Hoa trong nhạc

21/06/2018

Đề tài bông hoa trong âm nhạc thì rất phong phú, nhiều nhạc sĩ đã lấy cảm hứng từ các loài hoa mà sáng tác từ mấy thập kỷ qua. Do đó, người viết chỉ có thể kể tiêu biểu một số ca khúc nổi tiếng thịnh hành mà người yêu nhạc đều biết đến.

Đầu tiên có thể kể đến bài Hoa xoan bên thềm cũ của nhạc sĩ Tuấn Khanh, ông sinh năm 1933 tại Nam Ðịnh. Năm 1950, ông về sống ở Hà Nội và học vĩ cầm từ người anh cả. Năm 1953, ông giành giải nhất của đài phát thanh Pháp Á về giọng hát. Nhạc phẩm đầu tiên của ông là bài Ðò ngang (viết cùng Y Vân). Bản Hoa xoan bên thềm cũ mặc dù sáng tác ở Sài Gòn thập niên 1950 nhưng ý tưởng và hình ảnh được hình thành ở Hà Nội, nhạc sĩ viết về hoa xoan của miền quê mình rất nên thơ, bài hát với tiết điệu rumba nhẹ nhàng tình cảm cho đến bây giờ cũng còn ngẩn ngơ bao người:

Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi

Xa vắng miền quê bao năm rồi

Về gặp em ngây thơ duyên dáng

Hôm xưa tiễn anh nơi cuối làng....

................................................

Nay qua đau thương yên bình rồi

Tình ta lên hương ngát

Như hương hoa xoan vang bên thềm

Vào những năm đầu thập niên 60 người Sài Gòn thường nghe một bài hát bolero rất hay lấy từ ý thơ của Hữu Loan bài Màu tím hoa sim, đó là bài Những đồi hoa sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh, ông là tác giả 2 nhạc phẩm nổi tiếng trong thời đó: Những đồi hoa simTha la xóm đạo.

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt

Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai!

Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến

Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay

Từ nơi chiến trường đông bắc đó

Lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi

Bài thơ Hữu Loan được khá nhiều các nhạc sĩ phổ nhạc như Lan Đài, Phạm Duy... nhưng sau nầy khi vào Sài Gòn, Văn Cao mới tâm sự là ông thích nhất là bài Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh vì gần gũi, giai điệu tình cảm dễ hát

Có một người nhạc sĩ, mà khi nhắc đến ông, người ta nghĩ đến những ca khúc về mùa hè dành cho tuổi học trò, với hình ảnh của hoa phượng, của những dòng lưu bút. Không chỉ thế, ông còn là một nhạc sĩ sáng tác rất nhiều những ca khúc về tình yêu quê hương, mang đậm chất miền Tây Nam bộ. Bài hát tiêu biểu của ông - nhạc sĩ Thanh Sơn - về nội dung nầy là Nỗi buồn hoa phượng mà các học trò đều thích, ai cũng biết hát, thời đó hay đưa vào trong bích báo học đường, vào quyển lưu bút để dành kỷ niệm:

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn

Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương

Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi

Phút gần gủi nhau mất rồi

Tạ từ là hết người ơi...

Nhắc đến Đà Lạt, người yêu nhạc thường hay nhớ đến Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên sinh năm 1932 tại Quảng Trị và mất năm 1973 tại Vũng Tàu trong một tai nạn xe hơi. Ông có những năm tháng dạy học tại Đà Lạt vào thập niên 1950, có lẽ đã tạo niềm cảm hứng cho ra đời bản Ai lên xứ hoa đào:

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi

Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi

Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ

Chỉ với một áng thơ Hai sắc hoa ti-gôn của thi sĩ bí ẩn T.T.KH, loài hoa mang hình dáng “tim vỡ” đã đi vào thơ Việt và được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc:

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn

Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,

Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,

Tôi chờ người đến với yêu đương.

Hai sắc hoa ti-gôn còn được gọi là Một mùa thu trước:

Một mùa thu trước khi nắng chiều nhuộm vàng tóc ai.

Khi hoàng hôn tới đôi người chung lối lúc hoa nở trên bước đi

Vuốt tóc người yêu anh nhìn đường xa hoang vắng...

nhặt cánh Tigôn anh bảo rằng: như tim vỡ...

Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi

Mùa thu chết là tên một bài hát hay của Phạm Duy sáng tác năm 1965. Phần lời được dịch từ bài thơ tiếng Pháp L'Adieu của Guillaume Apollinaire. Bài này rất nổi tiếng trong thập niên 70 tại Sài Gòn, và gắn liền với tên tuổi ca sĩ Julie Quang. Dựa trên ý bài thơ nói trên Phạm Duy mở đầu Mùa thu chết bằng 2 câu:

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho: mùa thu đã chết rồi!

Khi được hỏi: "Trong số 14 ca khúc được phép phổ biến lần này có tác phẩm Mùa thu chết (thơ Apollinaire; dịch lời Việt: Bùi Giáng), một thời bị nhiều ý kiến quy kết là nói đến mùa thu cách mạng nay được Nhà nước cho phép phổ biến, ông có thấy mình như được giải oan?", Phạm Duy đã trả lời: "Tôi chẳng nghĩ gì cả, ai từng hiểu sai là quyền của họ, tôi cũng không cần phải giải thích gì về điều đó cả".

Đầu thập niên 1960 thiền sư Thích Nhất Hạnh có xuất bản một tạp bút Bông hồng cài áo viết về mẹ rất cảm động, mọi người rất thích truyền tay nhau đọc. Từ tạp bút trên được Phạm Thế Mỹ phổ thành nhạc và nhanh chóng được mọi người đón nhận, ông viết trong thời gian bị giam giữ vì tham gia đấu tranh trong phong trào Phật giáo (1965-1966). Nhạc sĩ sáng tác không nhiều nhưng nổi bật trong các tác phẩm của ông là tình yêu dành cho non sông, đất nước, điển hình như: Thương quá Việt Nam, Đưa em về quê hương, Rạng đông trên quê hương Việt Nam...

Một bông hồng cho anh

Một bông hồng cho em

Và một bông hồng cho những ai

Cho những ai đang còn Mẹ

Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn

Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi

Như đóa hoa không mặt trời

Như trẻ thơ không nụ cười

Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm

Như bầu trời thiếu ánh sao đêm.....

Hoa mười giờ là một loài hoa dân dã, nó thường chỉ nở từ khoảng đầu hôm cho đến 10 giờ sáng nên người ta gọi thế! những cánh hoa xinh xinh bé nhỏ đã đi vào nhạc qua một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Đài Phương Trang: Hoa mười giờ. Bài nầy giờ rất thịnh hành trong các cuộc thi Bolero:

Hôm chia tay chiều chủ nhật, anh bảo rằng tuần sau anh đến.

Hái một nụ hoa xinh xinh màu tim tím, anh cài lên mái tóc thề.

Rồi hẹn tuần sau, khi hoa mười giờ nở, anh sẽ đến thăm em.

Em trông chờ từng phút, bao đêm rồi không ngủ, mong đến ngày được gặp anh.

Bài Hoa biển của Anh Thy cũng là một bài hát hay trước 1975, hiện nay giới trẻ cũng rất yêu thích, nét nhạc dễ thương, tình tứ (bài nầy nhiều người lầm tưởng của Trần Thiện Thanh nhưng không phải):

Ngày xưa em anh hay hờn dỗi

Giận anh khi anh chưa kịp tới

Cho anh nhiều lời, cho anh bồi hồi em cúi mặt làm ngơ

Không nghe kể chuyện, bao nhiêu chuyện tình đẹp nhất trên trần đời

Tại em khi xưa yêu hoa màu trắng

Tại em suy tư bên bờ vắng

Nên đêm vượt trùng anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em

Cho anh thì thầm em ơi tình mình trắng như hoa đại dương

Hơn nửa thế kỷ trước, bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của nhà thơ Kiên Giang ra đời (1958) đã làm xôn xao dư luận một thời. Bài thơ còn được biết đến nhiều hơn khi được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc.

Kiên Giang là nhà thơ, soạn giả cải lương (tác giả các vở tuồng nổi tiếng như Áo cưới trước cổng chùa, Sơn nữ Phà Ca):

Lâu quá không về thăm xóm đạo

Từ ngày binh lửa cháy không gian

Khói bom che lấp chân trời cũ

Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học

Áo tím điểm tô đời nữ sinh

Hoa trắng cài duyên trên áo tím

Em là cô gái tuổi băng trinh

Có một loài hoa phổ biến ở miền Bắc nước ta là hoa gạo cũng đã đi vào nhạc với ca khúc Chị tôi của nhạc sĩ Trọng Đài, lấy từ ý thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Tảo:

Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo

Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh

Ngày chị sinh, trời cho làm thơ

Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở

Cho làm câu hát để người lý lơi.

Năm 1978, khi bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ của đạo diễn Đức Hoàn (đóng vai Mỵ - phim Vợ chồng A Phủ) được trình chiếu, ca khúc trong phim là Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng đã khiến rất nhiều khán giả xúc động, ca sĩ đầu tiên đưa bài Hoa sữa lên sân khấu âm nhạc là Nhã Phương, còn người đưa Hoa sữa đến với công chúng rộng rãi chính là ca sĩ Thanh Lam:

Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó

Những bạn bè chung

Những con đường nhỏ

Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm

Có lẽ nào anh lại quên em

Có lẽ nào anh lại quên em...

Những năm 80 của thế kỷ trước, có một số bài hát thịnh hành mà người ta gọi là nhạc Gò Công xem như một hiện tượng nghệ thuật mới lạ. Người sáng tác ra những ca khúc đó là nhạc sĩ Hoàng Phương, ông sinh năm 1943, thời đó được giới nghệ sĩ, thính giả vinh danh là "Ông hoàng nhạc Gò Công" mà thường đi đôi với giọng hát Bảo Yến với những bài hát ca ngợi quê hương Gò Công như bài: Mẹ Gò Công, Chung một dòng sông, Chiều mưa thứ bảy, Chuyện tình hoa muống biển, Thuyền giấy chiều mưa... Nổi tiếng nhất là bài Hoa sứ nhà nàng, thời ấy đi đâu cũng nghe mọi người hát bài nầy từ sân khấu ra đến vỉa hè, trong nhà ngoài phố:

Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng

Hương nồng hoa tình ái, đậm đà đây đó gọi tên

Nhà nàng cách gần bên, giàn hoa sứ quanh tường

Nhìn sang trộm nhớ thương thầm, mơ ngày mai lứa đôi

Phải kể thêm một sáng tác đậm chất Nam bộ của nhạc sĩ Hà Phương: Bông điên điển.

Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú

Hò ơi.... chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

Em đi lấy chồng về nơi xứ xa,

Đêm ru điệu hát câu hò trên môi.

Miền Tây xanh sắc mây trời,

Phù sa nước nổi người ơi đừng về!

Với màu điên điển say mê,

Vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân.

Trót thương tình nghĩa vợ chồng,

Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương.

Theo tâm sự của nhạc sĩ thì đó là dịp ông về vùng Láng Linh (An Giang), thấy các cô gái chèo xuồng hái bông điển điển thật đẹp. Hỏi ra mới biết, đó là những cô gái về xứ này làm dâu. Ý tứ đó đã gợi cảm hứng cho ông sáng tác.

Có một loài hoa dại mang dân chúng thường gọi cái tên mộc mạc là hoa mắc cỡ Và loài hoa ấy lại có một cái tên nghe rất quý phái: “hoa trinh nữ”. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cảm hứng viết bài Hoa trinh nữ:

Qua một rừng hoang gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai.

Hái cây hoa dại lẻ loi bên đường, gọi hoa Trinh nữ.

Hoa Trinh Nữ không mặn mà bằng nàng Hồng kiêu sa.

Hoa đâu dám khoe màu cùng một nàng Cúc vàng tươi.

Hoa không bán hương thơm như nàng Dạ lý trong vườn.

Nhưng hoa Trinh nữ đẹp tựa chuyện tình hai chúng ta.

Hoa trinh nữ cũng có tên khoa học là mimosa được nhạc sĩ Trần Kiết Tường cảm hứng sáng tác trong một lần lên Đà Lạt, bài nầy với tiết tấu chậm, tự sự, tình cảm:

Mi-mô-sa! Từ đâu em tới?

Mi-mô-sa! Vì sao em tới đất này?

Đà Lạt đồi nút chập chùng

Đà Lạt trời mây nước mênh mông

Về bài Hoa tím ngày xưa - được nhà thơ Cao Vũ Huy Miên kể lại như sau trên báo Sài Gòn giải phóng:

Lúc đó, tôi thực sự băn khoăn và không hiểu vì sao nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc bài thơ, nhưng lại không liên hệ với tôi. Và vì sao tên tác giả bài thơ đã không được giới thiệu? Qua một bài viết trên báo, nhạc sĩ Hữu Xuân đã đến tòa soạn tìm gặp tôi.

Thật bất ngờ, khi biết nhạc sĩ Hữu Xuân là một bậc cao niên thuộc lớp nhạc sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, từng là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc (Nhà hát Ca múa nhạc trung ương). Ông than trời chuyện đi tìm tôi, bởi ông đã đến tòa soạn 10 lần, nhưng lần nào cũng được báo tôi đi công tác:

Con đường em về ban trưa

Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ

Tuổi em vừa tròn mười bảy

Tóc em vừa chớm ngang vai

Con đường em về mưa bay

Ta đứng trông theo bao ngày

Từ bao giờ lòng cứ ngỡ

Yêu người mà nào có hay!

Bài thơ được đăng trên báo Tuổi Trẻ vào năm 1985, ngay sau đó được hai nhạc sĩ Võ Công Anh và Vũ Hoàng phổ nhạc, song lúc đó cả hai bài hát ấy chưa được chú ý. Cho đến khoảng năm 1998, trên thị trường băng, đĩa nhạc xuất hiện bài hát Hoa tím ngày xưa của tác giả Hữu Xuân với giọng hát của ca sĩ Lam Trường thì hát hát được nhiều người ưa thích, đi đâu cũng nghe hát và người ta mới biết thêm tác giả lời là nhà thơ Cao Vũ Huy Miên

Rất còn nhiều bài hát nói về hoa nhưng người viết xin tạm kết thúc nơi đây. Hẹn quý vị trong dịp khác

(Bài viết có sử dụng tư liệu trên mạng)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...