Hội nghị toàn quốc các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ I
Ngày 11 tháng 12 năm 2015, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã khai mạc Hội nghị toàn quốc các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ I.
Dự hội nghị có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; NS Đức Trịnh – Phó Chủ tịch thường trực Hội; NS Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; NS Trần Long Ẩn – Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội; Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội, các Ban chuyên môn; các nhạc sĩ Chi hội trưởng, Trưởng Đoàn nhạc sĩ của 61 tỉnh, thành trong cả nước.
PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – chủ trì Hội nghị báo cáo khái quát các hoạt động của các Chi hội, Đoàn Nhạc sĩ trên toàn quốc về công tác chi hội, hội viên, Liên hoan Âm nhạc khu vực, Ngày Âm nhạc Việt Nam, công tác đầu tư, Trại sáng tác…
Báo cáo đã được các đại biểu nhất trí cao với các nội dung, mục đích: nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi hội cơ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là cánh tay nối dài của Trung ương Hội, phối hợp hoạt động giữa các chi hội, cụm chi hội theo vùng miền, khu vực. Tiếp tục phát huy hoạt động chi hội trong các sự kiện lớn của địa phương, của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như: Ngày Âm nhạc Việt Nam, Liên hoan Âm nhạc khu vực, tiến tới tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc theo từng lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn…, các hội thảo khoa học về lý luận phê bình, về đào tạo âm nhạc… Hoạt động chi hội còn là nơi tôn vinh các nhạc sĩ lão thành, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất, quảng bá phát huy giá trị âm nhạc của các nhạc sĩ tiền bối…
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, đặc biệt là các bài tham luận như:
- “Vài suy nghĩ về hoạt động Âm nhạc Chi hội địa phương” của NS Ngọc Thịnh (Hà Tĩnh), đánh giá tầm quan trọng của Chi hội địa phương trong vai trò thực hiện chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam về các hoạt động âm nhạc, những thành tích đã đạt được của Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Hà Tĩnh.
- “Mối quan hệ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế với Hội Âm nhạc địa phương” của NS Lê Phùng (Thừa Thiên - Huế), đề cao những đánh giá của Hội Nhạc sĩ Việt Nam về sự hợp tác với Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Âm nhạc và các chi hội địa phương, Chi Hội Nhạc sĩ Thừa Thiên – Huế đã đóng góp vai trò tích cực vào các hoạt động âm nhạc của Trung ương và khu vực.
- “Nghiêm túc nhìn lại để vững bước đi lên” của NS Ngọc Quang (Phú Yên), đánh giá về hoạt động âm nhạc nói chung và năm 2015 rất sôi nổi, phong phú đặc biệt từ khi có Ngày Âm nhạc Việt Nam, nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị ra đời, xuất hiện nhiều nhạc sĩ trẻ có tài năng. Chi hội Phú Yên 3 năm liền gần đây tổ chức Ngày Âm nhạc, các nhạc sĩ của chi hội đã tham gia hầu hết tất cả các chương trình, đóng góp vai trò rất tích cực.
Cần quan tâm phát triển, khai thác, khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc, phát huy vốn âm nhạc dân gian các vùng miền.
Tiếp tục duy trì Liên hoan âm nhạc khu vực, vì đây chính là dịp để các nhạc sĩ gặp gỡ trao đổi nghiệp vụ. Cần có văn bản, qui chế hoạt động của Hội về Ngày Âm nhạc cũng như Liên hoan Âm nhạc khu vực. Xây dựng kế hoạch liên tịch, thường xuyên, phối hợp với ban ngành để tạo điều kiện về kinh phí, nơi biểu diễn cho các chi hội địa phương. Cũng cần đầu tư dàn dựng để giới thiệu âm nhạc các vùng miền phong phú đa dạng. Ra các tuyển tập bài hát của các vùng miền.
Nhạc sĩ Ngọc Quang cũng nêu lên một số hạn chế cần khắc phục như trên phạm vi cả nước có những chương trình âm nhạc thiếu tính định hướng. Cần hạn chế những chương trình âm nhạc mang tính thương mại, tự phát… Kiến nghị kết hợp với các cơ quan quản lý văn hóa về vấn đề này.
- “Biện pháp nào để nâng cao chất lượng sáng tác của các nhạc sĩ ở Bình Định” của NS Thế Tuyên (Bình Định), được sự quan tâm của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định tạo điều kiện về cơ sở vật chất, Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Bình Định thực hiện một số chương trình âm nhạc qui mô, sôi nổi, hấp dẫn...
Việc đi thâm nhập thực tế rất là quan trọng đối với các nhạc sĩ mà Chi hội Bình Định ít được đi sáng tác ở các khu vực phía Bắc, đề nghị Ban Chấp hành Hội quan tâm trao đổi hội viên sáng tác ở các vùng miền khác nhau.
- “Âm nhạc Long An cùng với sự phát triển của Âm nhạc Việt Nam” của NS Trịnh Hùng (Long An), đánh giá những thành tích mà Âm nhạc Long An đã đạt được trong thời gian qua.
NS Trịnh Hùng cũng có một số ý kiến: Về báo cáo tổng quát của Hội Trung ương tương đối đầy đủ, rất phong phú, nhiều Chi hội địa phương đã có những sáng kiến trong hoạt động, mặc dù tình trạng khó khăn về kinh phí. Đây là cuộc Hội nghị lịch sử, thực sự cần thiết và hữu ích, nên tổ chức hàng năm cho các Chi hội trưởng để bám sát được sự chỉ đạo của Hội Trung ương, nắm bắt được kế hoạch chung để cùng nhau đẩy mạnh phong trào trong cả nước.
Đồng bằng Sông Cửu Long đến nay chỉ còn Trà Vinh là chưa có chi hội, mặc dù đã đủ số lượng hội viên, Hội nên quan tâm để Trà Vinh sớm được thành lập Chi hội. Có con dấu sẽ rất thuận lợi cho các hoạt động của các chi hội.
- “Âm nhạc dân gian Tây Nguyên” của NS Linh Nga Niêk Đăm (Đăk Lăk), với nội dung âm nhạc dân tộc Tây Nguyên là rất phong phú, cần có những biện pháp quan tâm để bảo tồn và phát triển.
Nhạc sĩ Linh Nga Niêk Đăm nhất trí với các ý kiến của các đại biểu đã nêu trong Hội nghị, nhạc sĩ đề nghị quan tâm Chi hội Kon Tum hiện nay số lượng hội viên ít. Hội Nên thay đổi địa điểm tổ chức Trại sáng tác, Liên hoan Âm nhạc và có sự trao đổi giữa các vùng, miền; tổ chức Ngày Âm nhạc cần kết hợp với các Ban, Ngành Trung ương và địa phương; đào tạo đội ngũ nhạc sĩ trẻ, hát nhạc trẻ; tổ chức cuộc hội thảo nào về Thanh nhạc…
Nhạc sĩ Trần Long (Lai Châu) có ý kiến: Hội nghị Chi hội toàn quốc Nhạc sĩ Việt Nam lần đầu tiên vô cùng quan trọng. Nhất trí cao về khái quát tình hình hoạt động chi hội mà đồng chí Chủ tịch đánh giá những năm qua. Đây là một kết quả thành công. Các Chi hội địa phương hoạt động rất sôi nổi, tích cực trong phong trào xây dựng nền âm nhạc ở địa phương, sáng tác ra nhiều tác phẩm mới, vai trò của các hội viên phát huy rất tốt ở các địa phương. Nên tổ chức Hội nghị Chi hội hàng năm, để tổng kết hoạt động của các chi hội trong một năm và định hướng cho năm tới, để có những bước phát triển tốt hơn.
Hiện nay cơ chế chính sách hoạt động cho các chi hội địa phương rất khó khăn. Vì không có tài chính, con dấu, các chính sách đối với chi hội chưa rõ ràng. Nếu trở thành đơn vị có tài khoản, con dấu thì chi hội sẽ hoạt động dễ dàng hơn.
Các nhạc sĩ tham gia phát biểu ý kiến:
Nhạc sĩ Mai Đoan (Hải Dương): Hội tổ chức các Liên hoan Âm nhạc khu vực là rất tốt, tạo điều kiện để các chi hội, hội viên giới thiệu các tác phẩm là rất quí, Hải Dương tham gia tích cực các hoạt động Âm nhạc của Hội và địa phương mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn rất cố gắng phát triển phong trào. Hải Dương chưa có chi hội, đề nghị Hội quan tâm bồi dưỡng kết nạp thêm hội viên để Hải Dương thành lập được Chi hội.
Nhạc sĩ Ái Nghĩa (Đà Nẵng): Ngày Âm nhạc Việt Nam thì công tác quảng bá rất quan trọng, ở địa phương cơ sở để biểu diễn còn khó khăn. Cần phối hợp với các ban ngành địa phương giúp đỡ để tổ chức quảng bá Ngày Âm nhạc tốt hơn. Việc tổ chức trao giải thưởng hàng năm nên có dàn dựng và truyền hình để định hướng cho công chúng. Quan tâm hơn nữa việc đề cử hội viên đi dự các trại sáng tác. Về kết nạp hội viên mới cần thông qua chi hội địa phương. Cần có các qui định về đại biểu đương nhiên đi dự Đại hội toàn quốc cho các Chi hội trưởng Chi hội phó và Ban Chấp hành Chi hội…
Nhạc sĩ Phạm Hòa (Đồng Nai) đã có những chia sẻ với các đại biểu về cách tháo gỡ những khó khăn về kinh phí, khi những vài năm gần đây Chi hội Nhạc sĩ Đồng Nai được tỉnh quan tâm để hoạt động, do Chi hội xây dựng các chương trình Âm nhạc gắn liền với các hoạt động, các phong trào, bám sát chủ trương của Trung ương và địa phương như: “Biển đảo quê hương”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…. Mỗi năm Chi hội đã làm 6 chương trình, tập hợp các hội viên rất hiệu quả.
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiên (Quảng Ngãi): Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến rất quan trọng, chủ yếu là về vấn đề khó khăn về kinh phí. Phải giải quyết cho được vấn đề về mặt cơ chế, mà trách nhiệm thuộc về Trung ương Hội, về tính pháp lý để chi hội có con dấu và tài khoản. Hội cần quan tâm hơn nữa những khó khăn của các Chi hội, có khen thưởng trong các hoạt động của các Chi hội trưởng cụ thể hơn nữa.
Nhạc sĩ Lê Nghiệp (Cần Thơ) đã chia sẻ những công việc mà Chi hội đã làm được: Chi hội Nhạc sĩ Cần Thơ có những đặc thù, Chi hội trưởng đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Âm nhạc, và Chi hội phó đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Cần Thơ, vì vậy các hoạt động thuận lợi hơn. Đã tổ chức được các cuộc thi Âm nhạc, các nhạc sĩ cả nước tham dự và có nhiều giải thưởng. Tổ chức Ngày Âm nhạc đã xã hội hóa, kết hợp với các đơn vị trong tỉnh, được sự ủng hộ của UBND tỉnh, được phát trên Đài Truyền hình. Xây dựng được truyền thống kết nghĩa với các tỉnh, thành phố, các Chi hội, tạo điều kiện để anh em đi thăm quan thực tế sáng tác ở nhiều địa phương, gắn kết được các hoạt động, làm được nhiều trại sáng tác, khích lệ tinh thần anh em rất nhiều…
Và một số ý kiến của các nhạc sĩ: Thế Bảo (TP. Hồ Chí Minh); Dư Anh Chiến (An Giang); Đình Thậm (Đà Nẵng): Làm sao tháo gỡ được những khó khăn về thể chế, quản lý ở các địa phương, để các Chi hội Nhạc sĩ có điều kiện phát huy tích cực các hoạt động, công hiến nhiều hơn cho Âm nhạc…
Kết thúc Hội nghị NS Đỗ Hồng Quân đã phát biểu tổng kết:
“Hội nghị toàn quốc Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam rất quan trọng, đã đóng góp một năng lượng cho nhiệm kỳ mới. Chúng tôi ghi nhận các ý kiến, tham luận của các nhạc sĩ, cần hướng tới để có một qui chế để hoạt động chặt chẽ hơn. Đồng ý với ý nghĩa quan trọng của Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, đã có rất nhiều hoạt động, đặc biệt chú ý, đề cao đến hoạt động chi hội, là hạt nhân cơ bản, tầm quan trọng của mạng lưới Chi hội trong toàn quốc. Hoạt động của Chi hội cần có sự liên kết với các chi hội khác, các Hội Văn học Nghệ thuật, liên kết với các tổ chức, các tỉnh bạn…
Về Liên hoan âm nhạc, cần nâng cao chất lượng các tác phẩm, chuẩn bị tốt dàn nhạc, người biểu diễn, nhất là về khí nhạc. Trao đổi vùng miền, có sự thay đổi cấu trúc của các liên hoan. Về Ngày Âm nhạc Việt Nam, ghi nhận ý kiến nên có ý kiến chỉ đạo và kết hợp với các Ban, Ngành Trung ương và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các Chi hội hoạt động tốt hơn, để có có những thành tích điển hình của Chi hội…”.
*
* *
Tại Hội nghị này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Âm nhạc” vì đã có công đóng góp vào sự phát triển nền Âm nhạc “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” cho 11 nhạc sĩ có tuổi đời 70 trở lên:
1. NS Hà Hoàn - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Phú Thọ.
2. NS Trịnh Hùng Khanh - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Phú Thọ.
3. NS Vũ Văn Viết - Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Phú Thọ.
4. NS Đỗ Trí Dũng - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Khánh Hòa.
5. NS Huỳnh Anh Kiệt - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Vĩnh Long.
6. NS Nguyễn Tấn Đạt - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Bến Tre.
7. NS Lý Cảnh - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Hậu Giang.
8. NS Minh Luân - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Sóc Trăng.
9. NS Lê Lương - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Bạc Liêu.
10. NS Nguyễn Thanh Tâm - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Bạc Liêu.
11. NS Trần Thanh Hòa - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Cà Mau.
Và 7 nhạc sĩ có 20 năm tuổi Hội:
1. NS Trần Tích - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Quảng Trị.
2. NS Cao Hữu Nhạc - Chi hội Phó Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Phú Yên.
3. NS Trịnh Hùng – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Long An.
4. NS Phạm Khiêm – Chi hội nhạc sĩ tỉnh Đồng Tháp.
5. NS Nguyễn Tấn Đức – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Bến Tre.
6. NS Trần Đương - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Trà Vinh.
7. NS Lê Hoàng Bửu - Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Cà Mau.
Xem thêm hình ảnh tại đây: Chùm ảnh đại hội toàn quốc các chi hội Hội Nhạc sĩ VN