Góc trẻ thơ của Debussy
Tác giả: Claude Debussy Đề tặng: Claude-Emma (biệt danh: Chou-Chou) Công diễn lần đầu: ngày 18/12/1908 tại Paris; piano: Harold Bauer Thời lượng: khoảng 15 phút |
Children's Corner (Góc trẻ thơ), L. 113 là một tổ khúc viết cho piano solo của Claude Debussy. Tác phẩm được Durand xuất bản năm 1908 và nghệ sĩ piano Harold Bauer công diễn lần đầu tại Paris ngày 18/12 cùng năm. Năm 1911, phiên bản cho dàn nhạc của tác phẩm do một người bạn của Debussy là Caplet chuyển soạn được công diễn lần đầu và được xuất bản sau đó. Ngoài ra, Children’ s Corner còn có phiên bản cho organ do Michael Hey chuyển soạn. Thời lượng của toàn bộ tổ khúc gồm 6 khúc nhạc vào khoảng 15 phút.
Debussy đề tặng Children’s Corner cho cô con gái ba tuổi của mình, Claude-Emma (sinh ngày 30/10/1905 tại Paris, biệt danh là "Chou-Chou"). Như các bé gái dễ thương cùng độ tuổi, Chou-Chou có trí tưởng tượng phong phú, sự ngây thơ và những băn khoăn con trẻ. Em là niềm vui sống và nguồn cảm hứng lớn lao cho những sáng tác của cha mình. Ngoài Children’ s Corner, Chou-Chou còn được cha đề tặng tổ khúc ballet La Boite a joujoux (Hộp đồ chơi). Nhờ cha dạy bảo, Chou-Chou có thể chơi rất hay nhiều tác phẩm của cha trên đàn piano.
Tuy nhiên, các khúc nhạc piano trong bộ Children's Corner không có ý dành cho trẻ em chơi. Children’s Corner được xem là một trong những sáng tác hay nhất, song cũng khó chơi nhất của Claude Debussy. Các nghệ sĩ piano chuyên nghiệp cũng phải luyện tập rất nhiều mới có thể chơi thành công tác phẩm này.
Các khúc nhạc trong tổ khúc Children’s Corner là những liên tưởng, gợi nhắc đến tuổi thơ và một vài món trong bộ sưu tập đồ chơi của Chou-Chou. Chúng có những cái tên dễ thương bằng tiếng Anh một phần vì cô gia sư người Anh của Chou-Chou đã giúp cha em chọn tên đặt cho từng khúc nhạc.
Khúc nhạc 1 - “Tiến sĩ bước tới Thi Sơn” (Doctor Gradus ad Parnassum). Khúc nhạc là một gợi nhắc vui vẻ tới các bài tập piano nổi tiếng của nhạc sĩ Muzio Clementi. Vào thời ấy, tập nhạc Gradus ad Parnassum (Bước tới Thi Sơn) của Muzio Clementi được những người học piano sử dụng rất phổ biến ở Pháp. Trong khúc nhạc, Debussy hóm hỉnh mô tả cảnh một em bé đang tập chơi các bản nhạc này .
Khúc nhạc 2 – “Bài hát ru của Jimbo” (Jimbo's Lullaby). Khúc nhạc nói về chú voi nhồi bông Jumbo trong bộ đồ chơi của Chou-Chou. Hồi Debussy còn nhỏ, một chú voi Jumbo từ rừng già nước Sudan thuộc châu Phi đã được chở tới một vườn bách thảo tại Paris nước Pháp và sống tại đó một thời gian ngắn. Tên là Jumbo, nhưng những người nói giọng Paris gọi chú voi vụng về và đáng thương này là Jimbo. Thấp thoáng trong khúc nhạc là giai điệu bài hát ru Pháp “Bé sắp ngủ rồi” (Do, do, l'enfant do).
Khúc nhạc 3 – “Nhạc chiều dành cho búp bê” (Serenade for the Doll). Trong bộ đồ chơi của Chou-Chou còn có một cô búp bê bằng sứ phương Đông. Em rất yêu quý cô búp bê mong manh dễ vỡ này và cha em đã viết khúc nhạc để ca ngợi búp bê.
Khúc nhạc 4 – “Tuyết đang nhảy múa” (The Snow is Dancing). Đây là bức tranh tả cảnh những bông tuyết đang rơi cùng những vật thể im lìm nhìn qua làn tuyết. Debussy không chỉ dùng âm nhạc để tả cảnh mà còn vẽ lên tâm trạng con người khi ngắm nhìn cảnh vật đó.
Khúc nhạc 5 – “Chàng chăn cừu bé nhỏ” (The Little Shepherd). Khúc nhạc kể câu chuyện về một chàng chăn cừu thổi sáo và nhảy múa trên đồng cỏ. Khi đã mệt chàng nằm nghỉ dưới một gốc cây rồi cuối cùng chìm vào giấc ngủ.
Khúc nhạc 6 – “Điệu nhảy Cakewalk của Golliwogg”(Golliwogg's Cakewalk). Golliwogg là thứ đồ chơi rất được các em bé ưa thích vào thời Debussy sáng tác khúc nhạc này. Chúng là những con búp bê nhồi màu đen, tóc rối tung, diện quần và thắt nơ bướm màu đỏ. Trong điệu nhảy Cakewalk, ai nhảy giỏi nhất sẽ được nhận phần thưởng bánh ngọt.
Trên bản thảo Children’s Corner, Debussy ghi: “Tặng Chou-Chou thân yêu của tôi với lời xin lỗi dịu dàng từ người cha vì những gì sẽ xảy ra“. Có lẽ ngụ ý của nhà soạn nhạc là việc ông hiểu điều không thể tránh được là sự thơ ngây sẽ mất đi khi bé Chou-Chou lớn lên theo năm tháng. Nhưng theo một số người, lời đề tặng này của Debussy mang hàm ý tiên tri u ám vì chỉ một năm sau cái chết của Debussy vì bệnh ung thư, Chou-Chou cũng qua đời vì bệnh bạch hầu vào ngày 14/7/1919.
(Nguồn: nhaccodien.info)