Giai điệu tự hào - Những hành trình đã qua
Có thể nói Giai điệu tự hào là một bản luận chứng sâu sắc mà tác giả chương trình và những người thực hiện cùng các ca sĩ đã tâm huyết giành cho khán, thính giả được thưởng thức, một biên niên kỷ của những ca khúc vượt thời gian và không gian.
Giai điệu tự hào mà không tự hào sao được khi từng giai điệu, ca từ vang lên làm con người ta như bị cuốn hút vào quãng nhớ xa xôi nào đó, ký ức của một thời như thế… hòa bình, chiến tranh, sơ tán, rồi cảnh các nam thanh nữ tú tạm gác việc học hành theo những đoàn quân nườm nượp ra chiến trường, người người lao vào làm việc ngày đêm vừa sản xuất, vừa chiến đấu vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt, cái ăn, cái mặc thiếu thốn vô cùng. Những âm hưởng và lời ca ngày ấy lan tỏa thấm sâu vào trong trái tim, cảm xúc của mỗi con người, như một thứ mật mã được cài đặt một cách vô thức trong bộ nhớ, cảm quan nơi tận cùng của cảm xúc… Nó là ký ức thời gian.
Giai diệu tự hào là một công trình nghệ thuật đã tôn vinh các nhạc sĩ, ca sĩ trên suốt chặng đường trải dài từ những cuộc trường chinh giữ nước. Họ đã để lại cho đời những tác phẩm phải trả bằng mồ hôi, máu và nước mắt. Mỗi tác phẩm như dấu ấn biện chứng cho từng giai đoạn lịch sử của dân tộc và chính họ, những người nhạc sĩ cùng tác phẩm của họ là những nhân chứng, vật chứng đã gắn liền với thời gian, không gian qua từng giai đoạn chuyển mình của đất nước. Họ là đội quân tiên phong được tôn vinh trong sự phát triển của dân tộc và của nền âm nhạc Việt Nam đương đại. Trải qua những thăng trầm của đấu tranh giữ nước, đất nước ta đã sản sinh ra cả một thế hệ nhạc sĩ hùng hậu đã sáng tác ra hàng trăm, hàng nghìn ca khúc với những ngôn ngữ âm nhạc và đề tài phong phú đa dạng. Bằng cảm xúc mãnh liệt và sự cảm nhận vô cùng sâu sắc về đức hy sinh quên mình vượt qua những khó khăn gian khổ của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Họ đã vẽ nên những bức tranh hoành tráng bằng âm thanh cùng cảm xúc trí tuệ với đầy đủ góc độ và sự thẩm thấu trong từng khoảnh khắc thăng hoa. Họ làm việc quên mình và có trách nhiệm với lịch sử. Những ngày ấy đa số nhạc sĩ của chúng ta chưa được đào tạo bài bản, chính quy như ngày nay, nhưng họ biết vận dụng những thủ pháp trực cảm và sức tưởng tượng đa chiều cực kỳ phong phú để tạo nên những âm hưởng có sức lôi cuốn lay động lòng người. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe và cùng nhau cảm nhận từng cụm ca từ, từng dòng chảy của âm thanh dâng trào đầy nước mắt…
Năm 1946, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi cho ra đời tác phẩm Người Hà Nội khi nhắc đến địa danh nghìn năm văn hiến, những âm hưởng thành kýnh, trang trọng như tiếng vọng trầm hùng của lắng hồn núi sông ngàn năm… Rồi chuỗi thanh âm theo dòng chảy cuồn cuộn vút cao trong sáng, lan tỏa êm đềm đầy ắp hình ảnh và sắc màu của một Hà Nội sau khi giành được chính quyền.
Trong kháng chiến chống Pháp hai bản trường ca của hai cố nhạc sĩ lão thành là Trường ca Sông Lô của Văn Cao và Du kích Sông Thao của Đỗ Nhuận, ta lắng nghe những giai điệu êm ả, mượt mà đẹp và trầm hùng đến day dứt lạ kỳ với bao sắc thái âm thanh chuyển biến khôn lường rồi đến những cao trào bùng lên dữ dội qua âm hưởng và ca từ hoành tráng đến lặng người. Khi bài hát kết thúc, người nghe phải sau một khoảng lặng khá lâu mới cảm thụ hết được dư âm của tác phẩm. Phải là tài năng và có cảm xúc mãnh liệt mới có được tác phẩm như vậy.
Còn nhiều những nhạc sĩ tên tuổi khác, họ đã để lại cho đời những tác phẩm bất hủ vẫn còn vang mãi trong lòng thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Còn nhớ lớp ca sĩ đàn anh như: Trần Khánh, Quý Dương,Trung Kiên, Quốc Hương, Tường Vi, Bích Liên, Trần Hiếu, Thúy Hà, Khánh Vân, và còn nhiều, nhiều lắm. Giọng ca của các anh chị luôn vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, trên sân khấu ngoài trời, trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Các anh chị hát bằng cả bầu nhiệt huyết, bằng lửa của trái tim mình. Có một giọng hát rất đặc biệt, đó là Trần Khánh. Chất giọng của anh trong sáng, ấm áp nồng nàn càng lên cao càng sáng nhưng vẫn giữ được sự nồng ấm đến lạ lùng, tôi có cảm giác như một cái vung rất lớn úp xuống chùm chụp, lạ lắm, cuốn hút người nghe…
Qua Giai điệu tự hào ta được thưởng thức tác phẩm một thời ấy của cả một lớp ca sĩ đương đại như: Quang Thọ, Tùng Dương,Trọng Tấn, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Đăng Dương, Mỹ Tâm, Quang Dũng và nhiều ca sĩ tên tuổi khác. Quả thực họ đã khơi gợi trong lớp khán thính giả trong đó có tôi. Biết bao nhiêu hình ảnh, ký ức của một thời như thế cứ lần lượt hiện lên trong tôi qua từng giai điệu, ca từ. Cái thời chiến tranh bão lửa, cái thời thiếu thốn, khó khăn trăm bề. Giữa cái sống và cái chết con người ta sống rất chân thành và thương yêu nhau, nhường cơm sẻ áo cho nhau qua từng cái ăn, cái mặc đời thường. Các ca sĩ của chúng ta hôm nay không mấy người được chứng kiến thời bão lửa ấy, nhưng họ là những người nghệ sĩ hội tụ đầy đủ những tài năng và sự biểu cảm, là những người chắp lửa cho những ca khúc bất hủ, cuốn hút được đông đảo quần chúng, khán thính giả.
Giai điệu tự hào còn nhiều ý kiến trái chiều từ khán thính giả và giới chuyên môn, nhưng tôi nghĩ rằng với một chương trình mang tầm cỡ lớn như vậy khó tránh thiếu sót. Tác giả ý tưởng và những người làm chương trình thực sự là những người khơi nguồn, định hướng, họ đã tạo dựng được một chương trình đồ sộ có giá trị nghệ thuật cao, làm giàu thêm cho ngôn ngữ âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn, gắn kết và hội tụ được giữa các ca sĩ và khán thính giả cùng đông đảo quần chúng nhân dân. Phải nói rằng họ có sự sáng tạo, tìm tòi trong dàn dựng. Qua đây xin chúc tác giả ý tưởng và những người làm chương trình cùng đội ngũ ca sĩ đầy tâm huyết trong Giai điệu tự hào” sẽ còn tiếp tục và hoàn thiện hơn trên hành trình tiếp theo của biên niên kỷ những ca khúc vượt thời gian và không gian.
(Nguồn: tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 1/2016)