Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2013

20/01/2014

Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2013 gồm 05 Giải A, 11 Giải B, 17 Giải C, 28 Giải Khuyến khích và 03 Giải dành cho tác giả trẻ, trong đó có 8 tác phẩm của hội viên Hội Văn học Nghệ chuyên ngành Trung ương, 64 tác phẩm của các tác giả thuộc 35 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố.

Chuyên ngành Âm nhạc năm nay có 44 tác phẩm gửi tham dự, được Hội đồng thẩm định đánh giá tác phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, với nhiều chủ đề như vùng quê, biển đảo, ghi công anh hùng liệt sĩ… Ngôn ngữ âm nhạc khai thác dân ca các vùng, miền, có sáng tạo, nâng cao, như ca trù, hầu văn, dân ca K’ho, Thái, Mông… Phần dàn dựng, thu âm có nhiều tiến bộ, nhiều tác phẩm có chất lượng âm thanh tốt. Phần thể hiện của ca sĩ có nhiều cố gắng; phối khí, phối bè có hiệu quả.

Giải A: ca khúc "Bản làng em mùa xuân" của nhạc sĩ Vũ Duy Cương (hội viên chuyên ngành Trung ương).

Giải B: ca khúc “Mừng lúa mới” của Đoàn Quang Trung (Đồng Nai).

Giải C: ca khúc “Kinh chiều” của Phạm Phước Nghĩa (Thừa Thiên – Huế); ca khúc “Nhịp điệu Tây Bắc” của Tự Đức (Lào Cai); ca khúc “Chuyện tình Đămbri” của Hoàng Phi Ưng (Gia Lai).

Giải Khuyến khích: Ca khúc “Hồn vọng nơi Phú Quốc” – nhạc: Bùi Hăng Ry, lời: Nguyễn Nam Đông (Hải Dương); ca khúc “Quê hương Mường Nhé” của Lù Văn Sẹn (Điện Biên); ca khúc “Biển đảo khắc tên anh” – nhạc: Kim Oanh, thơ: Nguyễn Đức Mậu (Bắc Ninh).

Ngày 16/1/2014, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng tại Hà Nội, Trang tin điện tử của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Ts-Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và tác giả ca khúc “Bản làng em mùa xuân” – Nhạc sĩ Vũ Duy Cương tại Lễ trao giải.


Nhạc sĩ Vũ Duy Cường nhận giải


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trao giải cho các tác giả

- Kính thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, xin chúc mừng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm nay Âm nhạc lại giành giải cao về Văn học Nghệ thuật?

Ts-NS Đỗ Hồng Quân: Thật phấn khởi và tự hào khi tác phẩm thanh nhạc Bản làng em mùa xuâncủa nhạc sĩ Vũ Duy Cương là một trong 8 giải thưởng Văn học Nghệ thuật cao nhất năm nay. Vậy là hai năm liên tục, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiến cử 2 tác phẩm xuất sắc đều đoạt giải cao. Năm 2012 là Công trình Tổng tập Âm nhạc Việt Nam – tác giả và tác phẩm (Tập 1) của nhóm tác giả: Trọng Bằng, Vũ Tự Lân, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Minh Châu, Lê Văn Toàn, Tú Hương, đã được tặng giải thưởng cao của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đồng thời được Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương trao giải A.

- Nhạc sĩ đánh giá như thế nào về tác phẩm “Bản làng em mùa Xuân”?

Ts-NS Đỗ Hồng Quân: Viết về đề tài miền núi là sở trường của nhạc sĩ Vũ Duy Cương, anh đã có nhiều năm lăn lộn thực tế với các đoàn ca múa nhạc vùng Tây Bắc, Việt Bắc… chất liệu dân ca các dân tộc thiểu số phía Bắc đã thấm vào anh và trở thành những giai điệu thân thuộc như hơi thở của bà con các dân tộc miền núi. Anh đã thành công khi chọn lại đề tài miền núi, đó là sự lựa chọn dũng cảm và đầy tính phưu lưu vì dễ lặp lại chính mình. Trong “Bản làng em mùa xuân” ta thấy sự tìm tòi nhuần nhuyễn từ âm nhạc đến ca từ và tiết tấu. Đặc biệt, việc sử dụng bè Vocal nữ tạo hiệu quả mới lạ, người nghe cảm thấy hưng phấn, cùng với dàn gõ các nhạc cụ tre, nứa… càng gợi lên không gian mênh manh, tinh khiết của núi rừng Tây Bắc trong ngày xuân về.

- Kính thưa Nhạc sĩ Vũ Duy Cương, chúc mừng Nhạc sĩ đã đoạt giải thưởng cao năm nay về Văn học Nghệ thuật. Nhạc sĩ có thể cho biết lý do ra đời của tác phẩm “Bản làng em mùa xuân”?

NS Vũ Duy Cương: Đây là bài hát đã đạt giải Vàng trong Liên hoan toàn quốc Hội diễn chuyên nghiệp tại Sơn La. Ca khúc "Bản làng em mùa xuân" được trình bày bởi tốp nữ Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Sơn La rất thành công. Bài hát ở thể loại này thì chỉ tốp nữ trình bày, không thể là tốp nam hay đơn ca được. Đây là một ngẫu hứng, diễn xướng, tung hứng… chuyển giao cho từng nhóm trình bày trên sân khấu, đã tạo ra một hiệu quả bất ngờ khi biểu diễn với bộ gõ bằng tay: tre, nứa... cộng với âm giọng của người hát. Bài hát 4 bè có sử dụng canon phức điệu (hát đuổi, hát nối), làm cho người nghe dâng trào cảm xúc chia sẻ, trong ngôn từ có nhiều hình ảnh mà ta có thể tưởng tượng ra nhiều khung cảnh khác nhau của mùa xuân.

- “Chất liệu” nào làm nên những cảm xúc để nhạc sĩ cho ra đời tác phẩm “Bản làng em mùa xuân” ?

NS Vũ Duy Cương: Bài hát được chuyển thể từ chất liệu dân ca dân tộc Khơ Mú vùng Tây Bắc. Dân tộc Khơ Mú tập trung sinh sống nhiều ở miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu… họ có đời sống sinh hoạt văn hóa nghệ thuật rất đặc biệt và mãnh liệt. Tôi đã từng viết 20 điệu múa cho dân tộc này, từ những điệu múa mang tiết tấu sôi động, mạnh mẽ với các động tác của cơ thể khi biểu diễn. Nhưng với “Bản làng em mùa Xuân” lại mềm mại, tinh tế, giản dị… Xuân về trên các bản làng vùng cao, ngoài những bông hoa rừng rất đẹp còn có những cô gái hồn nhiên đón mừng xuân mới về, khi bàn chân thiếu nữ đi trên những vạt cỏ xanh non, ánh nắng sớm le lói chiếu trên những nụ hoa, nhành lá… tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp như trong những bức tranh phong cảnh… không khí mùa xuân xốn sang trong lòng… Chợt cảm xúc ùa đến trong tôi:

“Sương tan dần, ánh ban mai tỏa sáng
Con chim hót gọi ánh nắng trên nương...”

Ca từ giản dị, mộc mạc, dung dị đời thường… một buổi sớm khi những cô gái đi nương, chợt nhìn thấy những giọt sương long lanh đậu trên nụ hoa, cây cỏ, ánh nắng chiếu rọi khắp đồi nương, sự giao thoa của trời đất, của thiên nhiên, làm cho con người say sưa với tình yêu thiên nhiên, đất trời…. cảm xúc hưng phấn chợt thấy mùa xuân đã về…

“Rừng mờ sương, núi thấp thoáng chân mây…
Xuân đang về, những chòi non đang nhú trên nương
Mà em nghe trong lòng xốn sang
Xuân đang về, Xuân đang về …”

Dụng ý của tác phẩm là không dùng phần đệm của nhạc cụ hiện đại, mà chỉ là dàn gõ các nhạc cụ tre, nứa… vừa hát, vừa gõ, gần gũi với đời sống các dân tộc vùng cao. Âm thanh thực sự tinh khiết, hát Acapella, âm giọng người hát chứ không sử dụng nhạc đệm. Với âm thanh, ngôn ngữ gần gũi với đời sống đồng bào khi biểu diễn ở các địa phương phục vụ bà con, thì họ thích thú vì là ngôn ngữ của chính họ.

- Cám ơn NS Đỗ Hồng Quân và NS Vũ Duy Cương. Chúc các nhạc sĩ một mùa xuân mới với nhiều tác phẩm mới, thành công và hạnh phúc!

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...