Gửi nắng cho em
Người ta biết nhiều đến nhạc sĩ Phạm Tuyên qua những ca khúc cách mạng nổi tiếng ở những thời điểm lịch sử, chứ mấy ai biết đến những khúc tình ca của anh. Cũng giống như các văn nghệ sĩ khác, viết thơ tình, viết truyện tình, viết tình ca... là điều bình thường.
Thực ra trong những ca khúc Phạm Tuyên viết về những cuộc đấu tranh của dân tộc, về những người lao động hay về những miền quê, anh đã gửi gắm tình cảm nồng nàn của mình vào lời ca điệu nhạc, khiến cho nhiều ca khúc của anh vừa mang tính chiến đấu mà vẫn thắm đượm chất trữ tình nên những ca khúc đó dễ làm xúc động lòng người. Bên cạnh đó, Phạm Tuyên cũng đã viết những ca khúc “thuần khiết trữ tình”, đề cập trực tiếp đến tình yêu đôi lứa, nhất là sau chiến tranh.
Ca khúc "Gửi nắng cho em" (phổ thơ Bùi Văn Dung) anh sáng tác ngay sau khi Sài Gòn giải phóng. Một tình cảm khác lạ tràn ngập lòng anh khi đang giữa mùa đông mà bạn bè trong đó lại rủ anh đi tắm biển, làm anh không khỏi ngỡ ngàng mà cất lên tiếng ca: “Anh ở trong này chưa thấy mùa đông/ Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ/ Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ/ Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam!”. Anh liên tưởng đến miền Bắc mà lòng xốn xang thương nhớ những người yêu dấu, nên: “Muốn gửi ra em một ít nắng vàng...”.
Khi bài hát vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đầu tiên là giọng ca mượt mà của ca sĩ Kiều Hưng rồi sau đó là giọng ca trong sáng của ca sĩ Trung Kiên, được đông đảo bạn nghe đài ưa thích, yêu cầu phát lại, nhiều đoàn nghệ thuật lấy làm tiết mục biểu diễn, thì ngay lập tức bị một “lệnh cấm bất thành văn” truyền đến tai các ca sĩ và các đơn vị nghệ thuật: “không được phổ biến bài hát "Gửi nắng cho em" ở bất cứ đâu”.
Vì một số người quản lý nghệ thuật ở ngoài này đã rỉ tai nhau lên án: “Mới giải phóng Sài Gòn chưa bao lâu mà Phạm Tuyên đã ăn phải bả của chủ nghĩa thực dân mới rồi, chưa chi đã vội gửi nắng từ miền Nam ra miền Bắc, chẳng hóa ra là ngoài này âm u lắm hay sao?!”. Thế là ca khúc "Gửi nắng cho em" bị chết yểu, bị cấm trong một thời gian khá dài!
Sau cả gần cả chục năm bị cấm, đầu mùa xuân năm 1986, nhạc sĩ Bửu Huyền phụ trách phòng ca nhạc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh quyết định cho ca sĩ Ngọc Tân hát ca khúc "Gửi nắng cho em" đúng vào buổi giao thừa trên sóng truyền hình thành phố.
Có thể nói giọng ca Ngọc Tân với giai điệu thiết tha trong sáng đã chinh phục được người nghe. Thấy ca khúc "Gửi nắng cho em" được hâm mộ ở phía Nam nên Đài Truyền hình Trung ương cũng mạnh dạn phát bài đó nhiều lần trên sóng và lại được người nghe hâm mộ. Thế là từ đó “lệnh cấm bất thành văn” đối với ca khúc "Gửi nắng cho em" không còn hiệu lực nữa, nhiều người từ ca sĩ chuyên nghiệp đến nghiệp dư đều được tự do hát ca khúc này.
Lúc sinh thời, Giáo sư, bác sĩ Phạm Khuê (anh ruột nhạc sĩ Phạm Tuyên) gặp tôi anh thường hỏi: “Tuyên có hay gửi nắng cho Tuyết không?”. Câu hỏi thật ý nhị, vừa chân tình vừa nhuốm màu hài hước, khiến tôi rất khó trả lời. Vì tôi biết, trong bài hát "Gửi nắng cho em", không chỉ có tôi là người nhận được nắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, mà cả miền Bắc đều nhận được nắng từ miền Nam gửi ra! Trong đó, có phần nắng anh gửi cho tôi. Tôi biết ở đây tình cảm riêng tư đã hòa vào tình cảm rộng lớn của cả dân tộc, “cái riêng” đã nhập vào “cái chung” một cách hài hoà, chúng không đối lập nhau mà cũng không hòa tan lẫn nhau.
Nghe Gửi nắng cho em qua tiếng hát Ngọc Tân
https://www.youtube.com/watch?v=U-SDvh7As0g
(Trích hồi ký của bà Nguyễn Ánh Tuyết - vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên)
Tác giả: Nguyễn Ánh Tuyết