Giai điệu mùa thu: thành công đủ để mơ xa
Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu (GĐMT) vừa khép lại chuỗi bảy đêm trình diễn liên tục với chất lượng nghệ thuật được nâng cao đáng kể, đúng như kỳ vọng của nhà tổ chức, và cả mong đợi của khán giả yêu cổ điển.
Xuất hiện đầy đủ trong các buổi tổng duyệt, hội thảo, tọa đàm và cả các đêm diễn của Liên hoan nghệ thuật GĐMT, NSƯT Trần Vương Thạch - giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) lộ rõ niềm vui trên gương mặt khi chứng kiến sự trưởng thành của chương trình văn hóa được xem là tiêu biểu thành phố.
Giám đốc Trần Vương Thạch hào hứng chia sẻ sau đêm diễn cuối cùng của GĐMT 2013
Sau đây là cuộc trao đổi với ông Trần Vương Thạch tại Nhà hát Thành phố ngay khi Liên hoan Nghệ thuật GĐMT vừa kết thúc.
* Ông đánh giá thế nào về chất lượng Liên hoan Nghệ thuật GĐMT 2013?
Giám đốc HBSO - NSƯT, nhạc trưởng Trần Vương Thạch: Mỗi chương trình đều đạt hiệu quả và chất lượng như mong muốn, đa dạng về thể loại và đẳng cấp. Mở đầu là tổ khúc dân ca mới lạ, trữ tình của các nghệ sĩ Việt Nam; ngày thứ hai là đêm nhạc thính phòng rộn ràng của Bùi Công Duy; kế đến là múa đương đại, ballet cổ điển; rồi đêm nhạc đặc biệt của thiếu nhi Nga - mang đến một sắc thái tươi trẻ, dễ chịu, khởi đầu cho sự hợp tác cùng nước Nga; để rồi lắng xuống với chương trình độc tấu dương cầm đỉnh cao của Hinrich Alperts; đêm bế mạc bùng cháy và thăng hoa cùng Christian Schumann.
Pianist Hinrich Alperts, nhạc trưởng Christian Schumann biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng HBSO
Điều tôi mừng là sự trưởng thành của HBSO về guồng máy vận hành và chất lượng nghệ thuật. Đội ngũ nhân sự của nhà hát dù không nhiều nhưng vẫn đảm đương được khối lượng công việc tăng đột biến so với các năm trước: chuỗi bảy đêm trình diễn nghệ thuật và năm hoạt động bên lề gồm tọa đàm, lớp học nâng cao…
Diễn tiến cả chuỗi sự kiện hấp dẫn, phong phú, đã lôi kéo được công chúng đến nhà hát ngày một đông hơn. Điều tôi mong mỏi là liên hoan này sẽ hình thành nên thói quen mới cho khán giả TP.HCM: đón chờ GĐMT!
* Cái chưa được của liên hoan lần này là gì thưa ông?
- Về tổ chức, chúng tôi phải rút kinh nghiệm về công tác quảng bá. Thực sự GĐMT 2013 đã được chuẩn bị từ một năm trước rồi, nhưng đến tận tháng Bảy mới được thông qua thành ra chậm, thông tin đến khán giả không nhiều, không đủ. Các festival âm nhạc lớn trên thế giới đều khởi sự quảng bá từ trước đó một năm. Về chuyên môn, lĩnh vực sáng tác, chúng tôi cần phải đi thật nhiều nơi, ít nhất là sang các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á để bắt đầu tiếp cận, làm quen, tìm hiểu, đặt vấn đề - mời những ai, trình diễn tác phẩm nào… để liên hoan thêm chuyên nghiệp và nhiều màu sắc.
* Còn với các tác phẩm Việt, của nghệ sĩ Việt?
- Chắc chắn là phải có! Các tác giả trẻ Hà Nội, tôi đã có danh sách và nghe qua các sáng tác của họ. Thậm chí tôi còn nghĩ đến việc mời những tên tuổi lớn người Việt đang sống ở nước ngoài như Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo...
* Và GĐMT tuổi lên 10, 11 trong hình dung của ông là?
- Liên hoan Nghệ thuật GĐMT sẽ gồm nhiều liên hoan nhỏ như liên hoan guitar, liên hoan piano, liên hoan sáng tác… tất cả xoay trong một liên hoan nghệ thuật lớn của TP.HCM. Đó chính là ước mong của tôi. Thí dụ như trước mắt gần gũi nhất là cây đàn guitar, lần GĐMT tới chúng tôi sẽ cố gắng làm một đêm guitar. Và có một ý tưởng tôi đang ấp ủ mà không biết có được không, chính là việc mời nghệ sĩ Đặng Thái Sơn làm một đêm recital (độc tấu). Thậm chí phải mời thêm các dàn nhạc khác.
* Một thực tế là chương trình thành công, nhưng lượng khán giả lại không được như mong đợi. Trong khoảng thời gian từ đây cho khi bắt đầu GMĐT lần thứ 10, nhà hát sẽ dự định làm gì? Những năm trước, HBSO đảm bảo việc duy trì các chương trình nghệ thuật định kỳ hàng tháng vào các ngày 9 và 19, năm vừa rồi chỉ còn ngày 9, và ngày 19 thì tháng có tháng không.
- Năm vừa qua là thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc HBSO duy trì được chương trình ngày 9 là động thái giữ “lửa” cho nhà hát và cả công chúng. Bạn biết là bán vé đâu có đủ bù chi, phải cân đo đong đếm ngân sách hiện có, rồi ngay như việc nâng tầm GĐMT cũng là một nỗ lực rất lớn của nhà hát. Ngoài ra, chương trình Giai điệu trẻ diễn ra vào ngày 29 hàng tháng miễn phí cho các bạn trẻ cũng là một cách để chúng tôi đem nhạc cổ điển đến với mọi người, “nuôi dưỡng” nguồn khán giả cho tương lai.
* Nhạc trưởng Lê Phi Phi là một trường hợp liên kết thành công của Giai điệu trẻ với nghệ sĩ không thuộc HBSO (đêm nhạc Rock giao hưởng ngày 29/12/2012 - PV). Ông có tính mở rộng sự liên kết như thế để lôi kéo nhiều khán giả trẻ đến với nhà hát?
- Đó chính là cái chúng tôi đang nỗ lực thực hiện. Nhân dịp Liên hoan Nghệ thuật GĐMT, tôi đã cố gắng nối luôn với chương trình Giai điệu trẻ sẽ diễn ra vào ngày 25 này, kéo sớm hơn lệ thường để kéo hai nghệ sĩ Đức Hinrich Alperts và Christian Schumann diễn cho thanh niên mình xem.
* Xin cảm ơn ông và chúc mừng cho sự thành công của Liên hoan nghệ thuật GĐMT. Mong rằng ở các năm sau chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
(Nguồn: http://phunuonline.com.vn)