Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ III tại Việt Nam “Nhịp cầu Âm thanh Á - Âu”
Sáng 2 tháng 11 năm 2018, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt báo chí giới thiệu về Festival quốc tế Âm nhạc mới Á Âu lần thứ III tại Việt Nam năm 2018, sẽ được tổ chức tại Hà Nội và tỉnh Ninh Bình, từ ngày 24 đến 28 tháng 11 năm 2018.
Tới dự có PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức, Giám đốc nghệ thuật Festival chủ trì cuộc gặp mặt, cùng các nhạc sĩ trong Ban thường Vụ: nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Trưởng Ban Kiểm tra; cùng đông đảo các nhà báo Trung ương và Hà Nội.
Tại buổi gặp mặt báo chí, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những ý kiến trao đổi về công tác chuẩn bị và nội dung chương trình của Festival:
Festival quốc tế Âm nhạc mới Á Âu là dành cho những tác phẩm mới sáng tác trong giai đoạn gần đây của các nhạc sĩ sáng tác âm nhạc đương đại khu vực Á Âu, thể loại phần lớn là những tác phẩm khí nhạc, dành cho các nhà viết nhạc chuyên nghiệp.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đi theo con đường kiên định, nỗ lực nhiều năm để có được nhịp cầu nối với quốc tế trong lĩnh vực khí nhạc, đưa nền khí nhạc Việt Nam đến gần với âm nhạc thế giới. Chính từ những nỗ lực cố gắng về mặt nội dung, và tiềm lực được sự ủng hộ rất lớn của Đảng và Nhà nước. Ban Bí thư Trung ương nhận định rằng đây là một hoạt động có ý nghĩa và có tính liên kết về âm nhạc chuyên nghiệp. Từ năm 2014, Ban Bí thư nghe tờ trình của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đồng ý tổ chức Festival lần thứ nhất vào tháng 10 năm 2014, ngay trước Lễ khai mạc vào ngày 8 tháng 10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Đoàn nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế đến chào Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch. Trong cuộc tiếp chuyện Chủ tịch nước có nhận xét: “Đất nước Việt Nam chúng tôi xuất phát về khí nhạc chậm hơn một số nước châu Âu, nhưng nếu các bạn thấy ở Việt Nam điều kiện tốt, phong cảnh đẹp, lần sâu chúng tôi sẵn sàng mời các bạn đến Hà Nội”.
Festival lần thứ 3, chúng ta đã đặt nền móng cho Festival âm nhạc mang tính truyền thống 2 năm một lần. Phát huy những thắng lợi cũng như rút kinh nghiệm 2 lần Festival trước đây, lần này Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức thận trọng với từng bước đi và đã có những kết quả nhất định. Đến nay, công tác chuẩn bị về mặt tổ chức đã hoàn tất, huy động các Dàn nhạc trong nước một cách tối đa, từ Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đến Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, và các nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, Dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ nổi tiếng quốc tế từ Croatia, Liên Bang Nga, Liva, Uzberkistan, Nhật Bản… Về thành phần các nhạc sĩ Việt Nam có tác phẩm tham dự Festival lần này từ các em học sinh, sinh viên Âm nhạc tham dự chương trình Hòa nhạc các nhạc sĩ trẻ, đến các nhạc sĩ lão thành có những tác phẩm lớn về thể loại Giao hưởng như: nhạc sĩ Doãn Nho, La Thăng, và thế hệ các nhạc sĩ tiếp theo như: Phó Đức Phương, Trọng Đài, Đức Trịnh, Ngô Quốc Tính, Đỗ Hồng Quân,… và phải kể đến các nhạc sĩ nghệ sĩ của các nước láng giềng như Campuchia, Lào, với các tác phẩm thính phòng cho các nhạc cụ dân tộc… sẽ đem đến cho Festival thêm màu sắc âm nhạc sinh động và thú vị. Đặc biệt là Dàn nhạc của nước Cộng hòa Tatarstan sẽ mang đến Liên hoan một chương trình hòa nhạc thính phòng với sự tham gia của 27 nhạc công dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Anna Gulishambarova. Và phải kể các các nhà soạn nhạc nổi tiếng quốc tế đến từ Australia, Thụy Sĩ, Philippines, Đức, Trung Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Azerbaijan, Hà Lan, Litsva…
Tất cả các tác phẩm đã được Hội đồng thẩm định, có nội dung và chất lượng rất tốt. Để có được 5 chương trình hòa nhạc chính thức của Festival, Ban tổ chức đã lựa chọn từ gần 200 tác phẩm của các nhà soạn nhạc từ nhiều quốc gia gửi đến. Tiêu chí của Festival là các tác phẩm mới sáng tác trong những năm gần đây, có tính mới lạ, tính dân tộc, từ thể loại giao hưởng, thính phòng, độc tấu, các tác phẩm giao hưởng cho dàn nhạc phương Tây kết hợp với nhạc cụ dân tộc châu Á… từ đó xây dựng được 2 chương trình hòa nhạc giao hưởng Khai mạc và Bế mạc; các chương trình hòa nhạc Thính phòng cũng rất độc đáo khi có những tác phẩm được Dàn nhạc Thính phòng quốc tế biểu diễn kết hợp với đàn bầu của Việt Nam… sẽ mang đến cho khán giả nhiều tiết mục phong phú và hấp dẫn.
Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu có các ý kiến trao đổi về Festival:
Năm 2014, Festival quốc tế Âm nhạc mới Á – Âu lần thứ nhất là một sự kiện âm nhạc lớn, đưa khí nhạc chuyên nghiệp Việt Nam đến với diễn đàn âm nhạc quốc tế, và ngược lại, đưa tác phẩm khí nhạc thế giới vào đời sống âm nhạc trong nước.
Năm 2016, Festival Âm nhạc mới Á - Âu được tổ chức lần thứ hai, là một Festival hoành tráng nhất do kết hợp với Hội nghị Liên đoàn các nhà soạn nhạc châu Á (ACL), trong đó có cuộc thi các nhà soạn nhạc trẻ châu Á và các cuộc tọa đàm về âm nhạc giữa giới nhạc chuyên nghiệp.
Năm 2018, với chủ đề “Nhịp cầu âm thanh Á - Âu”, so với lần trước 2016, thì số lượng buổi hòa nhạc và thời gian có giảm đi (5 ngày với 5 chương trình hòa nhạc chính thức), trong khi đó năm 2016 (7 ngày và 11 chương trình). Tuy có giảm về số lượng nhưng tăng về lực lượng biểu diễn, về nhạc trưởng thì có nhiều nhạc trưởng ngoại quốc nổi tiếng quốc tế tham gia, ngoài nhạc trưởng Hona Tetsuji (Nhật Bản) còn có nữ nhạc trưởng - ngôi sao Zoe Zeniodi (Hy Lạp) - Giám đốc nghệ thuật và âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Broward (Florida, Mỹ) và nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng Trẻ “Moysa” (Hy Lạp); còn có nhạc trưởng Olivier Ochanine (Pháp) là nhạc trưởng, giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra); nữ nhạc trưởng Anna Gulishambarova (Tatarstan) là giám đốc, nhạc trưởng Dàn nhạc thính phòng “New Music” Tatarstan. Trong nước phải kể đến nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa, Phạm Ngọc Khôi, Đỗ Kiên Cường…
Lần này, Festival có sự góp mặt của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc tư nhân Sun Symphony Orchestra, các dàn nhạc thính phòng ở Hà Nội; Dàn nhạc thính phòng “New Music” Tatarstan; Dàn Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam…
Như vậy, chúng ta thấy các thành phần tham gia rất phong phú, về nội dung có rất nhiều các thể loại âm nhạc chuyên nghiệp, đủ các thể loại lớn nhỏ như giao hưởng, hợp xướng, thính phòng, hòa tấu, ca khúc nghệ thuật, ca khúc đại chúng… Các tác phẩm giao hưởng kết hợp với nhạc cụ dân tộc của Việt Nam và của các nước khác như Tatarstan, Lào, Campuchia…
Nhiều màu sắc âm nhạc, hình thức phong phú, nội dung độc đáo, hy vọng sẽ tạo nên thành công cho Festival lần thứ III.
*
* *
Festival quốc tế Âm nhạc Mới Á - Âu 2018 (lần thứ III tại Việt Nam) với chủ đề Nhịp cầu Âm thanh Á - Âu do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ 24 đến 28 tháng 11 năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Ninh Bình. Festival hội tụ những nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn dòng Âm nhạc kinh điển đương đại của Việt Nam và thế giới, nhằm giới thiệu đến cho công chúng Việt Nam những tác phẩm mới và những chương trình hòa nhạc của nhiều quốc gia Á - Âu.
Festival lần này cũng là diễn đàn nghệ thuật để chúng ta tiếp tục khẳng định thành tựu của nền nhạc mới Việt Nam, giới thiệu tác phẩm mới của các nhạc sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nhạc khí (thính phòng, Giao hưởng). Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ nước ngoài hiểu biết hơn về đất nước và con người Việt Nam, về văn hóa và truyền thống âm nhạc dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa giới nhạc chuyên nghiệp Việt Nam với đồng nghiệp thế giới.
Tham dự Festival lần này có trên 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ (ca sĩ và nhạc công) của trên 30 quốc gia trên thế giới (xếp theo thứ tự chữ cái): Anh, Australia, Azerbaijan, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Canada, Croatia, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hy Lạp, Israel, Italia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Litva, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pháp, Philippines, Singapore, Tatarstan, Tây Ban Nha, Thailand, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Uzbekistan và Việt Nam.
Các chương trình biểu diễn:
Festival bao gồm 5 chương trình hòa nhạc chính với nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau: giao hưởng, thính phòng, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương Tây… Ngoài ra còn có một số chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc, nghi lễ âm nhạc cổ truyền Việt Nam và các hoạt động khác.
1. Lễ khai mạc và Chương trình hòa nhạc giao hưởng: 19 giờ 30 ngày 24/11/2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được chia làm 2 phần gồm 11 tác phẩm của các nhà soạn nhạc Nga, Đức, Trung Quốc, Philippines, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Azerbaijan, Litva, Thụy Sĩ và Việt Nam, do Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam trình tấu, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản) và nhạc trưởng Zoe Zeniodi (Hy Lạp).
2. Chương trình hòa nhạc thính phòng của các nhạc sĩ trẻ Việt Nam: 10 giờ ngày 25/11/2018 tại Phòng Hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
3. Chương trình Hòa nhạc thính phòng quốc tế: 20 giờ ngày 25/11/2018 tại Phòng hòa nhạc L’espace Viện Văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Gồm 2 phần, Dàn nhạc Thính phòng quốc tế dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Zoe Zeniodi (Hy Lạp) trình tấu tác phẩm của các nhà soạn nhạc Canada, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Nga, Lào, Campuchia và Dàn hợp xướng Acappella Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa (Việt Nam) trình bày tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam.
4. Chương trình Hòa nhạc thính phòng của Dàn nhạc Tatarstan “New Music”: 20 giờ ngày 26/11/2018 tại Phòng hòa nhạc L’espace Viện Văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Dàn nhạc Thính phòng Tatarstan “New Music” dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Anna Gulishambarova (Tatarstan) trình tấu tác phẩm âm nhạc dân tộc và đương đại của các nhà soạn nhạc Nga và Tatarstan và Việt Nam.
5. Chương trình Hòa nhạc giao hưởng - Lễ bế mạc: 19 giờ 30 ngày 27/11/2018 tại phòng Hòa nhạc Lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (Sun Symphony Orchestra) gồm các nhạc công và solists quốc tế dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Olivier Ochanine (Pháp) trình tấu tác phẩm các nhà soạn nhạc Nhật Bản, Nga, Australia, Kazakhstan, Việt Nam, Philippines, Hà Lan, Uzbekistan.
Hoạt động giao lưu, dã ngoại:
Trong khuôn khổ Festival còn có các hoạt động sau:
- 10 giờ ngày 27/11/2018 tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, xem chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Dân tộc - Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Ngày 28/11/2018 tham quan quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình (đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới), thưởng thức chương trình nghi thức hầu đồng và nghệ thuật hát Chầu Văn tại Tam tòa thánh Mẫu trong khu Hành cung Vũ Lâm.