“Hôm nay con chơi bài nào?”

04/10/2017

Nghệ sĩ âm nhạc cổ điển chúng ta có thể vẽ ra lai lịch âm nhạc của mình như cây phả hệ gia đình. Những người thầy đã hướng dẫn ta chơi đàn ra sao cũng giống như cha mẹ đã nuôi dạy ta khôn lớn thế nào. Trong khi tiếp tục xác lập quỹ đạo nghệ thuật của mình, tôi cảm thấy một thôi thúc mãnh liệt ngoái nhìn về khởi điểm mà từ đó tôi hình thành nên cảm quan về điều mình có thể đạt được trong đời.


Nghệ sĩ violin Hilary Hahn (1979) bắt đầu sự nghiệp biểu diễn quốc tế của mình khi mới 15 tuổi.
Chỉ hai năm sau, những dàn nhạc danh tiếng của vùng Bắc Mĩ như St. Louis Symphony Orchestra,
Detroit Symphony Orchestra hay Houston Symphony Orchestra đều cảm thấy vinh dự được biểu
diễn cùng cô. Ngày nay, Hahn được đánh giá là một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất thế
 giới, với ba lần đoạt giải Grammy.

Tôi vẫn chưa học đàn violin chuyên sâu cho tới mùa hè năm 1985, khi tôi lên 5 tuổi. Đó là khi Klara Berkovich dạy cho nhóm của tôi tại trại hè violin thiếu nhi. Cô mới chuyển đến từ Leningrad và phong cách dạy học của cô rất mới lạ đối với tôi. Không quá nghiêm trang nhưng cũng không quá phấn khích. Cô rất thực tế, rành mạch và biết chính xác học trò có thể cải thiện thêm ở điểm nào. Cô không cần dùng lời khen làm động lực. Điều đó càng khiến tôi nỗ lực hơn nữa chỉ để nhận một lời nhận xét tích cực nhất từ cô, đó là: “Tốt.” Khi về nhà, tôi đã rất háo hức muốn được học riêng với cô Berkovich.

Sau vài lần gặp gỡ, cô đồng ý nhận kèm cặp cho tôi. Tôi không ngờ rằng cô là người sẽ dẫn mình từ những bước đầu tiên ấy tới vô số buổi biểu diễn cá nhân dành cho học sinh, tới buổi biểu diễn riêng thực sự đầu tiên kéo dài gần cả tiếng đồng hồ, tới Học viện Âm nhạc Curtis, và rằng cô sẽ giới thiệu tôi với những nghệ sĩ giúp tôi định hình sự nghiệp tương lai - tất cả đều xảy ra khi tôi mới lên 10. Nhưng tôi đã biết chắc mình muốn học đàn với cô hằng tuần. Sau đó, tôi nhanh chóng được học nhiều gấp đôi: hai buổi một tuần, không nghỉ lần nào trong suốt cả năm.

Ngay từ buổi học đầu tiên, cô Berkovich đã giới thiệu cho tôi vô số kỹ thuật chơi violin đặc thù và khái niệm về các câu nhạc. Những người thầy nghệ thuật lớn không chỉ hướng dẫn học trò học theo mình, họ còn thôi thúc học trò làm giàu thêm trải nghiệm và diễn giải tiếng nói sáng tạo riêng theo ý mình. Họ tin rằng nghệ thuật của ta sẽ cho thấy ta đã nỗ lực như thế nào và cống hiến nhiều bao nhiêu cho nó. Cô Berkovich là một giáo viên như thế. Cô khích lệ tình yêu của tôi đối với sách vở và ballet. Cô cho tôi xem ảnh các tuyệt tác nghệ thuật thị giác, khuyên tôi suy nghĩ về âm nhạc như những câu chuyện vượt ra ngoài các nốt nhạc, chỉ cho tôi cách tránh những tật xấu khi chơi đàn, giải thích cách ghi nhớ và phân tích ngôn ngữ âm nhạc, và còn tặng tôi những bản thu âm lịch sử. Thấy rằng tôi thích thử thách, cô bèn giao cho tôi những bài tập về nhà hơi vượt quá khả năng của tôi khi ấy rồi sau đó hướng dẫn tôi vượt qua từng “chướng ngại vật”. Khi cô thị phạm các trích đoạn trên đàn violin, tôi đã hết sức ngưỡng mộ và kỳ vọng một ngày nào đó sẽ chơi hay như cô. Tôi cũng muốn tự tin và sâu sắc như cô. Tuy chỉ cao 1m52, tư thế của cô rất đĩnh đạc và quý phái .

Tác phẩm lớn cuối cùng mà cô Berkovich dạy tôi là Violin Concerto số 4 của nhà soạn nhạc và nghệ sĩ violin bậc thầy thế kỷ 19 Henri Vieuxtemps. Một trong những nghệ sĩ yêu thích của tôi đã thu âm tác phẩm ấy - suy nghĩ rằng danh mục biểu diễn của mình có nhiều điểm chung với Jascha Heifetz khiến tôi rất háo hức. Học cách trình tấu bản concerto đó, với thảy xúc cảm mãnh liệt về vẻ đẹp và sự vĩ đại của nó, nắm vững kỹ thuật cần thiết để đem âm nhạc đó đến với người nghe, gieo trong tôi hy vọng rằng sẽ có ngày tôi trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Những hạt giống thông thái mà cô Berkovich gieo vào tôi từ khi cô dạy tôi những tác phẩm như của Vieuxtemps đã nảy mầm và lớn lên sau nhiều năm tháng: “Mỗi lần nghe một tác phẩm nào đó, hãy hình dung em đang thưởng thức nó lần đầu tiên.” “Không bao giờ ngừng học hỏi.” “Không nói lặp lại điều gì hai lần, không chơi một câu nhạc theo cùng một cách hai lần.” “Luôn luôn đặt câu hỏi.”


Hilary Hahn và cô Klara Berkovich. Ảnh: Stephen Hahn.

Theo gợi ý của cô Berkovich, khi lên 10, tôi bắt đầu tìm kiếm người thầy thứ hai. Tôi đã tìm thấy ông ở Học viện Âm nhạc Curtis: thầy Jascha Brodsky. Thầy đã 83 tuổi, từng học với nghệ sĩ violin huyền thoại người Bỉ Eugène Ysaÿe tại Paris vào những năm 1920 và đi lưu diễn khắp thế giới trong hơn 50 năm. Tôi thấy thầy rất thú vị. Thầy mặc vét ba mảnh, kể cả vào mùa hè, và đội mũ phớt mềm khi ra ngoài. Khi hút thuốc, thầy cố ý để tàn thuốc đọng lại rất dài. Thầy đã dạy học những sáu thập kỷ. Tôi cảm nhận được rằng thầy không thích bị phí phạm thời gian, nhưng cũng biết rõ thầy thực sự yêu công việc dạy học.

Tác phẩm lớn đầu tiên mà thầy Brodsky giao cho tôi tập là Violin Concerto số 5 của Mozart, tác phẩm vốn được nhiều nghệ sĩ violin quốc tế trình diễn thường xuyên. Khi nghĩ tới những nghệ sĩ lớn từng trình diễn tác phẩm của Mozart trước tôi, về những truyền thống tôi được kế thừa, đứa trẻ 10 tuổi là tôi khi ấy không khỏi cảm thấy hãnh diện.

Tôi theo học thầy Brodsky trong bảy năm. Cách của thầy là giao cho tôi quá nhiều bài tập một lúc khiến tôi không có đủ thời gian để luyện tất cả mỗi ngày, nhưng thầy vẫn đòi hỏi tôi trả bài đầy đủ mỗi tuần. Tôi phải tập không ngừng, điều đó rốt cuộc rất tốt cho tôi trong thời gian dài về sau này. Thầy kiên trì tinh chỉnh kỹ thuật và bản năng âm nhạc của tôi nhằm giúp tôi phát triển thành một nghệ sĩ violin vững vàng và tinh tế hơn. Đó không phải một quá trình dễ dàng, nhưng danh mục trình diễn của tôi nhanh chóng mở rộng và tiếng đàn của tôi phát triển rõ rệt sau từng tháng. Thầy không tin vào việc đi tắt: Ở tuổi 85, thầy vẫn sẵn lòng học một bản concerto mới chỉ để dạy lại cho tôi. Tôi tôn trọng thầy và quan điểm của thầy hết mực. Trong giờ giải lao giữa các buổi học, khi tôi thư giãn đôi tay hay nhấp một ngụm nước, thầy Brodsky kể cho tôi nghe những giai thoại từ trải nghiệm của thầy trong quá khứ với đồng nghiệp cũ, mà rất nhiều trong số họ, do cách biệt 73 năm tuổi đời, tôi chỉ biết đến qua các bản thu còn lại của họ. Bằng cách chia sẻ quá khứ của mình, thầy gắn kết lịch sử với cuộc đời tôi, trong đó có cả lịch sử âm nhạc của thầy với nghệ sĩ Ysaÿe, người, trùng hợp làm sao, lại là học trò của nhạc sĩ Vieuxtemps.

Khi thầy Brodsky bị ốm nặng, năm đó thầy 89 tuổi, tôi tới thăm thầy ở trung tâm hỗ trợ y tế. Có hai y tá đưa thầy tới một căn phòng lớn, và thầy ngồi bên chiếc bàn họp. Tôi đã nghĩ chỉ tới để nói chuyện với thầy, nhưng vẫn mang theo đàn dự phòng. Hẳn nhiên, một trong những câu hỏi đầu tiên của thầy là: “Trò yêu, hôm nay con chơi cho thầy bài gì nào?” Tôi nhắc thầy về danh mục tác phẩm tôi đang luyện tập, rồi thầy dạy tôi những hai tiếng đồng hồ. Thầy rướn người về phía trước trên ghế ngồi, ngân nga vài ví dụ, uốn nắn câu nhạc bằng những cử chỉ giải thích, dừng tôi vài lần để đưa ra gợi ý và chỉnh lại cách chơi. Với thầy Brodsky, dạy học là niềm thôi thúc không ngừng. Cuối buổi hôm đó, khi chúng tôi nói lời từ biệt, thầy hôn lên trán tôi như vẫn làm sau mỗi buổi học từ khi tôi lên 10.

Ba tuần sau, tôi nhận được cuộc gọi báo rằng thầy Brodsky đã qua đời. Khi ấy tôi 17 tuổi. Tôi mất một thời gian dài mới quen được với sự vắng bóng của thầy, và mới hiểu ra làm thế nào để tiếp tục tiến bước trong khi vẫn kính ngưỡng những ký ức của thầy.

Giờ đây, tôi nhìn lại những năm học với cô Berkovich và thầy Brodsky trong sự biết ơn sâu sắc. Nếu không có hai người thầy mạnh mẽ, tốt bụng và đầy nhiệt huyết đó, nếu không có những bài học của họ, hẳn tôi đã thành một người hoàn toàn khác. Tuy rằng nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng đó là thực tế hiển nhiên. Di sản mà người thầy nghệ thuật tặng cho học trò chính là sự khích lệ đồng thời đối với việc sáng tạo và khám phá những khía cạnh khác nhau của ý tưởng, nhìn nhận tầm quan trọng của bản năng, và coi trọng những ý kiến trái ngược. Họ không thích chúng ta rập khuôn như những cái máy. Họ muốn ta có cái nhìn phê phán trong mọi tình huống, kiếm tìm cái đẹp trong mọi hoàn cảnh. Phương cách này áp dụng cho mọi lĩnh vực, từ âm nhạc, nghệ thuật thị giác, điện ảnh, văn học, kịch nghệ, vũ đạo, và vượt ra cả ngoài nghệ thuật nữa.

Bản thu trong đó tôi trình diễn concerto của Vieuxtemps mà cô Berkovich đã mang đến cho tôi và concerto đầu tiên của Mozart mà thầy Brodsky chỉ dạy cho tôi, được phát hành vào mùa xuân năm nay [2015]. Qua bản thu này, tôi kết nối lại với hai người thầy quan trọng nhất trong đời mình. Tôi coi nó như một món quà âm nhạc dành cho hai người thầy vì những gì trường tồn mà họ đã chỉ dạy cho tôi, cũng là một cách khác để nhìn nhận lại ảnh hưởng của họ lên tôi. Thực khó để cảm thấy rằng tôi đã làm đủ để đền đáp công ơn của họ. Tôi nghĩ về họ mỗi ngày. Ba mươi năm sau khi gặp cô Berkovich lần đầu, tôi vẫn không thể chỉ ra đâu là nơi bài học của hai thầy cô kết thúc và đâu là nơi con đường riêng của tôi bắt đầu - tôi thấy mình thực may mắn vì đã trải qua thời gian quý báu với họ.

(Nguồn: http://www.slate.com/articles/arts/culturebox/2015/07/violinist_hilary_h...)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...