Hoạt động biểu diễn hợp xướng tại TP.HCM trong thập niên đầu thế kỷ 21

20/02/2014

Trong những năm gần đây tình hình biểu diễn hợp xướng trên cả nước cũng như tại Tp. HCM đang dần khởi sắc sau một khoảng thời gian dài lắng im.

Hoạt động hợp xướng được chú trọng hơn, đặc biệt từ sau “Liên hoan hợp xướng và Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất” được tổ chức tại Hội An từ ngày 16/3/2011 và sau đó là liên hoan lần thứ 3 được tổ chức trong hai ngày 20 và 21/6/2013 cũng tại Hội An. Tại Tp. HCM chỉ từ đầu tháng 8 đến nay đã có một loại những sự kiện hợp xướng đáng chú ý như: các tác phẩm hợp xướng Việt Nam và quốc tế trong 2 đêm nhạc “Tiến Dũng – Ngàn Lần Yêu” diễn ra tại Nhạc viện vào đêm 9/8/2013 và sau đó vào đêm 10/8 tại Nhà thờ Đa Minh Ba Chuông; 2 chương có hợp xướng trong buổi công diễn lần đầu “Bản giao hưởng số 9” (4 chương) của nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam vào ngày 27/9 tại Nhạc viện thành phố; buổi trình diễn hợp xướng ngày 14/10 nhân dịp Đại hội Thánh nhạc Công giáo toàn quốc lần thứ 33 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận tp.HCM với các tác phẩm hợp xướng Việt Nam và quốc tế nổi tiếng; Liên hoan hợp xướng “Việt Nam Đất nước anh hùng” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tp.HCM phối hợp cùng Nhà văn hóa Thanh niên và Đài Truyền hình thành phố tổ chức như một hoạt động thiết thực để chào mừng 57 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; và gần đây nhất, vào ngày 25/10/2013, chương trình hòa nhạc “Sắc thu” do Hội Âm nhạc phối hợp cùng Nhạc viện thành phố tổ chức được mở đầu bằng tiết mục hợp xướng “Chinh phụ ngâm” do nhạc sũ Vũ Đình Ân sáng tác và chỉ huy.

Từ những sự kiện tích cực này nổi lên một vấn đề: hoạt động biểu diễn hợp xướng của chúng ta còn quá đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn, cũ kỹ, nghèo nàn về loại hình. Trong số 18 hạng mục của 6 loại hình ở hội thi năm 2013 tại Hội An, Việt Nam chỉ có 2 hạng mục và đó chỉ là 2 bài hợp xướng theo loại hình dân ca. Liên hoan hợp xướng “Việt Nam Đất nước anh hùng” với 16 đơn vị tham gia 18 tiết mục để chọn lại 10 tiết mục của 10 đơn vị trong vòng chung kết được trực tiếp truyền hình trên sóng HTV9 ngày 20/10/2013 vừa qua. Hầu hết các tác phẩm được sử dụng trong liên hoan thuộc thể loại ca khúc hợp xướng. Phong cách trình diễn hợp xướng ở các hội thi, liên hoan này vẫn chủ yếu là “dàn hàng ngang”. Loại hình “hợp xướng dàn hàng ngang” này chi phối chính phong cách trình diễn hợp xướng tại thành phố Hồ Chí Minh, là nơi có nhiều ban hợp xướng hoạt động nhất của cả nước. “Nhìn lại tình hình phát triển hoạt động biểu diễn hình biểu diễn hợp xướng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thập niên đầu của thế kỷ XXI” là một vấn đề cần làm để từ đó tìm ra những yếu tố mới hầu phát triển loại hình hợp xướng tại thành phố cũng như trên cả nước. Khái niệm “mới” ở đây được hiểu là “không giống như truyền thống trước đó” tại thành phố.

Nét đặc biệt của quá trình phát triển hợp xướng tại Tp. HCM là luôn có sự tham gia tích cực của các ban hợp xướng từ các tôn giáo lớn như: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành. Hoạt động biểu diễn hợp xướng của họ chia thành 2 loại: loại dùng trong nghi thức tôn giáo (gọi là hợp xướng trong phụng vụ) và loại dùng trong hoạt động xã hội (hợp xướng ngoài phụng vụ).

Phụng vụ là việc thờ phượng mang tính công cộng, do một cộng đồng tín hữu của một tôn giáo nào đó thực hiện. Âm nhạc được xem như một thành phần không thể thiếu trong việc thờ phượng đó. Ở các nghi lễ Phật giáo, người ta dùng cách gọi “lễ nhạc” thay cho loại âm nhạc phụng vụ. Trong các tôn giáo tại thành phố Hồ Chí Minh gần như chỉ có Công giáo và Tin Lành mới có nhạc hợp xướng đi kèm các nghi thức phụng vụ.

Tuy không có hình thức hợp xướng trong lễ nhạc Phật giáo nhưng từ sau năm 2000, hợp xướng mang màu sắc Phật giáo đã bắt đầu xuất hiện đôi chút trong các chương trình văn nghệ phục vụ các đại lễ tôn giáo (trong mùa Phật đản, mùa Vu Lan,…) tại thành phố Hồ Chí Minh như: “Hội thi văn nghệ Phật giáo năm 2008”, loạt chương trình “Diệu âm hoằng pháp” lần đầu tiên tại sân khấu Lan Anh vào 24/7/2011 đến lần thứ 5 tại nhà hát Bến Thành năm 2013. Các ban hợp xướng này chỉ mang tính tạm thời để phục vụ cho một chương trình nhất định, không được duy trì sau chương trình văn nghệ đó. Phong cách biểu diễn không có gì thay đổi so với truyền thống hát hợp xướng từ trước đến nay.

Hợp xướng Tin Lành bên ngoài phụng vụ không được phát triển nhiều và cũng chỉ xuất hiện như các yếu tố mở màn, hoặc kết thúc cho các chương trình truyền giảng hay văn nghệ như: buổi Thánh Nhạc Giáng Sinh tại sân Tao Đàn vào ngày 12 & 13/12/2008, chương trình Thánh nhạc Phục sinh 2009 do Liên hệ phái các Hội thánh Tin lành tại TP.HCM tổ chức, Thánh Nhạc Giáng Sinh tại Quận 12 trong đêm 26/12/2010, chương trình Truyền giảng dịp 100 năm Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 23 và 24/6/2011. Đặc biệt, những dịp biểu diễn ngoài phụng vụ của Tin Lành thường vẫn kết hợp với việc truyền giảng, chứ không thuần túy mang tính văn hóa, nghệ thuật tôn giáo.

Không chỉ góp phần vào các buổi văn nghệ trong mùa Giáng Sinh và Phục Sinh như hợp xướng ngoài phụng vụ của Tin Lành, các ca đoàn và ban hợp xướng Công giáo tại thành phố Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động biểu diễn ngoài phụng vụ phong phú hơn và thuần túy mang tính văn hóa nghệ thuật tôn giáo. Có 3 địa điểm lớn thường xuyên diễn ra những hoạt động văn hóa nghệ thuật Công giáo, trong đó có nhiều chương trình biểu diễn hợp xướng đáng chú ý đó là: Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Mục vụ Giáo xứ Đa Minh Ba chuông và Phòng “Hiệp Nhất” của Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các chương trình hợp xướng ngoài phụng vụ nhưng vẫn diễn ra trong nhà thờ là nét đặc biệt của hoạt động hợp xướng Công giáo tại thành phố, tương tự những buổi biểu diễn nghệ thuật âm nhạc hàn lâm trong các nhà thờ Ki tô giáo của nhiều nước trên thế giới.

Bên ngoài hoạt động của những ban hợp xướng tôn giáo, có một số liên hoan hợp xướng nổi bật, tuy tồn tại được trong một thời gian khá dài nhưng kể từ sau năm 2000 gần như không còn và chỉ tồn tại trong những dịp lễ hội cần tính chất quy mô, hoành tráng. Đến cuối năm nay, 2013, một loạt những hoạt động hợp xướng như hồi sinh lại tại thành phố như đã được đề cập đến bên trên.

Hoạt động biểu diễn hợp xướng thế tục chuyên nghiệp gần như tập trung vào hai đơn vị do nhà nước quản lý là: Ban hợpxướng Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Tp. Hồ Chí Minh và Ban hợp xướng Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh.

Ban hợp xướng Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch của thành phố được tổ chức quy củ với các thành viên được đào tạo chuyên nghiệp từ các môi trường nghệ thuật chính quy dưới sự chỉ huy của Th.s Lý Giai Hoa, Th.s Trần Nhật Minh và thường góp những tiết mục hợp xướng trong các chương trình được tổ chức định kỳ vào mỗi ngày 9, 19 hàng tháng tại Nhà hát Thành phố. Kể từ năm 2005, từ ngày 17 đến 19/8, chương trình Giai điệu mùa Thu do Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Tp.HCM tổ chức hàng năm. Đây là một chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm, có chất lượng cao bao gồm cả khí nhạc lẫn thanh nhạc, trong đó, hợp xướng đóng vai trò quan trọng. Gần đây nhất, vào hai ngày 8 và 9/5/2013, ban hợp xướng của Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Tp.HCM đã có buổi công diễn vở oratorio “The Messiah” của George F. Händel lần đầu tiên tại thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm hợp xướng, văn hóa nghệ thuật tôn giáo nhưng lại được một đơn vị nghệ thuật nhà nước dàn dựng và trình diễn.

Ban hợp xướng Nhạc viện Tp.HCM không mang tính thường xuyên, không có thành viên nhất định mà quy tụ từ các học sinh, sinh viên năm thứ 1 và thứ 2 khoa Thanh nhạc của trường để tập dượt cho những chương trình cụ thể. Các chỉ huy đã từng dẫn dắt ban hợp xướng và đưa hợp xướng Nhạc viện lên đỉnh cao gồm có PGs Ts Minh Cầm, NGƯT Bình Trang. Sau năm 2000, tại sân khấu Nhạc viện thành phố, ngoài những dịp lễ lớn, có những chương trình hợp xướng mang tính biểu diễn trong nội bộ trường như dịp kỷ niệm 25 năm thành lập (2006), 30 năm thành lập (2011) Nhạc viện, ít có chương trình âm nhạc gồm nhiều tác phẩm giao hưởng và hợp xướng và phổ biến đến công chúng.

Ngoài hai ban hợp xướng do nhà nước quản lý trên đây, vào năm 2004, một ban hợp xướng và dàn nhạc tư nhân đầu tiên của thành phố ra đời, mang tên “Suối Việt”. Ban hợp xướng này có số thành viên ban đầu là 70 người và dàn nhạc với 32 nhạc công. Đa số các thành viên là học sinh, sinh viên thuộc các khoa của Nhạc viện thành phố. Ban hợp xướng và dàn nhạc “Suối Việt” đã ra mắt ngày 27/5/2004 trong một chương trình nghệ thuật với gần 2500 người xem. Ngay năm sau đó, vào tháng 9/2005, ban hợp xướng Suối Việt đã có mặt trong đêm ca nhạc “Trịnh Công Sơn – Đêm thần thoại” và ngày 4/3/2006, trong đêm nhạc “Phạm Duy – Ngày trở về”. Đến năm 2007, Ban hợp xướng Suối Việt có mặt trong chương trình “Rock cho tình người” được diễn ra tại sân khấu Lan Anh (đêm 21/3) và lần đầu tiên tại sân khấu ngoài trời của Sân vận động Phú Thọ (đêm 22/3) với lượng khán giả lên đến trên 4.000 người. Trong chương trình này, Suối Việt trình bày thể loại hợp xướng Jazz, Gospel biểu diễn hát kèm với diễn xuất múa. Phần 2 của chương trình là nhạc Rock do ban nhạc Re-zound đến từ Arizona (Mỹ) đảm nhiệm.

Vào ngày 8/9/2008, bản hợp xướng “Truyện Kiều” (gồm 4 chương) của nhạc sĩ Vũ Đình Ân được trình diễn tại Nhà hát Bến Thành (Quận I) với ban hợp xướng tổng hợp gần 120 người từ ban hợp xướng Suối Việt và 2 ca đoàn khác dưới sự chỉ huy của chính tác giả và nhạc trưởng Nguyễn Bách. Đúng một năm sau, 8/9/2009, tác phẩm “Lục Vân Tiên” của nhạc sĩ Vũ Đình Ân được công diễn lần đầu tại Nhà hát Thành phố. Cũng với sự có mặt của ban hợp xướng Suối Việt và một số thành viên đến từ một số ca đoàn khác, cũng dưới sự chỉ huy của hai nhạc trưởng nói trên trong trang phục áo dài the, khăn đóng, còn có cả hợp xướng mặc áo bà ba đậm chất Nam bộ.

Năm 2011, hoạt động của các liên hoan hợp xướng tại thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu hồi phục. Mở đầu với Liên hoan hợp xướng “Những bài ca dâng Đảng” chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra vào ngày 10/01/2011. Sau đó, trong thời gian từ 8/12 đến 15/12/2011 đã diễn ra Liên hoan hợp xướng “Nụ cười hồng” với hơn 300 người tham dự thuộc 8 ban hợp xướng mà đa số thuộc các phường và nhà thờ Công giáo trên địa bàn Quận Thủ Đức (Tp. HCM). Đây cũng là liên hoan lần thứ 5 kể từ “Nụ cười hồng” lần đầu tiên do Hội Liên Hiệp Thanh Niên tổ chức vào năm 1993. Khoảng thời gian gián đoạn khá dài (18 năm cho 5 lần tổ chức liên hoan) cho thấy sự phát triển loại hình hợp xướng vẫn còn là một vấn đề cần phải được đầu tư và cần có kế hoạch phát triển đúng mức. Khi nghiên cứu một số chương trình biểu diễn hợp xướng tại thành phố Hồ Chí Minh từ sau năm 2000 như trên chúng tôi thấy toát lên một nét chung, đó là những người tổ chức biểu diễn đang muốn tạo nên những phong cách biểu diễn mới khi dàn dựng các tiết mục hợp xướng. Họ đưa ra những yếu tố góp phần xây dựngcác loại hình biểu diễn hợp xướng mới một cách tự phát như:

Ghép nhiều ban hợp xướng

Việc ghép hợp xướng như vậy xuất phát từ nhu cầu muốn có một ban hợp xướng nhiều thành viên tham gia để tạo nên tính hoành tráng, quy mô cho tác phẩm nên thường chỉ nhằm vào số lượng, hình thức biểu diễn hơn là để đáp ứng yêu cầu của tác phẩm. Cách ghép nhiều ban hợp xướng như thế đã được thực hiện từ lâu nhưng lại hàm chứa yếu tố ban đầu cho việc hình thành phương thức trình diễn hợp xướng mới, đó là: xây dựng hình thức đa hợp xướng.

Minh họa cho hợp xướng

Trước năm 2000, có một quan niệm được phổ biến và gây ảnh hưởng nhiều đến Ban giám khảo tại các cuộc thi và liên hoan hợp xướng: “hợp xướng là hoạt động ca hát thuần túy”. Vì vậy nhiều thành viên ban giám khảo không đánh giá đúng mức hoặc không tính điểm những phần minh họa ở những tiết mục hợp xướng dự thi.Từ sau năm 2000, việc phát triển chậm của các cuộc thi và liên hoan hợp xướng lại tạo điều kiện phát triển cho loại hình hát hợp xướng có minh họa kèm theo (được thực hiện bởi một nhóm diễn viên không tham gia hát). Nếu chúng ta khai thác yếu tố này theo hướng chính các hợp xướng viên vừa hát vừa diễn xuất, thực hiện vũ đạo trọn cả một tác phẩm hợp xướng thì chúng ta sẽ có được một phương thức trình diễn mới đáp ứng với nhu cầu (nghe và nhìn) của khán thính giả hiện nay. Như vậy tạo thêm cơ hội phát triển cho loại hình hợp xướng trình diễn với vũ đạo này.

Từ sau thời kỳ Đổi mới, đặc biệt khi bước vào thế kỷ XXI, trước sự phát triển ồ ạt của kinh tế thị trường, âm nhạc Việt Nam trong đó có thanh nhạc cũng phát triển nhưng thiếu định hướng rõ ràng. Âm nhạc nói chung, loại hình hợp xướng nói riêng cần được sớm phục hồi và phát triển như một loại nghệ thuật đúng nghĩa, một phương tiện giáo dục, phát triển nhân cách (lòng khiêm tốn, giảm trừ bệnh “sao”,…) chứ không chỉ đơn thuần là một loại hình biểu diễn giải trí. Chúng ta cần có được sự đầu tư thích đáng của nhà nước cho thể loại này không phải vì lợi nhuận kinh tế mà vì hợp xướng không chỉ mang đến các lợi ích như: tinh thần làm việc tập thể, tinh thần “mình vì mọi người” cho một sự nghiệp chung nhưng còn góp phần đem lại lợi ích danh dự cho một đất nước.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 32)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...