'Fly Me To The Moon': Bài hát bay lên cung trăng

01/07/2016

Đã hơn 6 thập niên kể từ khi ra đời nhưng Fly Me To The Moon vẫn có một sức sống mạnh mẽ. Nó vẫn là một trong những bài hát được cover nhiều nhất thế giới và sẽ là một ngạc nhiên lớn nếu chưa ai từng nghe qua bài hát này.

Fly Me To The Moon cũng là bài hát đã đưa tác giả của nó, Bart Howard, từ một người gần như vô danh, bỗng trở thành triệu phú.

20 phút thành bài hát “triệu đô”

Trước thời điểm tháng 4/1954 Bart Howard vẫn còn là một nhạc công đệm đàn piano kiêm MC ở hội quán nổi tiếng vùng Manhattan (New York), Blue Angel.

Ông đã làm công việc đó đã hơn 20 năm kể từ khi thoát ly khỏi gia đình ở Iowo khi mới chỉ 16 tuổi để đi theo một nhóm nhảy với mộng ước trở thành một người viết nhạc cho phim. Những chuyến đi dài và cực khổ để biến ước mơ đó ngày càng nhỏ dần và cuối cùng ông hài lòng với vị trí đệm đàn cho ca sĩ hát hàng đêm ở các tửu quán, từ bình dân đến sang trọng.

Thấp thoáng ở giữa là những sáng tác đơn lẻ và không mấy tiếng tăm và cũng có khi ám thêm mùi thuốc súng khi ông gia nhập quân đội thời đệ nhị thế chiến.

Cả cuộc đời mình, Bart Howard sáng tác được 50 ca khúc nhưng gần như đại đa số chẳng được ai biết đến. Cuối đời, ông từng tâm sự với một người bạn rằng đó là điều làm ông đau khổ bởi những ca khúc không đáng bị lãng quên như vậy.


Tác giả Bart Howard

Nhưng biết làm sao được khi mỗi bài hát có một số phận riêng. Ngay như Fly Me To The Moon, bài hát mà Howard viết trong vòng 20 phút mà đến 60 năm sau vẫn còn được ca tụng.

Khởi đầu bài hát này mang một cái tên khác đơn giản, In Other Words (Nói cách khác). Đây là một đơn đặt hàng của một nhà xuất bản âm nhạc khi họ cần một bài hát theo kiểu cabaret (nhạc kịch) nhưng đơn giản và dễ nhớ. Howard trong lúc rảnh rỗi và ngồi thử đánh vài nốt nhạc trên piano và rồi giai điệu tự nhiên tuôn chảy. Ông cứ đánh và trong đầu những ca từ cứ nối nhau ra theo.

“Hãy đưa tôi bay lên cung trăng để tôi nô giỡn cùng những vì tinh tú/Để tôi thấy mùa Xuân ra sao trên Mộc tinh và Hỏa tinh/Nói cách khác là em yêu ơi hãy nắm lấy tay tôi và hôn tôi đi” - những ca từ bay bổng và khác lạ là một điều mà Howard không nghĩ mình có thể sáng tác ra được.

Nhưng lúc ấy, với nhà xuất bản kia thì cụm từ“Fly me to the moon” (Đưa tôi bay lên cung trăng) trong câu hát có vẻ xa lạ quá. Họ yêu cầu Howard đổi thành “Take me to the moon” (đưa tôi đến cung trăng) cho có vẻ gần gũi hơn.

Nhưng Howard lắc đầu ngay lập tức, “Tôi đã thai nghén 20 năm để sáng tác bài này trong 20 phút với tất cả tâm huyết. Nếu thay nó, tôi sẽ không bao giờ có được như ngày hôm nay”, Howard kể lại với tờ New York Times vào năm 1988.

Và thật sự thì động từ “Fly” có ý nghĩa sống còn cho cả bài hát khi nó nẩy hết vẻ bóng bẩy, lãng mạn, bay bổng cho cả bài và cho ca khúc này một điểm tựa vững chắc trong trí nhớ người nghe.

Nhưng khi sáng tác xong (1954), bài hát này chưa “bay” ngay. Nó được trình diễn lần đầu tiên bởi giọng ca vedette của tửu quán Blue Angel, Felicia Sanders. Tiếng lành đồn xa, ít lâu sau bài In Other Words này được nhiều phòng trà hát lại và được công chúng yêu cầu liên tục.

Đến tháng 4/1954, bài hát này mới chính thức trình làng qua single của nữ danh ca Kaye Ballard và sau đó được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát lại.


Bản thu âm đầu tiên của Fly Me To The Moon vào tháng 4/1954 khi nó vẫn còn
mang cái tên nguyên thủy, In Other Words, với tiếng hát Kaye Ballard

Nhưng bài hát này vẫn chỉ nổi tiếng ở khu vực New York và vẫn chưa vang ra xa. Phải đến năm 1960 khi nữ danh ca Peggy Lee hát trên chương trình ti vi Ed Sullivan show với hàng triệu người xem thì bài hát lập tức trở thành hit.

Bài hát được yêu thích đến độ Peggy Lee năn nỉ nhạc sĩ Bart Howard cho đổi tựa thành Fly Me To The Moon vì có quá đông công chúng thích cái tên này. Cuối cùng Howard đồng ý và từ đó trở đi, In Other Words trở thành Fly Me To The Moon và chính thức bay đi khắp nơi.

Năm 1963, nhà sản xuất của Peggy Lee, Joe Harnell, đã cùng dàn nhạc của mình chơi lại bài này theo điệu Bossa Nova và năm ấy bài hát đã đoạt giải Grammy cùng doanh số bán ra hơn 500 nghìn đĩa.

Fly Me To The Moon nhanh chóng trở thành bài hát ăn khách và trở thành bài hát kinh điển của Jazz với hơn 500 lần được chơi lại trong đó nổi tiếng nhất là qua tiếng hát của Frank Sinatra. Bài hát này cũng đã giúp nhạc sĩ Bart Howard đổi đời, từ trong bóng tối ra ánh sáng, chưa kể thu về hơn 50 nghìn USD mỗi năm thậm chí có năm còn gấp đôi số ấy.

Chỉ với 20 phút sáng tác cho một bài hát, Bart Howard đã trở thành triệu phú.

Nhưng đâu chỉ có thế, Fly Me To The Moon không chỉ được nghe ở trái đất mà sau đó nó đã được cất tiếng ở… cung trăng.

Nhạc hiệu không gian

Thập niên 60 Bart Howard gần như lui về ở ẩn. Âm nhạc của ông gần như không còn thịnh hành khi rock’n roll len lỏi khắp nơi. Nhưng Fly Me To The Moon thì vẫn tiếp tục tại vị.

Năm 1969, khi Nasa chuẩn bị cho dự án lên mặt trăng vào tháng 7/1969 thì hai tháng trước đó, ngày 18/5 tàu Apollo 10 đã bay thử nghiệm vòng quanh quỹ đạo mặt trăng và trong hành trình đó, các phi hành gia đã đem theo bài hát Fly Me To The Moon với tiếng hát của Frank Sinatra và mở suốt hành trình.

Hai tháng sau, ngày 20/7/1969, Fly Me To The Moon đã trở thành bài hát đầu tiên được phát trên cung trăng khi tàu Apollo 11 đáp xuống đây. Lúc ấy, phi hành gia Buzz Aldrin (người thứ 2 đặt chân lên mặt trăng sau Neil Armstrong), sau khi bước ra khỏi tàu và chạm chân xuống đất, đã mở bài hát trên một chiếc máy cassette nhỏ.

Đó là một vinh dự không phải ai cũng có được trong đời. Và từ đó trở đi, dù chưa được công nhận chính thức nhưng Fly Me To The Moon đã trở thành nhạc hiệu không gian của Nasa. Trong bất cứ một vụ phóng tàu vũ trụ nào, bài hát này cũng được vang lên.

Bart Howard mất năm 2004 ở tuổi 88 với phần lớn thời gian cuối đời an vui tuổi già và gần như không chơi nhạc nữa. Ông vẫn từng cứ buồn vì phần lớn sáng tác của mình có số phận hẩm hiu. Nhưng chắc chắn nỗi buồn ấy sẽ chẳng thể so sánh với mức độ nổi tiếng mà Fly Me To The Moon đã mang lại.

Và trong đời người, chỉ cần một bài như vậy thôi là đã quá đủ.


"Fly Me To The Moon" qua tiếng hát của Frank Sinatra

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.