Hình tượng Bác trong âm nhạc cách mạng
Có thể nói trong lịch sử âm nhạc cách mạng kể từ sau năm 1945 đã có những bài hát ca ngợi về Bác rất hay đã in vào lòng người trên nửa thế kỉ qua như bài: Biết ơn cụ Hồ của Lưu Bách Thụ năm 1946, bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước năm 1947:
Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi
Toàn Việt Nam đón chào ngày mới
Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta
Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta
Hồ Chí Minh muôn năm!
Giải phóng cho nhân dân
Xây dựng non nước Việt Nam.
Đến năm 1949 ta có bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Văn Cao với giai điệu trang nghiêm hào hùng: “Người về đem tới ngày vui/ Mùa thu nắng toả Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/ Người về đem tới xuân đời từ đất nước cằn/ Từ bùn lầy cả cuộc đời vùng lên”.
Hình tượng Bác Hồ là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, nhà thơ sáng tác. Nhạc sĩ Thuận Yến đã nói: "Trong mỗi chúng ta luôn sẵn có sự tôn kính, tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác nên chỉ cần một bài hát nào đó nói lên được những tình cảm ấy là họ chấp nhận... Đó là đề tài vô tận không bao giờ vơi cạn trong mỗi người sáng tác".
Ví dụ như bài Bác Hồ, một tình yêu bao la của Thuận Yến. Một trong nhiều bài hát hay nhất mà nhạc sĩ Thuận Yến – người con của đất Quảng trung dũng kiên cường – sẽ đưa ta đến bên Bác, đến với một con người “nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất …”. Bài hát vẫn cứ mãi mới mẻ. Phải chăng, đó là cảm xúc ban đầu của một lần nghe hát về Bác hay những rung động từ lời ca:
“Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa, Bác yêu đàn cháu nhỏ Trung Thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương...".
Bên lăng Bác Hồ (Dân Huyền) là bài hát đầy tình cảm nói lên sự tôn kính Bác một cách chân thành:
Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong,
Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng.
Về thăm Bác hôm nay bao niềm thương xao xuyến trong lòng,
Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông.
Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung) là một bài hát trầm hùng đầy khí thế xung phong của những người lính vượt Trường Sơn cứu nước luôn nghĩ đến Bác, hình bóng Bác tạo niềm tin cho các chiến sĩ.
Bài Đôi dép Bác Hồ (Văn An, phổ thơ Tạ Hữu Yên) mang âm hưởng dân ca ngọt ngào: “Đôi dép đơn sơ đôi dép Bác Hồ Bác đi từ ở chiến khu Bác về, Bác đi từ ở chiến khu Bác về. Phố phường trận địa nhà máy đồng quê đều in dấu dép Bác về”.
Lời Bác dặn trước lúc đi xa là bài hát của Trần Hoàn viết mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh giai điệu rất tình cảm nhẹ nhàng: “Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi, Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. Nhưng không gian. vẫn bốn bề lặng lẽ, Bác đành nằm im”.
Sau nầy chúng ta thường được nghe một bài hát nhẹ nhàng đầy tình cảm của tác giả Nguyễn Đăng Nước: Chúng con canh giấc ngủ của Người
Vinh quang con đứng bên Người
canh cho Bác ngủ ngon giấc
trên môi như Bác vẫn cười
Bác vui vì khắp non sông cháu con trở về sum vầy.
Nghiêm trang trong nắng Ba Đình
hoa thơm ngát trời Thủ Đô.
Chúng con nguyện hứa với Người:
sắt son vì Tổ Quốc hy sinh, bảo vệ nước non ngàn đời sáng tươi.
Ơ...sáng tháng 5 trời trong xanh quá,
bốn phương về tụ Ba Đình.
Hãy nhè nhẹ bàn chân Bác chưa trọn giấc mơ.
Bài Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh) mang tính chất tự sự nghiêm trang khi tưởng nhớ công ơn Bác: “Đất nước nghiêng mình đời đời nhớ ơn. Tên người sống mãi với non sông Việt Nam. Lời thề sắt son theo tiếng bác gọi, bốn ngàn năm dồn lại hôm nay, người sống trong muôn triệu trái tim... Thế giới nghiêng mình, loài người tiếc thương. Đây người chiến sĩ đấu tranh cho tự do. Người là ước mơ của các dân tộc. Tiếng người vang vọng đến mai sau. Nguyện ước theo con đường Bác đi”.
Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Kiết Tường lấy chất liệu điệu hò Cần Thơ - đã cho ra một giai điệu mênh mang sâu lắng với 6 lần so sánh bằng chữ “hơn” trong ca từ một cách rất tự nhiên mạch lạc…:
Hò ơ ..... hơ .............
Tôi hát ngàn lời ca
Bao la hơn những cánh đồng
Mênh mông hơn mặt biển Đông
Êm đềm hơn những dòng sông.
Tôi hát ngàn lời ca
Nồng nàn hơn nắng ban mai
Đẹp tình hơn cánh hoa mai
Hùng thiêng hơn núi sông dài
Là một niềm tin!
Hồ Chí Minh!
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường không chỉ giỏi vận dụng dân ca trong sáng tác ca khúc mà luôn nhiệt tình sưu tầm giới thiệu dân ca Nam bộ như Lý giao duyên, Lý con sáo, Lý cây bông, Lý bốn mùa… đặc biệt là những bài dân ca mang tính chất đồng dao mà ông đã ghi âm và được phổ biến rộng rãi trên miền Bắc lúc đó như Con chim manh manh, Bắt kim thang…
Hòa trong chiến thắng 30/04/1975 nhạc sĩ Phạm Tuyên đã hứng khởi viết nên bài hát sôi nổi Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, một bài hát tập thể sinh hoạt cộng đồng cho mọi người, lúc sinh hoạt, vui chơi, các lễ hội…
Bài Đêm nay Bác không ngủ (Huy Thục – thơ Minh Huệ) nói lên tình cảm dạt dào của Bác đối với các chiến sĩ, dân công ngoài mặt trận… Ta hiểu được những đêm Bác “không ngủ được”, những bữa cơm đang ăn bỗng nghẹn Bác vẫn dành cho ta muôn vàn tình yêu thương
Từ những ca từ của bài hát, tôi chợt nhớ bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ những năm giảng dạy cho các em học sinh:
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn...
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau.
Nhiều ca khúc viết về Bác Hồ đều trở thành những bài hát được yêu thích và phổ biến rộng rãi trong lòng công chúng, trở thành máu thịt trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh Bác Hồ trong những ca khúc đều rất giản dị, gần gũi, thân thương nhưng vô cùng cao quý. Có thể kể thêm những bài hát nói về Bác rất hay được phổ biến nhiều trong quần chúng như: Những bông hoa trong vườn Bác (Văn Dung), Tiếng hát từ thành phố mang tên người (Cao Việt Bách - Đăng Trung), Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng (Phong Nhã), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (Lê Lôi), Miền Nam nhớ mãi ơn Người (Lưu Cầu) vv…