Hát Xoan làng cổ - sản phẩm đặc trưng hút du khách đến với Phú Thọ

15/01/2019

Sau khi hát Xoan được vinh danh trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ cho ra mắt sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” gắn với các tour du lịch hàng ngày. Chỉ trong thời gian ngắn, loại hình du lịch mới này đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Sản phẩm du lịch độc đáo

Tỉnh Phú Thọ cho ra mắt sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” gắn với các tour du lịch hàng ngày. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Tháng 4/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ và UBND thành phố Việt Trì phối hợp cho ra mắt sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” gắn với  tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ, phục vụ du khách.

Hiện nay, sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong tour du lịch của các công ty lữ hành đón khách về Phú Thọ. Từ khi hoạt động đến nay, các điểm “Hát Xoan làng cổ” đã đón trên 13 nghìn lượt khách du lịch, trong đó phần lớn là các đoàn khách du lịch quốc tế đến từ các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, hiện nhiều công ty lữ hành, du lịch đã xây dựng các tour du lịch về Phú Thọ và duy trì ổn định bình quân 2-3 đoàn khách quốc tế/tháng với loại hình "Du lịch văn hóa - trải nghiệm làng nghề”. Điểm dừng chân không thể thiếu của tour du lịch quốc tế là hoạt động “Hát Xoan làng cổ” gắn với các di tích lịch sử. Tour du lịch này nhận được đánh giá cao từ các đơn vị lữ hành.   

Anh Đồng Đức Cường, Giám đốc Công ty Du lịch Sen Á Châu, thành phố Hà Nội cho biết: Trong tour về miền đất Tổ, tôi rất ấn tượng với hoạt động "Hát Xoan làng cổ", đây một trong những điểm nhấn của chương trình.

Ngoài được nghe, trải nghiệm hát Xoan, du khách còn được tham quan nhiều đình, đền, làng cổ của vùng đất Văn Lang xưa còn lưu giữ được. Đây là những sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với các du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Theo bà Phùng Thị Hoa Lê, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, khi tham gia các tour du lịch về miền đất Tổ, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động như thưởng thức các làn điệu hát Xoan cổ tại các điểm di tích như miếu Lãi Lèn, đình cổ Hùng Lô, đình An Thái, đình Kim Đái (thành phố Việt Trì) do chính các nghệ nhân và thành viên của 4 phường Xoan gốc biểu diễn.

Bên cạnh đó, du khách còn được chiêm ngưỡng các không gian cổ kính như đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn và hơn 200 ngôi nhà cổ ở xã Hùng Lô, với rất nhiều giá trị về kiến trúc từ thời Hậu Lê còn lưu giữ tới nay.

Du khách còn được thăm quan các làng nghề truyền thống, trải nghiệm các công đoạn làm bánh chưng - bánh dày trong truyền thuyết về Hoàng tử Lang Liêu làm ra thứ bánh tượng trưng cho trời tròn, đất vuông, sau được truyền ngôi trở thành vua Hùng thứ bảy…

Để đưa hát Xoan đến đông đảo du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức hát Xoan định kỳ tại đình Hùng Lô từ 14 -16 giờ hàng ngày và tại miếu Lãi Lèn từ 14-16 giờ thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Các tiết mục hát Xoan sẽ do các nghệ nhân và thành viên các phường Xoan biểu diễn.

Đặc biệt, vào các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, chương trình “Hát Xoan làng cổ” sẽ được các nghệ nhân biểu diễn hàng ngày (từ 8-16 giờ) tại hai địa điểm trên nhằm phục vụ đồng bào, du khách cả nước.

UBND thành phố Việt Trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho ra mắt tour du lịch mới “City tour Việt Trì” gắn với các điểm “Hát Xoan làng cổ” trên địa bàn thành phố, với 9 điểm đến và 3 chương trình tham quan hấp dẫn trong thành phố Việt Trì với thời gian một ngày, giúp du khách lựa chọn tham quan khi về với Đất Tổ Vua Hùng.

Đồng thời,việc thưởng thức hát Xoan được gắn kết với những tour trải nghiệm khác như làng nghề nón lá Gia Thanh (huyện Phù Ninh), tương làng Bợ (huyện Thanh thủy)...; kết hợp các sản phẩm du lịch tâm linh tham quan đền Hùng với các du lịch nghỉ dưỡng như du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn Quốc gia Xuân Sơn…

Nỗ lực bảo tồn di sản

Kể từ khi di sản hát Xoan được vinh danh, du khách đến với Phú Tho ngày càng tăng, nhất là khách du lịch quốc tế. Những nghệ nhân tại các phường Xoan gốc như phường Xoan An Thái, phường Xoan Thét hay Kim Đái... thường xuyên được đón khách.

Bà Nguyễn Thị Lịch, trùm phường Xoan An Thái cho biết: Trước khi được vinh danh, chúng tôi đã đón khách. Từ khi hát Xoan được vinh danh, khách du lịch tới đây thưởng thức hát Xoan mỗi ngày đông hơn.

Có tuần, phường Xoan An Thái phục vụ 2-3 đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến để tham quan, nghe hát Xoan. Các du khách cũng lên hát giao lưu, điều này khiến chúng tôi rất vui và phấn khởi.

Anh Nguyễn Văn Quyết, trùm phường Xoan Kim Đái cho biết: Trước đây chỉ có một số rất ít bạn trẻ tham gia hát Xoan, ngày nay không chỉ lớp trẻ ở các phường Xoan tham gia mà có ở khắp tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể  thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, việc bảo tồn tại và phát huy giá trị di sản hát Xoan đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản hát Xoan tại các phường Xoan gốc đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh. 20/30 di tích không gian văn hóa thực hành hát Xoan được tu bổ, tôn tạo, phục hồi đáp ứng yêu cầu thực hành di sản hát Xoan.

Các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được duy trì và phục hồi tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay, toàn tỉnh đã có gần 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận.

Hát Xoan cũng được đưa về cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong gìn giữ câu hát có từ thời Hùng Vương. Từ các phường Xoan gốc, khúc hát môn đình lan tỏa khắp 13 huyện, thị, thành. Toàn tỉnh hiện có 34 Câu lạc bộ cấp tỉnh với trên 1.500 người tham gia thực hành hát Xoan. Hát Xoan còn được thực hành ở 64 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp huyện và 42 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp xã.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể  thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hội thảo để đánh giá giá trị di sản; thực hiện các chương trình quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và quảng bá phát triển du lịch về giá trị của di sản hát Xoan.

Đồng thời, ngành Văn hóa xây dựng các bộ phim tư liệu về hát Xoan; tổ chức tạo không gian lan tỏa của hát Xoan bằng cách đẩy mạnh giảng dạy hát Xoan trong nhà trường, để có được lớp công chúng trẻ tuổi hiểu, yêu và cảm thụ được hát Xoan.

(Nguồn: https://baotintuc.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...