Hội thảo “Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc” tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 1 tháng 12 năm 2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc”, nhân kỷ niệm 60 thành lập Hội (1957-2017), nhằm khẳng định những thành tựu âm nhạc to lớn đã đạt được trong suốt 60 năm qua, những đề xuất, phương hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Đến dự có: các đại biểu đại diện Thành ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố; Viện Âm nhạc, Trung tâm đào tạo và thực nghiệm Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh...
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội; Th.s, nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NS Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; NS Trần Nhật Dương - Trưởng Ban Kiểm tra; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội: nhạc sĩ Lê Xuân Hoan; nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện; PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm; nhạc sĩ Tôn Thất Lập; nhạc sĩ Lê Xuân Hoan; các nhạc sĩ lão thành, các nhạc sĩ, nghệ sĩ tác giả tham luận và các nhạc sĩ, nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh...
Tại Lễ khai mạc, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã có bài phát biểu:
“Để tiến tới lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong cả nước đã có nhiều hoạt động âm nhạc chào mừng hết sức có ý nghĩa.
Trong 60 năm qua giới văn học nghệ thuật trong cả nước, trong đó có giới âm nhạc chúng ta thật vinh dự, tự hào, được Đảng và Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã đạt được những thành tựu rất to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong 60 năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn đồng hàng cùng dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, với cuộc sống, luôn bám sát đường lối văn nghệ của Đảng, từ Đề cương Văn hóa năm 1943, đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8, Nghị quyết 23 Bộ Chính trị và Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 về “xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nhờ đó hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm, công trình nghiên cứu, giảng dạy, lý luận phê bình đã ra đời và đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng và chính trị.
Dựa vào nội dung các bản tham luận, Ban tổ chức nhận thấy nội dung cuộc Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Âm nhạc mới Việt Nam với tiến trình hình thành và phát triển qua các chặng đường lịch sử, kháng chiến chống ngoại xâm, giai đoạn đổi mới tự khẳng định mình trước xu thế toàn cầu hóa; những gương mặt hội viên tiêu biểu trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận, đào tạo, những tác phẩm tiêu biểu với các thể loại khác nhau, ca khúc phổ thông, ca khúc nghệ thuật, hợp xướng, giao hưởng, thính phòng...; những phong trào âm nhạc yêu nước tại các đô thị miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vai trò hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như các chi hội trong sinh hoạt âm nhạc cũng như trong đời đời sống xã hội; những đề xuất, kiến nghị...”.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng có bài phát biểu:
“Cách đây 60 năm, ngày 30 tháng 12 năm 1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam được nhận Quyết định thành lập, theo Nghị định số 750 và 751 của Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của Hội là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam nằm trong Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập từ tháng 7 năm 1948 trong thời thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phải nói rằng Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính thức được thành lập cuối tháng 5 năm 1957 tại ngôi nhà 96 phố Huế, ở đây còn có nhạc sĩ Trương Quang Lục là nhân chứng lịch sử. Nhưng chúng ta vẫn lấy ngày 30 tháng 12 năm 1957, ngày Bộ Nội vụ ra Quyết định thành lập 2 Hội Nhạc sĩ là: Hội Nhạc sĩ Sáng tác và Hội Nhạc sĩ Biểu diễn để làm ngày chính thức. Lần giở lại những trang tư liệu về ngày đầu thành lập Hội, khi đó chỉ với gần 50 nhạc sĩ, nghệ sĩ từ chiến khu trở về và các nghệ sĩ trong lòng Hà Nội, đã tập hợp dưới mái nhà chung mở ra con đường sáng tạo của nền âm nhạc Việt Nam. Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn các nhạc sĩ, đã có công gây dựng ngôi nhà âm nhạc, các nhạc sĩ Tổng Thư ký: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Ca Lê Thuần, Trọng Bằng, và các nhạc sĩ đã tham gia Ban Kiểm tra, Hội đồng nghệ thuật... trong suốt 9 nhiệm kỳ... Chúng ta cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động tưởng nhớ tới các nhạc sĩ, chiến sĩ... đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường, khi tuổi đời còn rất trẻ, tài năng và nhiệt huyết đang bừng phát, các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Hoàng Việt, Vĩnh Bảo, Văn Cận, và còn nhiều các anh hùng liệt sĩ, đã để lại những tác phẩm âm nhạc bất hủ, sống mãi với thời gian.
Nhìn vào chặng đường 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tự hào là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xứng đáng với lòng tin của Đảng, của nhân dân, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã có công đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, từ các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trên miền Bắc khi đánh trả lực lượng không quân của đế quốc Mỹ trong những năm 60 – 70, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong các đô thị miền Nam trước năm 75, và sau này là những phong trào thanh niên đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước; hát về biển đảo quê hương, hát về nông thôn mới, vùng sâu, vùng xa... và trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, âm nhạc vẫn luôn là vũ khí sắc bén, và luôn luôn đồng hành cùng dân tộc. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã để lại một kho tàng âm nhạc đồ sộ, vô cùng giá trị, đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của cả dân tộc.
Cùng với các thành tích sáng tác, công tác lý luận phê bình cũng phát triển về lượng và về chất, nhiều hội thảo, lớp tập huấn, trại sáng tác về lý luận đã được tổ chức trong nhiều năm qua, các công trình, các tổng tập, tác phẩm, các công trình nghiên cứu về dân ca, dân nhạc, các sách về âm nhạc Việt Nam, về các chân dung nhạc sĩ và gần đây là cuốn “Lịch sử âm nhạc Việt Nam” của PGS.TS Thế Bảo và bộ sách “13 chân dung các nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam” của nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha...
Để tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ngay từ đầu năm 2017, Ban Chấp hành Hội đã tổ chức và triển khai nhiều hoạt động nghiệp vụ trên các lĩnh vực từ biểu diễn, hội thảo, cho đến những cuộc đi thực tế, tri ân những nơi địa danh, di tích lịch sử đã gắn liền với những hoạt động của Hội trong suốt 60 năm qua. Thời gian gần đây, Hội đã tổ chức một loạt các hoạt động biểu diễn với chủ đề “Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc” là đêm diễn tại TP. Cần Thơ, và tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội...
Lực lượng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngày càng lớn mạnh và thực lực trong nghệ thuật của chúng ta đã nắm được tất cả các khâu từ sáng tác, biểu diễn, đến quảng bá tuyên truyền, và đây chính là những hành động đẹp nhất, những tri ân của thế hệ hôm nay đối với truyền thống 60 năm của Hội”.
Tại Hội thảo đã có 11 bản tham luận của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà lý luận phê bình, đào tạo, các nhà khoa học, ở các tỉnh phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh được trình bày: nhạc sĩ Trương Quang Lục (TP. Hồ Chí Minh) với “Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam”; nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) với “Vài nét về âm nhạc giải phóng”; nhạc sĩ Võ Công Phước (TP. Hồ Chí Minh) với “Hoạt động âm nhạc trong lực lượng vũ trang khu vực Nam Bộ”; PGS.NGND Hoàng Cương với “Vài cảm nghĩ về nền khí nhạc phía Nam từ sau giải phóng; nhạc sĩ Trần Viết Bính (Đồng Nai) với “Vai trò và hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như các chi hội trong sinh hoạt âm nhạc, trong đời sống xã hội trước đây, hiện nay và những đề xuất cho tương lai”; PGS.TS Trần Thế Bảo (TP. Hồ Chí Minh) với “Công tác Hội sắp đến sẽ ra sao?”; nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa (Đồng Nai) với “Cần một chương trình phối hợp hành động về xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam”; nhạc sĩ Lê Xuân Hoan (Gia Lai) với “Âm nhạc Tây Nguyên trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam”; nhạc sĩ Hình Phước Liên (Khánh Hòa) với “Âm nhạc Khánh Hòa 42 năm nhìn lại”; nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông (Tây Ninh) với “Tây Ninh tiếp nối những dòng chảy âm nhạc quí báu”; nhạc sĩ Thế Tuyên (Bình Định) với “Vai trò của chi hội nhạc sĩ Việt Nam trong sinh hoạt âm nhạc và trong đời sống xã hội của địa phương”...
Và các bản tham luận của các nhạc sĩ, nghệ sĩ đóng góp cho Hội thảo như: Th.s Lưu Hữu Chí (TP. Hồ Chí Minh) với “Bản sắc dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ – người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật”; nhạc sĩ Phạm Quế Nguyên (Bạc Liêu) với “Những ca khúc hay của một số nhạc sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam”; PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (TP. Hồ Chí Minh) với “Sáng tác mới cho nhạc khí Dân tộc – một hướng phát triển nhạc dân tộc ở thế kỷ XX”; Th.s Nguyễn Thị Ngọc Dung (TP. Hồ Chí Minh) với “Thể hiện bản sắc dân tộc trong giao hưởng đương đại Việt Nam – một góc nhìn mới”; Th.s Nguyễn Khánh Trang (TP. Hồ Chí Minh) với “Opera Việt Nam – bản sắc dân tộc trong thể loại âm nhạc kinh viện”; nhạc sĩ Thai Sắc (Đồng Tháp) với “Bolero và định hướng phổ biến âm nhạc trên sóng truyền hình”; nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm (Đăk Lăk) với “Âm nhạc các dân tộc thiểu số Trường Sơn Tây Nguyên đồng hành cùng đội ngũ”; nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (TP. Hồ Chí Minh) với “Vai trò của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong việc phổ biến âm nhạc dân tộc hiện nay”...
Kết thúc Hội thảo, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã có những đánh giá tổng kết:
“Qua cuộc Hội thảo, tuy chưa được trình bày đầy đủ các tham luận của các nhạc sĩ, nhưng Ban tổ chức và tất cả chúng ta cũng đánh giá cao các bản tham luận đã đáp ứng được yêu cầu của Ban tổ chức về nội dung của cuộc Hội thảo “Hội Nhạc sĩ Việt Nam - 60 năm đồng hành cùng dân tộc”, trong buổi làm việc có 11 bản tham luận được trình bày, và còn 9 bản tham luận nữa có thể nói cũng rất sâu sắc, rất công phu được in trong tập sách.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục đã kể đôi nét về những ngày đầu thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong đó nhạc sĩ nhắc đến nhiều về các hoạt động biểu diễn, sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi từ trước và sau giải phóng; nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã khắc họa lại không khí tưng bừng của những ngày đồng khởi trong phong trào cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh về lực lượng và chất lượng nghệ thuật, với nhiều sáng tạo độc đáo của đồng bào và chiến sĩ ta; nhạc sĩ Võ Công Phước với “Hoạt động âm nhạc trong lực lượng vũ trang khu vực Nam Bộ”, có thể nói là lực lượng biểu diễn chuyên nghiệp luôn là nòng cốt cho phong trào văn nghệ xung kích của bộ đội - quân giải phóng miền Nam, đặc biệt là khu vực Nam Bộ rất nhiều sáng tạo, độc đáo về tác phẩm âm nhạc và đặc biệt là trong công việc chuyển những sáng tác của các nhạc sĩ sáng tác ở miền Nam ra miền Bắc cũng là một công phu, và nhờ Hội thảo chúng ta cũng thấy thêm công lao của các nhạc sĩ ở miền Nam như Nguyễn Tấn Thi, Phạm Minh Tuấn, và ở miền Bắc thì có nhạc sĩ Vĩnh Lai, Phạm Tuyên... Có thể nói sau giải phóng thì một lực lượng sáng tác trẻ tiếp tục sự nghiệp của các đàn anh trong quân đội, cũng như các phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam, lực lượng thanh niên xung phong và đặc biệt hiện nay tiếp tục truyền thống nghệ thuật âm nhạc trong kháng chiến đó là Đoàn Văn công quân khu 7, và Đoàn Văn công quân khu 9; PGS. NGND Hoàng Cương với bản tham luận “Vài cảm nghĩ về nền khí nhạc phía Nam từ sau giải phóng”, bài tham luận đã phản ánh sinh động về tình hình biểu diễn và hoạt động tại Nhạc viện và tại một số đoàn nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh cũng như một số các đơn vị khác từ những ngày đầu giải phóng gặp không ít khó khăn và có thể nói là nhờ vào công tác đào tạo rất tốt của Nhạc viện đã đào tạo một lực lượng không nhỏ về sáng tác và biểu diễn, góp phần xứng đáng vào hoạt động âm nhạc cách mạng từ sau giải phóng đến nay. Và đến nay, điều chúng ta cần là lực lượng sáng tác và biểu diễn khí nhạc đã lớn mạnh như vậy, cho nên rất cần một nhà hát dành cho opera, giao hưởng, thính phòng... vì lực lượng sáng tác khí nhạc đang càng ngày càng lớn mạnh và nhiều phong cách sáng tạo rất độc đáo; nhạc sĩ Trần Viết Bính với tham luận “Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam”, nhạc sĩ là chứng nhân và ghi nhận từ khi nhạc sĩ còn trẻ sự ra đời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được sự hưởng ứng rộng rãi của công chúng về mặt tác phẩm của giới nhạc sĩ chúng ta, là nhờ có sự định hướng về thẩm mỹ rất tốt của Hội từ thời kỳ đầu. Chúng ta rất đáng tự hào Hội và các chi hội hiện nay – cánh tay nối dài của Hội, cũng đã sớm phát hiện ra sự lệch chuẩn trong hoạt động âm nhạc, sự lệch chuẩn đó đặc biệt là trong biểu diễn âm nhạc; PGS.TS Thế Bảo với bản tham luận “Công tác Hội sắp tới sẽ ra sao?”, có thể nói đây là một mối lo rất chính đáng của một người nhạc sĩ vào hàng đàn anh của nhiều thế hệ nhạc sĩ trẻ đã từng là học trò của nhạc sĩ ở các nhạc viện Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh... cần quan tâm hơn nữa đến lực lượng hội viên trẻ kế tục sự nghiệp của Hội Nhạc sĩ Việt Nam hiện nay; nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa với tham luận “Cần một chương trình hành động để phối hợp xây dựng và phát triển âm nhạc Việt Nam”, nói lên sự phối hợp hiện nay chưa đồng bộ, như giữa Hội với các sở văn hóa, các đài phát thanh, truyền hình, báo chí, các đơn vị... lo đầu ra cho các tác phẩm văn học nghệ thuật trong đó có âm nhạc là chưa được hài hòa chặt chẽ, đặc biệt kinh phí là một vấn đề nan giải hiện nay; nhạc sĩ Lê Xuân Hoan với “Âm nhạc trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam”, đây là tham luận sâu sắc, nêu ra được nhiều tên tuổi nhạc sĩ lớn đã đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, người nghệ sĩ sáng tạo văn học nghệ thuật luôn đồng hành cùng đồng bào chiến sĩ Tây Nguyên trong mọi thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, độc đáo nhất là phong trào văn nghệ bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp của Tây Nguyên, như những mô hình hoạt động rất có hiệu quả từ trong kháng chiến cho đến xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay; nhạc sĩ Hình Phước Liên đã nêu bật được 42 năm nhìn lại âm nhạc Khánh Hòa có thể nói từ không có gì hoặc còn non yếu, từ ngày có hội văn học nghệ thuật, các nhạc sĩ cũng đã chăm lo của tỉnh nhà nói chung, trong đó có âm nhạc đóng góp xứng đáng cho nền âm nhạc Việt Nam; nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông với “Tây Ninh tiếp nối những dòng chảy âm nhạc quí báu” có thể nói nhiều nhạc sĩ qua các thế hệ và đặc biệt nhạc sĩ Xuân Hồng - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đã góp phần xứng đáng vào hoạt động chung của nền âm nhạc Việt Nam; nhạc sĩ Thế Tuyên “Vai trò của chi hội nhạc sĩ trong sinh hoạt và trong đời sống xã hội của địa phương, đã nêu được truyền thống của âm nhạc Bình Định từ thời chống Pháp, chống Mỹ đến nay với nhiều tên tuổi của các nhạc sĩ nổi tiếng trong cả nước, góp phần xứng đáng vào lực lượng và chuyên môn cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam...
Qua cuộc Hội thảo, chúng ta nhìn lại thành tựu âm nhạc trong suốt chặng đường 60 năm qua, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các nhạc sĩ tiền bối đã góp phần xây dựng vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam ngày nay.
Hội thảo khoa học: “Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc” tại Hà Nội sẽ diễn ra vào sáng ngày 7 tháng 12 năm 2017 tại Hội trường Đài tiếng nói Việt Nam, 58 phố Quán Sứ.
Xem ảnh tại đây: http://www.hoinhacsi.vn/chum-anh-hoi-thao-ky-niem-60-nam-hoi-nhac-si-tai...