Hội thảo khoa học “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật”

15/09/2019

Sáng ngày 11/09/2019, tại Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã diễn ra hội thảo “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật”.

Toàn cảnh hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chủ trì hội thảo, Ts Từ Mạnh Lương - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, PGSTS Trần Trí Trắc, TS Ngô Tự Lập, TS Phạm Việt Long, NSND Lê Chức, Th.S Nguyễn Công Tú, Th.s Vũ Nhật Tân, nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long... cùng nhiều nghệ sĩ.

Buổi hội thảo đã có những tranh luận đầy tính học thuật giữa quan điểm của các nhà quản lý cũng như các nhà khoa học. Dưới nhiều góc độ khác nhau, mỗi quan điểm là một điểm nhìn về những ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

TS Từ Mạnh Lương trình bày một số ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đi sâu vào chủ trương chính sách và hạ tầng thiết chế văn hóa cùng nhân lực trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. TS Từ Mạnh Lương đặt ra một số yêu cầu đổi mới, ứng dụng công nghệ. Trong đó, có đổi mới việc hình thành và sáng tạo sản phẩm nghệ thuật, đổi mới hình thức quảng bá phổ biến sản phẩm, đổi mới phương thức tiếp nhận dịch vụ biểu diễn nghệ thuật.

Từ đó, TS đề xuất một số giải pháp về chính sách. Trong đó có một số giải pháp đáng lưu ý như: Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có sự hài hòa, đồng bộ; xây dựng và hoàn thiện chính sách cụ thể song hành việc sáng tạo bằng phương thức truyền thống; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và chuyển giao công nghệ là thành tựu Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại bằng công nghệ số, có cơ chế khuyến khích và hoàn thiện thị trường cung cấp dịch vụ biểu diễn nghệ thuật theo quy định của Pháp luật.

TS Ngô Tự Lập cho rằng, “rác” thông tin điện tử chính là hiểm họa lớn nhất của tương lai nhân loại. Trong “biển rác” thông tin mênh mông đang dâng cao, con người hiện đại ngày càng chìm ngập trong các chi tiết, càng rời xa các câu chuyện, các logic. Đó là lí do vì sao nhiều bạn trẻ chỉ còn ưa thích những truyện tranh, cuốn sách và bài ca hời hợt, ngày càng mất niềm vui thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật và triết học sâu sắc. Sự phổ cập của mạng xã hội, với sự tiện lợi và tính ẩn danh, với nền tảng truyền thông nhanh chóng và gần như miễn phí, tạo điều kiện và thậm chí thúc đẩy những người tham gia trở thành những kẻ phát ngôn vô trách nhiệm, không cần dựa trên hệ quy chiếu đạo đức và thẩm mỹ nào. TS đặt ra vấn đề chúng ta phải đối mặt với một thời đại khủng khiếp, khi “rác” thông tin bất tử và độc hại được sản xuất và lan truyền bởi những cá nhân ngày càng bị phi xã hội hóa. Mà sự suy giảm tính xã hội trong mỗi cá nhân cũng đồng nghĩa với sự suy giảm tính người.

TS Phạm Việt Long (áo sọc kẻ trắng) trình bày tham luận tại hội thảo.

ThS Nguyễn Công Tú đến từ trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội trình bày một số thực trạng về việc ứng dụng công nghệ và đổi mới công nghệ xu hướng công nghiệp 4.0 về âm thanh và ánh sáng ở Việt Nam, trong đó vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như tại các nhà hát phục vụ cho nghệ thuật biểu diễn trên cả nước chưa có điều kiện để phát huy tính ưu việt của công nghệ hiện đại nên có nguy cơ tụt hậu về công nghệ.

Theo quan điểm của ThS, thậm chí các nhà hát trên cả nước có lẽ đang ở giai đoạn đầu của 3.0. Từ đó, một số giải pháp được ThS Nguyễn Công Tú đặt ra: Cần có sự quan tâm của Nhà nước, các cấp Bộ ngành; cần có chiến lược đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực về các lĩnh vực này một cách bài bản và đặc biệt chuyên sâu; có những chính sách cụ thể với những người làm âm thanh và ánh sáng cho nghệ thuật biểu diễn; cần có sự đánh giá đúng bản chất vấn đề của âm thanh, ánh sáng và AR hiện đại và phải coi nó như là một thành phần đồng sáng tạo trong nghệ thuật biểu diễn mà xưa nay coi nó là không quan trọng; cần có sự đầu tư đồng bộ từ không gian biểu diễn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.

Đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ThS Vũ Nhật Tân đi sâu vào âm nhạc số trong kỷ nguyên 4.0, trong đó, ông đã trình bày tác động sâu rộng của công nghệ tới người thưởng thức âm nhạc. Trong đó, đáng chú ý về sự thu hẹp về số lượng đĩa CD, mà hiện nay khán giả đã tùy chọn nghe âm nhạc qua Internet với các kênh truyền thông giải trí như Youtube, Vimeo hay nổi bật là Facebook. Ông cũng chỉ ra rằng, hầu hết các trường đại học và học viện âm nhạc lớn trên thế giới hiện nay đều đã thiết lập và xây dựng xong hệ thống studio âm nhạc điện tử và  khoa âm nhạc điện tử, tập trung vào đào tạo thử nghiệm ứng dụng các yếu tố mới nhất trong công nghệ vào quá trình sáng tạo. Nhờ vậy, họ ngày càng phát triển nhanh hơn và nâng cao chất lượng phổ cập âm nhạc tới công chúng hơn, thay bằng việc ứng dụng tự phát và tự học như ở ta, khi mà nước ta chưa hề có một Studio âm nhạc điện tử hoặc khoa âm nhạc điện tử tại một trường đại học- học viện nào.

TS Phạm Việt Long cho rằng, các nhà nghiên cứu không thể sưu tầm theo kiểu nào cũng được. Cần phải định ra những mã về công nghệ thông tin. Nhiều nhà nghiên cứu đi thực tế, điền dã, đi xuống tận vùng sâu vùng xa nghiên cứu, các tư liệu ảnh, âm thanh sau trở thành tài sản riêng của một người, sau đó qua đời nên mất hết. Hoặc là cho vào cơ quan, sau chuyển cơ quan bị mất, lại phải đi sưu tầm lại.

TS đặt ra vấn đề là có những cái chúng ta đi sưu tầm, nhưng không còn nữa. Cần định dạng lại mã chuẩn, kể cả trí tuệ nhân tạo cũng cần cái chuẩn, và các nhà nghiên cứu phải thống nhất với nhau trong một cái chuẩn. TS cũng chỉ ra những tranh luận không đi được đến kết luận, vì không có những quy chiếu chuẩn hóa về mặt tư liệu, đồng thời nhấn mạnh về định lượng và định tính, chứ không chỉ dừng lại ở việc định tính.

TS Phạm Việt Long cũng tin tưởng vào trí tuệ nhân tạo, khi nói về bản gốc và dị bản, với điều kiện chúng ta phải chuẩn hóa các dữ liệu. Với vốn di sản nghệ thuật biểu diễn, có thể quy thành hai nhóm: Sân khấu (Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch, Múa rối), và Âm nhạc (Cung đình, ca dao- dân ca). Việc số hóa hai lĩnh vực này đòi hỏi phải phân loại thật khoa học, chi tiết, tạo mã số định danh cho rất nhiều thành phần. Ví dụ như kịch bản/văn bản, trang phục, diễn xuất, theo nhiều định dạng khác nhau như hình ảnh (.JPG), âm thanh (.MP3, WAV), văn bản (WORD)…

Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long đặt ra một số vấn đề về trí tuệ nhân tạo thách thức nghệ thuật truyền thống. Sự phát triển của công nghiệp 4.0 với công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo những bước đột phá lớn, tạo những thay đổi mang tính bản lề cho xã hội loài người thì nó đồng thời là một thách thức đối với nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc. Nếu thực sự có thể tạo ra những nghệ nhân ảo từ những nguyên mẫu đã có trong cuộc sống hiện tại và kể cả trong quá khứ, thậm chí tạo ra những nghệ sĩ/nghệ nhân hoàn toàn mới tích hợp đủ các tài năng mà người bình thường khó có được thì điều này có thể tạo ra những hiệu ứng nhất thời trong xã hội, nhưng nó lại là những mầm mống của rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, nếu xuất hiện những hình tượng âm nhạc trẻ ảo, thậm chí Robot với ngoại hình đẹp thể hiện những giai điệu âm nhạc mà giới trẻ yêu thích thì với sự hiếu kỳ, tò mò và dễ chạy theo xu hướng của giới trẻ sẽ tạo một làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ, hệ quả là nó sẽ làm thay đổi cơ bản về văn hóa.

(Nguồn: http://vanhien.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...