Jazz - Nghệ thuật của sự hài hòa

21/07/2015

Tặng cho những ai không tiếc 3 tiếng của cuộc đời để tìm hiểu được thêm về một dòng nhạc. Nếu bạn mất ngủ, bạn hãy pha một cốc cà phê thật đặc, rồi cùng tôi thưởng thức jazz...

Vào một đêm nóng kỷ lục ở Hà Nội, thế mà trận chung kết Djokovic - Federer ở Wimbledon lại đang hoãn đúng lúc hay nhất vì mưa. Để tự tránh cơn buồn ngủ tôi tìm nghe bài hát nào mà cải thiện tâm lý mình tốt nhất, và đã nhanh chóng lục lại clip này, tôi có thể nghe và xem bất cứ lúc nào buồn bã nhất - quả là video-clip ca nhạc hay nhất tôi đã từng xem:

Gene Kelly với “Singing In The Rain”

Chưa bao giờ xem và nghe bài hát này mà tôi không phải mỉm cười! Một dòng ký ức ùa về cùng với jazz...

Miền Bắc trước kia không có jazz! Có thể khẳng định luôn như vậy - không nghe, không dạy, không học, không chơi jazz... Biết được đến “Bit-tơn”, “Bit-git” là cái gì đó cao sang lắm rồi... Nhưng quả là trẻ con chúng tôi đã được nghe nhạc jazz, mặc dù không biết, ví dụ rõ nhất là bản nhạc “Red River Valley” chơi theo kiểu jazz.

Ở Hà Nội thời đó bài hát “Tuýt sông Hồng” đang rất nổi, có thể là nhờ vào đĩa nhạc không lời huyền thoại thời trước 1970 “Xương rồng” - nhưng thực ra gốc của nó là bài hát nhạc đồng quê Mỹ. Chắc nhiều người còn nhớ mấy câu hát xuyên tạc của tay phi công Mỹ “Từ trên cao tôi lao đao lao xuống sông Hồng/ Bị dân quân và du kích bắn tôi rơi/ Chiếc xe trâu đưa tôi về nơi cố đô...” mà trẻ con chúng tôi vẫn thường nghêu ngao!

Một bài nữa mà lúc đó đang rất được yêu thích là “Chiều Matxcơva”, có lời Việt, và cũng có những bản jazz rất hay, chỉ biết nghe là vậy chứ đâu có biết đấy là jazz:

 

Thời xa xưa đó, muốn nghe nhiều dòng nhạc khác nhau chỉ có cách đi... xem xiếc!

Những năm 80 khi có dịp đi Liên Xô, tôi hơi lạ lẫm khi thấy “CCCP có jazz”! Quả là trên TV trung ương thỉnh thoảng cũng có những buổi trình diễn jazz, tuy không nhiều và đa số là chương trình trong nước thôi, thú thực lúc đó xem vì tò mò, cũng chưa cảm thấy hay. Sau này mới hiểu jazz tuy là sản phẩm văn hóa bắt nguồn từ “tư bản”, nhưng được xem như “lời ca phản kháng của những người da đen bị áp bức” nên vẫn được chính quyền Xô viết cho tồn tại, nhờ đó mà Liên Xô có một trường phái jazz riêng, khá độc đáo và có những nghệ sĩ, tác phẩm đẳng cấp rất cao! (chứ không như tôi xưa kia cũng như khá nhiều người lầm tưởng rằng chỉ có dân da đen mới chơi hay được jazz thôi). Cảm nhận dễ và thấy hay nhất hồi đó về jazz của tôi là khi được xem phim Phim “Chúng tôi đến từ Jazz” và bài hát “Chiếc đàn dương cầm cũ”:

Hồi đó cũng có lúc thử đọc và tìm hiểu về lịch sử jazz, thì tôi cũng biết sơ sơ nguồn gốc của nó bắt đầu từ Mỹ, đúng hơn là từ những người nô lệ da đen đến từ các nước châu Phi, nhiều khi họ chả hiểu được ngôn ngữ bộ lạc của nhau, và jazz ra đời như một sự giải tỏa, giao thoa của các dòng ca, nhạc của dân da đen. Từ khoảng 1920 jazz mới thực sự được coi là một dòng nhạc chính thống, với những nghệ sĩ lừng danh. Tuy vậy tôi chỉ biết đến thế và chẳng bao giờ lại nghĩ có gì hay hơn “Triệu triệu bông hồng”...

...Cho đến cuối những năm 80 số phận đưa đẩy tôi tới tá túc ở ký túc xá Nhạc viện Tchaicovsky ở Moscow trong một thời gian dài. Đó là nơi học hành của các “tinh hoa” theo dòng nhạc cổ điển hàn lâm nhất rồi, hồi đó cũng rất nhiều sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang rèn giũa tài năng ở đây. Phải nói đó là quãng thời gian “văn hóa” nhất trong cuộc đời của tôi, dù là kẻ hoàn toàn ngoại đạo nhưng vốn tính yêu thích âm nhạc, lại tò mò nên tôi như một miếng bọt biển, có tý kiến thức nào hấp thụ được thì tranh thủ ngay! Những học sinh Việt Nam, từ anh Quốc Hưng, chị Lê Dung, Xuân Thanh thì học thanh nhạc rồi, và các anh chị em người Việt học các loại đàn, kèn, chỉ huy, lý luận... nhiều dịp ngồi với nhau hàn huyên, ca hát cùng nhau thật là tuyệt vời. Em Thanh Lam hồi đó cũng hay đi qua hội diễn này khác, cũng thường tá túc lại trường này, có những hôm bốc lên hát suốt đêm!

Ở ký túc xá thì phòng nào cũng có một chiếc piano rồi, còn guitar, violin, kèn..., ai học gì dùng nấy. Thường đó là những buổi tối, tắt hết đèn chỉ để lại ánh nến, bên những cốc rượu, cốc cà phê mang từ nhà sang, những bao 555, More quý hiếm mua lại từ Đông Âu, những chiếc bánh gatô ngọt khé cổ của Nga... Họ hát nhạc Trịnh, nhạc tình ca Ngô Thụy Miên, những bài ở nhà đang “nổi” như “Lời của gió”, “Papa”... Phải nói là ngay cả hàng chục năm sau này tôi cũng chưa bao giờ được nghe nhiều live show như thế, còn hay thì chắc chắn là không bao giờ hay bằng lúc đó rồi!

Sinh viên ngoại quốc cũng nhiều, ngoài các nước cộng hòa của Liên Xô ra còn có các nước Đông Âu, Nam Tư, Hy Lạp, Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Mỹ La tinh, Nhật Bản, Trung Quốc... Và loại đã hay sắp được giải thưởng quốc tế cũng lắm, “như lợn con”! Tôi cũng tò mò xem những lúc tụ tập, bù khú thì chúng nó có đàn hát gì không, thì lạ thay chúng nó chả bao giờ hát các loại “Triệu triệu bông hồng” mà toàn đánh đàn kiểu ngẫu hứng và chơi nhạc jazz! Tôi hỏi, thì có thằng sinh viên Nga tóc xoăn tít, chắc Do Thái (thằng này chuyên cho thuê băng video và bán đồ nhậu trong ký túc xá) bảo tôi, đại loại là cũng giống như những đại kiện tướng cờ, chúng nó có ngồi với nhau thì uống rượu đánh bài bridge, poker chứ có ai đánh cờ bao giờ! Khi tôi hỏi thế sao dân Việt tao không hát jazz hay chơi jazz, nó trả lời rất dễ hiểu: “Vì chúng mày mù tịt về jazz!”.

Láo thế chứ, không tâm phục khẩu phục, tôi đi hỏi khắp dân Việt xem có ai biết hát, biết chơi jazz không thì đúng là không có thật! Các chị như Xuân Thanh, Lê Dung có thể hát dân ca Nga mà bọn Nga nghe phải rớt nước mắt, nhưng jazz thì chịu! Chỉ có một chú em “hot boy” từ nhà sang thì biết hát một bài, sau này tôi mới hiểu đó là một bài kinh điển trong jazz, nhưng vào loại dễ hát nhất: “Smoke Gets In Your Eyes”

Dinah Washington:

Connee Boswell hát tuyệt đỉnh:

The Platters hát bài này là kinh điển cho giọng nam:

Nana Mouscouri là nữ ca sĩ thần tượng của tôi, hát bất cứ bài nào chả hay, nữa là bài hay như thế này:

Bài này hát tiếng Ý cũng rất tuyệt, nhất là với giọng trầm của Andriano Cheletano:

Bài hát này được dùng làm nhạc nền trong phim “Good morning Vietnam” (1987) và rất nhiều phim khác nữa...

Gần phòng chúng tôi có một đứa Ấn Độ học piano rất giỏi, nhưng là sinh viên nhà nghèo nên rất hay sang phòng Việt Nam chơi, một là cũng vì tình thân châu Á, hai là để “đánh dậm” vì nó đói triền miên. Thấy nó đệm piano cho bạn Việt Nam hát nhạc Trịnh rất hay, nhưng khác hẳn quân nhà mình, tôi mới tra khảo nó sao lại thế, nó mới bảo “tao đệm theo kiểu jazz, chứ chơi kiểu ò í e như chúng mày buồn ngủ chết!”. Thế là bằng thịt cá, bánh kẹo tôi bắt nó - thằng bé Ấn Độ ấy tên là Pervez và sau này cũng được giải thưởng quốc tế về piano - giảng giải cho riêng tôi những bài học đầu đời về jazz, và tại sao dân Việt không biết chơi jazz...

Pervez giảng cho tôi: jazz quan trọng nhất ở nhịp điệu (rhythm) và ngẫu hứng (improvisation). Nhịp điệu là cái không riêng dân Việt, mà dân châu Á nói chung là yếu, trong khi đó bọn châu Âu và nhất là da đen chúng nó có sẵn trong dòng máu rồi, cứ nhìn chúng nó nhún nhảy mà xem, đúng nhịp tăm tắp! Còn đối với nhạc công jazz nhịp lại còn quan trọng hơn cổ điển hay pop gấp bội, ví dụ ai chơi piano tay trái đánh nhịp ¾, tay phải đánh nhịp 4/4, chân dậm theo 2/4 còn mồm vẫn nói chuyện được đây này, thế mới đủ điều kiện chơi jazz (cái này thì nó hơi bốc phét, nhưng đúng là 2 tay nó đánh theo 2 nhịp khác nhau được thật!). Còn ngẫu hứng thì sao dân Việt kém? Thì nó bảo tôi chúng mày ngẫu hứng kém vì ít nghe nhạc, có nghe thì nghe ò e í mấy cái hợp âm chạy lên chạy xuống, chả biết gì! Tôi từ đó mới đi hỏi anh chị em người Việt, thì đúng là học nhạc bắt buộc phải nghe nhạc nhiều, nhưng kiểu gì người Việt cũng lười nghe hơn bọn nước ngoài, ngay nhạc cổ điển cũng lười nghe rồi chưa nói đến các dòng nhạc khác, cứ chăm chăm đi ”cày” bài tập thầy giao để lấy điểm... Còn jazz thì chả nghe bao giờ, đúng thế thật! Thảo nào quân mình không chơi được jazz! Chỉ có một đứa em Sài Gòn sang Nga thì cãi rằng ở miền Nam ngày trước có jazz, bố em là nhạc công chuyên chơi jazz - và sau này tôi được gặp ông cụ ấy thật!

Nó giảng là jazz có thể hát, có thể chơi bằng bất cứ nhạc cụ gì, bao nhiêu người cũng được, nhưng phổ biến nhất là piano, contrabasse, kèn các loại nhất là saxophone, trombone, trống... Pervez có thể ngồi chơi jazz cho tôi nghe hàng chục phút, tất nhiên là nó ngẫu hứng, bịa ra là chính, để đổi lấy một bữa cơm, đời nghệ sĩ thế kể cũng xứng đáng, xin minh họa bởi composition hay nhất (hãy xem nhé, phong thái chơi khá giống tay sinh viên Ấn Độ đang đói của tôi): Keith Jarrett với “Autumn Leaves”:

 

Nó còn dạy tôi là ngược lại với các dòng nhạc khác, hãy nghe và xem jazz, chứ đừng quan tâm đến tác giả hay người biểu diễn, “không cần phải để ý đến tay da đen có vẻ rất nổi tiếng đó là ai”, và vì TV cũng hay chiếu nên Pervez hay lấy dẫn chứng là cô ca sĩ jazz hay nhất của Liên Xô - Larisa Dolina:

Nó bảo chơi jazz bằng nhạc Trịnh thì thường thôi, người ta có thể chơi jazz từ bất cứ chất liệu âm nhạc nào, ví dụ nhạc cổ điển “Carmen” qua sự trình diễn của Sergey Jilin - jazzman nổi tiếng nhất của Nga:

Có những bài người ta viết riêng, chơi riêng cho jazz, ví dụ: ban nhạc rock/jazz Chicago: “Saturday In The Park”:

Có những bài nhạc của dòng khác người ta chơi theo kiểu jazz, như Elton John đáng nhẽ đi theo jazz thì còn giỏi nữa: “Sacriface”

Nó còn bảo tôi nhiều điều nữa về jazz, lúc đó cứ tưởng nó nói phét, hóa ra là đúng thế! Ví dụ nghe jazz không lần nào giống lần nào đâu, ánh sáng thường phải để càng tối càng hay, jazz không thể nào thiếu được cà phê hay rượu cognac, cả hai thì càng tốt (tôi cứ nghĩ là nó thèm như thế, sau này mới biết là chuẩn! Sao một đất nước đi đâu cũng có cà phê như Việt Nam lại không có jazz?!). Quan trọng nhất là nó bảo tôi phải “cảnh giác”- vì bất cứ bài nào nghe quen đấy, nhưng có khi là jazz đấy, ví dụ: Chenoa hát jazz “Killing Me Softly”

Thế rồi tôi cũng rời xa cái “nôi âm nhạc” ấy, cũng chỉ thỉnh thoảng nghe lại loáng thoáng jazz chứ nào đâu có đam mê cho lắm. Giữa những năm 90 có việc bạn bè nhờ, phải take care một tay tư bản người Bắc Âu qua Hà Nội, anh em báo trước là thằng này đặc biệt khó tính, cố chiều hộ thằng nhà giàu này trong mấy ngày! Quả là khó chiều, Hà Nội lúc đó Mỹ mới bỏ cấm vận, khách sạn 5 sao có 3 cái thì nó đều chê, đi máy bay cũng chê phục vụ kém, ăn uống cũng chê thua Thái Lan, tóm lại là mặt hắn lúc nào cũng nhăn nhó, không biết cho nó giết thì giờ kiểu gì nữa, cái gì nó chả chê... Thấy có vẻ căng thẳng quá, vợ nó phải rỉ tai tôi “thằng chồng tao chỉ có jazz là nhất!”. Khi tôi rủ nó đi thì nó đang nằm đọc sách, nghe thấy jazz club thì nó quẳng sách bật dậy hỏi “Hà Nội chúng mày cũng có jazz club á?”. Tôi với nó đến jazz club của anh Quyền Văn Minh 33 Lương Văn Can, cả buổi tối nó thành người khác hẳn, hút cigar uống rượu, hò hét lắc lư, lên yêu cầu mấy bài thì ban nhạc đều chơi được cả. Nó giải thích cho tôi: “Jazz là dòng nhạc dành cho bọn rất nghèo. Nhưng jazz cũng là dòng nhạc dành cho bọn rất giàu. Tóm lại jazz là dòng nhạc dành cho những người thông minh!”. Rồi nó kể thêm, là cứ đến thành phố to bé bất kỳ, mà có jazz club thì đó chắc chắn là thành phố văn minh rồi! Bản thân nó sống ở thành phố bé tý, nó phải bỏ tiền ra nuôi một jazz club, rồi bỏ tiền tổ chức liên hoan jazz, mời các band từ nhiều nướcc bay sang tham dự, tôi là ân nhân của nó trong những ngày ở Hà Nội này... Lại là một bài học cho chính tôi!

Sau này internet quá thuận lợi để tôi tự tìm hiểu về những jazzmen vĩ đại cũng như những bài hay nhất của họ (một phần chắc cũng là những bài dễ nghe đối với đứa ngoại đạo như tôi):

Duke Ellington là nhà sáng tác vĩ đại với trên một nghìn tác phẩm, với ý tưởng dùng giọng con người là một nhạc cụ: (Live 1958)

Ella Fidzgeral - bà là “First Lady of Jazz” có 50 năm hát jazz: “Cry Me A River”

Hay “Summertime”

Ray Charles - người đàn ông mù với cặp kính đen huyền thoại xuất thân từ gia đình nghèo đói nhất ngay cả trong số da đen nghèo đói tại Mỹ, chúng ta ai cũng đã xem ông, ông hát rất nhiều phong thái khác nhau và thường tự đệm piano: “Yesterday”

Frank Sinatra ca sĩ jazz da trắng đỉnh cao với “New York, New York”:

(cũng nên nghe thêm “Yesterday” mà ông hát theo kiểu jazz:

Billie Holiday (Lady Day) mang vào jazz nét tươi mới, rạng ngời: “Who Loves You”

Chicago coi mình là rock band nhưng âm nhạc của họ cũng rất là jazz: “Hard To Say I Am Sorry”

Có những bài jazz cực nổi tiếng, ví dụ “Blubbery Hill” hầu như ai cũng hát

Jonny Halliday & Celin Dion: “Blubbery Hill”

Bài này đã được coi là kinh điển từ khi Louis Amstrong hát nó (ông còn thổi kèn và chơi piano rất tuyệt):

Nó không quá khó, nên Putin cũng dám hát nó trước bàn dân thiên hạ:

Nếu nói về độ “chơi” thì Bill Clinton với cây sax trong tay trông sexy hơn Putin nhiều. Ở Liên hoan jazz Newport khi kỷ niệm 40 năm liên hoan âm nhạc này Bill đã thể hiện khá tốt, còn Hilary lúc đó đang rất trẻ và phải nói là bà rất xinh đẹp!

Sau này Bill Clinton thổi xong rồi tặng Boris Eltsin cây sax của mình. Qua Bill Clinton cũng như qua các tuyệt phẩm dưới đây ta có thể thấy ranh giới giữa jazz và blues cũng như các dòng nhạc khác khá mong manh, mà tốt nhất là chả nên quan tâm, hãy nghe+xem nhạc! Nước Mỹ chắc là nơi chơi jazz nhiều nhất, có thể mọi lúc mọi nơi, ví dụ Metallica chơi quốc ca Hoa Kỳ bằng jazz:

Santana với latino rock band của mình, chơi jazz cũng rất tuyệt vời, với những phần chạy guitar và piano kinh điển, nổi bật nhất là “ Oye Como Va”

Hoặc “Take me with you”

Hay nhất là xem band của anh chơi live: (Carlos Santana và Wayne Shorter Group - Pori Jazz, 1988)

Larisa Dolina vẫn là đại diện xuất sắc của trường phái jazz Nga: “Shadow Of You Smile”

BB King& Eric Clapton: “The Thrill Is Gone”

Cũng bài đó nhưng BB King chơi với Gary Moore (rocker):

Lại nói về jazz ở Việt Nam, sau lần đó tôi bắt đầu quen anh Minh, thỉnh thoảng qua quán của anh, hai anh em phì phèo cigar nghe jazz thật phê (mặc dù tôi chả biết hút thuốc lá, nhưng nghe jazz cứ phải có thêm một điếu Havana mới đã). Có những lúc bẵng đi hàng năm trời tôi mới quay lại, nhưng có những lúc ngồi hai ba buổi tối. Hà Nội vẫn “chê” jazz lắm, tôi vẫn nhớ sàn “Mái lá” mời cả Big Band từ Sài Gòn ra, thổi kèn hay thế mà có ai nghe đâu, nhưng đến khi bật nhạc lên - hồi đó đang mốt “Spice Girls” - thì không khí sôi động khác hẳn... Quyền Văn Minh trông để tóc dài, tưởng bặm trợn lắm nhưng hóa ra hiền khô, anh hay kể về chuyện anh đã và đang khổ sở thế nào với niềm đam mê jazz của mình, anh vừa chơi, vừa sáng tác, vừa dạy jazz, nhờ bố con anh mà Hà Nội duy trì được jazz club (“điều kiện bắt buộc của thành phố văn minh” như đứa bạn Bắc Âu ngày nào đã nói). Các nhạc công, ca sĩ jazz đếm trên đầu ngón tay thôi, trong số đó theo tôi hát jazz hay nhất là Hồ Quỳnh Hương:

Anh Minh kể người Việt cho con theo học jazz thì ít, nhưng Tây, Nhật thì khoái lắm, khá nhiều bọn Tây ở Hà Nội mời anh dạy thêm, toàn những đứa bốn năm chục tuổi mà học chăm chỉ lắm, thỉnh thoảng cũng tụ họp nhau biểu diễn nữa. Có cô người Mỹ chỉ vì mê tiếng sax của anh mà bỏ cả vị trí ở tập đoàn Ford, bỏ cả gia đình ở Mỹ, sang đây đòi yêu anh bằng được...

Số vất vả, quán anh cứ phải chuyển, lúc đầu qua Quán Sứ, rồi qua sau Nhà hát Lớn, khách nước ngoài vẫn đông hơn khách ta, có hôm cả chục ca sĩ, nhạc công chơi cho ba người khách! Nhưng thôi, nhờ anh Hà Nội vẫn có jazz, còn Trời sẽ chẳng phụ người có lòng...

Tùng Dương:

Vậy đấy, jazz không phải dòng nhạc cho đám đông, nó không ăn nhập gì với VTV3 và “Cô dâu 8 tuổi” hay “Chúng tôi là chiến sĩ”, nó thậm chí không thể đi cùng được với xôi Yến hay lẩu ếch. Mấy năm cuối có một cô ca sĩ da màu hát jazz rất hay ở Metropole, nhiều người yêu jazz buổi tối chỉ đến ngồi nghe cô hát mấy bài, nói dăm ba câu chuyện âm nhạc, thế là mãn nguyện rồi. Nó là một thứ tôn giáo, hơn là một sự hưởng thụ đơn thuần. Tôi cũng không nghe jazz nhiều, cũng chẳng biết hơn về jazz là bao so với trước, mà cũng có khi chẳng cần thiết, vì theo Louis Amstrong - có lẽ là huyền thoại lớn nhất của jazz mà nhân loại đã có - thì “nếu bạn cứ hỏi jazz là gì, thì có lẽ bạn sẽ chả bao giờ hiểu biết về nó...”. Jazz là nghệ thuật của sự hài hòa. Nếu bạn không biết, không quan tâm gì tới jazz thì bạn cũng chẳng mất đi điều gì cả, nhưng nếu bạn đến với jazz, thì bạn có thêm sự hài hòa, kể cả ở trên đất Việt này, như trong bài hát của Louis Amstrong - “What A Wonderful World”

Còn riêng tôi, đã từ khá lâu, dù trời có mưa tôi cũng chẳng dùng ô che...

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...