Giai điệu trong thi từ Lê Quang Thắng

31/07/2014

“Hoàng Sa – Trường Sa bao nhiêu đảo nhỏ/ Như thể chân tay không thể tách rời/ Đứng đầu sóng ngâm mình trong biển cả/ Chát mặn cuộc đời mới biết đắng cay” (Biển đảo thân yêu, Lê Quang Thắng). Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh phổ cho ca khúc “Biển đảo quê hương”.

Nhà thơ Lê Quang Thắng (còn gọi là Lê Văn, hay thân mật hơn “Thắng Nghé”) có khá nhiều bài thơ mà bè bạn văn nghệ nhận xét rằng “thi từ giàu giai điệu”. Ca khúc “Điệu ví giặm là em” được nhạc sĩ Quốc Nam phổ từ bài thơ “Giữa Sài Gòn nghe hát dân ca xứ Nghệ” của Thắng Nghé là một ví dụ.

Từ trước đến nay đã có nhiều ca khúc viết về Nghệ Tĩnh của các nhạc sĩ nổi tiếng như Nguyễn Văn Tý với Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Trần Hoàn với Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh…Tuy nhiên với những khách ly hương thì ca khúc Điệu ví giặm là em có sức hút của “không nên hoãn… cái sự sung sướng đó lại!” (mượn lời của nhạc sĩ Tuấn Khanh khi diễn đạt thú thưởng thức ly cà phê ngon!) bởi phần ca từ/ thi từ quá đỗi trữ tình, mộc mạc, gắn bó với những kỷ niệm thân thương, gợi những tình cảm trìu mến với quê hương, lắng đọng lòng người khiến ai đi xa mỗi lần nghe lại cũng bồi hồi, nhớ nhung, xao xuyến. Trên hết, những ca từ/ thi từ này rất…Nghệ Tĩnh.

Sở dĩ nhấn đến phần ca từ/ thi từ của Điệu ví dặm là em, bởi như tựa bài hát, ở đây giai điệu man mác âm hưởng thể loại hát ví và hát dặm. Ví và dặm là hai làn điệu vừa tương đồng vừa khác biệt. Ví ngâm vịnh các thể thơ truyền thống (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể). Dặm là thể hát nói bằng thơ ngụ ngôn và vè 5 chữ, có tiết tấu, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Ví luôn tạo ra môi trường sáng tạo phóng khoáng, sự phóng khoáng của ví thể hiện ở độ co dãn của bài, nó tuỳ thuộc vào độ dài ngắn của ca từ. Âm điệu cao thấp của ví cũng mang tính ngẫu hứng, nó tạo cho người nghe cảm giác man mác, da diết, thân tình: Ơi là bạn tình ơi/ Đồng thẳng cánh cò bay/ Cánh diều vui chao liệng/ Em mặc áo nâu sồng/ Gió thổi mà nón nghiêng/ Theo tay người lúa vượt mà lên. Còn hát dặm giàu tính kể lể, tự sự, tự tình, khuyên răn, giãi bày.... Có nhiều điệu dặm như dặm kể, dặm xẩm, dặm vè, dặm nối, dặm cửa quyền, dặm ru…

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được nhận bằng công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia và ngày 23-3-2013 được chọn là di sản đại diện cho Việt Nam xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014. Điệu dân ca là con đẻ của một vùng đất cổ xưa, bao đời là phên dậu, điểm đến của những con đường lịch sử từ phía Bắc vào và từ phía Nam ra. Có lẽ tác giả của thi phẩm “Giữa Sài Gòn nghe hát dân ca xứ Nghệ” đã thành công nhờ vào cái quyến luyến, cái nhớ khôn nguôi, cái buồn thăm thẳm và cái đơn sơ, mộc mạc của giọng Nghệ Tĩnh trọ trẹ. Nhà thơ đã bắt được cái tính cách của người Nghệ Tĩnh, thật thà, ngay thẳng, ít dối lòng và dũng cảm đến ngang tàng.

Nhắc lại chút: ở tập thơ ra mắt đầu tiên “Quên và Nhớ” của Lê Văn (NXB Văn Nghệ, 2009), tác giả đã công bố 112 bài thơ và 4 nhạc phẩm của mình. Tập thơ kế, “Vệt thời gian còn lại”, gần 80 bài và 5 nhạc phẩm; trong đó “Hành khúc Trung đoàn 509” được tác giả viết ngay trong ngày họp mặt truyền thống trung đoàn, và hiện nay được sử dụng làm bài hát truyền thống của Trung đoàn 509.

Xuất thân là một người lính nên cái chất lính trong Thắng nằm đâu đó trong một góc khuất lặng của tâm hồn anh. Để rồi, bỗng có lúc nó trỗi dậy khi anh bắt gặp một kỷ niệm, hay một chuyện vui buồn… Năm tháng cũ đi vào trong ký ức/ …Áo lính một thời không thể nào quên/ Đồng đội ơi! Những người tôi yêu quý/ Giữ mãi màu xanh áo lính vĩnh hằng… (Kỷ niệm màu áo lính). Hoặc là: …Ngày truyền thống trung đoàn/ Đồng đội về gặp mặt/ Ôn lại bao kỷ niệm/ Một thời không thể quên… (Hành khúc Trung đoàn 509).

Cho đến tận bây giờ, cái chất lính đó tiếp tục bước vào thơ anh hết sức hồn nhiên khi anh gặp những người lính đảo Trường Sa: Thuở hồng hoang biển đảo có rồi/ Trong tiếng mẹ ru ta từng nghe sóng vỗ/ …Những đứa con thân yêu ngày đêm canh giữ đảo/ Giữa trùng dương sóng vỗ chập chùng… (Biển đảo quê hương).

Nói về Thắng “Nghé”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh chia sẻ với tạp chí Âm Nhạc Việt Nam: Chuyến thăm Trường Sa vừa qua của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tên gọi “Đoàn công tác số 8”, với tôi chuyến đi như đền bù những mơ ước khát khao bấy lâu mong mỏi, tựa như người vừa được trả nợ, để rồi sau chuyến đi món nợ lại lớn hơn rất nhiều. Tôi đã phổ nhạc bài thơ “Biển đảo quê hương”, của Lê Quang Thắng, những câu thơ giản dị mộc mạc đã thực sự cho tôi nhiều cảm xúc và tôi sẽ viết tiếp về khoảng trời quê hương thân thương nơi đầu sóng, ngọn gió, về những con người ngày đêm sẵn sàng chiến đấu và hy sinh anh dũng để bảo vệ biển đảo quê hương, mảnh đất chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

Có lẽ không quá lời khi nhận xét rằng Lê Quang Thắng – nói theo cách của nhạc trưởng Nguyễn Bách – có những bài thơ được dệt nhạc.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...