Giao hưởng Việt Nam - tìm lối ra tới công chúng
Viết cho dàn nhạc giao hưởng từ cuối năm 1959, đầu năm 1960 của thế kỷ trước, đã có mấy đêm giao hưởng của riêng mình, lại đã làm thành đĩa nhạc để phổ biến rộng rãi, mà gần 60 năm qua tôi vẫn mãi băn khoăn trăn trở tìm lối ra tới công chúng cho giao hưởng Việt Nam. Những tắc nghẽn nào đang cản trở giao hưởng Việt Nam đến với công chúng? Để giải đáp câu hỏi này, không dễ, không đơn giản mà phải đào sâu vào mọi khía cạnh của vấn đề.
Trước hết từ lịch sử hình thành giao hưởng Việt Nam, một nền giao hưởng ra đời vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX sau cuộc kháng chiến chống Pháp, đất nước còn nhiều ngổn ngang, khó khăn phục hồi sau chiến tranh, trong những năm đầu xây dựng CNXH, đấu tranh thống nhất đất nước, trong cuộc đối đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, trong bom đạn khốc liệt của chiến tranh. Cho nên dễ hiểu với chúng ta, đề tài các tác phẩm giao hưởng Việt Nam thời kỳ đầu hầu hết là về cách mạng và kháng chiến. Chất lượng và số lượng tác phẩm còn nhiều hạn chế. Từ cuối những năm 60, đầu 70 thế kỷ trước đã có thêm tác phẩm của các nhà soạn nhạc giao hưởng Việt Nam định cư ở nước ngoài. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thành lập vào cuối năm 1959 nhưng đến năm 1965 chiến tranh phá hoại của Mỹ mở rộng ra miền Bắc nước ta, dàn nhạc cũng đi sơ tán, sinh hoạt dang dở, không có điều kiện trình diễn thường xuyên các tác phẩm giao hưởng của thế giới và Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, đội ngũ tác giả giao hưởng Việt Nam đã nhiều hơn, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam có điều kiện phát triển, nâng cao tay nghề hơn, đã mời được các nhạc trưởng nước ngoài tham gia trình diễn, đã có tài trợ nước ngoài cho các chương trình giao hưởng thính phòng Hennessy, Toyota hàng năm, dàn nhạc giao hưởng lại nhận được sự trợ giúp của Nhật Bản... nhưng hầu như theo yêu cầu của nhà tài trợ, tất cả đều chỉ dàn dựng biểu diễn tác phẩm giao hưởng cổ điển, cận hiện đại thế giới, may mắn lắm mới có giao hưởng Việt Nam được ghé chân vào, mà thường lại là của "quan chức âm nhạc". Thế thì lấy đâu lối ra tới công chúng của tác giả giao hưởng Việt Nam khác?
Cản trở thứ hai là từ thói quen thưởng thức âm nhạc của quảng đại công chúng Việt Nam, chỉ biết đến ca khúc, ham mê hưởng thụ ca khúc và những ngôi sao ca nhạc đương thời. Đành rằng ở bất cứ đất nước nào, cả phương Đông và phương Tây thì nhạc thính phòng, giao hưởng chỉ thuộc về số ít, nhưng số đông kia ở các nước phương Tây, người ta vẫn biết đến giá trị của nhạc giao hưởng, thính phòng, biết tên tuổi của nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng, biết thưởng thức và trân trọng nhạc giao hưởng, thính phòng vì đã được giáo dục âm nhạc từ tấm bé trong nhà trường, ở gia đình và ngoài xã hội. Người ta chỉ có khái niệm thích hoặc không thích, thích nhiều hoặc ít, chứ không ai xa lánh nhạc giao hưởng vì không hiểu biết gì! Thật đáng tiếc làm sao, cả một kho tàng đồ sộ với bao nhiêu giá trị của nhân loại, trong đó có phần rất nhỏ bé của Việt Nam đối với quảng đại quần chúng nhân dân ta chỉ là con số 0!
Cản trở, đúng hơn gọi là tắc nghẽn thứ ba đến từ nhận thức của giới quan chức đối với nhạc giao hưởng, thính phòng còn nhiều hạn chế. Dù nhiều người không chỉ trưởng thành trong ngọn lửa cách mạng, kháng chiến mà đã được học tập, đào tạo ở nước ngoài nhiều năm, trở thành trí thức ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, nhưng do không có thời gian, tiền bạc khi ở nước ngoài còn là sinh viên, lại không được hun đúc lòng yêu thích ham mê nhạc giao hưởng, thính phòng từ nhỏ trong một đất nước còn nhiều khó khăn và chưa có truyền thống về loại nhạc này nên chưa quan tâm tìm hiểu nó. Đến khi ở cương vị quản lý, lãnh đạo cần có những quyết sách kịp thời để đưa giao hưởng Việt Nam đến với đông đảo quần chúng đã tỏ ra lúng túng, thiếu kiên quyết dứt khoát. Tôi vẫn thèm muốn có nhiều nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta như Lê-nin thích thú, say đắm nghe bản sonate Appassionata của Beethoven gần như hàng ngày nếu có thời gian.
Cản trở thứ tư lại đến chính từ vai trò hoạt động của các tổ chức âm nhạc như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát giao hưởng Việt Nam và các dàn nhạc giao hưởng khác, Học viện Âm nhạc Quốc gia và các trường nhạc tuy đã có nhiều cố gắng, đạt nhiều thành tựu nâng tầm giao hưởng Việt Nam ở trong khu vực và bước đầu ra thế giới, nhưng làm thế nào để đến được với công chúng Việt Nam nhiều hơn thì còn nhiều bất cập, đôi khi lời nói chưa đi đôi với việc làm, chưa có nhiều sáng kiến, sáng tạo để tôn vinh những giá trị âm nhạc đích thực, trong đó có nhạc giao hưởng và những tác giả của nó, cũng chưa nhận thức sâu sắc nên chưa tích cực, mạnh dạn tuyên truyền vận động thực hiện xã hội hóa nhạc giao hưởng, chưa tìm được mạnh thường quân xứng tầm cho giao hưởng Việt Nam. Nhân đây xin thông báo một tin vui: nhạc sĩ Nguyễn Cường cho tôi biết tập đoàn Sungroup đã có đề án nhiều triệu đô la để mở trung tâm đào tạo nghệ sĩ, xây dựng dàn nhạc giao hưởng, các chương trình biểu diễn giao hưởng Việt Nam.
Cản trở nữa không đáng có, nhưng không thể không nói ra là từ tâm lý không thực sự coi trọng tác giả và tác phẩm giao hưởng Việt Nam của không ít diễn viên, nghệ sĩ trong dàn nhạc khi tập luyện biểu diễn, chỉ đại khái qua loa cho xong mà không cố gắng nắn nót khổ luyện như chơi giao hưởng nước ngoài. Trong khi đó, nhiều nhạc trưởng Việt Nam không đủ uy tín để lôi cuốn, hấp dẫn, buộc dàn nhạc phải thực hiện đúng yêu cầu của tác phẩm. Cho nên chất lượng giao hưởng Việt Nam nhìn chung không bằng giao hưởng nước ngoài, qua biểu diễn thực tiễn lại càng tệ hơn, càng khó đến với công chúng sành điệu hơn.
Đến đây tôi xin đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài để giao hưởng Việt Nam đến được với công chúng:
- Trước tiên là nâng cao tài năng không ngừng cho các chủ thể giao hưởng Việt Nam từ các nhà soạn nhạc giao hưởng, chỉ huy dàn nhạc đến các nghệ sĩ biểu diễn giao hưởng như trong hai đề án đã được Thủ tướng phê duyệt "Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030" và "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa - nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030". Các tổ chức âm nhạc như Học viện Âm nhạc Quốc gia, các nhà hát và dàn nhạc giao hưởng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam... cần nắm vững và năng động, sáng tạo đề xuất thực hiện để các đề án trên sớm có hiệu quả.
- Thứ hai là phải tạo thành thói quen thưởng thức nhạc không lời nói chung, trong đó có nhạc giao hưởng Việt Nam từ lớp mẫu giáo đến tiểu học, trung học và đại học qua giảng dạy chính khóa, ngoại khóa, qua các loại hình CLB âm nhạc... Để làm được việc này cần có sự quan tâm thực chất, hợp tác chặt chẽ, đặc biệt giữa hai Bộ GDĐT và VHTT-DL với sự thúc đẩy, kiến tạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban VHGD thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội. Vấn đề này đã nói tới nhiều lần, nay Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, mạnh dạn sáng tạo, đề xuất các chính sách cụ thể với Nhà nước và Quốc hội ngay trong nhiệm kỳ này (2016-2021).
- Thứ ba là xin kiến nghị với lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến các địa phương mạnh dạn sử dụng nhạc giao hưởng Việt Nam trong các chương trình lễ hội, các dịp kỷ niệm trọng thể không chỉ dàn dựng các ca khúc Việt Nam. Đài phát thanh, Đài truyền hình có thêm giờ vàng cho giao hưởng Việt Nam để đề cao vai trò của âm nhạc không lời, khuyến khích công chúng thưởng thức nhạc không lời, tạo sự cân bằng trong đời sống âm nhạc của đất nước, đồng thời cũng là động viên, khích lệ các nhà soạn nhạc, các dàn nhạc giao hưởng không ngừng sáng tạo và nâng cao tay nghề vì đã có thêm một lối ra tới công chúng.
- Thứ tư là đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa vào tài khóa 2018-2020 giao cho Viện Âm nhạc (nay nằm trong Học viện Âm nhạc Quốc gia) in ấn xong số tác phẩm giao hưởng của các tác giả Việt Nam đang bị dừng lại do hết tiền (dù mỗi người chỉ được chọn 01 tác phẩm). Có kế hoạch lâu dài giao cho Nhà xuất bản Âm nhạc chọn in thành sách và làm đĩa nhạc các tác giả giao hưởng Việt Nam có giá trị để giao lưu trong và ngoài nước, tìm lối ra tới công chúng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, trước hết qua mạng internet và các loại công nghệ thông tin khác. Tranh thủ mọi cơ hội, điều kiện giao lưu hợp tác cho giao hưởng Việt Nam được trình diễn giới thiệu trực tiếp (liveshow) ở nước ngoài. Ở trong nước giao kế hoạch cho Nhà hát Giao hưởng Việt Nam, dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có chương trình biểu diễn giao hưởng Việt Nam hàng tháng, tiến tới hàng tuần với giá vé phù hợp cho số đông.
- Thứ năm là kiến nghị với Nhà nước và các tổ chức xã hội cần mạnh dạn khuyến khích và có chính sách, chế tài thực hiện xã hội hóa nhạc giao hưởng Việt Nam từ việc đào tạo nghệ sĩ, xây dựng dàn nhạc, đầu tư tác phẩm, tổ chức biểu diễn, in ấn xuất bản các sản phẩm nhạc giao hưởng Việt Nam của các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên vai trò của Nhà nước XHCN vẫn rất quan trọng, cần điều chỉnh các chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước thật xứng đáng đối với đội ngũ sáng tác và biểu diễn nhạc giao hưởng, từ tài trợ sáng tác đến dàn dựng tác phẩm, thù lao luyện tập và biểu diễn của nghệ sĩ, diễn viên. Nếu chỉ tài trợ sáng tác mà không tài trợ dàn dựng tác phẩm và tổ chức biểu diễn thì mãi mãi tác phẩm giao hưởng Việt Nam dù còn rất ít so với ca khúc vẫn nằm im trong ngăn bàn, nếu tác giả không tìm được mạnh thường quân thì làm sao tác phẩm đến được công chúng để được xã hội thừa nhận. Đó cũng là nguyên nhân đáng buồn là có nhiều nhạc sĩ được đào tạo chính quy, có thể viết được giao hưởng, nhưng cả đời chỉ sáng tác ca khúc, sống bằng ca khúc, đươc tôn vinh rất nhiều danh hiệu cũng vì ca khúc, trong khi chúng ta đang phấn đầu xây dựng một xã hội công bằng, văn minh./.