Hoa xuân ca

11/02/2014

Không phảng phất nét u sầu và đượm suy tư, triết lí như phần lớn các tình khúc nhạc Trịnh, Hoa xuân ca có lẽ là một bản nhạc vui tươi, rộn rã hiếm hoi mà Trịnh Công Sơn đã viết về tình yêu và mùa xuân.

Nếu như mùa thu là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sỹ nói chung và Trịnh Công Sơn nói riêng thì với mùa xuân, ông chỉ để lại vỏn vẹn có 3 ca khúc: Thành phố mùa xuân, Góp lá mùa xuân và Hoa xuân ca.

Được biết, Hoa xuân ca được nhạc sĩ họ Trịnh viết năm 1986, khi đã ở tuổi 47. Tình yêu không còn bay bổng, không còn ngồi hát mây bay ngang trời hay ghi dấu chân chim qua trời. Ca khúc được ông sáng tác ngẫu hứng, viết trên lưng của một người bạn khi bạn chở Trịnh Công Sơn trên đường về nhà. Ngôn ngữ trong sáng, ý tứ đầy tính chiêm nghiệm nhưng nghe kĩ có người bảo hình như Trịnh Công Sơn đang ngắm tình yêu chứ không phải yêu như người trong cuộc, như cái thuở nhớ mãi trong cơn đau vùi.

Có lẽ tình yêu đến với anh lúc này để tìm một cõi bình yên, để từ đó chàng nhạc sĩ thấy xa gần cũng vô thường như nắng mưa, để hoá giải tâm trạng chứ không phải để yêu. Chính vì thế, “em” trong ca khúc chỉ là người đẹp mường tượng, chứ không có thật trong cuộc đời Trịnh Công Sơn như “Diễm” trong “Diễm xưa”, mà em có thể là cả nhân thế, để “dạy tôi biết xa gần”. Một cách ẩn dụ, Trịnh Công Sơn muốn qua lời tỏ bày này nói lên lòng thương yêu, quý trọng thế hệ trẻ và muốn tâm tình với họ.

Ca khúc Hoa xuân ca khi vừa ra đời đã nhanh chóng đi vào lòng người và được giới trẻ rất yêu thích. Một ca khúc xinh xắn, giai điệu ngọt ngào, tươi sáng:

Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa

Xuân đến bên kia đồi trời mở ra cánh én

Em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình

Đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa

Em líu lo bên đời dạy tôi biết xa gần

Những bông hoa xinh đẹp được sinh ra từ cây cỏ mùa xuân. Cũng thế, em là đóa hoa đẹp, mướt xanh như ngọc mà đời đã sinh ra.

Đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa

Em mướt xanh như ngọc mà tôi đâu có ngờ

Em hãy mở rộng lòng mình, thương yêu con người, tin yêu cuộc sống, hãy dâng cho đời những điều tốt đẹp như những nụ hoa tình cờ mà em đem đến.

Em hãy yêu con người ngọt ngào đời vẫn thế

Em hãy dâng cho đời một nụ hoa tình cờ

Trịnh Công Sơn cũng đã từng viết: Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng trong bài hát Để gió cuốn đi. Và tấm lòng bao dung, nhân hậu này đã lan tỏa trong nhiều ca khúc, nhiều ca từ như: Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ trong bài hát Ru em, một lần nữa nó được phả vào ca khúc Hoa xuân ca.

 

Trịnh Công Sơn muốn tâm tình, muốn gởi đến thế hệ trẻ niềm mong ước như một lời nhắn nhủ: hãy sống bằng niềm tin yêu con người và hãy dâng cho đời những gì mình có thể. Nên khi hát lên ta thấy mình như trẻ lại, tin yêu con người, tin yêu cuộc sống hơn. Chính vì thế, Hoa xuân ca vẫn rộn rã trên sóng phát thanh, truyền hình mỗi độ tết đến xuân về, mang niềm tươi vui đến với mọi người.

Một chút lạ lùng, Hoa xuân ca - bài ca về hoa xuân nhưng trong suốt ca khúc, hoa của mùa xuân, của thiên nhiên đất trời chỉ được nhắc đến trong một câu duy nhất (được lặp lại ba lần): Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa. Thật ra, Trịnh Công Sơn mượn ý hoa xuân là để nói với “hoa đời”: trò chuyện, tâm tình với giới trẻ. Rằng các bạn hãy bay nhảy trong cuộc đời đẹp như những đóa hoa khoe sắc trong vườn xuân.

HOA XUÂN CA

Trịnh Công Sơn

Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa

Em cứ bay trong đời dịu dàng như cơn gió

Em cứ bay nhưng đừng bỏ lại tôi một mình

Đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa

Em mướt xanh như ngọc mà tôi có đâu ngờ

Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa

Em cứ yêu con người ngọt ngào đời vẫn thế

Em hãy dâng cho đời một nụ hoa tình cờ

Đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa

Em suối kia rất ngọt và tôi đứng hai bờ

Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa

Xuân đến bên kia đồi trời mở ra cánh én

Em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình

Đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa

Em líu lo bên đời dạy tôi biết xa gần

(Nguồn: http://vtv.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.