Khái luận về Hát Xoan Phú Thọ

20/06/2017

Phú Thọ ngày nay, xưa là kinh đô của nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của người Việt. Trung tâm nhà nước Văn Lang nằm trên hợp lưu của 3 con sông: sông Thao, sông Đà, sông Lô. Nhà nước ấy ra đời cách đây hàng ngàn năm. Đứng đầu nhà nước Văn Lang là Hùng Vương. Ông là vị vua hiền từ, đức độ. Ông dạy cho dân cách làm thủy lợi để cấy lúa, trồng kê. Ông dạy cho dân trao đổi sản phẩm và bảo vệ bờ cõi để muôn dân đời đời có cuộc sống bình yên, no đủ. Không chỉ thế, ông còn dạy cho dân nghệ thuật hát múa, làm trò và cách cúng tế thần linh để cầu mưa thuận gió hòa. Tương truyền Hát Xoan là nghệ thuật ca-múa do ông truyền dạy cho người Lạc Việt trên đất Văn Lang từ thuở xa xưa ấy.

Chuyện kể: "Một lần vào mùa xuân, ba anh em ông đi tìm đất dựng thành, nhân lúc nghỉ chân ven cánh rừng (rừng ấy nay là đất xã Kim Đức, Tp. Việt Trì), vua trông thấy lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch, hát đồng dao và chơi trò chơi. Ông cho gọi chúng đến trò chuyện và bảo chúng ca hát cho ông nghe. Nghe rồi ông truyền dạy cho chúng những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Để tưởng nhớ công ơn đức vua, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất khi vua nghỉ chân để thờ vua gọi là miếu Lãi Lèn". Miếu ấy nay ở xã Kim Đức, Tp. Việt Trì, Phú Thọ

Từ khi có miếu Lãi Lèn, cứ đến ngày 30 tháng Chạp hằng năm, dân các làng lại làm cỗ cúng vua. Cỗ cúng không thể thiếu bánh nẳng và thịt bò. Tương truyền đây là hai món ăn mà dân làng đã dâng vua ngày ấy. Rồi từ sáng mồng một đến hết ngày mồng 5 tháng Giêng dân làng tiếp tục tổ chức những canh hát nghi lễ thờ vua để trình diễn lại những điệu hát múa được vua trao truyền thuở nào, với mục đích cầu mong vua giáng phúc cho dân làng một năm an hòa. Nghệ thuật hát múa ấy nay gọi là Hát Xoan.

Hát Xoan xưa kia gọi là Hát mùa xuân về sau từ xuân phải đổi thành từ xoan. Tương truyền vì ở xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ có đền thờ Nàng Xuân, tức nữ tướng Xuân Nương; ở Hương Nộn, huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ, có đền thờ Thánh mẫu Xuân Dung. Hằng năm các làng mở hội đình có lệ mời phường Hát mùa xuân sang hát thờ. Vì Thành hoàng làng có tên là Xuân nên các phường phải đổi từ xuân thành từ xoan. Vì vậy có tên gọi Hát Xoan và phường Xoan.

Tới thế kỉ XVII nhiều làng xã ở Phú Thọ đã xây cất đình làm nơi thờ tự thánh thần, nơi hội họp làng xã, nơi vui chơi hội hè. Đình trở thành trung tâm văn hóa làng. Từ khi đó, phường Xoan phải chuyển đổi lối trình diễn Đền miếu sang lối trình diễn Cửa đình. Tức từ lối trình diễn trong không gian nhỏ hẹp, ít công chúng, chuyển sang lối trình diễn trong không gian rộng rãi, đông đảo công chúng. Sự thay đổi này buộc các phường Xoan phải tìm ra các giải pháp nghệ thuật đúng, đủ để hòa nhập và thích nghi với nơi trình diễn mới. Không ít các bài viết, các công trình nghiên cứu trước đây đã gọi Hát Xoan ở giai đoạn này là Khúc Đình Môn (Hát cửa đình).

Từ thế kỉ XVIII hầu hết làng xã ở Phú Thọ đã có đình. Cứ đến mùa hội đình (Khoảng từ tháng Giêng đến hết tháng 3) là các làng phải mời cho được phường Xoan về hát thờ. Hiện tượng này sinh ra bởi các đình làng ở Phú Thọ hầu hết đều thờ hoặc phối thờ những nhân vật lịch sử và thần thoại có liên quan tới thời đại Hùng Vương. Đòi hỏi ấy như một nhu cầu tất yếu. Người ta quan niệm Hát Xoan là nghệ thuật của người Lạc Việt do vua Hùng truyền dạy cho con dân đất Văn Lang để hát thờ tổ tông người Lạc Việt. Vì vậy đối với người dân Văn Lang thuở xưa và cả người dân Phú Thọ ngày nay, không có nghệ thuật hát thờ nào linh thiêng và quyến rũ họ bằng nghệ thuật Hát Xoan.

Những khảo cứu gần đây cho ta biết có hơn 30 đình làng ở Phú Thọ có lệ mời phường Xoan về đình làng hát thờ mỗi khi làng vào tiệc đình. Trong số 30 đình thì 17 đình có quan hệ khăng khít với các phường Xoan bằng tục giữ cửa đình, đó là các đình:

1. Làng Tây Cốc (xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng)
2. Làng Tiên Du (xã Tiên Du, huyện Phù Ninh)
3. Làng Y Kì (xã An Đạo huyện Phù Ninh)
4. Làng Tử Đà (xã Tử Đà, huyện Phù Ninh)
5. Làng Phù Ninh (xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh)
6. Làng Cổ Tích (xã Hy Cương, huyện Phù Ninh)
7. Làng Dữu Lâu (xã Dữu Lâu, huyện Phù Ninh, nay là phường Dữu Lâu Tp. Việt Trì)
8. Làng Thanh Mai (xã Thanh Đình, Tp. Việt Trì)
9. Làng Cẩm Đôi (xã Thụy Vân, Tp. Việt Trì)
10. Làng Nông Trang (xã Minh Phương, Tp. Việt Trì)
11. Làng Cao Mại (xã Cao Mại, huyện Lâm Thao)
12. Làng Hữu Bổ (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao)
13. Làng Hương Nộn (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông)
14. Làng Tử Du (xã Tử Du, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc)
15. Làng Đức Bác (xã Đức Bác, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc)
16. Làng Hoàng Chuế (xã Kim Xá, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc)
17. Làng Xậu (xã Kim Xá, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc)

Một quá trình biểu diễn đã tạo ra sự gắn bó giữa phường Xoan với các đình làng. Về sau tục kết nước nghĩa (kết nghĩa hai làng) ra đời là tấm lá chắn để bảo vệ mối quan hệ đôi bên. Tục ấy chưa tìm thấy trong các văn bia, bản khắc những lại tìm thấy trong những câu chuyện truyền ngôn. Đó là "bia miệng". Xin trích đôi ba truyền thuyết để minh chứng cho hiện tượng văn hóa độc đáo này:

Chuyện làng Phù Ninh và làng Hương Nộn:

Một lần đức Thánh mẫu Lê Xuân Lan đi du ngoạn qua đất Phù Ninh, bà gặp cảnh người cày, kẻ cấy trên đồng, thuyền đánh cá trên sông và cả lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch, hát múa ven đê. Bà thấy những điệu hát múa của lũ trẻ rất hay, khi về bà thường kể lại sự thích thú khi nghe những điệu hát ấy trong cung. Về sau hỏi ra bà mới biết đó là những điệu hát của phường Xoan mà lũ trẻ học được đem ra hát múa. Về già, bà về tu ở chùa Thiên Tạo, làng Hương Nộn, huyện Tam Nông. Khi mất bà được dân trong vùng tôn làm Thánh Mẫu. Vì vậy hằng năm làng Hương Nộn mở hội là phải đón phường Xoan làng Phù Ninh sang hát thờ và làng Phù Ninh cũng coi đấy là trách nhiệm đương nhiên của mình.

Chuyện làng Phù Đức và làng Tử Du:

Thời xưa, có một năm dân làng Kim Đới cử người sang làng Tử Du (thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc ngày nay) lấy gỗ về làm đình. Trong khi đang kéo gỗ, có người làng Phù Đức cất tiếng hát nghêu ngao, lúc kéo gỗ về làng bỗng gỗ bốc cháy. Sau lần ấy làng Tử Du sống không yên, lúa ngô mất mùa, trâu, bò, gà, lợn đều chết yểu. Người làng Tử Du đem chuyện kể lại cho dân làng Kim Đới. Năm sau làng Tử Du mở hội cầu phúc có mời phường Xoan làng Kim Đới sang hát thờ. Năm ấy làng Tử Du được mùa to. Từ đấy hai làng kết nước nghĩa và không năm nào làng Tử Du vào hội mà không có phường xoan làng Kim Đới sang hát.

Chuyện làng Cao Mại và làng An Thái:

Vua Hùng sinh công chúa Nguyệt Cư. Từ khi sinh ra cho đến 3 tuổi không ngày nào công chúa dứt tiếng khóc. Vua đã triệu các quan ngự y đến tìm cách chữa trị, nhưng các quan đều bó tay. Rồi một hôm nghe tiếng hát chúc xuân của làng An Thái, công chúa không khóc mà mỉm cười vui vẻ. Từ đó về sau công chúa càng lớn càng xinh đẹp. Khi công chúa băng hà dân làng Cao Mại lập đền để phụng thờ công chúa. Đền thờ ấy gọi là đền thờ Vua Bà. Từ đấy cứ mội dịp hội làng Cao Mại là làng phải mời phường Xoan An Thái sang hát thờ ở đình làng.

Tục kết nước nghĩa giữa các làng Xoan với các làng trong vùng không chỉ cho ta thông tin về mối quan hệ "tình làng nghĩa xóm", 'tối lửa tắt đèn có nhau" mà còn cho ta biết về vai trò và giá trị nghệ thuật của Hát Xoan. Một thứ nghệ thuật không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn thỏa mãn cả nhu cầu vui chơi giải trí cộng đồng. Vì cả hai lẽ đó mà Hát Xoan đã có chỗ đứng bền vững và dài lâu trong đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tâm linh của người dân Phú Thọ.

Để đón được phường Xoan về hát, trước đây, các làng phải viết thiếp hồng, rồi cử người tới gặp ông trùm phường Xoan để bàn bạc và thống nhất ngày kẻ sang người đón. Ngày sang, ông Trùm phường trong trang phục áo dài vải đen, đầu quấn khăn hằn đen, quần vải trắng, tay cầm ô đen, chân đất. Cùng đi với ông Trùm phường có 6 đến 8 cô đào và hai anh kép con, một đứa bưng tráp (trong tráp có đựng những bài hát Xoan viết bằng chữ Hán Nôm) và một đứa mang trống Xoan; các đào Xoan áo dài nâu non 5 thân cổ kín, váy đen, chít khăn mỏ quạ, tay nải khoác vai, chân đi đất. Khi đến nơi, họ được ông chủ tế cùng những bậc cao niên trong làng đón tiếp rất thân mật. Tùy theo phong tục từng làng mà cách đón tiếp có thể khác nhau nhưng cách đón tiếp để lại cho ngày nay nhiều ấn tượng nhất đó là cuộc đón phường Xoan của làng Đức Bác. Tên gọi cuộc đón tiếp này là Trống Quân Đức Bác.

Tục truyền, từ sáng ngày 7 tháng Giêng (ngày tiệc khai xuân của làng), các trai làng Đức Bác, mỗi người đeo một trống bản (mặt trống có đường kính 25cm, tang trống cao 18cm, hai mặt bưng bằng da bò) ra bến sông đầu làng đón phường Xoan làng Kim Đới bên kia sông sang hát thờ.

Thuyền cập bến, tiếng trống khua rộn khắp bến sông. Khi các cô đào Xoan rời thuyền lên bờ, các chàng trai Đức Bác cất tiếng hát chào hỏi:

- Đi đâu từ sáng đến giờ 
Để cho anh đợi, anh chờ, anh mong
- Bên em còn dở hội chùa
Cho nên em phải sang trưa thế này

Sau đôi câu hát trao duyên tình tứ họ đeo trống cho đào. Rồi từng cặp, từng cặp, nữ đeo trống trước bụng, nam cầm dùi gõ vào mặt trống, họ vừa đi vừa cất tiếng hát trao duyên trong nhịp trống rộn ràng. Cuộc đón tiếp nồng thắm ấy cứ dùng dắng từ sáng sớm cho đến quá trưa họ mới về tới đình làng. Tối đến phường Xoan bước vào canh hát thờ.

Để trả công cho phường Xoan, ông thủ từ đặt hai cái nong ở góc sân dình, một nong bỏ thóc và một nong bỏ ngô. Tùy lòng hảo tâm, dân các giáp đến hội gánh theo ngô hoặc thóc đổ vào nong. Tan hội, phường Xoan ra về, các trai làng gánh thóc, ngô tiễn phường Xoan ra tới bến đò ngang.

Suốt trường kì lịch sử phát triển và tồn tại, nghệ thuật Hát Xoan đã được các thế hệ nghệ nhân tiếp nối nhau sáng tạo và hoàn thiện một hệ thống nhạc mục hát múa phong phú và một hình thức biểu diễn nghệ thuật vừa nghiêm khắc vừa cởi mở trong thể thức hát quả cách và hát trao duyên. Nhờ vào trình thức nghệ thuật độc đáo này mà Hát Xoan đã được cộng đồng đón nhận và biến thành định lệ trong nghi thức hát thờ thần trên khắp các đình làng ở Phú Thọ.

Khởi đầu một cuộc hát, phường Xoan phải sửa mâm lễ dâng lên miếu, hát 

chào vua và mời vua tối về đình xem dân làng hát múa. Khi các thủ tục dâng lễ hoàn tất, đoàn kiệu bát cống do 8 trai làng trẻ trung, chưa vợ, nhà không tang chế, cùng với đầy đủ nghi trượng, cờ quạt, trống chiêng khởi kiệu rước vua từ miếu về đình. Khi rước, phải có 4 đào Xoan trẻ tuổi, chưa chồng, đi dưới gầm kiệu hát điệu Phụ Giá. Lời ca có câu:

Tám người trai kiệu bước vào,
Tay lót khăn đào rước lấy vua lên.
Vua lên thánh đức trị vì,
Vua về nghe hát, mừng làng sống lâu.

Kiệu rước vua về tới đình, dân làng hoàn tất các thủ tục hành lễ. Tối đến các phường Xoan trở lại đình hát múa thờ vua theo đúng lệ làng.

Chặng hát đầu tiên là hát Nghênh thần. Ở chặng này đào, kép Xoan trình diễn 5 điệu hát múa là: Múa mời vua, hát Giáo Trống, Giáo Pháo, Thơ Nhang, Đóng Đám.

Mời vua là điệu múa đón vua về ngự ở nội điện của đình. Khởi đầu chiêng trống đổ những hồi dài, các đào chia nhau đứng thành hai hàng dọc từ nhang án ra tới cửa đỉnh, hai tay đưa lên ngang vai vẫy đều như mây bay để rước vua vào nội điện.

Giáo Trống và Giáo Pháo là 2 điệu hát múa trình diễn thành một liên khúc. Khi diễn, ngoài bốn cô đào Xoan hát cùng ông Trùm phường còn có 2 kép con (12,13 tuổi) tay cầm cặp sênh vừa gõ vừa múa theo nhịp điệu của lời ca. Nội dung của bài Giáo Trống là ca ngợi chiếc trống cơm. Trống có 2 âm, âm trầm là "Tầm", âm cao là "Vông". Muốn có hai âm Tầm và Vông phải có cơm để bưng mặt trống. Vì vậy, trống cơm và tiếng trống cơm do phường Xoan vỗ vang lên trong tiệc đình, là lời cầu mong cho trăm họ no đủ, an hòa. Lời ca có đoạn:

Trống này be bé màm vẽ rồng vàng

Đôi tay tôi nâng cả đám làng
Trống tôi vỗ bên Vông thờ vua thờ chúa
Trống tôi vỗ bên Tầm thờ đức Đại vương

Sau Giáo Trống - Giáo Pháo là điệu Thơ Nhang. Thơ Nhang là bài hát dâng hương lên ban thờ vua Đại vương, cầu xin vua giáng phúc cho dân làng. Khi trình diễn, các đào Xoan, tay cầm những nén nhang thơm vừa hát vừa múa. Lời bài Thơ Nhang có câu:

Cầu vua lên ngự ngai vàng
Vua về nghe hát mừng làng sống lâu

Hát dứt câu, họ cắm những nén nhang lên ban thờ vua rồi chuyển qua hát Đóng Đám. Đóng Đám là điệu hát thể hiện vai trò của các cô đào Xoan trong đêm hội đình và cũng là điệu hát cuối cùng của chặng hát Nghênh thần. Lời hát Đóng đám có câu:

Chúng tôi là con múa trên giời,
Thấy đám chạ câu lăn xuống múa chơi.

Chặng hát thứ hai là chặng hát Quả cách. Hát Quả cách là chặng hát thưởng thức nghệ thuật thơ nhạc của các quan viên trong tiệc đình. Thuật ngữ quả cách gồm hai từ quả và cách. Quả là điệu hát, cách là cách thức trình diễn điệu hát. Tất cả có 14 quả cách, nhưng trong tiệc đình, đào kép chỉ trình diễn 12 quả cách là: Nhàn ngâm cách, Tràng mai cách, Ngư tiều canh mục cách, Đối dẫy cách, Hồi liên cách, Xoan thời cách, Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời cách, Tứ mùa cách, Thuyền chèo cách, Tứ dân cách. Còn 2 quả cách: Chơi dâu cách và Kiều Giang cách là những quả chỉ được hát trong lễ kị của phường Xoan.

14 Quả cách có thể xếp thành bốn nhóm nội dung:

- Nhóm thứ nhất là những quả cách kể về các nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại đó là Kiều Giang cách, Hồi Liên cách và Chơi dâu cách.

- Nhóm thứ hai là những quả cách hát chúc các bậc thánh thần, tiên đế, 

được dân chúng tôn vinh là những người đã đem lại hạnh phúc, thịnh vượng cho dân làng. Đó là các Quả cách Nhàn ngâm cách, Tràng mai cách, Thuyền chèo cách và Đối dẫy cách.

- Nhóm thứ ba là những Quả cách thể hiện những cảm xúc của con người trước bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Đó là Xoan thời cách, Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời cách và Tứ mùa cách.

- Nhóm thứ tư là những quả cách kể về 4 lớp người trong xã hội nông thôn thời phong kiến: Sỹ (người có chữ nghĩa), Nông (người làm ruộng, chăn tằm, đánh cá v.v.), Công (người làm nghề đóng thuyền, làm mộc, rèn đúc), Thương (người làm nghề buôn bán). Đó là các quả cách Ngư-tiều-canh-mục cách và Tứ dân cách.

Khi trình diễn các quả cách, ông Trùm phường đứng thẳng thắn bên cột đình trước nhang án, tay cầm quyển sách chép những bài ca Xoan bằng chữ Hán Nôm, mắt nhìn vào sách, miệng ca. Các cô đào Xoan đứng đối diện nhang án vừa múa vừa hát đối giọng với ông trùm phường.

Chặng thứ ba Đi chơi bợm gái. Đây là chặng hát trao duyên giữa đào Xoan với các trai làng sở tại. Người ta lấy bài Đi chơi bợm gái đặt tên cho chặng hát này. Chặng hát gồm 11 bài: Đi chơi bợm gái, Đường đi trên suois dưới khe, Trèo lên cây bưởi hái hoa, Hát đúm, Bỏ bộ, Xin huê, Đố huê, Đố chữ, Hát mời rượu, Cái huê, Mó cá.

Đi chơi bợm gái, Trèo lên cây bưởi hái hoa, Đường đi trên suối dưới khe là liên khúc hát múa có tiết tấu nhanh, hoạt bát, được sáu đào Xoan và sáu trai làng trình diễn. Đi chơi bợm gái diễn ra đã làm không khí trang nghiêm của đêm hành lễ thành không khí hội hè, vui vẻ.

Hát đúm, là trò chơi trao duyên giữa đào Xoan với các quan viên và trai làng sở tại. Để thực hiện trò chơi, quan viên và trai làng phải chuẩn bị đôi ba vuông vải điều để gói trầu cau, tiền chinh hoặc gương, lược, gọi là gói đúm. Khi chơi, cô đào Xoan cầm cánh đúm vừa quay đúm vừa hát. Đúm 

ném trúng ai người đó phải mở gói đúm rồi cho vào đó tiền chinh, gương, lược hoặc những tặng phẩm khác rồi gói lại, vận lời hát đối, rồi ném lại đúm cho đào. Cuộc chơi cứ thế đẩy đưa bằng những câu hát trao duyên tình tứ pha chút chòng ghẹo, nghịch ngợm. Cũng có khi đúm rơi vào các vị "mũ cao áo dài" trong làng trong tổng, tiền nhiều nhưng lại không biết hát, đành phải gói tiền vào đúm rồi nhờ trai làng hát giùm. Những lần ấy, dân chúng trong lòng đình được trận cười sảng khoái.

Bỏ bộ là điệu hát múa minh họa muôn mặt đời sống sinh hoạt của người nông dân nông thôn Việt Nam từ xẻ ván, trồng cấy, se chỉ, vá may, thêu thùa đến chợ búa. Gọi là Bỏ bộ bới lời hát đến đâu, động tác múa minh họa đến đó. Khi múa Bỏ bộ, đào Xoan không dùng đạo cụ, chủ yếu dùng đôi bàn tay múa kết hợp với các thế đứng, cúi, quỳ để mô phỏng những động tác lao động thường ngày như xẻ ván, thêu thùa v.v...

Xin huê - Đố huê - Đố chữ là ba điệu hát, được hát liền nhau thành một liên khúc. Nếu Xin huế - Đố huê là những câu đố lắt léo của các chàng trai vận ra để chòng ghẹo, để thử tài ứng đối của các cô đào Xoan như:

Trai làng: Anh xin nàng chút huê trong yếm, sao nàng ?
Đào Xoan: Huê trong yếm anh thuận huê gì ?
Trai làng: Huê trong yếm anh thuận huê hương.
Đào Xoan: Huê hương mùa này chưa nở
Để một mai nó nở em lại bẻ cho chàng
Để chàng thêm yêu, để chàng thêm nhớ
Để huê nụ héo, huê hời huê hỡi là huê

Thì đố chữ lại là bài giảng về các từ Hán Nôm. Những từ đem ra đố là những từ thường gặp trong đời sống nông thôn Việt Nam thời Nho học phát triển. Mục đích của hát đố chữ nhằm khích lệ tinh thần hiếu học của con cháu trong làng xã. Lời ca có đoạn:

Trai làng: Anh đố em biết chữ gì trên trời rơi xuống,
Anh đố em biết chữ gì làm ruộng nuôi ta,

Anh đố em biết chữ gì nên việc cửa việc nhà,
Anh đố em biết chữ gì thấy người qua mà chẳng chào ?
Đáo Xoan: Anh đã đố thời anh phải giảng,
Qua hòa em chẳng biết thời anh giảng có dân nghe.
Trai làng: Vũ là mưa trên trời rơi xuống,
Ngưu là trâu làm ruộng nuôi ta,
Thê là vợ nên việc cửa việc nhà
Nộ là giận thấy người qua là chẳng chào.

Hát mời rượu là điệu múa mời các bậc trưởng thượng trong làng tới dự đêm tiệc đình uống chén rượu đầu xuân. Theo quan niệm của người xưa: chén rượu do đào Xoan dâng lên trong đêm tiệc đình là chén rượu trường sinh, uống vào sẽ sống lâu muôn tuổi. Do vậy, khi đào nương dâng rượu là dâng cả niềm hạnh phúc tới dân làng. Khi hát mời rượu, các đào Xoan tay cầm nậm, tay cầm chén vừa múa vừa rót rượu. Cái khó nhất mà họ phải thực hiện đó là không được đánh đổ rượu khi múa các động tác múa khó như uốn cổ tay và cánh tay thành một đường vòng tròn.

Cài huê và Mó các được trình diễn thành một liên khúc. Đây là hai điệu hát múa được trai làng chờ đợi nhất trong đêm hát Xoan. Khi trình diễn hai điệu hát này họ được tự do vận những lời hát yêu đào Xoan; múa những động tác có tính "đàn ông" nhất như "mò", "mó", "bắt", "sờ", "đè", "chụp" rồi tìm cơ hội đụng chạm các cô đào Xoan. Cả hai điệu Cài huê và Mó cá cùng có mô hình vị trí giống nhau. Nếu cánh huê là các đào Xoan nắm tay nhau tạo thành 5 cánh hoa vây các chàng trai đứng giữa là nhụy hoa, thì trong Mó cá các đào Xoan tay cầm tay đứng thành vòng trong làm lưới vây các trai làng làm cá đứng giữa. Khi trình diễn Cài huê, các cánh hoa khi khép vào như ôm lấy nhụy hoa, khi nở ra để nhụy hoa vụt đứng thẳng lên rồi các cánh hoa lại từ từ khép lại - rất "mời gọi bướm ong". Khi trình điễn điệu Mó cá, các cô đào tay vỗ, miệng hát "là vông vông tập, vông tập tầm vông". Tiếng hát giả tiếng trống cơm là lời thách thức các chàng trai trổ tài phá lưới. Các chàng trai chân đạp, tay mò, miệng hát:

Đánh liếc hay là đánh le 
Gọng dậm anh cứng anh đè riệc rô.

Dứt câu hát, họ nhảy ra ôm đào. Các cô đào nhanh chân né tránh. Phút chốc đào biến thành cá, trai làng biến thành người đánh cá. Tức cá biến thành người, còn lưới biến thành cá. Cái logique khô cứng cá phải là cá, lưới phải là lưới bị phá vỡ. Câu hát thách tức của các cô lưới lại cất lên "là vông vông tập, vông tập tầm vông". Các chàng trai lại chân dậm, tay múa, lại xông lên để "mó" để "sờ" các cô "lưới". Điệu hát múa cứ diễn ra càng lúc càng sôi nổi. Sôi nổi nhất là khi đào kép không còn đủ hơi để hát, dân làng cất tiếp hát "mấp" (tứ hát thế) vang khắp lòng đình để đào và trai làng tiếp tục múa.

Là vông vông tầm vông tập tầm vông
Chúng ta đánh cá bóng giăng
Cá thời chẳng được thung thăng anh bắt đào
Là vông vông tầm vông tập tầm vông

Kết thúc điệu hát múa là bắt được cá dâng lên thờ thần. Tùy theo tục lệ của từng đình làng, mà những người trình diễn Mó cá, bắt dâng lên thần cá là nam hay cá là nữ.

Mó cá là điệu hát múa kiểu vòng tròn hướng tâm cổ nhất của người Việt còn lại cho tới bây giờ. Nó không chỉ có giá trị là loại hình nghệ hát múa tập thể mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa của người Việt trên vùng đất Văn Lang thời xã xưa.

Mó ca là điệu hát múa kết thúc chặng hát trao duyên và cũng kết thúc đêm Hát Xoan thờ thần.

Nhạc Hát Xoan hầu hết được cấu tạo chủ yếu trên những thang 3 âm, 4 âm. Giai điệu mộc mạc, tiết tấu đơn giản. Giọng hát gần gũi giọng nói. 

Nhạc cụ chỉ dùng một chiếc trống nhỏ hai mặt bịt da và đôi ba cặp phách tre. Có thể ví âm nhạc Hát Xoan giống như những đường vẽ kỉ hà trong các đồ gốm cổ.

Với những dẫn giải trên đây, chúng tôi đã phần nào chứng minh những giá trị lịch sử, văn hóa, cũng như tầm quan trọng và giá trị nghệ thuật của Hát Xoan trong đời sống của cư dân Phú Thọ thưở xưa. Nhưng vì sao phường Xoan và Hát Xoan trước đây không vượt khỏi không gian của 4 làng Xoan: Phù Đức, Thét, Kim Đới (xã Kim Đức) và An Thái (xã Phượng Lâu) để tạo ra nhiều phường Xoan khắp Phú Thọ. Đây là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Để thỏa mãn vấn đề này cần có thời gian nghiên cứu sâu và kĩ lưỡng hơn. Bước đầu tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có thể do bốn nguyên nhân:
- Thứ nhất, Hát Xoan là sản phẩm nghệ thuật do vua Hùng truyền dạy riêng cho dân vùng Kim Đức và Phượng Lâu ngày nay. Do vậy nó được người xưa coi là nghệ thuật thiêng không thể nhân rộng ra khắp nơi.

- Thứ hai, Hát Xoan không phải là nghệ thuật để sinh nhai, mà là nghệ thuật của trách nhiệm, và nghệ thuật tâm linh của con dân các làng Xoan. Trách nhiệm vì Hát Xoan là sản phẩm của vua trao truyền cần phải giữ gìn. Tâm linh bời Hát Xoan là hát để vua nghe, hát để vua giáng phúc cho dân làng.

- Thứ ba, những người trình diễn nghệ thuật Hát Xoan lại phải tham gia vào một tổ chức nghệ thuật gọi là phường Xoan. Đứng đầu phường Xoan là ông Trùm phường. Ông Trùm là người dạy nghệ thuật hát múa, và cung cách trình diễn cho tất cả đào kép trong phường. Ông Trùm cũng là người quyết định lịch trình diễn Xoan hằng năm ở các làng. Ngoài ông Trùm không ai có quyền thay thế điều hành và quyết định công việc của phường Xoan.

- Thứ tư, tục kết nước nghĩa cũng là nguyên nhân để Hát Xoan được tôn trọng, và được giữ vững trong 4 làng Xoan. Bởi các làng kết nước nghĩa cũng coi Xoan là sản phẩm nghệ thuật do vua Hùng truyền dạy riêng cho dân bốn làng, sản phẩm nghệ thuật ấy cần phải được tôn trọng.

Tuy Hát Xoan là loại hình nghệ thuật biểu diễn được người dân coi là quà tặng nghệ thuật của vua Hùng dành cho 4 làng Phù Đức, Thét, Kim Đới và An Thái, nhưng trong quá trình lịch sử nó đã được tất cả các làng ở Phú Thọ tiếp nhận và coi nó là loại hình nghệ thuật không thể thiếu vắng trong đời sống xã hội nông thôn suốt trường kì lịch sử. Được thành tựu như vậy, bởi Hát Xoan đã có một biểu mục nghệ thuật và trình thức biểu diễn nghệ thuật làm thỏa mãn mục đích cầu mong hạnh phúc an hòa trong mỗi mùa hội đình và cũng thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân bốn phương đổ về trẩy hội. Tính giải trí là thỏa mãn ước nguyện sinh sôi đã được thực hiện rất hoàn hảo ở chặng hát Đi chơi bợm gái. Chặng hát có sự tham gia hát múa của toàn cộng đồng Xoan với phường Xoan.

Hát Xoan thực sự là loại hình nghệ thuật có giá trị văn hóa cao. Nó đang được các phường Xoan 4 làng Phù Đức, Thét, Kim Đới và An Thái ngày nay truyền nhau giữ gìn và phát huy một cách tự nguyện như cha ông họ đã làm trong lịch sử.

Ngày 24 tháng 11 năm 2011, tại Bali (Indonesia) UNESCO chính thức công bố đã ghi danh Hát Xoan của Việt Nam vào Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Sự ghi danh của UNESCO là sự "đánh giá" đầy đủ nhất về giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của hình thức di sản này.

Vấn đề còn lại, chúng ta sẽ duy trì và phát huy như thế nào để Hát Xoan phát huy hết giá trị của nó trong đời sống xã hội hôm nay ? Câu hỏi xin dành cho các nhà quản lí văn hóa ở Việt Nam

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...