Honna Tetsuji và mối duyên nợ với Việt Nam

29/07/2014

5 - 6 năm trở lại đây, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đã diễn tấu được những tác phẩm kinh điển như Symphony từ No.1 đến No.9 của Beethoven, Brahms No.1 đến No.4, Schubert từ No.1 đến No. 8 và toàn bộ các bản nhạc của Mahler. Sự tiến bộ này không phải ngẫu nhiên, mà có sự góp phần không nhỏ của vị nhạc trưởng “ngoại” - Honna Tetsuji.

Khán giả biết đến nhiều nhạc trưởng ngoại từng tới sống, làm việc tại Việt Nam, và cũng gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam trong nhiều năm. Nhưng người gắn bó lâu nhất cho tới nay có lẽ là nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji.


Nhạc trưởng Honna Tetsuji tại Hòa nhạc Toyota năm 2013.

Đến giờ, Honna Tetsuji vẫn nhắc lại kỷ niệm đẹp mà ông khó có thể quên. “Đó là vào mùa thu năm 2000 ở Nagoya. Sau buổi diễn, anh Ngô Hoàng Quân (nghệ sĩ cello, nguyên Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam - PV) đến chỗ tôi và nói rằng anh ấy cần sự trợ giúp của tôi. Và đó là sự khởi đầu cho những năm tháng gắn bó với Việt Nam...” - nhạc trưởng Honna Tetsuji chia sẻ.

Trước khi quyết định làm cố vấn cho Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, rồi sau đó chính thức trở thành Nhạc trưởng của dàn nhạc này từ năm 2009, Honna Tetsuji từng là tên tuổi được biết đến tại Nhật Bản - đất nước có nền giao hưởng bậc nhất châu Á. Ông từng chỉ huy nhiều dàn nhạc danh tiếng: Dàn nhạc Philarmonica della Scala ở Milano (Italia), Hungarian State Philharmonic (Hungary), Prague Radio Symphony Orchestra (CH Czech), Romanian Radio Orchestra (Rumani)... Trước đó, ông cũng từng được bổ nhiệm làm chỉ huy thường xuyên của Dàn nhạc giao hưởng Osaka, Dàn nhạc thính phòng Nhật Bản, rồi Dàn nhạc giao hưởng Nagoya...

Chia sẻ về Honna Tetsuji, nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân cho biết, trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, cùng với nhạc trưởng người Nhật Bản Fukumura, Honna Tetsuji đã mang lại sinh khí cho Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Có lẽ cũng chính vì mối “duyên nợ” này mà Honna Tetsuji trở thành cây cầu nối âm nhạc cổ điển Việt Nam và Nhật Bản.

Lần lưu diễn đầu tiên ở Nhật Bản của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam là vào năm 2004 trong khuôn khổ Tuần lễ các dàn nhạc châu Á ở Tokyo và Osaka. Bốn năm sau đó, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam lại có chuyến lưu diễn tại Nhật Bản trong khuôn khổ Liên hoan âm nhạc La Folle Journee thuộc Diễn đàn toàn cầu Tokyo. Và ấn tượng hơn cả có lẽ là chương trình biểu diễn tại 7 thành phố của Nhật Bản vào trung tuần tháng 9-2013 trong khuôn khổ Hòa nhạc Toyota nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Như đã nhắc ở trên, nhạc trưởng Fukumura là người có công khi mang lại luồng sinh khí mới cho Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam từ những năm 1990. Nhưng vị nhạc trưởng kỹ tính này hầu như không bao giờ đồng tình với việc trình diễn các tác phẩm Việt Nam. Trong khi đó, Honna Tetsuji không chỉ muốn giới thiệu tới công chúng quốc tế dàn nhạc giao hưởng tầm quốc gia của Việt Nam mà còn muốn “xuất ngoại” cả âm nhạc Việt. Thực tế, một số bản dân ca Việt Nam như Trống cơm, Lý Hoài Nam, Bèo dạt mây trôi... cho dàn nhạc giao hưởng trình tấu từng được Honna Tetsuji và các nghệ sĩ giới thiệu ở Mỹ, Nhật, Áo... Trong khuôn khổ Hòa nhạc Toyota xuyên Đông Dương năm 2012 và Hòa nhạc Toyota 2013 tại Nhật Bản, dàn nhạc lần lượt trình tấu các nhạc phẩm Việt: Tình ca, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn và Xe chỉ luồn kim (Trần Mạnh Hùng chuyển soạn từ dân ca Quan họ)...

“Cá nhân tôi luôn đánh giá cao Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam trong suốt 14 năm qua. Chúng tôi cùng trải qua nhiều chương trình có ý nghĩa và đẳng cấp, như Hòa nhạc Toyota xuyên Đông Dương năm 2012 và Hòa nhạc Toyota tại Nhật Bản năm 2013. Tôi hy vọng rằng nhạc cổ điển ở Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều khán thính giả hơn nữa” - Honna Tetsuji chia sẻ thêm.

Gần 14 năm sống và làm việc tại Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam ngày hôm nay đã khác rất nhiều so với 12 năm trước, khi tôi bắt đầu làm việc cùng dàn nhạc với tư cách cố vấn âm nhạc và chỉ huy.

Dàn nhạc đang thực hiện rất nhiều chương trình âm nhạc hàng năm và các tour lưu diễn quốc tế. Chính vì thế, chất lượng biểu diễn của dàn nhạc ngày càng được nâng cao cũng như có cơ hội tiệm cận với tầm quốc tế.

Từ ngày 1 – 11-8 tới, tại Hà Nội, Đắk Lắk và TP Hồ Chí Minh, vị nhạc trưởng tài ba người Nhật Bản cùng tiếng đàn tài hoa của nghệ sĩ ưu tú cello Trần Thị Mơ sẽ trở lại với khán giả trong khuôn khổ Hòa nhạc Toyota lần thứ 17 năm 2014 do Quỹ Toyota Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức. Chương trình được lựa chọn từ các tác phẩm âm nhạc kinh điển với giai điệu trữ tình, lãng mạn của các tác giả Glinka, Elgar và Tchaikovsky đến các tác phẩm âm nhạc hiện đại với giai điệu đầy hân hoan, ấn tượng, nhịp điệu khó quên của tác giả Leroy Anderson.

Đặc biệt, chương trình năm nay lần đầu tiên có sự tham dự của giọng hát đầy nội lực và đam mê Tùng Dương. Chùm ca khúc do ca sĩ Tùng Dương thể hiện gồm Trường ca Sông Lô, Chiếc khăn Piêu, Bài ca hy vọng, Nơi đảo xa... Một điều đặc biệt trong chương trình năm nay đó là lần đầu tiên nhạc giao hưởng được đến với đồng bào Tây Nguyên, tại TP Buôn Ma Thuột. Buổi hòa nhạc được chọn là chương trình kỷ niệm Năm Du lịch Quốc gia “Đại ngàn Tây Nguyên”. Vẫn như thông lệ, toàn bộ số tiền bán vé của các đêm nhạc đều sẽ được sử dụng cho “Chương trình Học bổng Toyota Hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam”.

(Nguồn: http://sggp.org.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...