Igor Levit: Các buổi hòa nhạc cứu đời tôi

06/07/2020

Igor Levit, nghệ sỹ piano người Nga lập nghiệp ở Đức, được nhiều người biết đến vì lòng can đảm và sự mãnh liệt trong lối chơi, điều anh đã thể hiện một cách xuất sắc trong bản thu âm trọn bộ sonata piano của Beethoven cùng Sony Classical. Trong thời kì châu Âu bị phong tỏa trước đại dịch Covid 19, Levit bắt tay thực hiện loạt 52 buổi hòa nhạc liên tiếp từ nhà mình ở Berlin qua tài khoản Twitter. Những buổi hòa nhạc đặc biệt đó đã lập tức gây xúc động cho người yêu nhạc cổ điển trên toàn cầu.

Nghệ sĩ Igor Levit. Nguồn: TheGuardian

Ý tưởng về các buổi hòa nhạc đã đến với anh như thế nào? Điều gì khiến anh nghĩ đến chúng?

Hoàn toàn tự nhiên thôi. Vào hôm sinh nhật tôi vào ngày 10 tháng 3, tôi có chơi một buổi hòa nhạc tại Hamburg. Rõ ràng, trong bối cảnh châu Âu bị phong tỏa vì Covid-19 thì đó là sự kiện âm nhạc gần như cuối cùng của âm nhạc cổ điển, trước khi chúng ta kiểm soát được bệnh dịch. Đêm diễn tiếp theo của tôi ở Cologne theo lịch trình đã bị hủy bỏ. Tất cả chúng ta đều cùng ý nghĩ rằng “vài tuần nữa tất cả sẽ ổn thôi”. Thế nhưng nhiều ngày sau đó trôi qua, tôi cảm thấy mọi thứ thật tồi tệ. Trở lại Berlin, tôi câm lặng như một xác tàu đắm. Lúc đi bộ về nhà cùng túi tạp phẩm, tôi chợt nghĩ: “Này, đợi chút... mình phải làm một cái gì đó chứ”. Chia sẻ điều mình làm với khán giả có thể sẽ biện minh cho sự tồn tại của mình với tư cách nghệ sỹ. Không làm thế, tôi sẽ ốm thật mất. Do đó, tôi lập tức dừng lại, đặt túi hàng tạp hóa xuống đường và đăng ngay lên tài khoản Twitter của mình rằng tôi sẽ biểu diễn một “buổi hòa nhạc tại nhà” vào lúc 7 giờ tối hôm đó.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Tôi hoảng sợ. Đúng là tính cách điển hình của Igor – làm trước nghĩ sau. Tôi không thể tưởng tượng là nó dẫn đến một sự bùng nổ trên phương tiện truyền thông xã hội – mọi người đều nói rằng họ sẽ đón xem. Điều bối rối nhất là tôi không hề hình dung mình sẽ tiến hành buổi hòa nhạc như thế nào. Tôi không có micrô, không có thiết bị phù hợp, không biết có thể truyền trực tiếp một tác phẩm có độ dài về thời gian biểu diễn trên Twitter hay không. Tôi nhắn tin hỏi bạn bè: “Tớ thực hiện bằng cách nào nhỉ?” Tôi vội chạy ra ngoài và chộp lấy một giá đỡ camera giá rẻ chỉ 25 euro. Về nhà rồi tôi mới nhận ra rằng mình cũng cần thêm một giá đỡ cho điện thoại, vì vậy tôi phải quay lại lần nữa. Tôi nhờ một người bạn đến nhà và ngồi trực sau điện thoại khi tôi đang chơi nhạc để đảm bảo việc truyền tải được thực hiện một cách suôn sẻ.

Anh có lên kế hoạch trước như chơi bản nhạc nào, ngồi ở đâu, mặc trang phục nào không? Người xem trực tiếp trên Twitter thậm chí thấy cả đôi dép lê bằng da của anh.

Tôi hoàn toàn không nghĩ về việc mình mặc gì và liệu mình có đi ủng, đi tất hay đi dép lê không (nhân tiện xin tiết lộ là mua ở London tại Sabah)! Có lúc tôi đã chuyển cây piano từ bức tường này sang bức tường khác chỉ vì cần chỗ cho chiếc xe đạp. Về kịch mục, tôi đã quyết định vào khoảng giờ ăn trưa trong ngày, và chơi bất cứ tác phẩm nào cảm thấy phù hợp, từ Nina Simone đến Scott Joplin, đến Schubert đến Bach đến Billy Joel. Tôi chỉ chơi vài tiết mục hơn một lần...

Kịch mục của anh còn bao gồm cả sonata Appassionata của Beethoven. Lần thứ hai [buổi hòa nhạc 41, ngày 22 tháng 4] đúng là tạo ra địa chấn vậy.

Có những ngày tôi đã cảm thấy rất buồn và u ám, vừa giận dữ vừa tuyệt vọng. Tôi chưa từng trải nghiệm một khoảng thời gian như thế trong đời kể từ khi bắt đầu chơi đàn năm ba tuổi, lúc tôi còn chưa biết mình là ai hoặc có chắc chắn theo âm nhạc không. Tôi không kêu gọi sự nổi loạn – chúng ta phải tuân thủ các quy tắc. Không có chiến tranh, không có kẻ thù. Dĩ nhiên sẽ thật điên rồ nếu tổ chức hòa nhạc cho 2.000 người ngay thời điểm giãn cách xã hội.

Một bản thu âm của Igor Levit. Nguồn: Sony Classical.

Thời kỳ giãn cách cho chúng ta thấy nhiều điều. Đã từ lâu, tôi từng nói ‘mọi người phải hiểu và thích nghi với thế giới kỹ thuật số để có thể sử dụng nó đúng cách. Mặt khác, tôi cũng tức giận khi người ta nghĩ rằng tôi là kẻ cơ hội, lợi dụng thời điểm dịch bệnh để quảng bá tên tuổi. Không. Điều này còn nghiêm túc hơn nhiều, nó là cuộc đời, là những gì còn cao hơn cả sinh kế. Tôi đang buộc phải chứng kiến cái thế giới mà tôi yêu quý là đời sống hòa nhạc đang lịm đi. Nếu chưa chết thì nó cũng đang gặp phải nỗi nguy hiểm cực kỳ nghiêm trọng.

Tôi không thể nói rằng những thính giả – ít nhất 20.000 người mỗi đêm – có tiếp tục đến các buổi hòa nhạc nữa hay không. Các phòng hòa nhạc đã đóng cửa, vì vậy trò chuyện để dành cho dịp khác. Những bình luận cảm động, cởi mở nhất mà tôi nhận được là về một trong những tác phẩm ít được biết đến nhất – Palais de Mari của Morton Feldman, rất quan trọng đối với tôi. Những gì tôi thấy, đêm này qua đêm khác, là nếu bạn lấy được lòng tin của mọi người thì hãy tin rằng họ sẽ đồng hành cùng bạn. Có những con người thực sự đằng sau những tài khoản Facebook, Twitter và Instagram này – có một số kẻ xấu, nhưng cũng có nhiều người tốt và cởi mở – sẵn sàng tin tưởng nếu bạn giao tiếp với họ.

Năm ngoái anh đã bị đe dọa giết chết [Levit nhận được email hăm dọa mang tính bài Do Thái trước một buổi hòa nhạc ở Đức.] Hẳn anh phải cảm thấy cuộc sống bí bách hơn bao giờ hết?

Tôi phải cẩn thận một thời gian, biểu diễn trong vài buổi hòa nhạc được bảo vệ một cách cẩn trọng. Tôi tức giận nhưng không ngạc nhiên – về cơ bản đây là các cuộc tấn công mang tính phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, bạn thích gọi là gì cũng được. Nhưng trầm trọng thì việc xảy ra tháng 11 năm ngoái. Chúng ta đều biết những kẻ cực đoan đầy thù hận đang ở ngoài kia.

Trong tâm trạng đó, cuộc sống của anh thời kỳ giãn cách xã hội ở Berlin đã diễn ra như thế nào?

Tôi nấu ăn điên cuồng. Tôi đọc sách. Tôi tập thể dục. Tôi nhớ vài quán cà phê và nhà hàng nhưng mọi thứ đều ổn. Ở đây, chúng tôi chưa có cảnh báo phải ở nhà triệt để hay các quy tắc phong tỏa chặt chẽ như ở Pháp hoặc ở Ý. Nếu bạn không biết thế giới của chúng ta đang trên bờ vực sụp đổ thì bạn sẽ nghĩ việc này khá hay: yên tĩnh, ít xe cộ hơn; bạn luôn có thể đi chơi, chạy bộ. Ở Berlin, chúng tôi có một thượng nghị sĩ văn hóa tuyệt vời là Klaus Lederer. Ông ấy không thể giúp chúng tôi mở cửa phòng hòa nhạc và tổ chức biểu diễn – cũng không ai yêu cầu điều đó – nhưng về mặt tình cảm thì sự hiện diện của ông, một người yêu âm nhạc và nghệ thuật, làm chúng tôi cảm thấy vững tin hơn.

Tôi không biết tình hình ở Anh thế nào, nhưng nói chung, cách chắc chắn để khiến các nghệ sỹ rơi vào tuyệt vọng và trầm cảm là việc thiếu sự giao tiếp. Điều này rất đau đớn. Tôi thì không sao, tôi may mắn theo nhiều cách. Nhưng tôi vô cùng lo lắng cho bạn bè và đồng nghiệp của mình đang tổ chức các liên hoan và các nhóm nhạc đang ở bên bờ thảm họa. Chúng ta đang bước vào một khoảng thời gian chưa từng biết tới trong lịch sử thế giới cũng như lịch sử âm nhạc mà không biết nó sẽ để lại hậu quả như thế nào và tác động ra sao đến tâm lý con người và đời sống âm nhạc.

Anh đã dừng lại sau 52 buổi hòa nhạc Twitter. Anh sẽ bắt đầu lại chứ?

Chắc chắn. Tôi cần một khoảng tạm dừng, thời gian nghỉ ngơi và im lặng. Theo đúng nghĩa đen và từ tận đáy lòng, những buổi hòa nhạc này là cứu tinh đời tôi – cả về mặt tinh thần, thể chất lẫn cảm xúc. Vì vậy, lòng biết ơn của tôi đối với mỗi thính giả là vô hạn và không thể tính đếm. Tôi đã có thể là chính mình. Tôi chỉ chơi bản nhạc mình muốn, những thứ mà mọi người từng cho là điên rồ. Chẳng mấy chốc, tôi sẽ trở lại cùng âm nhạc.

“Tiếng thét vô thanh” của Igor Levit
Kate Connolly
Sau 52 buổi hòa nhạc trên Twitter, nghệ sỹ piano Igor Levit đã khiến những người yêu nhạc cổ điển phải bất ngờ. Anh đã trình diễn Vexations, một tác phẩm dài 20 giờ của Eric Satie với mong ước thu hút sự chú ý của người nghe và làm nổi bật cảnh ngộ của các nghệ sỹ thời phong tỏa. Với nhan đề Vexations (Những phiền hà), nhà soạn nhạc lập dị người Pháp Eric Satie đã viết lên một tác phẩm hiếm khi được chơi trên sân khấu cổ điển. Ông sáng tác Vexations vào năm 1893 nhưng nó chỉ được ra mắt công chúng đúng hai thập kỷ sau cái chết của ông. Với những người nghe nhạc thông thường, tác phẩm thật bí ẩn và khó hiểu khi chỉ chứa một tiết nhạc bè trầm duy nhất được đệm bằng những hợp âm ký âm ở quãng trên. Giả định rằng tác phẩm được viết cho đàn phím nhưng tổng phổ không chỉ rõ là nhạc cụ nào, phía trên khuông nhạc có lời chỉ dẫn của Eric Satie như sau: “Để có thể chơi chủ đề 840 lần liên tiếp, một lời khuyên [của tôi] là [mỗi người] nên tự chuẩn bị trước, chuẩn bị trong im lặng thẳm sâu nhất của mình, dẫu phải trong trạng thái bất động một cách thực sự”. Do những thách thức khó hiểu như thế, rất ít lần Vexations được biểu diễn trọn vẹn. Nổi tiếng nhất là buổi công diễn lần đầu theo kiểu marathon năm 1963 dưới sự chỉ huy của John Cage và Trường phái New York.

Với Levit, Vexations mang một giá trị đặc biệt khi đại diện cho “tiếng thét vô thanh” của các nghệ sỹ trên khắp thế giới, những người buộc phải “im lặng” trong thời gian giãn cách xã hội, không hòa nhạc, không gặp gỡ ai. Khác với những lần trước, lần này, anh chơi tác phẩm không phải trong căn hộ mà là trong phòng thu B-sharp ở Berlin. Tham gia buổi biểu diễn lạ lùng này, ngoài các kỹ sư âm thanh, còn có một bác sĩ túc trực để có thể sẵn sàng trợ giúp nếu cần thiết trong suốt buổi biểu diễn mà dự kiến ​​sẽ khiến Levit mệt nhoài về thể chất và tinh thần. Anh chỉ tạm nghỉ một khoảng thời gian ngắn để ăn uống và vệ sinh trong lúc các nghệ sỹ piano ở nơi khác trên thế giới sẽ nhanh chóng tiếp quản buổi biểu diễn.

“Thời lượng hơn 20 giờ đồng hồ của Vexations không khiến tôi cảm thấy như một sự phiền toái hay tra tấn như tiêu đề gợi ra, mà đúng hơn là đem lại cảm giác về sự rút lui trong im lặng của con người trước sự tấn công của dịch bệnh” Levit nói trước buổi biểu diễn, bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều một ngày thứ Bảy và được phát trực tiếp trên web các tờ báo như Spiegel.de, New Yorker và tài khoản Twitter của Levit.

“Thế giới của tôi và các đồng nghiệp đã là một thế giới khác trong nhiều tuần nay và có lẽ sẽ vẫn như thế trong một thời gian dài nữa. Với tôi, Vexations đại diện cho một tiếng thét vô thanh mà nếu không quan tâm thì không ai phát hiện ra,” anh nói. Levit, người bắt đầu chơi piano từ năm ba tuổi và từ đó đã tạo dựng được danh tiếng như một nghệ sỹ piano hòa nhạc hàng đầu thế hệ mình, cho biết từ lâu anh đã muốn biểu diễn tác phẩm này, trong đó một vài nốt nhạc y như nhau được lặp đi lặp lại 840 lần. Người ta tin rằng lần đầu tiên tác phẩm được công diễn theo cách này là tại nhà hát Pocket ở Manhattan do John Cage và Lewis Lloyd dẫn dắt vào năm 1963. Buổi biểu diễn đó kéo dài khoảng 18 giờ và khiến các nhà phê bình và khán giả ngủ thiếp đi.

Levit cho biết anh không mong mọi người lắng nghe toàn bộ màn trình diễn của mình nhưng việc biểu diễn nó mang một ý nghĩa đặc biệt với anh. “Việc có thể biểu diễn Vexations của Eric Satie đã luôn là mong muốn luôn ám ảnh tôi”, Levit nói. “Tuy được viết vào thế kỷ 19 nhưng tác phẩm này mang tính cách mạng nhờ hòa âm phi điệu tính. Vài nốt nhạc – một chủ đề và hai biến tấu – chỉ vừa đủ trên một tờ nhạc. Sự lặp đi lặp lại sớm báo trước tương lai lặp đi lặp lại về mặt thẩm mỹ.”
Sau buổi hòa nhạc, Levit tiến hành bán đấu giá cho 840 tờ nhạc, số tiền thu được dùng để hỗ trợ các nghệ sỹ thất nghiệp.

(Nguồn: https://www.tiasang.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...