GS. Trần Văn Khê: Thành phố tụi mình đã rất khô khan...
Quả thật, có thể công việc nghiên cứu công phu và kỳ tài của nhạc sĩ Trần Văn Khê luôn được ngưỡng mộ nhưng chỉ có giá trị biểu trưng trong đám đông. Nghe tên thì nhiều nhưng để tìm hiểu và biết về ông thì chẳng có mấy ai.
Năm 2014, tôi gọi điện thoại cho nhạc sĩ Trần Văn Khê để xin hẹn gặp mặt phỏng vấn. Lúc đó, ông chỉ vừa về nhà sau môt đợt nằm ở nhà thương khá dài. Khi nghe mục đích cuộc trò chuyện là để đưa lên báo, ông ngập ngừng một chút rồi hỏi lại “thật ra, công việc của bác là nghiên cứu, khô khan lắm, có gì để nói cho công chúng thích thú đâu?”. Câu nói có cả sự khiêm tốn, nhưng cũng có cả một nỗi niềm trong thời đại nhộn nhịp mê mãi mua vui hôm nay. Trong tíc tắc ấy, tôi chợt nhận cả một khung cảnh đồ sộ nền âm nhạc Việt Nam, trong một tình cảm buồn vui lẫn lộn.
Quả thật, có thể công việc nghiên cứu công phu và kỳ tài của nhạc sĩ Trần Văn Khê luôn được ngưỡng mộ nhưng chỉ có giá trị biểu trưng trong đám đông. Nghe tên thì nhiều nhưng để tìm hiểu và biết về ông thì chẳng có mấy ai. Có thể đó là lý do khiến bất cứ ai tìm kiếm trên các trang mạng về nhạc sĩ Trần Văn Khê, có rất ít các bản video nói chuyện về âm nhạc dân tộc Việt được tìm thấy, so với hàng trăm lần, hàng trăm bài diễn thuyết đã được ghi hình của ông. Tất cả những chương khai sáng về văn hóa Việt bị nhấn chìm trong biển của các video ca nhạc thương mại, đặc biệt có những lời ca ngợi ngất trời vĩ đại, cùng lượt người xem chạm đỉnh.
Khó mà tả được một cảm giác như vậy, cũng giống như những lần tôi hỏi các sinh viên ngành nhạc do vô tình gặp gỡ, khi hỏi rằng biết Đặng Thái Sơn là ai không, họ trả lời có, nhưng chỉ là biết cái tên, còn lại vẫn là một khoảng trống mù mờ vô tận.
Dĩ nhiên, việc tìm đến một thú vui giải trí qua ngày tháng là điều không thể trách cứ gì, đối người Việt Nam hôm nay, hoặc với một giai cấp rủng rỉnh tiền. Nhưng giữa sự mất cân bằng dến vậy, những ai nghĩ về văn hóa Việt cũng nên có chút băn khoăn và cần suy nghĩ rằng quả có điều gì đó bất bình thường đang lớn dần trên đất nước này.
Đừng quên, ở đất nước như Hoa Kỳ, khi các tác phẩm điện ảnh giải trí vô bổ như Avengers hay Mad Max có thể gây nên những cơn sốt rầm rộ, thì các buổi diễn nhạc kịch Broadway với giá vé rất cao, cũng luôn không còn chỗ ngồi trước 3 tháng. Những buổi diễn thuyết về triết học Phật giáo và khoa học của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở các trường đại học có khán phòng 5000-6000 chỗ ngồi, muốn tham dự phải chật vật ghi danh lấy chỗ trước cả tháng với giá ít nhất là 350 USD, không khác gì buổi biểu diễn đặc biệt của một danh ca nhạc rock đương thời. Sự cân bằng ấy, cho thấy một sự phát triển bình thường, và bất kỳ ai có bi quan về tương lai thế nào., cũng có thể tạm yên tâm về lộ trình phát triển văn hóa ấy của cả một quốc gia mình như vậy.
Rất nhiều lần, các buổi hòa nhạc hiếm có ở Nhạc viện hay Nhà hát lớn Sài Gòn vắng khách, đặc biệt các hàng ghế tốt nhất dành cho các nhân vật quan trọng, với vé mời thành kính, luôn để trống vì không có người đến. Ghế dành cho các quan chức vị trí càng cao, nguy cơ để trống càng lớn. Và nếu đến thì cũng vội vã ra về lúc giải lao giữa chừng, Không ít lần, những người khán giả yêu âm nhạc đã phải im lặng xót xa, vì sao một chương trình như vậy ở nước ngoài, không phải ai cũng có được cơ may tham dự, thì ở Việt Nam luôn lạnh lẽo đến đáng buồn tủi. Thậm chí, các chương trình chiếu phim miễn phí giao lưu văn hóa của các nước Pháp, Đức… cũng không phải là điểm đến đầy ấm áp văn hóa, tương đồng với thành phố lắm cao ốc và dự án phát triển khổng lồ của xã hội Việt. Thậm chí nơi đó, những nhà đạo diễn lừng danh, những người làm nghề điện ảnh thì lại càng hiếm hoi.
Đinh Sơn, người thầy từ miền Bắc mà tôi yêu quý như cha mình trong những năm ở Nhạc Viện, từng nói trong một mùa hè, một lần ngồi ngó ra song cửa nhìn học sinh khoa dân tộc tràn ra về sau giờ học “có lẽ nhiều năm nữa, mình mới có một thế hệ bật ra được một người như Trần Văn Khê”. Ông giải thích rằng ông chứng kiến trong đời mình những thế hệ Tây học hết sức trí thức, chỉ mới ngoài hai mươi đã tranh cãi nhau kịch liệt về triết học. Đi ra bờ hồ thấy các thanh niên ngồi đọc sách báo nước ngoài, trò chuyện với khách du lịch bằng ngoại ngữ là chuyện thường ngày. Nhưng giờ đây mọi thứ càng ít đi. Con người trong xã hội không học tri thức sống nữa mà chỉ học công thức để sống sót. Ngoại ngữ không phải để trau dồi và mở cánh cửa ra thế giới mới, mà chỉ để được dung nạp ở nước ngoài hoặc mong hiểu được nhanh những cách thức làm giàu, từ tác phẩn ngoại văn. “Một thế hệ vàng như xưa nếu trỗi dậy, cũng sẽ chỉ bật ra được một vài người làm rạng danh đất nước. Trần Văn Khê là một người hiếm hoi của thế hệ hiếm hoi như vậy đó”, thầy tôi nói. Nhiều năm sau, khi ông qua đời, tôi lại càng thấy những điều ông nói là căn bản của sự phát triển của một quốc gia, càng thấm thía biết bao.
Trách sao được khi hôm nay nhà hát hòa nhạc luôn vắng. Trách sao được khi điện ảnh nghệ thuật luôn heo hút người chia sẻ trí tuệ. Điều đó là câu hỏi về vấn đề thế hệ. Trong lần xem ra mắt một cuốn phim nghệ thuật của nữ đạo diễn người Pháp gốc Việt, chiếu tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp (Idecaf, quận 1), một nhà làm phim lâu năm, có tên tuổi trong nước, tóc hoa râm, đã đứng lên có ý kiến, thành thật xin được giải thích vì coi hết phim, ông vẫn chưa hiểu. Cả rạp chết lặng. Và cả người nữ đạo diễn cũng chết lặng. Bài giảng văn về chính tác phẩm của mình được đọc vội nơi đó trong sự xấu hổ của rất nhiều người, và thương xót cho thế hệ của mình, thế hệ đi trước mình.
Một lần nhận được một lời mời làm phim quảng cáo cho một hãng thực phẩm của nước ngoài. Sau khi xem xong phần phim quảng cáo, tôi đề nghị sử dụng hình thức nhạc giao hưởng để làm cho phim, thì sẽ phù hợp. Hai người bạn trẻ gần 30, đại diện của hãng quảng cáo nước ngoài ấy, khi nói chuyện luôn pha các câu tiếng Anh vào để diễn đạt như thể tiếng mẹ đẻ không đủ sức diễn đạt, đã nhìn nhau, và hỏi rằng “Sorry, anh cho biết nhạc giao hưởng là loại nhạc gì?”. “Mấy em chưa bao giờ nghe đến kiểu nhạc giao hưởng à?”… Hai người bạn trẻ hơi bối rối “Maybe tụi em biết nhưng không nhớ hết. Thôi anh về làm giúp tụi em một bản demo nhạc giao hưởng như anh nói, rồi tụi em sẽ feedback (hồi đáp) cho anh liền”. Dĩ nhiên, tôi trả lại dự án đó và ra về, vì biết rồi mọi chuyện sẽ rất “khô khan”, không khác gì nỗi lo như nhạc sĩ Trần Văn Khê đối diện với đời sống hôm nay vậy.
Nhạc sĩ Trần Văn Khê là một con người tự trọng. Đây không phải là lần bệnh tật tuổi già đầu tiên của ông mà khó khăn đeo đuổi, nhưng ông luôn im lặng vì e rằng sự “khô khan” của đời mình sẽ là điều làm phiền ai đó hơn là được chia sẻ. Chỉ đến khi những người yêu mến ông quá sốt ruột và viết những lời kêu gọi trên facebook, thì mới có một đợt quan tâm lan rộng trong một tầng lớp hiếm hoi còn tiếc thương văn hóa Việt, tiếc thương nhân tài Việt.
Không thể không buồn khi chuyện một ngôi sao ca nhạc tầm ruồng hôm nay khoe nhà cửa, siêu xe… được các báo săn đón, đăng tải đến mấy kỳ hoặc kéo link khắp nơi, còn một thư viện văn hóa của người Việt có thể hóa rồng vào chốn hư không thì chỉ được có vài dòng tin quấy quá. Người Đức vẫn có câu “mỗi người già là một thư viện quý, khi họ mất đi, chúng ta lại càng ngu dốt hơn”. Có bao nhiêu thư viện quý như vậy đã và sẽ ra đi trong tiếng trống hội đùng đoàng vô tâm trên đất nước này? Không thể không buồn khi các danh ca, đại kịch sĩ… khoe khoang tổ chức đi từ thiện rầm rộ, bộ thức chiêm bái uy nghiêm trước ống kính truyền hình, nhà báo… nhưng tảng lờ chuyện thật của đời, từ nhạc sĩ Trần Văn Khê cho đến nghệ sĩ Trang Thanh Xuân, nhạc sĩ Thanh Bình… Nếu có nói đến, lưỡi dao báo chí cũng chỉ lách và lọc từng nỗi đau của con người để câu chút ít sự quan tâm cho bản báo, giọng điệu giả nhân giả nghĩa. Đó cũng là những điều mất cân bằng kỳ quái trong xã hội văn hóa hôm nay. Không ít, mà nhiều, rất nhiều.
Điều gì đã khiến người Việt từ những thế hệ vàng, chuyển sang những thế hệ khô khan với tri thức và văn hóa của con người, vốn đã từng lộng lẫy? Sự thụt lùi ấy không đong đo được, như một dấu chấm hỏi trĩu nặng không lời đáp theo chiều dài xứ Việt, với mỗi chúng ta.. Câu hỏi vẫn gõ đều như tiếng kinh chiều mỗi ngày, báo hiệu những ngày tháng khô khan như sa mạc trên đất nước hôm nay, đang lắm lời tự ngợi ca và tự huyễn hoặc mình.
Thành phố của tụi mình, đất nước của tụi mình…
(Nguồn: http://vanhien.vn)