“Gửi gió cho mây ngàn bay” - ca khúc bất hủ về mùa thu

27/08/2015

“Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh được xem là một trong những tuyệt phẩm âm nhạc bất hủ về vẻ lãng mạn, chất thi vị của mùa thu.

Gửi gió cho mây hay gửi tấm lòng cho nhân gian?

Ai cũng biết mùa thu đẹp nhưng không phải ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của mùa thu, đặc biệt là hình ảnh mùa thu trong nghệ thuật. Người nhạc sĩ bao đời nay vẫn thổi vào trong các sáng tác của mình một hình ảnh mùa thu buồn lãng mạn, có chút nhớ nhung, thậm chí cả những khoảnh khắc nuối tiếc chờ mong. Mùa thu trong âm nhạc vốn là một hình tượng cố định với đầy vẻ đẹp chân – thiện – mỹ mà người nghe chỉ thực sự cảm được khi bản thân từng tồn tại những tâm trạng tương đồng với tác giả.


Lá vàng rơi, hình ảnh quen thuộc của mùa thu.

“Gửi gió cho mây ngàn bay” không nằm ngoài hình tượng về mùa thu trong dòng chảy văn học – nghệ thuật, vẫn là một bài hát lãng mạn, đầy chất thi vị với lá vàng rơi và những cơn gió nhẹ. Nhưng người nghe không vì thế mà nhầm lẫn “Gửi gió cho mây ngàn bay” với những sáng tác khác. Chất riêng biệt trong tuyệt phẩm của Đoàn Chuẩn – Từ Linh nằm ở chỗ mỗi lời ca đều đẹp, đẹp một cách sang trọng, quyến rũ mà không kém phần gần gũi, kích thích các giác quan thưởng thức.

Người nghe có thể hình dung nhân vật trữ tình trong “Gửi gió cho mây ngàn bay” là một nhân vật tự sự đang rảo bước dưới những tán lá mùa thu. “Hoa lá tàn, hàng cây đứng thẫn thờ” hay con người mới chính là đối tượng thẫn thờ trước vẻ đẹp của tà áo xanh, của bướm hoa và cả ánh trăng. Trong khung cảnh rất đỗi thơ mộng đó, vạn vật và con người như đang lắng đọng. Nhân vật trữ tình không rảo bước nữa mà dừng lại mở tấm lòng thả theo cơn gió, theo thiên nhiên, theo phím đàn và theo trái tim mình.

Ẩn số mùa thu của Đoàn Chuẩn – Từ Linh

“Gửi gió cho mây ngàn bay” cũng như nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, được ký tên Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Không ai biết chính xác lý do ông ký tên ghép trong phần đông các sáng tác của mình dẫu nhiều người cho rằng Từ Linh là một người bạn thân của Đoàn Chuẩn và cũng vì tiếc nhớ người tri kỷ mà vị nhạc sĩ tài hoa không lỡ đứng tên một mình. Có thể đằng sau
câu chuyện ký tên đơn thuần còn nhiều ẩn ý khác nhưng chỉ có Đoàn Chuẩn mới biết mà thôi.


Đoàn Chuẩn viết ca khúc này khi ắp đầy tâm sự.

Lời ca trong các sáng tác của Đoàn Chuẩn không dễ gì giải mã, “Gửi gió cho mây ngàn bay” cũng là một trong số đó. Mùa thu trong bài hát này thực chất là một ẩn số thú vị mà ở đó người nghe cảm nhận mùa thu tùy từng tâm trạng khác nhau. Mùa thu được Đoàn Chuẩn xây dựng êm ái, phiêu bồng như dòng sông, con kênh, như thác, như ghềnh, thiên nhiên nhất những êm dịu và bình an nhất.

Không khó để nhận ra một chút nuối tiếc, nhớ nhung trong giai điệu của ca khúc. Có thể Đoàn Chuẩn đã viết bằng chính suy tư hoặc kỷ niệm của mình về mùa thu để rồi “Gửi gió cho mây ngàn bay” trở thành một tuyệt phẩm vừa gợi nhớ những quá vãng da diết, vừa mở ra một khoảng không tương lai đầy khao khát, ước muốn. Ca khúc được cho là thích hợp hơn cả khi người nghe đang chất chứa những tâm sự trong lòng.

“Huyền thoại” Lê Dung – người tạo thêm “hồn” cho ca khúc

NSND Lê Dung được xem là người thể hiện thành công nhất ca khúc “Gửi gió cho mây ngàn bay”. Giọng hát kinh điển của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã tạo một cái bóng quá lớn trong bài hát này khiến nhiều ca sĩ trẻ không vượt qua được. Vốn là một ca sĩ sở hữu kỹ thuật thanh nhạc bậc thầy lại có thời gian dài được đào tạo ở Liên Xô (cũ), cách hát của bà thiên về opera nhưng không vì thế mà mất đi chất tinh tế, hát như kể chuyện trong “Gửi gió cho mây ngàn bay”.

Lê Dung vốn ghi dấu ấn với vai trò một ca sĩ của âm nhạc cách mạng nhưng khi thể hiện các sáng tác trữ tình, lãng mạn hay những ca khúc nhạc nhẹ, bà cũng không tỏ ra lép vế. Giọng ca “Mẹ yêu con” thậm chí còn được xem là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền nhạc nhẹ nước nhà. Một Lê Dung phong phú, đa dạng đồng thời cũng là một Lê Dung hết mình, đắm say với nghề. Bà thể hiện thành công “Gửi gió cho mây ngàn bay” cũng bắt nguồn từ những chữ rất tình như thế.

Hiếm nữ ca sĩ nào luyến láy, bỏ nhỏ, lên bổng, xuống trầm điệu nghệ hơn Lê Dung trong sáng tác của Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Có lẽ cũng bởi người đàn bà hát ấy cũng như mùa thu của đất trời, đẹp thì tuyệt đẹp mà buồn thì cũng không nỗi buồn nào bì được. Lê Dung – một người cũng có những nỗi buồn của cuộc sống hôn nhân rồi ra đi khi âm nhạc của bản thân vẫn còn sung sức. Ẩn đằng sau giọng hát trời phú, vẻ đẹp rất phương Đông là một tâm hồn nhạy cảm của người đàn bà. Có thể nói Lê Dung để hiểu từng tứ nhạc của Đoàn Chuẩn để truyền tải thông điệp của ca khúc một cách trọn vẹn nhất.

(Nguồn: http://emdep.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.