Giới thiệu tác phẩm mới: Hà Nội thành phố của tôi

29/06/2013

HÀ NỘI THÀNH PHỐ CỦA TÔI

Thưa quý vị và các bạn!

Có thể nói đề tài viết về Hà Nội đã được nhiều nhạc sĩ sáng tác, song mỗi ca khúc lại cho chúng ta những cảm nhận về Hà Nội ở những góc nhìn khác nhau. Chương trình hôm nay xin được gửi tới quý vị và các bạn một ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung, bài hát: Hà Nội Thành Phố của tôi – lời thơ Hoàng Kim Dung do ca sĩ Phương Thu trình bày. Có thể nói đây là sự đồng cảm giữa thơ và nhạc để hóa thân thành những cung bậc tình yêu đầy thanh cao và lãng mạn dành cho Hà Nội.

(Nhạc sĩ Văn Dung và phu nhân)

Nhạc sĩ Văn Dung nguyên là chuyên viên âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện nay đang là Phó chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Hầu hết các tác phẩm của ông đều gắn bó với những hoạt động sôi nổi của thanh niên trong chiến đấu và xây dựng Tổ quốc. Một trong những ca khúc đầu tay của ông: Giải phóng quân ta đi - là bài hát đóng góp cho không khí chiến đấu sôi động của chiến sĩ và đồng bào miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tiếp theo đó là nhiều bài hát đã lưu danh tên tuổi của nhạc sĩ như: Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca Đường 9 chiến thắng, Đêm Tây Nguyên, đặc biệt là bài Những bông hoa trong vườn Bác rất được mến mộ. Bài hát Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như một chính ca của Đoàn đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ; bh: Hành khúc Hội khoẻ Phù Đổng (được chọn làm bài ca chính thức cho Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc). Nhiều ca khúc viết cho lứa tuổi thiếu nhi được yêu thích như: Em đố mẹ em, Chim chích bông.
Khi thực hiện chương trình giới thiệu bài hát Hà Nội thành phố của tôi do nhạc sĩ Văn Dung phổ nhạc cho bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoàng Kim Dung, biên tập viên của chương trình đã có dịp được gặp gỡ với nhạc sĩ tại văn phòng Hội Âm nhạc Hà Nội để nghe những lời tâm sự của ông khi viết bài hát này.
PV NS Văn Dung
Thưa quý vị và các bạn!
Qua cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Văn Dung, chúng ta đã có thêm dịp hiểu rõ hơn về sự ra đời của bài hát Hà Nội thành phố của tôi, cũng như những tư tưởng tình cảm mà nhạc sĩ đã gửi vào trong tác phẩm của mình. Ngay bây giờ mời quý vị và các bạn cùng thưởng thức ca khúc này một lần nữa qua giọng hát ca sĩ Phương Thu.
Trong bài hát là những hình ảnh quen thuộc của mỗi góc phố, hàng cây, mái ngói rêu phong và những ước mơ hy vọng, những ban mai xanh đợi chờ. Đường Cổ Ngư xưa, Hồ Gươm xanh thắm với rặng liễu bên hồ...tất cả đều gắn liền với những kỷ niệm mang vẻ đẹp không lời của Thăng Long - Đông Đô – Hà Nội. Dường như trong bài hát còn ngân vọng tiếng chuông chùa, sóng nước Tây Hồ sương giăng giăng, gợi lên không gian trầm mặc một cõi thiêng liêng sau những ồn ào là sự bình yên, sâu thẳm, hư vô. 

 Cảm ơn quý vị và các bạn đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...