Hy vọng vào tương lai nhạc cổ điển nước nhà

13/09/2019

Tại Cuộc thi Âm nhạc quốc tế cho vi-ô-lông và hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, nghệ sĩ xen-lô Phan Đỗ Phúc (trong ảnh) là một trong những gương mặt nổi bật khi cùng đồng nghiệp đoạt giải Nhóm hòa tấu thính phòng Việt Nam xuất sắc nhất và giải nhì trong Bảng hòa tấu thính phòng dành cho đàn dây và pi-a-nô.

Ít ai nghĩ chàng nghệ sĩ trẻ thuộc thế hệ 9X cao ráo với khuôn mặt điển trai, dễ gần, ít nói hay cười lại là giảng viên một lúc hai trường nghệ thuật lớn ở Mỹ (Đại học Stony Brook và Trường năng khiếu âm nhạc Herald, Niu Oóc); đồng thời từng là bè trưởng của nhiều dàn nhạc uy tín của Mỹ và thế giới, như: Napa Valley Festival Orchestra, Pacific Music Festival Orchestra (dưới sự chỉ huy lừng danh người Nga Va-le-ri Gơ-giép), New York Classical Players Orchestra; đoạt những giải thưởng nghệ thuật danh giá, gồm: Giải nhất cuộc thi hòa tấu thính phòng tại Tri-e-xte, I-ta-li-a năm 2008; Giải nhất cuộc thi Concerto Competition tại Đại học Luther, Mỹ năm 2012; Giải nhất cuộc thi hòa tấu thính phòng Ackerman Chamber Music Competition, Niu Oóc, Mỹ năm 2017;...

Xen-lô không phải là một nhạc cụ phổ biến và dòng nhạc thính phòng không dễ theo đuổi, thành công. Phan Đỗ Phúc cho rằng, với anh, đó là sự may mắn tình cờ. Anh bắt đầu học âm nhạc từ rất nhỏ, khoảng bốn tuổi, nhưng là đàn organ điện tử. Lên cấp 2, thi vào hệ chính quy tại Học viện Âm nhạc quốc gia đạt kết quả tốt, nhưng vì có quá nhiều bạn vào khoa organ nên anh được các thầy, cô giới thiệu sang các khoa khác. Cô Ngọc Hiền, một nhà giáo giỏi, mẫu mực, nghiêm khắc nhưng hết lòng vì học trò là người cho Phúc làm quen với cây đàn xen-lô và dìu dắt anh trong bảy năm học. Bên cạnh đó, anh còn may mắn khi có một người cha đồng cảm, suốt bảy năm trời không quản nắng mưa, công việc bận rộn, ròng rã vác đàn, đạp xe đưa con tới trường; thậm chí còn ngồi luôn trong lớp nghe cô giáo dạy để về kèm cặp con. “Chính nhờ hai người “vĩ đại” này mà tôi có được một nền tảng kỹ thuật, âm nhạc quy củ ngay từ đầu, làm bệ phóng cho sự đam mê sau này”, Phúc tràn đầy biết ơn. Tốt nghiệp xuất sắc hệ trung cấp chính quy, anh nhận được học bổng toàn phần để tiếp tục theo học tại Trường âm nhạc quốc tế Trio di Trieste, I-ta-li-a; Đại học Luther, Mỹ và giờ đây là Đại học Stony Brook, Mỹ - nơi anh đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ biểu diễn. Hiện tại, anh đang sử dụng cây đàn Violoncello Zimmerman 1919; do quỹ Carlsen Cello Foundation, Xít-tơn, Mỹ trao tặng.

Mấy năm gần đây, Phan Đỗ Phúc bắt đầu được chú ý khi liên tục xuất hiện trong những buổi biểu diễn nhà thờ miễn phí của Công ty Maestoso - địa chỉ Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển do những nghệ sĩ tài năng học tập ở nước ngoài thành lập; thử nghiệm với Tổ chức Nghiên cứu, Thực hành và Giáo dục Nghệ thuật Wonder Art; đồng hành cùng nghệ sĩ pi-a-nô Lưu Đức Anh và nhóm nhạc Amici qua nhiều chương trình. Với Phúc, được biểu diễn trong nước là một niềm hạnh phúc khó tả. Anh tâm sự: “Trải nghiệm rõ rệt nhất là hạnh phúc vì được làm âm nhạc với những nghệ sĩ trẻ giàu nhiệt huyết, cũng đang học tập và làm việc ở nước ngoài như mình, cảm giác như họ tiếp thêm cho tôi ngọn lửa đam mê. Và nữa, khi được nhìn thấy cả sảnh lớn của Nhà thờ Lớn Hà Nội chật kín người trong những đêm diễn; mà trong số đó, phần lớn là lớp trẻ. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho nền âm nhạc cổ điển của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung”. Vào cuối tháng 8 này, Phúc lại có niềm vui được góp mặt trong buổi hòa nhạc “Từ Trịnh: Những lời gió mới” do Wonder Art thực hiện, một chương trình kết hợp độc đáo giữa nhạc cổ điển và nhạc Trịnh.

Mỗi lần về Việt Nam giảng dạy, biểu diễn, Phan Đỗ Phúc lại kỳ vọng về nền âm nhạc cổ điển nước nhà, vì theo anh, tư duy và cảm nhận của người Việt Nam không hề kém cạnh thế giới; cái thiếu là bề dày truyền thống và nền tảng kiến thức nhạc cổ điển so với các nước phương Tây. Anh dự định sẽ về thường xuyên hơn nữa, đồng thời mong muốn trong tương lai mình sẽ có đủ tiềm lực để hợp tác và mời được các nhà sư phạm hàng đầu trên thế giới về Việt Nam giảng dạy. “Tôi tin rằng, chỉ cần có được sự tiếp cận thường xuyên với những nhân tố tinh túy ở phương Tây, nền âm nhạc cổ điển của Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ”.

(Nguồn: https://nhandan.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...