Giải pháp nào cho phê bình giá trị âm nhạc?

20/05/2016

Nhân đọc được bài viết “Ai đang phê bình và định giá trị âm nhạc?” của nhạc sĩ Trần Minh Phi đăng trên Báo Người Lao Động (số ra ngày 10-5), tôi xin mạn phép đóng góp thêm ý kiến của mình về đề tài này.

Bắt đầu từ 6 cái tai nghe

Bàn về tai nghe trong lý luận phê bình (LLPB) âm nhạc, tôi xin được dựa vào quan điểm của Dick Grove - nhạc sĩ chuyên nghiệp kiêm nhà giáo dục âm nhạc. Quan điểm của ông là muốn có được nền tảng vững trong âm nhạc chuyên nghiệp, “cơ thể” chúng ta cần có 6 cái tai để nghe! Ý của ông Grove trong cách giải thích ví von khá hài hước này là mỗi người chúng ta đều nghe nhạc với cái tai có khả năng hoặc trình độ khác nhau.

Lỗ tai 1 được gọi là tai nắm bắt được giai điệu hay, đẹp (melodic ear). Có người lại không thể nắm bắt được vì không quen hoặc không hiểu. Lỗ tai 2 được gọi là tai có khả năng nghe được hòa âm, phối âm (harmonic ear). Lỗ tai 3 được gọi là tai có khả năng nắm chính xác về tiết tấu (rhythmic ear). Lỗ tai 4 được gọi là tai có khả năng phân biệt được màu sắc phối khí (orchestral ear), có khả năng nhận thức được loại nhạc cụ nào sử dụng trong bản nhạc hoặc màu sắc của nhạc cụ. Lỗ tai 5 chỉ những người có khả năng nhận thức được các thể loại nhạc (stylistic ear) - khi nghe một bản nhạc, họ có thể phân biệt nó thuộc thể loại nào. Lỗ tai 6 nói về những người có khả năng nhận thức được sự liền lạc, tương quan mật thiết của các yếu tố trong bản nhạc (thematic ear/thematic idea).


Ca sĩ Hồ Ngọc Hà trình diễn trong live show “Love Songs” diễn ra vào tháng 4-2016.
(Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Sáu loại tai này gộp lại thành một loại tai khổng lồ thứ 7! Đó là lỗ tai có khả năng và kiến thức trong âm nhạc (educated ear - gọi tạm là “tai” đã được qua giáo dục).

Chỉ bàn về 6 cái lỗ tai này đã thấy ngay rằng trong nghệ thuật âm nhạc cũng có sự khác biệt về trình độ, khả năng và kiến thức của các nhạc sĩ (gọi chung) với nhau. Lại càng khó khăn hơn khi phê bình để hướng dẫn tất cả quần chúng cách thưởng thức nghệ thuật âm nhạc.

Quần chúng là những người nghe nhạc chưa trải qua huấn luyện/giáo dục thì họ không thể có được đủ 6 cái tai này (hay 1 tai lớn số 7). Như vậy ở đây, nếu bàn đến “trị giá” thực của âm nhạc (liên quan đến kiến thức được đào tạo từ trường lớp và sự trải nghiệm) cho quần chúng hiểu mà chỉ dựa vào 1 yếu tố là 6 cái tai làm lực chính để thuyết phục thì rất khó thành công.

Cái tai của quần chúng lại thuộc về cái tạm gọi là “tai nghe để giải trí”. Quần chúng ở đây cũng bao gồm cả các nhà chuyên nghiệp. “Tai giải trí” có thể đến từ bất cứ cái tai nào trong 6 cái tai ở trên nhưng với mục đích đơn giản hơn, chỉ để nghe cho quên thời giờ hoặc thích vì thích, chứ không đòi hỏi phải phân tích.

Cần những nhà phê bình thích ứng

Ở Mỹ, nền âm nhạc đã được thành hình và phát triển rất mạnh mẽ. Các nhà phê bình nhạc cổ điển, nhạc kịch, nhạc jazz có một thời làm mưa làm gió trên các phương tiện báo chí truyền thông nhưng rồi từ từ thiếu vắng dần kể từ khi các nhạc sĩ sáng tác trẻ bắt đầu tỏa ra những hướng đi khác nhau để định nghĩa con đường âm nhạc của mình. Quần chúng (cũng lại cái “tai giải trí”) khao khát các màu sắc âm nhạc khác đã tích cực hưởng ứng và hội nhập sự thay đổi này một cách nhanh chóng.

Nhưng đồng thời, sự lan tỏa, thay hình đổi dạng quá nhanh trong thị trường âm nhạc cũng đã tạo ra việc thiếu thốn nhân sự trong lĩnh vực phê bình. Trường học ở Mỹ đã không bắt kịp với các loại nhạc mới để có thể cung ứng, đào tạo ra những nhà phê bình cho các loại nhạc mới này. Các phê bình được đưa ra từ những nhà phê bình trước đó chưa nắm bắt được thị trường đã không tạo được sự thuyết phục. Đụng độ nảy lửa giữa các nhà phê bình và nghệ sĩ hay với fan (người hâm mộ) của nghệ sĩ thường xuyên xảy ra bằng những lời lẽ gay gắt dành cho nhau.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi đã viết: “Những tri thức trong nhà trường hầu hết ít được cập nhật, cơ cấu bộ môn của các nhạc viện ít theo kịp tính hiện đại nên “chiếc áo” LLPB quá khổ đối với họ trong thực tiễn đời sống âm nhạc hiện đại”. Đây là vấn đề mà lĩnh vực phê bình âm nhạc Mỹ đã có một thời vướng phải, gây rất nhiều tranh cãi và bất bình lẫn nhau trong thị trường âm nhạc.

Trong trường hợp thay đổi này, thử hỏi các nhà phê bình âm nhạc có sẵn sàng đánh giá lại chính bản thân mình hầu thay đổi để hội nhập hoặc tự xét lại tư tưởng của mình có còn phù hợp để viết phê bình giá trị về những loại nhạc mà chính họ nghe không quen tai không (quần chúng lại nghe rất quen tai)? Nếu viết phê bình thì phải viết như thế nào để không gây tổn thương tâm hồn hay tự ái của nghệ sĩ, đồng thời cũng không bán rẻ lương tâm cũng như không mang cảm tính thiên vị chủ quan (dùng kiến thức âm nhạc trong một lĩnh vực khác để áp đặt lên giá trị của loại nhạc không thuộc về sở thích hoặc sở trường của mình)?

Như vậy, cách phê bình cũng rất quan trọng. Hiện nay, nhiều nhà phê bình đã ý thức được điều này. Họ cẩn trọng hơn và thay đổi phương pháp sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng hơn trong văn phong, chứ không như từng có một thời các nghệ sĩ và các nhà phê bình coi nhau như kẻ thù và thiếu tôn trọng lẫn nhau.

Thời đại digital music (nhạc số) và social media (truyền thông xã hội) giao diện rộng lớn như ở thế kỷ này cũng đã tạo nên một bức tranh hình dung ra được ý thích cộng đồng nghe nhạc, cho thấy người nghe nhạc có được nhiều sự chọn lựa khác nhau. Hoặc, với thời đại công nghệ cao, điểm cuối cùng cũng vẫn là câu nói thực tế: “Kinh doanh thì phải có lợi nhuận”. Mọi thứ đều được một số công ty chuyên nghiệp trên thế giới dùng những công cụ này để đo đạc bằng thống kê hay khảo sát, coi ai thích loại nhạc gì để họ phát triển mạnh hầu kiếm lợi nhuận nhanh chóng nhất.

Cũng từ đây, bắt đầu có sự trở lại của các nhà phê bình trẻ hơn, có khả năng hội nhập nhanh hơn với công nghệ thông tin. Thế nhưng, các bài viết phê bình dù có giá trị vẫn có vẻ không còn quyền lực như thời trước vì quần chúng nghe nhạc, với tai giải trí, cũng có những ý kiến riêng. Công nghệ thông tin đã cho họ cơ hội nghe được những ý tưởng âm nhạc đến từ khắp nơi trên toàn cầu. Tuy nhiên, những bài phê bình có uy tín, dùng các từ ngữ khá tế nhị để đóng góp ý kiến xây dựng vẫn được mọi người dựa vào đó để so sánh.

Trộn lẫn các giá trị như lẩu thập cẩm

Thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay vẫn cứ nhập nhằng trộn chung các thể loại nhạc vào với nhau như một loại lẩu thập cẩm. Kết quả đưa đến sự sai lầm là chuyện đưa ra bảng xếp hạng “top hit” (tốp ăn khách) với những bản nhạc mà thể loại hoàn toàn không thể so sánh hoặc nằm trong cùng một thị trường.

“Top hit” loại nhạc hip hop sẽ có giá trị hoàn toàn khác với “top hit” loại nhạc rock. “Top hit” loại nhạc bolero sẽ có giá trị khác với nhạc kịch hay bán cổ điển. “Top hit” R&B có giá trị khác với “top hit” nhạc pop... Sự trộn lẫn giá trị của các loại nhạc với nhau này để đánh giá đã đưa đến nhiều ý kiến không hài lòng và bức xúc trong chúng ta với nhau vì mỗi người đều có sở thích nghe hay kén nhạc khác nhau.

Sáng tạo nghệ thuật trong âm nhạc là cần thiết. Các nhà phê bình âm nhạc đều trăn trở về vấn đề này nhưng khó xoay chuyển bộ mặt thị trường âm nhạc vì Việt Nam đang thiếu vắng khuôn mặt của các công ty chuyên nghiệp với sự hợp tác của những nhạc sĩ chuyên nghiệp để tạo ra một hiệp hội khảo sát thị trường âm nhạc. Họ có thể cùng nhau đưa ra sự khảo sát đúng đắn trong thị trường âm nhạc để có thể điều chỉnh hướng đi cũng như tạo ra một chiến dịch và chiến lược để thoát khỏi sự bức xúc vì không có giải pháp nào khác.

Nói đơn giản, khi xếp hạng “top hit” của bản nhạc thì cần phân biệt thể loại cho rõ ràng. R&B với R&B, pop với pop, rock với rock, bolero với bolero... Dù thu nhập của “top hit” R&B chỉ bằng 1/100 của “top hit” bolero thì R&B vẫn có được giá trị, vị trí riêng của nó đối với giới thích nghe nhạc này. Hệ thống này là bước khởi đầu để mọi người, chuyên nghiệp lẫn quần chúng, có thể nhận thức được tại sao chúng ta cần nó để bắt đầu cho công việc LLPB được thuyết phục hơn.

Ở Việt Nam, chúng ta thực sự vẫn chưa có những nhà tổ chức hay những công ty chuyên nghiệp quy mô, có đủ nhân lực để nắm soát thị trường buôn bán, có thể cho ra con số thống kê chính xác hoặc bản khảo sát cuối năm là loại nhạc nào chiếm bao nhiêu phần trăm. Nếu có được hệ thống này thì may ra, các nghệ sĩ có thể từ đó vạch ra một hướng đi mới hoặc điều chỉnh hướng đi để tạo ra các sân chơi cho tất cả loại nhạc mà không bị đụng chạm. Đồng thời, lĩnh vực phê bình âm nhạc cũng sẽ có nhiều màu sắc và phong phú hơn.

Chuyện của cả thế giới

 

Vấn đề thiếu nhà phê bình âm nhạc là chuyện xảy ra trên cả thế giới từ rất nhiều năm qua chứ không phải riêng gì Việt Nam. Có rất nhiều yếu tố đưa đến việc thiếu các nhà chuyên phê bình âm nhạc. Chẳng hạn, người phê bình không có đủ kiến thức bao quát về các thể loại nhạc mới xuất hiện. Các cơ quan truyền thông thấy đề tài phê bình không còn đủ hấp dẫn người đọc nên dẹp bỏ từ từ và thế là nhà phê bình âm nhạc thất nghiệp. Âm nhạc theo thời gian càng về sau càng chia ra nhiều thể loại và lãnh vực khác nhau.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...