Giữ điệu then xứ Lạng
Hát then là loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng các tỉnh miền núi đông bắc, trong đó có Lạng Sơn. Ðây là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời và đến nay vẫn được lưu giữ bền vững nhờ sự đam mê, gắn bó của các nghệ nhân cũng như những người dân yêu thích hát then, đàn tính tại các bản, làng.
Hội viên Câu lạc bộ hát then Nộc Khảm Khắc, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng. Ảnh: Trung tâm VHNT tỉnh Lạng Sơn
Mấy năm nay, cứ vào dịp cuối năm hay xuân về, anh Nông Ngọc Tăng, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn lại khẩn khoản mời tôi về quê anh mãi tận thôn Ngọc Trí, xã Tô Hiệu (huyện Bình Gia) để dự lễ Lẩu then (Hội then), do chính mẹ của anh là cụ Mỗ Thị Kịt chủ trì. Năm nay, cụ Kịt đã 97 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn và nặng lòng với hát then, đàn tính. Hễ gia đình nào dù gần hay xa, có lời mời đến hát then là cụ lại lên đường.
Anh Nông Ngọc Tăng cho biết, mẹ anh đã được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú từ năm 2016. Cụ Mỗ Thị Kịt sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời với vùng đất quê hương Ngọc Trí, một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, nơi được coi là cái nôi hát then của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở xứ Lạng. Thời trẻ, bà đã được nghe những làn điệu then vui tươi, ngọt ngào và thừa hưởng những ngón đàn điêu luyện của các bà then. Khi lớn lên, về làm dâu nhà họ Nông, một gia đình đã có tám, chín đời làm then, bà Kịt được mẹ chồng tiếp tục truyền dạy những bài then cầu bình an, chúc thọ, mừng nhà mới, giải hạn, an ủi người ốm, động viên người gặp nạn… Gần 70 năm gắn bó với then, cụ đã truyền dạy cho không biết bao thế hệ học trò trong vùng và cả tỉnh Lạng Sơn. Người dân trong vùng đều rất tự hào và mến phục lão nghệ nhân 97 tuổi và thường nhắc đến cụ với sự tôn kính, ngưỡng mộ. Dù tuổi đã cao, nhưng vào các dịp vui xuân, đón Tết Nguyên đán, cụ Kịt vẫn thường tổ chức Lẩu then tại nhà để tưởng nhớ tổ tiên, đoàn kết xóm làng. Ðây là dịp gặp gỡ, hội tụ của các thế hệ già trẻ và mang hơi hướng văn hóa tâm linh, trong đó mọi người được giao lưu, trò chuyện, kể cho nhau nghe các hồi ức, hoài niệm và cả những tâm tình yêu đương và cùng nhau thưởng thức các bài then trong tiếng đàn tính réo rắt. Mỗi dịp như vậy, người dân bản trên, xóm dưới lại kéo đến nghe hát then say sưa hết đêm mà không chán.
Cụ Mỗ Thị Kịt cho biết: Nhiều người, trai cũng như gái, già cũng như trẻ yêu thích hát then, đàn tính là vì trong then có lời nội dung, có nhạc, có hóa trang và có cả biểu diễn sinh động. Lời then nhiều khi là những kinh nghiệm quý báu về đối nhân xử thế, các điều khuyên răn, khích lệ và cả các kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, sinh hoạt đời thường được hát theo giai điệu. Mọi người có thể dễ dàng vận dụng, sáng tạo lời chính từ cuộc sống chung quanh. Cụ Kịt hiện còn nhớ nhiều làn điệu then cổ, lời cổ và thuộc lòng hàng vạn câu then. Trước đây, khi còn trẻ, cụ có thể biểu diễn trong ba ngày, ba đêm ở các Lẩu then và lễ Khao Sluông (một dạng lễ trưởng thành của người Tày). Không chỉ hát then trong những ngày lễ, hội với gia đình, bà con trong thôn, bản, cụ Mỗ Thị Kịt từng tham gia nhiều hội diễn nghệ thuật hát then của tỉnh và khu vực miền núi phía bắc, giành nhiều giải thưởng.
Chị Nông Thị Phượng, Chi hội trưởng chi hội bảo tồn dân ca của huyện Bình Gia là con gái của cụ Mỗ Thị Kịt cũng chung niềm đam mê hát then như mẹ. Chị say sưa giới thiệu với tôi về then và truyền thống hát then của gia đình. Chị bảo, trình tự để làm một buổi lễ hát then phải hát qua 24 chương đoạn, cho nên đòi hỏi người làm then phải có một trí nhớ rất đặc biệt. Bản thân chị, từ nhỏ đến lớn đã được nghe những làn điệu hát then, đàn tính, đồng thời cả bên nội, bên ngoại đều có người được cấp sắc hát then, cho nên được thừa hưởng những làn điệu hát then ngọt ngào và những ngón đàn điêu luyện từ bà nội, mẹ và các nghệ nhân ở nơi vùng sơn cước này. Kể về mẹ và cũng là người thầy dạy hát then cho mình, chị Nông Thị Phượng cho biết: Cụ Kịt luôn tận tình hướng dẫn, dạy hát cho các lục pựt (học trò) vì chỉ sợ sau này nghệ thuật hát then mai một khi mình không còn đủ sức truyền dạy. Hiện bà đã truyền dạy được 12 lục pựt trở thành thầy của các thầy hát then. Ngoài ra, còn có hàng trăm con sớ (con nuôi), ở một số huyện trên địa bàn tỉnh.
Nghệ nhân Ưu tú Mông Thị Sấm, sinh năm 1939 tại thôn Pò Tang, xã Hợp Thành (huyện Cao Lộc), một vùng đất có bề dày truyền thông về văn hóa, là địa bàn cư trú lâu đời của người Nùng. Bà kể, gia đình bà có tám, chín đời làm then, cho nên khi trưởng thành bà cũng gắn bó với hát then và cây đàn tính. Tính đến nay, bà đã làm then được 64 năm. Bà cho biết: Làm then là một nghề vất vả, đòi hỏi phải khổ luyện, chỉ đam mê thì chưa đủ. Muốn hành nghề thì bắt buộc phải thuộc các bài hát nghi lễ theo lối truyền khẩu, phải thông thạo quy trình làm lễ. Từ năm 1991, bà đã được qua nghi lễ cao tột bậc của nghề làm then. Không chỉ thông thạo các nghi lễ thông thường, bà còn nắm giữ được các nghi lễ cấp sắc, mừng sinh nhật, lễ triệu hồn gọi vía...
Những lễ then của bà luôn thu hút đông đảo người đến dự, trở thành cuộc giao lưu, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Ðến nay, bà đã trực tiếp truyền nghề cho 17 học trò. Các học trò của bà tiếp tục truyền dạy cho 19 người khác. Cháu ngoại bà là Chu Văn Minh, sinh năm 1990, từ nhỏ cũng đã theo bà đi làm then ở khắp nơi. Qua sự truyền dạy của bà, dù rất trẻ nhưng lời ca, ngón đàn của Minh đã vô cùng điêu luyện...
Nói về hát then, đàn tính, ở Lạng Sơn, nhiều người biết đến Nghệ sĩ Ưu tú Triệu Thủy Tiên, người dân tộc Nùng, một nghệ sĩ đã gắn bó cả cuộc đời với các làn điệu then của dân tộc Tày, Nùng. Cũng sinh ra ở cái nôi hát then Bình Gia, chị Thủy Tiên đã sớm nhập tâm các điệu hát then, sli, lượn, phong slư... và những ngón đàn điêu luyện từ bà nội và các nghệ nhân hát then. Thế rồi như duyên phận đã định, vừa tốt nghiệp phổ thông, chị đã được tuyển chọn vào Ðoàn văn công nghệ thuật của tỉnh, sau này là Ðoàn nghệ thuật ca múa nhạc tỉnh Lạng Sơn. Ðến nay, dù đã nghỉ hưu được gần 16 năm, nhưng hầu như ngày nào Nghệ sĩ Ưu tú Triệu Thủy Tiên cũng bận rộn, tất bật đi dạy hát then, đàn tính ở các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh. Chị Thủy Tiên tâm sự: “Mỗi lần được mang cây đàn tính và lời hát then đến mọi miền quê, hát cho bà con nghe, mình lại càng đam mê, yêu quý những làn điệu hát then, sli, lượn mà các cụ đã truyền lại. Ðược hát then vào những ngày trọng đại của xã, làng bản, lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng), hoặc khi mỗi gia đình có việc vui như mừng nhà mới, lẩu then, mừng sinh nhật... chứng kiến mọi người ngồi xem, nghe rất đông, là mình thấy rất vui, bởi thấy hát then vẫn hết sức thu hút”.
Ðể đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích dân ca, từ năm 2009, Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Lạng Sơn đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Ðàn và hát dân ca do Nghệ sĩ Ưu tú Triệu Thủy Tiên làm chủ nhiệm. Ngày đầu mới thành lập, chỉ có 12 người yêu thích hát then, đàn tính tham gia. Ðến nay, câu lạc bộ thu hút được hơn 300 hội viên, quy tụ mọi lứa tuổi, trẻ nhất là 16 tuổi, cao tuổi nhất là 76 tuổi, đủ mọi thành phần dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Kinh... ở tất cả các phường, xã trong thành phố Lạng Sơn. Câu lạc bộ Ðàn và hát dân ca của tỉnh ra đời đã trở thành tiền đề cho việc thành lập liên tiếp 10 câu lạc bộ ở các huyện, thành phố trong tỉnh, thu hút hàng nghìn người yêu thích những làn điệu dân ca then sli, lượn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân ở khu dân cư, qua đó khơi dậy được phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở. Cùng với các câu lạc bộ ở cơ sở này, hằng tháng, chị Thủy Tiên lại mở các lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng đàn và hát then tại các nhà văn hóa thôn bản, xã, phường, thị trấn. Cũng từ phong trào văn nghệ như vậy, nhiều nghệ sĩ chuyên và không chuyên ở mọi vùng quê lại tiếp tục mang lời then và cây đàn tính đến với các ngày lễ hội, liên hoan, giao lưu văn nghệ, để lan tỏa tâm hồn văn hóa xứ Lạng qua lời ca, điệu đàn.
Tôi đã có dịp tham gia buổi tập luyện hát then của Câu lạc bộ Ðàn và hát dân ca thị trấn Cao Lộc. Anh Hoàng Việt Bình, 31 tuổi, là giáo viên trực tiếp hướng dẫn hát then cho các thành viên trong câu lạc bộ. Tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa Hà Nội, người thanh niên trẻ về công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông rồi tiếp tục tham gia hoạt động ở Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, thành lập và làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca xung kích Nộc Én (Chim én), đồng thời tham gia giảng dạy tại câu lạc bộ đàn và hát then ở nhiều huyện, thị trấn trong tỉnh. Ðáng chú ý, các câu lạc bộ này đều có thành viên nòng cốt là những thanh niên có niềm đam mê với hát then và mong muốn lan tỏa các làn điệu then đến các vùng, miền. Anh Hoàng Việt Bình đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về thành tích góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc”.
Tùy phong trào văn nghệ hát then, đàn tính ở Lạng Sơn đã có nhiều khởi sắc, qua đó từng bước nâng cao được nhận thức và tình cảm của giới trẻ với loại hình dân ca, nhưng theo nhạc sĩ Hoàng Huy Ấm, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn, loại hình hát then nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung vẫn đang có nguy cơ mai một nếu chúng ta không thật sự quan tâm gìn giữ. Chính vì thế, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng các giải pháp và sự đầu tư thiết thực để bảo tồn, phát huy các giá trị của hát then trong cộng đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh và ngành văn hóa Lạng Sơn nên có những cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với các nghệ nhân hát then để động viên về tinh thần, vật chất, giúp họ yên tâm theo đuổi, giữ gìn nghiệp then và cây đàn tính.
(Nguồn: http://nhandan.com.vn/)