Kép đàn ca trù Nguyễn Phú Đẹ
Cách đây vài năm tôi có dịp về Hải Dương và ghé thăm kép đàn Ca trù nổi tiếng Nguyễn Phú Đẹ.
(Nguyễn Phú Đẹ sinh năm 1923, là con cháu dòng tộc họ Nguyễn, chi Nguyễn Phú - một dòng tộc Ca trù nhiều đời của Giáo phường Ca trù tổng Ngọc Lâm (nay là thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kì, tỉnh Hải Dương). Ông nội ông là Trưởng Ty Giáo phường tổng Ngọc Lâm, sau đến bố ông, kép đàn Nguyễn Phú Quỳnh kế tục chức vụ này. Mẹ ông là đào nương có tiếng trong vùng, từng được lai kinh chúc hỗ (tức được vào hát trong cung đình nhà Nguyễn).
Nguyễn Phú Đẹ hiểu biết sâu rộng về nghệ thuật Ca trù, có ngón đàn đáy "tuyệt chiêu", ông hiểu và chơi thấu đáo các ngón nhấn nhá đặc trưng của đàn đáy. Tiếng đàn của ông cất lên từ câu dạo, đến các khổ đàn thực sự là tiếng tơ lòng của người nghệ sĩ một đời theo nghiệp cầm ca. Người nghệ sĩ tài ba ấy, có một thời rất dài sống ẩn nơi quê nghèo, âm thầm gảy đàn tự ru lòng mình. Ông không còn được sống kiếp nghệ sĩ giang hồ đàn hát nơi cửa đình, ca quán để được vui cùng tao nhân mặc khách.
Thấm thoắt đã hơn 40 năm trôi qua, dịp may đã đến với ông. Năm 1998, tại quê hương ông, chính quyền địa phương đã tổ chức CLB Ca trù. Thế là ông lại có dịp nhập cuộc để đàn hát, có dịp trình làng những ngón nghề của mình.
Năm 2005, một Liên hoan Ca trù toàn quốc đã được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, kinh phí do Quỹ Ford tài trợ. Lần ấy tiếng đàn đáy của ông đã làm cho khán giả thủ đô, nghệ sĩ ca trù thủ đô tán thưởng và phục tài. Sau liên hoan, danh tiếng của ông ngày càng lừng lẫy trong giới Ca trù, nhiều nghệ si, nhiều người yêu Ca trù, nhiều nhà nghiên cứu Ca trù đã tìm đến ông để học, để tìm hiểu Ca trù mà ông là nhân chứng sống động nhất của quá khứ còn hiện diện.
Ông đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân gian", được nhà nước Việt Nam phong danh hiện "Nghệ Nhân Dân Gian Ưu Tú").
Thấy cụ già đi nhiều, yếu đi nhiều. Ngồi trò chuyện với cụ và nghe cụ tâm sự. Cụ vẫn hóm hỉnh, tinh anh, thỉnh thoảng pha vào câu chuyện, những từ ngữ đượm "vị" tiếu lâm. Tôi thấy kính trọng và cảm mến cụ vô cùng.
Câu chuyện năm ấy với cụ tưởng đã cũ, nhưng nay ngồi nghe lại băng ghi âm, vẫn thấy mới, vẫn thấy đúng thực trạng "đánh trống bỏ dùi" trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận và cả những di sản văn hóa phi vật thể khác cấp quốc gia công nhận.
Tôi chép những lời tâm sự của cụ từ băng thu thanh năm ấy, xin gửi quý bạn bè cùng đọc:
"Tôi năm nay gần 90 tuổi rồi, cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm, tôi phải ở với con gái đấy, ăn nhờ con gái thôi. Nhà nước cứ bảo quan tâm, nhưng đến nay cũng chẳng được cái gì.
Mấy năm nay tôi tham gia chỗ cái Vân với cái Huệ, hai cái câu lạc bộ ấy tôi hay ở đấy. Năm nay đi dạy ít. Mỗi năm ngoái đi dạy sô vì cái sắp có kì thi ở Hải Dương cho nên là học đông, đi dạy nhiều. Sau kì thi chẳng ai học hành gì nữa. Họ được nhiều huy chương vàng quá thì họ thôi. Năm 2005 đi thi toàn quốc được mấy triệu thôi. Nghệ nhân dân gian chẳng được đồng nào.
Từ năm 2005 đến nay tôi dạy được 30 người tất cả vừa đàn vừa hát. Họ ở Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội. Hải Dương tôi dạy 10 người học đàn, lớp học kéo dài 20 ngày. Ở Hải Dương tôi dạy kể cả ăn là 200 nghìn đồng một ngày. Tôi dạy ở Thái Bình 3 ngày là 2 triệu, kết quả cũng được vài người. Tôi dạy 30 người nhưng xem chừng có 2 người giỏi thôi. Được anh Hoằng ở Thanh Xuân, Hà Nội và anh Sắc ở Hải Dương. Hoằng nó học đủ, tôi trao cho nó đủ cả rồi. Tôi cũng mừng vì tôi đã giao được một học trò giữ nghề của tôi. Anh Sắc ở Hải Dương và anh Hoằng ở Hà Nội giữ được tiếng đàn của tôi như hệt.
Để giữ được Ca trù tôi đề nghị trên quan tâm hỗ trợ một số: Một là cho thày dạy miếng cơm ăn . Hai là học trò nó có bát cháo húp hằng ngày nó mới học được chứ nó đến nó uống nước lã nó học thì nó không học. Nó đi làm thuê một ngày nó được 10 nghìn, nửa ngày được 5 nghìn.
Liên hoan Ca trù ở Hà Nội thì làm được, còn ở Hải Dương thì hơi trái khoáy. Tôi thì tôi cũng không cần thiết phải huy chương nữa vì tôi có một cái của nhà nước là đầy đủ rồi. Nhưng hôm ấy các kép đàn không được nói một câu gì, không được lấy một cái mảnh giấy khen, thế thì người ta còn thiết gì học nữa. Muốn hay thì phải động viên, động viên cả đàn lẫn hát. Hôm ấy động viên hát thì quá đáng. Hát chưa thành câu hát mà lấy cái huy chương vàng, không xứng đáng một tí nào, tôi phản đối cái chỗ ấy. Hôm ấy tôi nhận xét thì chỉ có 2 người đáng được huy chương vàng, có cháu ở Hải Dương và học trò cô Vân. Còn chưa ai đáng cầm nổi cái huy chương vàng. Bây giờ nó bảo nó có huy chương vàng nó cần chó gì học nữa.
Theo tôi sinh hoạt Ca trù không cần thường xuyên, chỉ cần tháng một kì hay ba tháng một kì cũng được. Sinh hoạt nó có nơi này nơi khác nó vui thì nó mới nâng cao được cái tay nghề lên. Vì nó vào cái chỗ này nó đua chen nhau. Anh đàn kém tôi thì anh phải học nữa, anh đàn hay rồi thì anh đàn hay nữa lên. Hát thì phải đủ các lối, hát chơi bời thế nào, hát cửa đình ra sao, có những lúc nào hát được cửa đình. Nói đến các cụ già cũng chưa biết được, tôi không phải tự hào, nhưng bây giờ chỉ có duy nhất tôi nhớ được lề lối hát cửa đình. Có mười ông nữa biết đàn đó, hỏi cái cửa đình nó thế nào cũng chẳng biết.
Trước đây bố tôi ăn trùm hai cái tổng này nên hát cửa đình như thế nào thì tôi nhớ hết cả từ câu hát tới ngón đàn. Tôi sức khỏe còn thì vẫn phục vụ được. Nên nững người đã học năm ngoái thì năm nay tiếp tục học. Nhưng mà có cái hát thì Hải Dương hát chưa ăn thua gì, mới được có mấy câu thôi, còn thì bài chưa biết, Cung Bắc chưa biết, Hãm hung chưa biết tì gì. Tỳ Bà, Cung Bắc, Thét Nhạc, Ngâm Vọng chẳng biết cái gì hết, mới được mỗi cái câu hát Mưỡu, hát Nói "Hồng Hồng - Tuyết Tuyết". "Hồng Hồng - Tuyết Tuyết" bây giờ vạn người hát. Bây giờ nó phải hát những bài khác, nó phải có văn nó mới hay. Phải hát những bài dôi khổ, mưỡu hậu đấy mới hay. Bà Chúc bà ấy hát mới là hay. Còn giở đi "Hồng Hồng - Tuyết Tuyết", giở lại "Hồng Hồng - Tuyết Tuyết" nó chán quá. Một cuộc thi đưa ra nay toàn hát Tỳ Bà tôi đố ai dám thi. Đã ai hát nổi câu Tỳ Bà chưa mà dám vào thi. Hay kì này thi bảo mỗi người hát một bài Thét Nhạc, không ai dám vào thi đâu. Thế nên phải dạy, phải tổ chức dạy thì người ta mới biết mà hát, hát hay thì mới tổ chức thi.
Đề nghị với trên, làm thế nào hỗ trợ một số thì mới có thể giữ được cái Ca trù, không thì một ngày một lùi đi. Nếu tôi mà chết đi cũng hiếm có người như tôi mà dạy. Tôi dạy được cả hát, dạy được cả đàn, trống biết, phách biết, không có cái gì là không biết. Biết đủ như thế thì mới nên đi dạy. Mình mới học được vài ngón đàn đi dạy thì chết à ? Là vùi người ta xuống đất đen à ?".
Nghe cụ Phú Đẹ hát Giai