Giai điệu âm nhạc Việt Nam – Hoa trái của tâm hồn

29/10/2013

Tự nhiên như gió thổi, hồn nhiên như nước chảy từ trong cảm xúc sâu xa lắng đọng của không biết bao người viết nhạc đã hòa nên cánh sóng xanh sử nhạc Việt!

Hệ lụy, tì vết từ trong quy luật phát triển là điều không tránh khỏi. Nhưng những gì thuộc bản tính sẽ tồn tại, những gì thuộc cảm tính hời hợt khô hạn sẽ chóng qua, nhạc mang tính thời trang, thương mại, nhạc sản xuất từ dây chuyền “công nghệ” khác nào “thụ thai non chết yểu mà thôi”. . .

Thực hiện tâm bút này, từ một góc nhìn là những thị kiến, chính kiến khác nhau trong “Diễn đàn” nhạc Việt để rộng đường công luận có được một hòa âm đồng cảm trong trách nhiệm cùng quan tâm chia sẻ…!

Có thể nói trong địa hạt Văn học – Nghệ thuật không có gì gần gũi, gắn bó xác thực với đời sống sinh hoạt văn hóa con người xúc tác đến tâm hồn thuận tiện và dễ dàng cho bằng âm nhạc. Ở đâu ta cũng có thể hát, nghe hát, nghe nhạc trong mọi cảm xúc khi vui hay lúc buồn ta cũng có thể ngân nga một câu ca, hay tâm sự bằng khúc hát tự lòng mình. Ca khúc trong âm nhạc đã thực sự là bầu khí, hơi thở, món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống! Ấy vậy mà từ trong ngôn ngữ cho tiếng hát Việt lúc này ở một góc độ nào đó cũng bị “hóa chất” xói mòn.

Sự lạm dụng “vĩ đại” chính vì âm nhạc gắn bó mật thiết với đời sống con người như hình với bóng để có một nhạc phẩm hay, một chương trình đằm thắm còn mãi trong lòng người là việc làm khó, rất khó cho người thực hiện. Nhưng lại rất dễ cho những kẻ lạm dụng. Họ đã lợi dụng tối đa mọi cơ hội để thực hiện cho cái riêng mình. Hiện tượng cảm tính vô hồn diễn ra trên sân khấu ca nhạc những năm gần đây “có đến ngàn lẻ chuyện tình buồn”…! Trước khuynh hướng lạc điệu của nhạc Việt bị khuynh đảo, tôi đã thực hiện trên “Nhà báo và Công luận” những bài viết: “Ốc bươu vàng xuất hiện trong âm nhạc” cảnh báo về hiện tượng xâm thực phá hoại cánh đồng giai điệu Việt làm xói mòn, thui chột những giai điệu chan chứa tình người, thắm nghĩa quê hương; “Thiên đường đang bị tục hóa” bởi cái tinh tuyển những nét đẹp trong âm nhạc đang bị những hành vi từ những lời sàm sỡ, thô thiển và tục hóa len lỏi vào giai điệu, nó đã làm băng hoại, phá vỡ những gì là hoàn mỹ tiềm ẩn trong kho tàng âm nhạc vốn có xưa nay… Và lúc này, một tệ nạn đang hoành hành diễn ra có tiền là có nhạc. Họ đã mượn danh âm nhạc để khai thác tài trợ nhiều chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình, trên sàn diễn. Âm nhạc trở thành phương tiện hữu hiệu, là cứu cánh cho mọi chương trình quảng cáo, cũng từ đó người ta bỏ tiền ra để được lăng xê, góp mặt trên sàn diễn. Nhạc phẩm không còn phải sáng tác mà đã được sản xuất ra từ những phương tiện điện tử tân kỳ.

Cần ư? Chỉ 10 phút sau đáp ứng mọi nhu cầu…Và cũng vì tiền, vì danh mà dây thần kinh xấu hổ bị tê liệt. Còn gì bỉ ổi hơn là người ta đang tâm ăn cắp nhạc. Trong một lối hành xử mất nhân cách như thế, không có âm nhạc và nếu còn chút lòng tự trọng thì cần phải biết tủi. Có điều lạ là không hiểu sao? Tôi không có ý ám chỉ tất cả, mà một số người chịu trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nghệ thuật lại dễ dãi thả lỏng đến thế, đồng thuận để cho những người lạm dụng gắn biển lên những chương trình thiếu văn hóa, hụt hẫng âm nhạc nhưng lại thừa chất chợ đời với cái tên Nhạc Việt!

Sẽ phải giải thích ra sao? Suy nghĩ thế nào khi nghe một người làm nhạc Mỹ đến Việt Nam, tiến sĩ nghiên cứu âm nhạc Trason đã đến Việt Nam, bỏ công nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc Việt. Ông rất yêu nhạc Việt Nam. Ông có dự một đêm ca nhạc và đã thất vọng thốt lên: “Ồ! Người ngoại quốc hát tiếng Việt Nam giỏi quá”. Thật vậy! Xin mời quý vị lúc này bật tivi theo dõi các chương trình ca nhạc nước ngoài, từ MTV đến các chương trình ca nhạc quốc tế khác nhau và so sánh với chương trình của ta. Quả thật giống nhau về hình thức, cách dàn dựng nhưng lại vụng về, nặng cách học lỏm nên rất kém hiệu quả. Hơn cả là nó không ăn nhập với nếp sống tâm lý, tình cảm người Việt Nam, nên khán thính giả đã không thể chấp nhận và quay lưng lại với hiện tượng âm nhạc lúc này. Trong tâm trạng mệt mỏi, thất vọng, quần chúng phải thốt lên: “Ối dào, ca nhạc bây giờ không nghe được, không xem được, cứ như là cave nhảy chồm chồm, gào thét nhăng nhít đến sốt cả ruột…”. Đó là những nhận định dân dã mà rất thực lòng!

Với giới trẻ thì sao? Nhiều bạn có đồng quan điểm: “ Nhạc bây giờ có nhiều cái mới, cái lạ nhưng không phải bất cứ cái mới, cái lạ nào cũng là hay, cũng có thể chấp nhận, xem để cho biết thôi”. Các nhà lạm dụng đã nghĩ gì? Biến thể âm nhạc thành những tấm pano, quảng cáo chỉ phục vụ cho nhu cầu kiếm chác mà thôi!

Tìm lại một thoáng hương xưa…

Tưởng cũng cần nhớ về một chặng đường đã đi qua, nhạc Việt ở vào thập kỉ đầu những năm 40 ngày ấy, âm nhạc Việt Nam dịu hiền, điềm đạm, một nét đơn sơ, mộc mạc như nếp sống người dân thuở ấy. Đội ngũ viết nhạc và trình diễn cũng còn ở con số khiêm tốn, đếm trên đầu ngón tay: Nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Hoàng Trọng, Cung Tiến, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác…với tiếng hát: Tâm Vấn, Minh Trang, Minh Đỗ, Thương Huyền, Ái Liên, Ngọc Bảo… Đó là những nhạc khúc được viết từ đời sống nội tâm, tâm trạng mà người thể hiện đã hát hết lòng mình. Để lại dư âm man mác một nỗi buồn! Mà đẹp mãi…

Hữu xạ tự nhiên hương. Trong bối cảnh lịch sử, đất nước phân chia xa xôi cách trở, vậy mà hình bóng quê hương! Ấm áp tình người, từ tình khúc Phố Mưa của nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn mãi trong tôi như một kỉ niệm… Bước sang thập kỉ đầu 60, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp phát động mở rộng cuộc thi sáng tác các ca khúc “Mùa xuân âm nhạc Việt Nam” khác nào suối nguồn, sông rộng đổ về, hương thơm lan tỏa. Hàng trăm tác phẩm âm nhạc từ nhạc không lời, hợp xướng, đơn ca. Trăm hoa đua nở một nét son, điểm tựa làm nền móng vững vàng cho sử nhạc Việt Nam. Còn mãi trong lòng người nghe, quần chúng là tiềm lực dồi dào làm nên truyền thống và phát triển. Cũng từ trong cảm nhận của quần chúng khán thính giả là những người thật sự làm vinh danh cho nửa thế kỉ âm nhạc “Việt Nam thắm nghĩa vẹn tình”.

Giờ đây, ở một cách nhìn nào đó, quần chúng không chỉ mất phương hướng mà thực sự họ là nạn nhân bởi âm nhạc là món ăn tinh thần, nay lại phải bận tâm đến những trái ngang, mất thị hiếu, quần chúng chấp nhận sao được? Để khắc phục, chữa trị những bệnh hoạn trong hiện thực âm nhạc lúc này là điều khó, rất khó nhưng không thể không làm được.

Thay vì những lời nói, hãy để những việc phải làm

“Có bột mới gột nên hồ” . Điều thiết tha mong mỏi đầu tiên là đội ngũ nhạc sĩ không buông xuôi bỏ cuộc. Hãy tâm huyết cho những tác khúc mới có chất lượng, thẩm mĩ để có những giai điệu cảm hóa lòng người ái mộ. Người ca sĩ thể hiện hãy bằng con tim đi vào cảm xúc để thể hiện làm đối trọng với cách thể hiện suồng sã, nỉ non, gào thét hỗn tạp như hiện nay.

Đặc biệt, xin lưu tâm cơ quan hữu trách liên ngành âm nhạc có tiếng nói đồng thuận, đồng cảm trong trách nhiệm, tránh hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Hãy bằng những biện pháp cụ thể, thái độ dứt khoát không thể chấp nhận những nhóm nhạc mơ hồ về âm nhạc mà lại sáng tác ca khúc, chẳng có chất giọng, thiếu hiểu biết trong cảm nhận giai điệu nhưng lại luôn mong muốn được thể hiện hết mình.

Điều mong mỏi cuối cùng là Cục Nghệ thuật biểu diễn và các phương tiện đại chúng quan tâm nhiều hơn nữa đến các chương trình phát sóng, những đêm công diễn ngoài trời và sớm có những quy chế rõ ràng, chỉ đạo nghệ thuật tạo điều kiện lập lại kỷ cương để có được một môi trường mới lành mạnh thể hiện trong nhạc Việt.

Tin rằng những hạt giống tốt là những giai điệu nhạc Việt được cấy trồng từ mảnh vườn, tâm hồn màu mỡ đất Việt. Những người “làm vườn” hôm nay hãy sắn tay vào cuộc chăm sóc vun trồng, loại bỏ những cây gai, cỏ dại để chồi xanh âm nhạc đơm bông kết trái dồi dào…Một âm hưởng sắc thái thuần Việt, xứ sở của quê hương! Với bốn mùa hanh, lành, nắng, ngọt…

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 31)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...