Hoàng tử bé của nước Pháp: Grégory Lemarchal (1983-2007)

19/03/2015

Mình trước kia hoàn toàn không để ý đến ca sĩ này, nhưng thấy hơi lạ là cứ đến 30/4 và 13/5 ở nước Nga xa xôi cộng đồng fans của "Greg" đều kỷ niệm ngày mất, ngày sinh của chàng trai trẻ này, và rất nhiều bà mẹ Nga, hoàn toàn không biết tiếng Pháp, lại gọi cậu ấy là "con trai"...!

Cuộc sống thường nhật cứ trôi đi làm cho ta ít khi ngẫm nghĩ một điều tối quan trọng: Vì Sao Ta Sống - và Vì Sao Ta Phải Chết?

Các nhà hiền triết, các thi sĩ...đã từng tìm cách trả lời câu hỏi này, và đây là câu trả lời của một ca sĩ - Grégory Jean-Paul Lemarchal với bài hát đã làm nên thương hiệu siêu sao của mình-"SOS d'un terrien en detresse" (SOS của người trái đất đang tuyệt vọng)

Khác với đa số chúng ta, cậu chàng này phải vật lộn với câu hỏi trên từ khi mới 20 tháng, bác sĩ đột ngột báo với người mẹ là con trai bà bị bệnh cystic fibrosis (xơ nang tụy)-bệnh phổ biến nhất về gen, ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, gan, dạ dày và ruột. Thường thì những đứa bé bị bệnh này chả thể sống qua 15 tuổi, kể cả các gia đình có điều kiện nhất (vì chữa bệnh này cực mất công và tốn kém)...

Biết vậy nhưng học theo bố mẹ, cậu bé Lemarchal không chịu buông xuôi, cậu đặc biệt thích và chơi nhiều môn thể thao đỉnh cao với thành tích rất khá, tuy vậy cái chuyện một ngày phải tiếp nước vài lần và uống cả vốc kháng sinh không cho phép cậu đi tiếp con đường này (có khiếu âm nhạc nhưng bố mẹ bắt vào trường nhạc thì cậu cố tình hát sai tại các cuộc thi để trượt...).

Cậu muốn thành phóng viên thể thao, nhưng kế hoạch bị đảo lộn hết, khi một buổi chiều hè năm 1998 đội tuyển bóng đá Pháp trở thành vô địch thế giới-cậu thua cá độ với ông bố, và phải thực hiện “hát karaoke chỗ đông người”. Sau đó mấy hôm cậu đã hát “Je m’voyais déjà” (Tôi đã thấy chính mình) và được tất cả các bàn bên cạnh tán thưởng nhiệt liệt, với giọng hát rộng đến 4 octave, cậu lúc đó mới tin vào khả năng ca hát của mình và bắt đầu luyện hát đồng thời đi biểu diễn (lúc đầu hay hát song ca với bố) và nhanh chóng nổi tiếng. Cậu đam mê ca hát đến mức bỏ luôn hai năm cuối phổ thông để tập trung vào thanh nhạc! Âm vực rộng, giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm và nhất là trong bất cứ bài hát nào cậu cũng thể hiện được tâm hồn mình! Cậu hát tiếng Pháp và tiếng Anh đều rất hay:

Queen - “The Show muss go on”

Năm 2003 cậu đi thi vòng loại "Noubell Star" (một dạng “Thần tượng âm nhạc” ở Pháp), nhưng sau mấy tiếng đứng chờ xếp hàng ngoài tuyết lạnh, cậu đã ốm và không được chọn. Một năm sau, sang 2004 cậu thi tiếp “Star Academy” (một dạng “Sao Mai điểm hẹn”) cậu đã dẫn đầu cuộc thi từ vòng một, cả nước Pháp và khối Pháp ngữ theo dõi theo cuộc thi với số lượng khán giải kỷ lục, và cậu chiến thắng tuyệt đối với kết quả bình chọn 80% (so với cô gái về nhì và cũng kịp trở thành bạn gái của Grégory). Cậu tiến bộ từng vòng, và kết thúc với bài hát chiến thắng: “Et maintenant“ (“Và bây giờ”)

Cậu thanh niên mới lớn với nụ cười rạng rỡ, vô cùng thân thiện và chân thật, hát bài nào cũng như “rứt ruột ra” - Grégory Lemarchal trở thành con cưng của khán giả Pháp, người ta gọi cậu là “Hoàng tử bé”. Từ 2004-2007 cậu kịp ra 4 đĩa với lượng bán kỷ lục, cậu trở thành nam ca sĩ ăn khách nhất nước Pháp! Rất nhiều nữ ca sĩ coi cậu là bạn hát đôi lý tưởng, kể cả “Hoàng hậu nhạc Pháp” Patricia Kaas:

với Hélène Ségara “Vivo per lei”

với Lucie Silva: “Même Si” (Dẫu cho...):

với Lucie Bernadoni : “My heart will go on”

Grégory được đặc biệt yêu thích, ngoài ở Pháp ra, còn ở Bỉ, Thụy Sĩ, Ý, Nga...”Con te partiro” (Dolce Italia)

Căn bệnh dai dẳng đeo bám cậu, tuy vậy cậu vẫn hát rất nhiều, về cuộc sống, tình yêu, nỗi đau và cái chết, trong đó có nhiều bài do chính cậu sáng tác. Một bài tuyệt vời: “Hãy bay đi, linh hồn tôi!”

Những năm cuối đời, cậu gặp được tình yêu đích thực của đời mình-người đẹp Karine Ferri. Hai người đã trao cho nhau đôi nhẫn mang hình còng số 8, và chàng tặng cho nàng bài hát “Mon ange” (Thiên thần của tôi).

2006-2007 thường xuyên lặp lại cảnh trước và giữa buổi trình diễn các bác sĩ phải can thiệp để Lemarchal lấy lại được giọng và dằn được cơn đau xuống. Các bác sĩ đã bảo chỉ còn có cách thay phổi cho cậu, vì bây giờ cậu chỉ đang hát với 20% công năng của lá phổi! Cậu đã dũng cảm từ chối phẫu thuật để tiếp tục ca hát, nhưng gia đình và bác sĩ thuyết phục cậu rằng sau khi thay phổi giọng hát của cậu còn mạnh hơn hiện tại. Cậu quyết định thay phổi sau khi hát song ca với Helene Segara: “Rien n'est comme avant” (Không gì giống như xưa):

Cậu có một cách riêng để chống lại những cơn đau dữ dội, đó là làm những trò “nhí nhố” để người khác vui. Grégory cực kỳ khiêm tốn, cậu vẫn có từng ấy người bạn cũ từ thuở thiếu niên, mặc dù khi đó cậu đã được các ngôi sao như vợ chồng Celin Dion, Patrik Bruel, Lara Fabian...coi là “tài năng ca hát vĩ đại”.

Đầu 2007 cậu viết thư cho các fan trước khi vào viện thay phổi, và bàn với người yêu sẽ tổ chức lễ cưới sau ca mổ khó khăn này. Sau bốn tuần ở viện và trước khi được đưa vào trạng thái chết lâm sàng để phẫu thuật, Grégory vẫn kịp nói với người yêu những lời cuối cùng: “Je t'aime”... Thế rồi cậu đã ra đi mà không tỉnh lại...

Người yêu Karine Ferri đổi nhẫn cho Grégory, cậu mang xuống mộ nhẫn cưới của người yêu và chiếc khăn của cổ động viên đội bóng yêu thích Marseille. Cả nước Pháp rúng động vì cái chết của “Hoàng tử bé”. Tất cả các ca sĩ, nghệ sĩ lớn nhất của nước Pháp đã đến để chia tay Lemarchal, tất cả hàng nghìn bó hoa đều là hoa hồng trắng - loài hoa yêu thích của cậu!

Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng ở đấy. Nước Pháp không chịu tin vào việc thiên thần nhỏ bé này đã ra đi, sự nghiệp ca hát của cậu rực rỡ hơn cả trước kia. Lara Fabian - nữ ca sĩ hát đôi nhiều nhất với Grégory Lemarchal ra sân khấu muốn hát bài "Je t'aime" (Em yêu anh) để kỷ niệm về mối tình ca sĩ, nhưng nàng chỉ khóc mà không thể hát được. Khi đó tất cả khán giả đã hát thay nàng "On t'aime" (Chúng ta yêu em), một cảnh tượng không thể quên:

Gia đình Lemarchal kiên quyết tiếp tục cuộc chiến với căn bệnh quái ác cystic fibrosis bằng cách đồng sáng lập ra Quỹ Grégory Lemarchal, từ đó ít nhất một nửa thu nhập từ băng, đĩa, sách... của Grégory hay viết về cậu sẽ được dùng chữa cho các bệnh nhân bị bệnh này. Hai đĩa sau khi cậu mất đã phá kỷ lục các đĩa nhạc của Pháp, và đĩa “Giọng hát của thiên thần” (La voix d’un ange ) đã phá kỷ lục mọi đĩa nhạc của Pháp, đĩa này năm 2007 đứng thứ 4 toàn thế giới về lượng đĩa bán ra. Lemarchal là ca sĩ nhạc Pháp duy nhất từ trước tới nay lập được thành tích đó. Năm 2009 đĩa «Je rêve» (Tôi mơ) với vài bài hát do Lemarchal sáng tác đã có clip đi kèm là hình ảnh những bệnh nhân đầu tiên từ nhiều nước khác nhau được quỹ mang tên cậu tài trợ trị bệnh và dưỡng bệnh. Một bài trong số đó như lời nhắc người hâm mộ: “De Temps En Temps“

Các ca sĩ vẫn tiếp tục hát những bài của Lemarchal, và hàng năm đều có ít nhất một buổi ca nhạc kỷ niệm về cậu. Các fan hâm mộ, nhất là phụ nữ chẳng hề giảm đi, mà lại có chiều hướng đông lên, họ vẫn nghe cậu hát và giọng hát thiên thần này như cho họ thêm nghị lực trong cuộc sống. Chính họ đã làm những clip rất đẹp cho lời hát của Lemarchal: “Đơn giản đó là hạnh phúc”

“Hứa điều gì đó thật thiêng liêng với bản thân là thử thách lớn nhất. Chấp nhận thử thách đó - đó là điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống”, “Cuộc sống quá ngắn ngủi, nếu chỉ tồn tại mà không sống thật hết mình thì đó là tội ác” - Grégory Lemarchal.

Sau này mẹ Grégory kể lại, thời gian đến 4 tuần nằm ở viện chờ mổ, đó là thời gian chờ để có một người xấu số sẽ mất (ví dụ bị tai nạn ô tô chẳng hạn) với hai lá phổi thích hợp cho việc cấy ghép vào cơ thể mình, đã yếu lắm rồi nhưng cậu vẫn cầu mong cho không ai bị nạn như vậy, cậu cấm bố mẹ mình cầu Chúa để sớm có người bị nạn, và quả thật đó là thời gian dài hơn rất nhiều so với thời gian chờ đợi trung bình...

Lara Fabian sau này tại mỗi chương trình của mình đều hát tưởng niệm Lemarchal với bài “My Angel”

Lemarchal rất chịu khó viết thơ văn, và cậu tự rút được kinh nghiệm thế này: đừng bao giờ viết đoạn kết của câu chuyện...

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...