Kèn trống huyên náo
Trong ký sự “Chợ Lớn, phố Tàu”, nhà văn Roland Dorgeles, người Pháp mô tả về âm nhạc người Hoa như sau: “Giọng the thé của đám con hát rống lên, tiếng sáo thổi, tiếng vĩ cầm kèn kẹt, tất cả hòa vào cảnh hỗn độn khủng khiếp và hình thành lễ hội ma quái những tiếng rít và âm thanh chát chúa, bao trùm lên đó là tiếng trống to như sấm động và tiếng chũm chọe xủng xẻng”[1].
Qua đây chứng tỏ Roland Dorgeles đã “shock” biết chừng nào khi tiếp xúc âm nhạc người Hoa. Nếu bóc tách từng thành tố trong đoạn dẫn trên, “giọng the thé” chính là cách hát giả thanh truyền thống của người Hoa, tiếng sáo, tiếng vĩ cầm nhằm chỉ đàn hồ hoặc violon sau khi gia nhập sân khấu Việt kịch của người Quảng Đông, khớp với thời điểm loại hình nghệ thuật này bắt đầu thể nghiệm với nhạc cụ phương Tây. Tiếng trống, tiếng chũm chẹo, âm thanh chát chúa chính là tiếng mã la, âm thanh dàn phèng la diễu trường hoặc Ban võ trong âm nhạc Việt kịch, Quảng Đông, Quỳnh kịch Hải Nam hoặc Triều kịch Triều Châu…
Trước đó, Trịnh Hoài Đức trong cuốn “Gia Định thành thông chí” biên soạn cuối thế kỷ XIX từng viết: “Cách phía Nam trấn – Phiên An – mười hai dặm, đường hai bên tả hữu quan lộ, ấy là đường phố lớn thẳng suốt ba đường giáp đến bến sông, bề ngang một con đường giữa, và một con đường dọc theo sông… Đầu phía Bắc đường phố lớn có miếu Quan Thánh và ba hội quán Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu…, phía Tây đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía Tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía Nam đường phố lớn về phía Tây có Chương Châu hội quán. Gặp ngày tết, đêm trăng, tam nguyên, sóc vọng thì treo đèn đặt án, tranh đua kỹ xảo, trông như cây lửa, cầu sao, thành gấm vóc, như hội Quỳnh Dao, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu…”[2].
Cùng một chất liệu âm thanh, dưới ngòi bút của một người Minh Hương, Trịnh Hoài Đức đã sử dụng câu “Kèn trống huyên náo” thay cho thành ngữ “La cổ vang trời” nhằm phản ánh sự kiện. Rõ ràng, Trịnh Hoài Đức là một người thuộc nội xứ văn hóa, nên có hiểu biết nhất định về nghệ thuật truyền thống người Hoa. Bằng câu thành ngữ “Kèn trống huyên náo”, tương ứng với “La cổ huyên thiên” đã cho cái nhìn thấu thị về chủng loại hình nghệ thuật truyền thống người Hoa. Đó là nhạc Cổ xuy.
Loại hình âm nhạc kết hợp giữa nhạc cụ gõ và hơi phổ biến trong cộng đồng người Hoa thuộc loại hình âm nhạc Cổ xuy. Loại hình âm nhạc này xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Để dễ hình dung, chúng ta có thể liên hệ với dàn Đại nhạc, một tổ chức âm nhạc gần gũi, có nhiều nét tương đồng trong âm nhạc cung đình triều Nguyễn. “Cổ” có nghĩa là trống, nhằm chỉ nhạc cụ gõ nói chung, bao gồm chiêng và trống. “Xuy” có nghĩa là thổi, nhằm chỉ nhạc cụ hơi, xưa có Bài tiêu, địch, kèn (Hồ) già, sừng trâu, sau chuyển sang kèn sona. Trong đó, nhạc cụ hơi đảm trách giai điệu, nhạc cụ gõ đóng vai trò đệm. Trong các văn bản ghi chép về âm nhạc cung đình quen dùng từ “cổ súy” thay cho “cổ xuy”. Giữa tính chất âm nhạc và tên gọi đó có mối liên hệ với nhau, song, xuất phát từ thuật ngữ âm nhạc, chúng ta nên phân biệt giữa tính chất và biên chế dàn nhạc. Chữ “cổ súy” nhiều lúc bị hiểu là mang tính chất cổ động, khoa trương… nên dùng từ “cổ xuy” khách quan hơn.
Nhạc Cổ xuy có từ thời Tần – Hán. Nó bắt nguồn từ âm nhạc thiểu số vùng phía Bắc, phía Tây kết hợp với nhạc người Hán ở Trung Quốc. Ban đầu, nhạc Cổ xuy tập trung vào hai hình thức diễn xướng và diễn tấu. Có nghĩa là, nhạc Cổ xuy có thể hát với lời ca, bên cạnh bộ phận diễn tấu bằng nhạc khí. Trải qua thời kỳ nhà Đường, nhạc Cổ xuy không ngừng thăng tiến và xuất hiện từ sinh hoạt đời thường đến nghi lễ, tôn giáo, thậm chí ở cấp độ quốc gia. Vào thời kỳ nhà Đường, âm nhạc Cổ xuy đi từ dân gian vào cung đình thuộc phạm trù Yến nhạc, hiểu là âm nhạc giải trí cung đình. Trong các buổi tiệc tùng, người ta có thể sắp xếp nhạc Cổ xuy trình diễn sau Nhã nhạc và Ca vũ. Đến thời kỳ nhà Tống, nhạc Cổ xuy chủ yếu dùng trong quân đội và nghi thức triều đình. Khi nhà vua vi hành, nhạc Cổ xuy đóng vai trò dẫn dắt đoàn, một đội hình nghi thức nhằm mục đích phô trương thanh thế cũng như giới nghiêm. Tới thời kỳ Minh Thanh, tình hình giao lưu văn hóa giữa các tộc người trong nội địa Trung Hoa càng ngày càng gia tăng khiến cho nhiều nhạc khí tộc người thiểu số được sử dụng rộng rãi, trong đó có kèn sona. Trong tổ chức dàn nhạc Cổ xuy bắt đầu xuất hiện kèn sona, sau đó thay thế hoàn toàn các nhạc cụ hơi khác, như Bài tiêu, kèn (Hồ) già, địch, sừng trâu… Kèn sona có âm sắc vang, lảnh, âm thanh rất đặc trưng. Nhạc cụ này có liên quan tới kèn zuna Thổ Nhĩ Kỳ. Thời kỳ trung cổ, dàn nhạc kèn đồng Thổ Nhĩ Kỳ từng tung hoành khắp châu Âu, đến thời kỳ chủ nghĩa âm nhạc Cổ điển Viên (thế kỷ XVIII), âm hưởng của nó vẫn còn ám ảnh nhiều nhạc sĩ vĩ đại, như nhà soạn nhạc người Áo V. A. Morzart (1756 – 1791) có tác phẩm “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” nổi tiếng, nhạc sĩ L.V. Betthoven (1770 – 1827) người Đức cũng có bản “Marcia alla Turca”… Sự xuất hiện của kèn sona trong nhạc Cổ xuy là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa.
Sau khi người Hoa di cư tới Nam Bộ, loại hình âm nhạc trên được đem theo sớm nhất và trường tồn đến ngày nay. Tất nhiên, trong các tổ chức âm nhạc hiện tại, thuật ngữ Cổ xuy đã bị thay thế bằng “La cổ đội”, “Dàn phèng la”, “Ban võ”, “âm nhạc diễu trường”… Song, qua hình thức, biên chế dàn nhạc cùng với chủng loại nhạc cụ, hình bóng âm nhạc Cổ xuy vẫn để lại trên các loại hình âm nhạc truyền thống người Hoa, từ âm nhạc đường phố cho đến âm nhạc tôn giáo, âm nhạc trong các loại hình múa lốt, như múa lân, sư, rồng, hẩu, âm nhạc tang lễ… “Kèn trống huyên náo” hay “chiêng trống vang trời” chính là một cách nói để hình dung về loại hình âm nhạc ồn ào, náo nhiệt thường xuất hiện trong cộng đồng người Hoa. Trên thức tế, kèn trống huyên náo (La cổ huyên thiên) đã đi từ quá khứ tới hiện tại, từ âm nhạc dân gian vào cung đình, từ sinh hoạt đời thường đến tôn giáo… và trở thành một dấu hiệu quan trọng giúp nhận biết về văn hóa âm nhạc người Hoa.
[1] Roland Dorgeles và các tác giả Michel Đức Chaigheau: “Nhà đoan”; Leon Werth: “Thuế muối”; Luois Roubaud: “Rượu cồn”, bản dịch tiếng Việt của Lê Trọng Sâm, Nxb Thế giới, Nhã Nam phát hành, năm 2017, tr 146.
[2] Trịnh Hoài Đức: “Gia Định thành thông chí”, tập hạ, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha văn hóa, Phủ quốc vụ khanh đặc trách xuất bản 1972, trang 98 - 99.