trong vắt của campanelli trên nền bè đệm của piano tạo ra những âm thanh lung linh, huyền ảo, diễn tả một hình tượng rất thơ mộng giữa trăng và nước: “Trăng lên cao soi bóng xuống dòng sông gợn sóng”.

Ví dụ 15: Nhịp 22-25

Điệu thức La Nam (a-c-d-e-g-a) được vận dụng trong nét giai điệu mang âm hưởng của làn điệu Chèo Lới lơ. Nếu lấy bước nhảy xuống quãng 5 (E-A) và bước nhảy phản hồi lên quãng 8 (A-A) ở giữa làm trục thì sẽ thấy rõ hướng chuyển động ngược chiều nhau trong cách tiến hành giai điệu: nửa câu đầu kết hợp các bước đi xuống liền bậc, còn nửa sau là các bước đi lên liền bậc (xem ví dụ 9).

Kết hợp dạng thức

Bên cạnh việc sử dụng nguyên một thang âm, điệu thức, nhạc sĩ còn kết hợp nhiều dạng thức để xây dựng một số chủ đề. Sự kết hợp các dạng thức với nhau làm phong phú và đa dạng hơn những sắc thái tình cảm trên chiều ngang của giai điệu. Trong các tác phẩm này, nhạc sĩ thường sử dụng phương thức kết hợp thang âm, điệu thức trên cùng một chủ đề theo kiểu cùng dạng thức - khác chủ âm, như trong chủ đề 2 của giao hưởng Mở đất chuyển tiếp giữa hai điệu thức Đô Nam (c-es-f-g-b-c) và Xon Nam (g-b-c-d-f-g) do sự xuất hiện của âm “rê” thay cho âm “mi giáng” tạo sự phong phú về màu sắc (xem ví dụ 2).

Chúng ta còn gặp sự kết hợp chuyển tiếp này trong cách tiến hành giai điệu ở đoạn Allegetto (nhịp 217-224), giao hưởng Trổ một. Nét giai điệu mượt mà, mềm mại, tha thiết vang lên ở bè violon I và violon II trên chuyển tiếp giữa hai điệu thức điệu thức Xi Nam (h-d-e-fis-a-h) và Đô thăng Nam (cis-e-fis-gis-h-cis) bởi sự xuất hiện của âm “đô thăng” và âm “xon thăng” thay thế cho âm “rê” và âm “la”.

Ví dụ 16: Nhịp 217 - 224

Có thể nói sự kết hợp tinh tế, uyển chuyển giữa các điệu thức là một đặc điểm đáng chú ý trong các tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Ngoài ra, tác giả cũng sử dụng các quãng đặc trưng, là một trong những phương tiện có khả năng mang lại âm hưởng dân tộc cho tác phẩm âm nhạc. Có thể thấy âm hưởng quãng 4 đi xuống với tính mềm mại, thâm trầm như lời dẫn vào ký ức trong chủ đề mở đầu của tác phẩm Tiếng vọng được thể hiện ở bè violoncelle và contrabasse

Ví dụ 17: Nhịp 1-6

Cũng trong giao hưởng Tiếng vọng, chủ đề tình yêu ở nhịp 31-38 thuộc phần A dù có sự kết hợp giữa các bước đi liền bậc và các bước nhảy xa, nhưng âm hưởng chính vẫn xoay quanh trục của những bước nhảy quãng 4 đi xuống (C-G; As-Es; F-C), xen kẽ đó là những bước phản hồi quãng 4 đi lên (G-C; Es-As).

Ví dụ 18: Nhịp 31-38

Nhìn chung, để tô đậm tính dân tộc trong một tác phẩm khí nhạc, việc sử dụng âm nhạc truyền thống để xây dựng chủ đề là rất cần thiết. Qua việc đi sâu vào bốn giao hưởng nói trên, chúng ta có thể thấy nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã khai thác chất liệu từ âm nhạc truyền thống một cách phong phú và đa dạng, đó có thể là âm hưởng của vùng đồng bằng Bắc bộ (các bài dân ca Quan họ Bắc Ninh, các làn điệu Chèo), âm nhạc dân gian của miền Trung (nhạc cung đình Huế), hay sử dụng nguyên gốc các bài dân ca Nam bộ, hoặc biến đổi các âm trong thang âm, điệu thức đặc trưng… để xây dựng chủ đề. Từ nguồn chất liệu vô tận của âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ đã chắt lọc, sử dụng một cách khéo léo, linh hoạt với nhiều cách thức khác nhau để tác phẩm khí nhạc của ông luôn mang đậm tâm hồn, cốt cách của dân tộc Việt, vì thế có được sự gần gũi, thân thuộc với người nghe, trở thành những tác phẩm khí nhạc hiện đại mang bản sắc dân tộc, là những món đặc sản có thể đem giới thiệu với bạn bè quốc tế trong thời đại hội nhập văn hóa hiện nay.

 

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...