Kẹp Hạt Dẻ, vở ba-lê của mùa Giáng Sinh
Tháng 12, tháng của lễ Giáng Sinh, là lúc khắp các nhà hát trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, chìm đắm trong những giai điệu quen thuộc của vở ba-lê Kẹp Hạt Dẻ (The Nutcracker) của Tchaikovsky. Vậy điều gì đã khiến Kẹp Hạt Dẻ trở thành một phần không thể thiếu trong dịp lễ hội quan trọng này?
Nghệ sỹ Lauren Lovette biểu diễn Dance of the Sugar Plum Fairy trong phiên bản
do George Balanchine biên đạo múa cho Đoàn ba-lê thành phố New York.
Kẹp Hạt Dẻ được công diễn lần đầu tiên vào ngày 18/12/1892 tại nhà hát Mariinsky ở St. Petersburg, Nga, với phần nhạc do Peter Ilyich Tchaikovsky soạn và biên đạo múa là Marius Petipa cùng Lev Ivanov. Vở ba-lê dựa vào cốt truyện “Kẹp Hạt Dẻ và vua chuột” của tác giả Đức E.T.A Hoffmann. Phiên bản câu chuyện được sử dụng trong vở ba-lê là của nhà văn Pháp Alexandre Dumas.
“Kẹp Hạt Dẻ” không gây được tiếng vang lớn ngay tức thì. Khán giả không quá nhiệt tình hưởng ứng, còn bản thân Tchaikovsky cũng tự đánh giá phần âm nhạc do mình soạn không thể sánh với vở ba-lê “Người đẹp ngủ trong rừng” (Sleeping Beauty) hay “Hồ thiên nga” (Swan Lake) trước đó. Tchaikovsky không lường được và tiếc là cũng không sống đủ lâu để chứng kiến thành công vang dội sau này của “Kẹp Hạt Dẻ” - ông mất năm 1893, chưa đầy một năm sau buổi công diễn ra mắt.
Mặc dù được biểu diễn khắp nước Nga và châu Âu nhưng phải đến khi bắt đầu ra mắt ở nước Mỹ từ năm 1944, đặc biệt là sau buổi diễn của Đoàn ba-lê thành phố New York năm 1954 do George Balanchine làm biên đạo thì vở ba-lê mới thực sự thu được tiếng tăm và dần giữ ngôi vị độc tôn là vở ba-lê được biểu diễn nhiều nhất vào dịp Giáng Sinh. Từ sau đó, năm nào Đoàn ba-lê thành phố New York cũng trình diễn “Kẹp Hạt Dẻ”. Hoạt động này dần trở thành truyền thống của các đoàn ba-lê khác trên khắp nước Mỹ. Với nhiều đoàn ba-lê, “Kẹp Hạt Dẻ” đem lại khoảng 40% lợi nhuận hằng năm. Nhiều thành phố lớn còn cho công diễn vài phiên bản khác nhau của vở ba-lê cùng một lúc.
Tuy vô số phiên bản khác nhau của “Kẹp Hạt Dẻ” đã được dựng, từ những phiên bản truyền thống, hóm hỉnh cho đến những phiên bản hiện đại, hơi nhuốm màu sắc đen tối, nhưng cốt truyện phổ biến nhất của “Kẹp Hạt Dẻ” vẫn bám sát câu chuyện đầy tính cổ tích của Hoffmann.
Vở ba-lê gồm hai màn, có bối cảnh ở Tây Âu thế kỷ 19. Trong một bữa tiệc đêm Giáng Sinh rộn ràng tại một gia đình Đức thượng lưu, lũ trẻ, trong đó có cô con gái của chủ nhà là Clara, đang mê mẩn với những món đồ chơi được người cha đỡ đầu mang tặng. Clara thích thú với chiếc Kẹp Hạt Dẻ hình chú lính mà mình được nhận, nhưng không may chiếc kẹp lại bị cậu em làm gãy trong khi chơi.
Tối đó, khi khách khứa ra về và mọi người đã ngủ, Clara tỉnh dậy để kiểm tra chiếc Kẹp Hạt Dẻ bị gãy của mình. Đúng lúc đó đồng hồ điểm 12 giờ, báo hiệu bắt đầu cuộc phiêu lưu vào thế giới thần tiên trong trí tưởng tượng của Clara: cây thông Noel bất ngờ lớn dần lên mãi; các búp bê, đồ chơi lớn lên thành kích thước người thật và bắt đầu nhảy múa; căn phòng bỗng bị xâm chiếm bởi một đội quân chuột hò hét và tấn công những món đồ chơi; Kẹp Hạt Dẻ của Clara cũng hóa thành một chú lính và chiến đấu chống lại lũ chuột. Với sự giúp đỡ của Clara, Kẹp Hạt Dẻ chiến thắng đội quân chuột và, đúng theo mô-típ chuyện cổ tích, hóa thân thành một hoàng tử, dẫn Clara tiến về rừng thông để bắt đầu chuyến du ngoạn đến vùng đất thần tiên trong một khúc nhảy múa của các bông tuyết.
Màn Hai mở ra tại Vùng đất Kẹo ngọt (Land of Sweets). Tại đây, Clara được Nàng Tiên Kẹo Viên đón tiếp với những màn múa tượng trưng cho các sản vật trên thế giới trong một bữa tiệc Giáng Sinh thịnh soạn: vũ điệu sô-cô-la Tây Ban Nha, vũ điệu cà phê Ả Rập, vũ điệu trà Trung Quốc, và vũ điệu kẹo cây gậy Nga, mỗi vũ điệu đều mang những âm hưởng mới lạ, đặc trưng của từng vùng đất. Đặc biệt, trong màn này, Nàng Tiên Kẹo Viên trình diễn một điệu múa đã trở thành kinh điển trong kho vũ đạo của ba-lê (Dance of the Sugar Plum Fairy). Tuy vai Nàng Tiên Kẹo Viên có thời lượng biểu diễn trên sân khấu ít hơn hẳn những vai múa chính trong các vở khác, nhưng điệu múa và âm nhạc của nó lại trở thành một trong những màn ba-lê quen thuộc nhất đối với khán giả.
Giai điệu The Dance of the Sugar Plum Fairy nổi tiếng chủ yếu bởi trong khúc nhạc này, Tchaikovsky đã giới thiệu cho thính giả một nhạc cụ trước đó chưa từng xuất hiện ở Nga, đó là cây đàn celesta mà ông được tiếp xúc ở Paris. Cây đàn có hình dáng và cấu trúc tương tự đàn piano, nhưng âm thanh của nó trong trẻo và lanh lảnh như tiếng chuông pha lê. Tiếng đàn leng keng tạo ra một không khí thần diệu, đặc biệt phù hợp với điệu nhảy của Nàng Tiên Kẹo Viên. Đây cũng là lần đầu tiên đàn celesta được sử dụng chính trong một tác phẩm lớn, và từ đó, cây đàn luôn luôn được gắn với khúc nhạc này.
Có thể nói, “Kẹp Hạt Dẻ” là một vở ba-lê dành cho trẻ em đúng nghĩa: nhân vật chính là một cô bé, cốt truyện kể về thế giới thần tiên trong trí tưởng tượng của trẻ em, rất nhiều vai diễn trong vở dành cho những nghệ sĩ ba-lê “nhí”. Có một chân trong vở ba-lê này là mơ ước của rất nhiều cô bé, cậu bé muốn theo đuổi sự nghiệp ba-lê. Nhưng cốt truyện và những yếu tố thần tiên không làm giảm sức hút của vở ba-lê với những khán giả trưởng thành. Âm nhạc và vũ đạo của nó thực sự chinh phục được cả những người hâm mộ ba-lê kì cựu. Hơn nữa, câu chuyện về cuộc phiêu lưu đến vùng đất thần tiên sung túc, tràn đầy kẹo ngọt có lẽ rất đồng điệu với tâm lý mong ước cuộc sống ấm no đầy đủ - một mong ước cơ bản và giản đơn nhất của bất kể người lớn hay trẻ em vào dịp lễ Giáng Sinh và năm mới.
Nghe trích đoạn The Dance of the Sugar Plum Fairy
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)