Gia Lai với Ngày âm nhạc Việt Nam lần thứ VII
Yêu thích hoạt động - sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng vốn là một trong những truyền thống vắn hoá tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống đó được hình thành và phát triển cùng với lịch sử của dân tộc. Đặc biệt từ ngày có Đảng và Bác Hồ soi đường chỉ lối đến nay, truyền thống quí báo đó ngày càng được nhân lên gấp bội. Có lẽ hiếm thấy nơi nào trên trái đất này lại có được truyền thống yêu chuộng văn học nghệ thuật như ở Việt Nam. Là người Việt Nam, từ già đến trẻ, là nam hay nữ, người học ít cho đến người học nhiều, biết chữ hay không biết chữ, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo... ai cũng yêu thích ca hát và coi ca hát như một phần múa thịt của mình. Đánh giá vai trò của âm nhạc, từ thế kỷ XV, đại thi hào Nguyễn Trãi đã viết: “ Thời loạn dùng võ. Thời bình dùng văn. Nay đúng lúc nên làm lễ nhạc. Thời bình là gốc của nhạc. Thanh âm là gốc của nhạc”. Và, ngạn ngừ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có câu: Thiếu tiếng hát, thiếng đàn chẳng khác gì thiếu muối, thiếu gạo”. Như vậy, đối với người Việt Nam, âm nhạc không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là lực lượng vật chất vô cùng quan trọng tác động tích cực đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi con người!
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, bằng trí thông minh với tâm hồn bay bổng, dân tộc ta đã sáng tạo ra một kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ, độc đáo, kết tinh được những giá trị tốt đẹp của tổ tiên và đã tạo cho Việt Nam một sức mạnh to lớn...
Trước ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai có một đoàn văn công chuyên nghiệp gọi là Đoàn Văn công Gia Lai. Đoàn hoạt động trong vùng căn cứ cách mạng. Số lượng diễn viên nhạc công của đoàn phần lớn là con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chưa được đào tạo cơ bản như cách hiểu của chúng ta ngày nay, nhưng với năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh lại được rèn luyện trong khói lửa chiến tranh, anh chị em văn nghệ sĩ của Đoàn đã góp một phần không nhỏ vào việc phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, đánh giặc giữ làng của cán bộ, quân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến ngày toàn thắng. Tiêu biểu là các nhạc sĩ Y Dơn (Rơ Chăm Yơn) Kpa Púi, Văn Chừng…
Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, đội ngũ những người hoạt động âm nhạc của tỉnh ta ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng. Phần lớn anh chị em hoạt động âm nhạc ở tỉnh Gia Lai đều được đào tạo bài bản, chính quy từ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp văn hóa nghệ thuật trong nước. Theo thống kê của Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, hiện nay, chuyên ngành âm nhạc của hội có 20 người, trong đó có 12 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, gồm: 05 nhạc sĩ chuyên ngành sáng tác: Lê Xuân Hoan, Ngọc Tường (Huỳnh Ngọc Tượng), Hà Huy Hiền, Phi Ưng, Thảo Nam Giang; 03 nhạc sĩ chuyên ngành biểu diễn: NSƯT Đức Hà, NSƯT Thúy Hà, NSƯT ALi Việt (Trần Duy Việt), 01 nhạc sĩ chuyên ngành lý luân – H’Mai và 03 nhạc sĩ chuyên ngành đào tạo: NGƯT Măng Ngọc, Hà Quang Minh, Nguyễn Ngọc Ánh. Những con số ấy chưa nhiều nhưng giới nhạc Gia Lai có quyền tự hào đã sáng tạo ra hàng trăm tác phẩm âm nhạc có giá trị và đào tạo ra hàng trăm cán bộ âm nhạc, bổ sung lực lượng cho phong trào âm nhạc trong và ngoài tỉnh ngày càng đông đảo vừa phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cán bộ, nhân dân trong tỉnh và góp phần quảng bá hình ảnh Đất nước - Con người Gia Lai đến với bạn bè gần xa. Nhiều công trình nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc Jrai, Bahnar đã được công bố, theo đó, nhiều bài bản dân ca, dân nhạc của các dân tộc trong tỉnh được sưu tầm, khai thác và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Gia Lai chẳng những đoạt nhiều giải thưởng lớn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học Nhệ thuật Việt Nam mà còn là người bạn thân quen của công chúng yêu nhạc trong và ngoài tỉnh. Đáng phấn khởi, tự hào, hiện nay, Gia Lai có đến 07 nghệ sĩ nhân dân và ưu tú, trong đó có 03 NSƯT và 01 NGƯT thuộc chuyên ngành âm nhạc.
Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, Âm nhạc nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung đã và đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường với những sản phẩm văn hóa ngoại nhập. Nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang ngày càng bị mai một, trong đó có truyền thống yêu thích hoạt động và sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung Âm nhạc nói riêng.
Nhằm trả lại những giá trị đích thực cho âm nhạc, tôn vinh nền âm nhạc nước nhà, tôn vinh các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, trong đó có những người là liệt sĩ, chiến sĩ trên các lĩng vực: sáng tác, biểu diễn, lý luận - phê bình và đào tạo..., được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, bắt đầu từ năm 2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính thức lấy ngày 03 tháng 9 hàng năm (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên bục chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, chỉ huy dàn hợp xướng biểu diễn bài hát Bài ca kết đoàn, tại Vườn Bách thảo, Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 1960) để tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam.
Trong những năm qua, cùng với việc duy trì tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, Ngày Mỹ thuật Việt Nam, Ngày truyền thống của ngành Nhiếp ảnh Việt Nam, theo định kỳ, hàng năm, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai và Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Tọa đàm, giao lưu bểu diễn ca nhạc với các các nhạc sĩ các tỉnh: Bình Định, Phú Yên..., thiết thực chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan trong điều kiện “cơ chế thị trường”, nên các hoạt động ấy chưa thu hút được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và công chúng; nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị nội dung và nghệ thuật cao chưa thực sự trở thành “tài sản” của nhân dân.
Nhận thức được điều đó, năm nay, được sự quan tâm, chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự hưởng ứng tích cực của các nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyên và không chuyên tại thành phố Pleiku; đồng thời nhằm thiết thực Chào mừng 71 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHNC Việt Nam, chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ VII, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai - Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã chủ động phối hợp Đài Truyền hình Gia Lai và Nhà hát Ca Múa Nhạc Đam San và một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh, tổ chức 2 chương trình nghệ thuật đặc biệt, với các chủ đề: Lời chào Cao nguyên và Giai điệu quê hương. Lời chào Cao nguyên là chương trình ca nhạc, gồm 5 ca khúc mới sáng tác của các nhạc sĩ: Lê Xuân Hoan, Ngọc Tường, Phi Ưng, Trương Đức Hà, Trần Nguyên Phú; nội dung ca ngợi mảnh đất Gia Lai – Tây Nguyên - giàu truyền thống văn hóa lịch sử đã đang ngày một đổi thay theo chiều hướng tích cực; với ngôn ngữ âm nhạc vừa mang bản sắc Tây Nguyên vừa mang tính thời đại; hòa âm phối, khí công phu với những giọng ca của các nghệ sĩ: NSƯT. Thúy Hà, ca sĩ - nhạc sĩ: Phi Ưng, ca sĩ Y Sih, H’Bup, Hoài Ngân. Lời Chào Cao nguyên đã được phát trên sóng của Đài Truyền hình Gia Lai, vào lúc 7h45 và 21h10 ngày 02.0.2016, chiếm được nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng công chúng gần xa.
Giai điệu quê hương là chương trình Ca Múa Nhạc đặc biệt, do Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai - Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai, phối hợp với Nhà hát Ca Múa Nhạc Đam San (CMN ĐS), Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai, tổ chức tại sân khấu Nhà hát CMN Đam San, đêm 01.9.2016. Với 17 tiết mục Ca Múa Nhạc đậm đà bản sắc dân tộc; phần lớn các tiết mục là những “Bài ca đi cùng năm tháng”ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương, đất nước, được dàn dựng công phu, âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp, đặc biệt là màn hình lad với những nghệ sĩ xuất sắc của tỉnh, nên Giai điệu quê hương đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng cũng như tình cảm của các văn nghệ sĩ tham gia chương trình biểu diễn.
Ngoài ý nghĩa nói trên, việc tổ chức các chương trình nghệ thuật lần này, còn nhằm động viên, cổ vũ phong trào hoạt động sáng tạo âm nhạc của anh chị em nhạc sĩ trong tỉnh; trên cơ sở đó, đáp ứng nhu cần thưởng thức nghệ thuật chính đáng ngày càng cao, ngày càng phong phú của đông đảo công chúng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà giáo dục âm nhạc trong tỉnh gặp gỡ, ôn lại truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào của nền âm nhạc Việt Nam trong hơn 70 năm qua, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trên con đường sáng tạo nghệ thuật không cùng của mình, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa, góp phần xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đêm muộn 02 tháng 9 năm 2016