Hát về vị Đại Tướng của Nhân dân
Thưa quý vị và các bạn!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta đã ra đi! Đây là một tổn thất to lớn của Đảng, của Nhà nước, quân đội và toàn thể nhân dân VN trên khắp mọi miền đất nước cùng bạn bè năm châu, bốn biển trên thế giới. Một thiên tài quân sự, một nhà chính trị và văn hóa kiệt xuất đã về với cõi vĩnh hằng cùng Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta với bao niềm tiếc thương vô hạn. Trong những ngày đau thương này, tiếng hát về vị tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam vang lên đầy tự hào, tôn kính xen lẫn với những cảm xúc sâu lắng, mất mát, tiếc thương mà qua đó chúng ta hiểu hơn tình cảm mà “giới nhạc” dành cho đại tướng . Hình ảnh cao đẹp của vị tướng văn võ song toàn trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các nhạc sĩ bộc lộ những khả năng biểu đạt đa dạng trong các tác phẩm viết về ông. Chiến công, tài năng, nhân cách của ông đã đi vào những trang sử vàng, vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam và còn lưu mãi trong những bài ca làm rung động hàng triệu trái tim. Giờ phút này, chúng ta hãy nén lòng để nhịp đập trái tim ngân rung , thổn thức cộng hưởng cùng những giai điệu trong chương trình ca nhạc đặc biệt “ Hát về vị tướng của nhân dân”. Xin hãy coi đây như một nén tâm nhang thắp lên để tưởng nhớ tới Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - ảnh internet)
Thưa quý vị và các bạn vừa nghe một sáng tác mới về đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nhạc sĩ Hoàng Anh Tú, phổ thơ Nguyễn Quang Vinh, bài Đại tướng Võ Nguyên Giáp do CS Thắng Lợi, Quỳnh Vân và tốp ca trình bày.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Vốn là một thầy giáo dạy sử, ông đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.Trong Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc. Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đại tướng là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.và từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông cũng là đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khóa VII. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong nước và thế giới đều đánh giá Đại tướng là người toàn tài kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ông đặc biệt được người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng bởi tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống. Hình tượng đại tướng đã đi vào trong âm nhạc với đầy đủ dáng vẻ và khía cạnh khác nhau lúc là con người bình dị ,gần gũi, khi can trường quyết đoán, có lúc lại là một con người đa cảm mang tâm hồn nghệ sĩ. Các hình thức biểu đạt của âm nhạc như ca khúc, hợp xướng được vận dụng một cách uyển chuyển theo ý đồ tư tưởng của từng tác giả. “Có một khu rừng như thế” là một trong những tác phẩm hợp xướng quy mô đầu tiên đã được nhạc sĩ Doãn Nho giành cả tình yêu mến, lòng kính trọng gửi tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng ta cùng nghe những chia sẻ của nhạc sĩ Doãn Nho về tác phẩm này.
“ PV………..”
Có một khu rừng như thế
(M.C Hoàng Anh và NS Cát Vận)
Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, với tư cách là Tổng tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, ông đã quyết đoán đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đề nghị này của ông đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Phương án “đánh chắc, tiến chắc” trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng cao nhất với sự hy sinh xương máu thấp nhất.Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và nỗ lực của toàn quân, toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã thiết kế nên một thế trận giải phóng miền Nam với mưu kế kỳ diệu, tạo ra đột biến về chiến lược dẫn tới ngày đại thắng của dân tộc, thống nhất đất nước.Có thể nói, những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam mà Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên đã tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Những chiến tích ấy đã nâng ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của mọi thời đại, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới. Sự thông minh, mưu lược và những phẩm chất cao đẹp của ông đã được nhạc sĩ Vũ Trung chuyển tải trong những giai điệu trữ tình, với chất liệu dân ca Nam Bộ, bài hát Trí dũng song toàn lời thơ Vũ Minh Hiến do ca sĩ Kiều Lệ trình bày.
Trí dũng song toàn
Trong con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp bản chất nhân văn luôn tỏa sáng. Ông luôn coi đồng đội, chiến sĩ như em, như con cháu, người thân của mình. Ông luôn đau với từng vết thương của mỗi người lính, tiếc từng giọt máu của từng chiến binh. Trước những chiến dịch, những trận đánh lớn, hầu như bao giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thức thâu đêm trăn trở, suy tính tìm đủ mọi cách nhằm hạn chế thương vong cho bộ đội. Đại tướng cũng đã rơi lệ bao lần khi nghe tin thương vong của chiến sĩ, tổn thất của đồng bào. Trái tim nhân hậu và những phẩm chất cao đẹp ở ông đã trở thành tấm gương cho bộ đội thể hiện chủ nghĩa nhân văn của một quân đội cách mạng, làm nên giá trị Bộ đội Cụ Hồ, hết lòng yêu thương, sẵn sàng hi sinh cho hạnh phúc của nhân dân, dân tộc mình, cũng như bè bạn, láng giềng với tinh thần quốc tế cao. Là một đại tướng tài ba nhưng trong cuộc sống ông hết sức bình dị và gần gũi. Nhiều tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, cán bộ dưới quyền vẫn gọi ông một cách thân mật là “anh Văn”. Cái tên giản dị mà thân thuộc ấy đã đi vào lòng người, trở thành nguồn cảm xúc để các nhạc sĩ bộc lộ tấm lòng mình trong đó có nhạc sĩ Đào Hữu Thi với ca khúc Anh Văn của đồng đội. Để viết ca khúc này, nhạc sĩ đã chọn những hình ảnh ấn tượng về đại tướng như ông cho biết “ trích pv………..”
Anh Văn của đồng đội
Đức độ, tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua còn là đối thủ của ông.Thế giới biết đến ông – đại tướng Võ Nguyên Giáp từ một trí thức yêu nước, một thầy giáo dạy sử trở thành vị đại tướng Tổng tư lệnh của một quân đội đã đánh thắng những đạo quân lừng danh trên thế giới. Ducan Townson, tác giả cuốn “Những vị tướng lừng danh” xuất bản ở London, đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”. Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam”, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy quân đội của vị tổng tư lệnh, đã nhận xét: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Cuốn Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, 1993 có đoạn viết “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.
Thế giới ngưỡng mộ ông, nhân dân Việt Nam yêu thương, kính trọng, tiếc thương người anh hùng dân tộc luôn vì nước, vì dân. Trong lòng mỗi người, bức tượng đài Võ Nguyên Giáp chiếm một vị trí trang trọng, đầy tôn kính. Bức tượng đài ấy đã đi vào những bài ca của các nhạc sĩ trên khắp cả nước. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thuấn ở Cần thơ chia sẻ những tình cảm của mình về người anh hùng dân tộc “ trích PV……….”
Và từ những tình cảm ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Thuấn đã viết ca khúc “ Hát về đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng ta sẽ nghe ngay sau đây do ca sĩ Linh Thụy trình bày.
Hát về đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngay sau khi đại tướng từ trần, sự thương tiếc, xúc động mạnh mẽ đã thôi thúc các nhạc sĩ cầm bút viết về người anh hùng dân tộc. Nhiều sáng tác mới ra đời khắc họa chân dung, hình ảnh đại tướng ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Có những bản nhạc được viết ra trong dòng nước mắt xúc động, tiếc thương. Có những bản nhạc còn còn chưa ráo mực cũng chưa kịp thu thanh nhưng được người nhạc sĩ hát lên bằng cả tấm lòng mình. Chúng ta cùng nghe sau đây một sáng tác mới của nhạc sĩ Cát Vận do chính ông thể hiện, bài hát Khúc quân hành tưởng niệm.
Nhạc sĩ Cát Vận hát đệm ghi ta + nói về bài hát
Thưa quý vị và các bạn! Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất chú ý chăm lo, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật. Ông từng có nhiều bài viết về văn học nghệ thuật đăng trên các tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp và đã từng giữ cương vị là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ. Ông là người được giới văn nghệ sĩ, khoa học gần gũi để gửi gắm tâm tư những khi khó khăn, khúc mắc. Ông có vai trò quan trọng trong việc tiếp sức cho nền văn hóa nghệ thuật VN phát triển. Nói về điều này, nhạc sĩ -Thiếu tướng An thuyên cho biết “ trích PV………..”
Là một vị đại tướng nhưng ông lại có một tâm hồn đa cảm đầy chất nghệ sĩ. Trong những lúc rảnh rỗi, ông thường chơi đàn Piano với những tác phẩm cổ điển của Chopin hay Traicopxki và những bản nhạc của Việt Nam như Trống cơm, Qua cầu gió bay, Cò lả….
Đây cũng chính là một trong những hình ảnh đặc biệt, thể hiện chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn đại tướng. Nhạc sĩ An Thuyên đã chọn chi tiết đó để ngợi ca Đại tướng bằng cảm nhận riêng của mình trong ca khúc “Tiếng đàn” mà ông viết ngay sau khi đại tướng từ trần. Nhạc sĩ giải thính thêm về hình ảnh vị tướng bên cây đàn mà ông đã chọn “ trích PV…………..”
Tiếng đàn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào nghệ thuật nhân văn với hình ảnh sáng ngời của tấm gương anh hùng bất khuất chống ngoại xâm, nhân đức, trí dũng toàn tài trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các văn nghệ sĩ chấp bút viết nên rất nhiều tác phẩm. Cảm xúc trước tài năng, những cống hiến lớn lao của Đại tướng đối với đất nước, nhạc sĩ, giáo sư Lân Hùng – một nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học và nông nghiệp nhưng say mê sáng tác đã viết ca khúc Đại tướng của chúng ta với nét giai điệu trầm hùng, hào sảng. Ông cũng là người có vinh dự được gặp đại tướng nhiều lần và tất cả những lần gặp gỡ ấy luôn để lại cho ông ấn tượng sâu sắc và cũng từ đó ý tưởng viết một ca khúc về tướng Giáp đã hình thành. Nhạc sĩ chia sẽ về bài hát Đại tướng của chúng ta và những kỷ niệm về đại tướng mà ông không bao giờ quên “ trích PV………..”
Đại tướng của chúng ta
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người "anh cả" của QĐNDVN, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh đã về yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng nhưng công lao, tư tưởng và hình ảnh của ông sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Sẽ còn có nhiều thêm nữa những cuốn sách, những ánh văn, thơ, những dòng giai điệu viết về ông-vị danh tướng huyền thoại. Bức tượng đài đại tướng sẽ mãi còn đó, ghi dấu ấn không thể phai mờ trong dòng chảy của Văn học nghệ thuật Việt Nam. Thay cho lời kết, xin được trích câu nói của nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Lê : " Như chim đại bàng bay về nơi vô tận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng tên tuổi, nhân cách, sự nghiệp của ông vẫn sống mãi với non sông đất nước và nhân dân Việt Nam".
Hát về vị đại tướng của nhân dân
Bài hát Hát về vị đại tướng của nhân dân sáng tác của nhạc sĩ Lê Gia Hiếu, phổ thơ Tống Minh Lung đã kết thúc chương trình ca nhạc đặc biệt với chủ đề “ Hát về vị đại tướng của nhân dân”.
Thân ái chào tạm biệt!
(Nguồn: Tác giả tác phẩm - Đài TNVN)