Huế có còn xưa, còn mộng, còn thơ?
Khép lại Festival Huế lần thứ 8- 2014 "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", diễn ra từ ngày 12/4 đến 20/4/2014, ngoài những lộng lẫy lung linh của ánh sáng, màu sắc, bóng ảnh giai nhân trong những “Đêm Hoàng cung”, “Đêm Phương Đông”, “Lễ hội đường phố”, “Lễ hội Áo dài”…, hay một thoáng” Hương xưa làng cổ Phước Tích”, “Âm sắc Hương Bình”,“Chợ quê ngày hội”…, và ngây ngất trước “Sóng nước Tam Giang”,”Thuận An biển gọi”, “Lăng Cô vịnh đẹp”…, thì Huế có còn xưa, có còn là một kinh đô trầm tư, sâu lắng và thanh nhã dịu dàng?
Huế sinh động và thân thiện
Festival Huế với những công nghệ Festival quốc tế như một “chàng hoàng tử” đã đánh thức giấc ngủ của “nàng công chúa” Huế cả trăm năm trầm tư, khép mình trong những bóng ảnh rêu phong thành quách Hoàng cung thức dậy. Và không chỉ thức dậy, Huế còn thay xiêm áo lộng lẫy, trang điểm rực rỡ, đón nhận một cuộc sống mới đầy sinh khí và náo nhiệt. Từ năm 2000 ở Festival Huế lần thứ nhất đến nay là qua 8 kỳ Festival, Huế mỗi ngày một sinh động và rộn rã, phong phú, đa sắc hơn.
Chợ quê không hấp dẫn du khách, luôn trong cảnh vắng vẻ.
Không thể phủ nhận, Festival đã mang lại cho Huế một giá trị “thặng dư” có giá trị mỗi lần một tăng thêm sau khi Huế được UNESCO phong tặng là “Di sản văn hóa thế giới” cho Quần thể cố đô Huế năm 1993, “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” cho Nhã nhạc Cung đình Huế năm 2003. Cứ mỗi lần Festival, thì Huế lại như một lần “thay da đổi thịt”, khoác trên mình một tấm xiêm áo mới, mang khí sắc mới , thu hút nhiều du khách quốc tế quan tâm, không chỉ với riêng Huế mà còn là một “Việt Nam thu nhỏ”.
Với Festival 2014 này, Huế mang một sắc diện mới mẻ hoàn toàn. Mới từ cách thiết kế những sân khấu, cách tổ chức kết cấu chương trình tiết mục cho đêm khai mạc, cho những “Đêm Hoàng cung”, “Đêm Phương Đông”, “Lễ hội Áo dài”… hay các chương trình mang tính cộng đồng, các chương trình “mở” ở đường phố, chợ quê, các thắng cảnh ở Huế… Ngoài ra Festival Huế 2014 còn mang một sắc màu mới từ những chương trình mang tính “giao lưu văn hóa văn minh” giữa các quốc gia trong khu vực và Âu- Mỹ, tạo nên những sắc thái đa dạng phong phú không nhàm chán như ở các Festival trước.
Ngay trong một chương trình tưởng chừng như công thức mặc định hàng bao năm nay trong các Festival Huế trước là “Đêm Hoàng cung”, thì lần này đã tạo một phong thái hấp dẫn khác hẳn, mang nhiều “hơi thở” của một “Đêm Hoàng cung” của mấy trăm năm trước.
Trong Festival 2014 vai trò của cộng đồng- người dân Huế đã thật sự là “chủ nhân” của Festival, chứ không phải là “khách” như ở các Festival trước. Họ tham gia các chương trình như chính họ là chủ và làm cho du khách cùng với các bạn bè đến góp vui thấy thân thiện và gần gũi.
Một Huế xưa dần phai sắc?
Chính sử, huyền sử và dân gian hòa quyện nhau cho Huế có một không gian huyền hoặc, có sự bí ẩn của một truyền thuyết vùng đất cổ, có chất uy nghi của một kinh đô, có nét duyên dáng của một thành phố thấm đượm chất thơ, có cái dân dã còn vương lại của cư dân… Những “tiềm ẩn” đó tạo cho Huế một tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng, như trở về một ngày xưa, một quá khứ để chiêm nghiệm mất còn, chiêm nghiệm xưa- nay. Chính vì thế Huế đã được UNESCO công nhận hai lần Di sản Văn hóa Thế giới: Quần thể di tích cố đô, Nhã nhạc cung đình.
Lễ hội đường phố ồn ào, náo nhiệt.
“Festival may mà 2 năm một lần, không thì chúng tôi mất ngủ, con cái cũng mất học”- Lời của một người dân trong Thành Nội khi nói về Festival. Đúng là cái ồn ào, náo nhiệt, rộn rã với âm thanh và sắc đèn màu cứ miên man không chỉ ngoài phố lớn đường to, trong Thành Nội ở Hoàng cung, mà gần như len lỏi vào từng hẻm- kẹt- kiệt của Huế, thậm chí kéo về tận các vùng quê lân cận, xáo trộn mọi sinh hoạt vốn trầm lặng, bình yên của Huế như tự thuở xưa.
Do rút kinh nghiệm nhiều Festival trước làm vào tháng 5-6, hay gặp mưa bão, làm hỏng nhiều chương trình và nhất là những chương trình mở trên đường phố gần như không thực hiện được, nên Festival 2014 đã làm sớm vào tháng 4. Thời tiết thì chiều Festival, nhưng cái náo nhiệt ồn ào của Festival đã ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt của người dân, nhất là với học sinh, chúng đang vào mùa thi…Chưa kể, nhiều chương trình của Festival đã làm cho Huế thay “màu”, như một cô gái khuê các, thanh nhã, dịu dàng, kín đáo, nay bị tô son trét phấn lòe loẹt , khoe xiêm áo diêm dúa cầu kỳ, cười nói ca hát nhảy múa ồn ào phô trương thái quá.
Vui đấy mà cảm thấy mệt, bởi cuối cùng thì chẳng nhận ra cái trầm tư, sâu lắng, rêu phong của cố đô Huế. Các Cung điện nườm nượp người ra vô tham quan gây cảnh chen lấn. Trong các sân điện Thái Hòa, cung An Định các show diễn trang phục truyền thống các dân tộc anh em lân bang, hay ca múa nhạc các quốc gia bè bạn năm châu đã làm cho nơi này như những “hí viện” xô bồ, mất đi vẻ trang trọng quý phái cần có. Không kể cả Thành Nội được trang hoàng lòe loẹt từ đèn trang trí màu sắc xanh đỏ tím vàng, đến những bandrol quảng bá chương trình Festival, rồi cờ xí ngũ sắc, cờ các quốc gia bạn tham dự Festival, hoa giả treo ngang giăng dọc… Một cố đô Huế trong Festival như được tô trát sơn màu không còn nhận ra cái vẻ đẹp trầm tư của nó.
Đến Huế vào dịp Festival, du khách mong để nhớ, để vấn vương với một xứ Huế thơ mộng với những điệu ca Huế, từ điệu Bắc trang trọng rộn ràng: Phú lục, Long ngâm, Long điệp, Cổ bản; Hay điệu Nam nỉ non, ai oán: Nam ai, Nam bình, Hành vân,Tương tư khúc… Cùng với bộ “Ngũ tuyệt”: Tranh, tỳ bà, nhị, nguyệt, tam xen lẫn bầu, sáo, bộ gõ. Giai điệu mượt mà như len lỏi vào hồn người, lãng đãng, mơ hồ…, đã hầu như không có được thưởng thức trong Festival Huế, mà ngược lại, chỉ nghe những rộn rã của đủ các giai điệu với công suất âm thanh cực lớn hòa trộn nhau… từ Nghinh Lương Đình đến Bến thuyền Tòa Khâm, Nhà thờ Tổ Ca Huế…
Dung hòa thế nào xưa & nay trong Festival Huế?
Festival Huế đã trở thành một “thương hiệu” nằm trong công nghệ Festival quốc tế, vì thế nó không thuần túy là một lễ hội trong phạm vi những gì liên quan đến Huế, mang tính di sản, thưởng thức “free”- miễn phí, mà mang tính “thị trường”- bán vé vào xem. Có lẽ thế mà nó làm Huế trở thành một thành phố “mới” trong Festival, không còn là Huế xưa, Huế mộng, Huế thơ của những trang nghiêm, trầm tư, sâu lắng, ngọt ngào…, mà là Huế của sự giao lưu văn hóa nghệ thuật vùng miền Việt Nam và giữa Việt Nam với thế giới, ngay trong đêm khai mạc Festival đã thấy rõ “ý tưởng” này và càng đậm đặc hơn trong các chương trình diễn ra trong Festival. Festival Huế còn là một “cái chợ” đặc biệt, một nơi để kinh doanh đúng theo công thức công nghệ Festival quốc tế . Vì thế mà cái “chất” Huế đã không còn độc quyền trong Festval, mà Huế trở thành nơi để Festival thực hiện những cuộc vui và thị trường của mình.
Cũng chính vì mất đi cái nét xưa của Huế trong Festival, làm cho Huế trở thành thực dụng, hỗn tạp, xô bồ, thô kệch, không có tôn nghiêm…mà người dân Huế cảm thấy ưu phiền như một mất mát tâm hồn khó quên.
Nên chăng Ban tổ chức Festival Huế và những người có tâm huyết với Huế, có một ý tưởng mới để dung hòa giữa công nghệ Festival với giữ gìn cái hồn của Huế xưa… Như những gì cần ồn ào náo nhiệt thì hãy để xa xa, ra khỏi Thành Nội và nên có nhiều hơn những hình ảnh Huế xưa qua phục dựng như một triển lãm sống động những sinh hoạt Hoàng cung trong Đại Nội… Như đạo diễn Lê Quý Dương, một trong những đạo diễn chương trình của Festival Huế đã dự tính: Phục dựng một lễ thiết triều trong cung Vua vào Festival Huế 2016 với trang phục theo đúng mẫu lấy từ bộ ảnh được triển lãm trong Festival Huế 2014: “Đại lễ phục Việt Nam triều Nguyễn 1802-1945”. Tại sao không?
(Nguồn: http://suckhoedoisong.vn)