FESTIVAL MUSIC: Hiện tượng âm nhạc toàn cầu

02/10/2015

 Lễ hội âm nhạc đã có lịch sử từ lâu đời. Cùng với thời gian, những ngày hội âm nhạc - với quy mô ngày một lớn, thu hút lượng khán giả ngày một nhiều đang trở thành một “hiện tượng” thu hút giới trẻ, được nhân rộng trên toàn cầu.


Tomorrowland - Liên hoan âm nhạc thu hút lượng người xem kỷ lục.

Thay đổi để tồn tại và phát triển 

Năm 1969, Liên hoan âm nhạc Woodstock đã tạo nên dấu mốc quan trọng, không chỉ với làng nhạc mà với toàn bộ nền văn hóa Mỹ. Người ta nhắc đến Woodstock như một hình mẫu cho festival music, bởi những dấu ấn đậm nét của những phong trào hippie - phản chiến đã vượt ra khỏi khuôn khổ âm nhạc thông thường. Trước Woodstock đã từng có Monterey Pop - nơi Jimi Hendrix tưới xăng lên cây đàn guitar của mình rồi châm lửa đốt; có Newport Jazz in đậm dấu ấn biểu diễn xuất thần của nhiều tên tuổi nghệ sĩ nhạc jazz - thể loại vốn đề cao sự ngẫu hứng; có Reading festival được xem như ngày hội nhạc pop lâu đời nhất còn tồn tại.

Nhưng để duy trì sự sống còn, Ban tổ chức các liên hoan rất chịu khó thay đổi hình thức, thể loại âm nhạc. Newport Jazz không chỉ chơi nhạc jazz mà còn cập nhật các thể loại phổ biến ở từng thời điểm như rock, soul, blues. Reading and Leed khởi đầu năm 1961 với jazz; bước sang thập niên 70 đổi hướng thành progressive - rock, blues, hard rock; để rồi cuối thập niên ấy chuyển hẳn sang punk và new - wave. Ở thập niên 80, liên hoan này vẫn duy trì hard - rock nhưng thêm vào sắc màu heavy - metal và punk. Trong khi đó, vào thập niên 90, Reading and Leed đã mời được tên tuổi Nirvana - đầu tàu của dòng grunge đang rất thịnh hành giai đoạn này, góp mặt.

Glastonbury cũng bắt nguồn từ trào lưu hippie đầu thập niên 70, duy trì được trong suốt nhiều thập niên và trở thành một trong những liên hoan đình đám nhất hiện nay. Ngày hội này chào đón mọi thể loại âm nhạc và kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác như múa, xiếc, kịch...

Các liên hoan âm nhạc lớn luôn có nhiều sân khấu để khán giả lựa chọn. Và vì thế, cũng mang đến cho các nghệ sĩ biểu diễn nhiều cơ hội hơn. Thay vì phải xếp hàng trình diễn với thời lượng ngắn ngủi trên một sân khấu chính, họ có những cơ hội biểu diễn lâu hơn, trọn vẹn hơn trên những sân khấu phụ. Ví dụ như Glastonbury có đến năm sân khấu và ở sân khấu phụ vẫn có sự cuốn hút của rất nhiều tên tuổi như Rudimental hay Charli XCX...

Dấu ấn nhạc sàn điện tử và cơn lốc Tomorrowland

Thịnh hành nhất trong giai đoạn hiện nay là dòng nhạc EDM (electronic dance music). Từ châu Âu, dòng nhạc này bùng nổ và tấn công nước Mỹ, y hệt trào lưu British Invasion trong thập niên 60 được dẫn dắt bởi The Beatles. EDM trở thành dòng nhạc chủ lưu, như bài viết trên website MTV vào cuối năm 2012 đã khẳng định bằng tựa đề: “Cuộc xâm lăng của EDM: cơn sóng rave đã chinh phục nước Mỹ như thế nào?”. Cùng với EDM, các DJ được xếp vào danh sách nghệ sĩ kiếm tiền nhiều nhất, các liên hoan nhạc dance rầm rộ tổ chức trên khắp nước Mỹ và thu hút lượng khán giả trẻ kỷ lục.

Hầu hết các ngày hội âm nhạc EDM đều có xuất xứ từ châu Âu, sau đó lan sang Mỹ. Tomorrowland khởi thủy ở Bỉ, khi mang sang Mỹ đổi tên thành TomorrowWorld và trở thành liên hoan EDM đình đám nhất ở đây, sau khi Electric Zoo biến mất. TomorrowWorld đánh dấu lần đầu tiên, nhà tổ chức châu Âu chinh phục thị trường Mỹ. Không dừng lại ở đó, Tomorrowland còn được xuất ngoại và trở thành sự kiện âm nhạc được mong chờ nhất tại quốc gia Nam Mỹ Brasil.

Trào lưu gây sốt tại châu Á


Cộng đồng nhạc trance Việt Nam tại Liên hoan âm nhạc FMFA - Kuala Lumpur.

Ở khu vực châu Á, những sự kiện âm nhạc lớn cũng được đầu tư tổ chức định kỳ, như Fuji Rock (liên hoan ngoài trời lớn nhất tại Nhật Bản) hay Japan Night (nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa Nhật đến với thế giới). Nổi bật trong khu vực Đông-Nam Á có thể kể đến Future Music và ZoukOut.

ZoukOut được tổ chức ở đảo quốc Singapore và khá quen thuộc với khán giả trẻ người Việt, với giá vé khá cao, từ 118 đến 128 đô -la Singapore. Diễn ra ở bãi Siloso - Sentosa, ZoukOut cũng có hai sân khấu lớn để người xem chọn lựa. Những cái tên hấp dẫn từng góp mặt ở ZoukOut có Afrojack, Zedd, Martin Solveig (2013), trong năm 2014 là Above & Beyond, Steve Aoki... Nhưng nếu may mắn có mặt tại đây, bạn có thể cảm nhận rằng, tên tuổi nghệ sĩ biểu diễn chưa phải là thỏi nam châm có sức hút lớn nhất đối với khán giả. Đi bộ từ cổng vào đến bãi cát có dựng sân khấu là một đoạn đường xa nhưng đầy các bạn trẻ tụ tập bên lề đường, hưởng thụ không khí party và thưởng thức “chất cồn” một cách thoải mái hơn thường lệ. Đến 12 giờ khuya, dòng người hướng về bãi Siloso vẫn còn kéo dài dằng dặc.

Future Music Festival được khởi nguồn từ Australia vào năm 2006, với tốc độ phát triển không kém gì Big Day Out một liên hoan âm nhạc thường niên rất thu hút giới trẻ. Liên hoan từng có sự tham dự của các tên tuổi hàng đầu như The Prodigy, The Chemical Brothers, New Order, The Stone Roses... Năm 2012, làn sóng này lan đến Malaysia với tên gọi Future Music Festival Asia (FMFA) và trở thành liên hoan âm nhạc lớn nhất châu Á, với lượng khán giả tham dự trung bình lên đến 55000 người, trong đó có 15.000 khách du lịch. Năm 2014, lượng vé bán ra lên đến 85.000 người trong đó có 20.000 là khách du lịch. Việc tổ chức liên hoan âm nhạc, nếu đúng cách, sẽ là một hình thức kích thích du lịch hấp dẫn. Người viết từng có mặt đúng dịp FMFA 2014 diễn ra và lần đầu tiên chứng kiến hình ảnh khách nước ngoài xếp hàng rồng rắn trước cửa làm thủ tục hải quan. Dễ dàng nhận ra dáng vẻ dân “raver” trong rất nhiều khách du lịch và vài câu chào hỏi sơ bộ đủ để khẳng định điều đó: họ đến đây, với mục đích duy nhất dự FMFA.

Đêm diễn thứ ba của FMFA năm 2014 có những cái tên hàng đầu như Pharrell Williams, Macklemore & Ryan Lewis, Naughty Boy, TinieTempah ở sân khấu chính Future Live; các DJ đình đám Eric Prydz, Martin Garrix ở sân khấu Future Music; Knife Party, Netsky và cả Baauer ở sân khấu Haunted House Arena; Raekwon và Ghostface Killah của nhóm Wu-Tang Clan, Gessafelstein, Brodinski ở sân khấu Mixmag...

Tại Việt Nam đã có những buổi hoặc chuỗi buổi diễn tạo được tiếng vang như Escape hoặc Future Now... Nhờ đó mà công chúng yêu nhạc Việt Nam được thưởng thức tận tai Hardwell, Above & Beyond, Steve Aoki, Infected Mushroom... Cuối năm nay, tin tức được lan ra với một kiểu festival được tổ chức như ZoukOut kéo dài hai ngày liền với sự xuất hiện của Armin Van Buuren - DJ hàng đầu thế giới. Năm 2016, buổi diễn trong khuôn khổ Festival Huế sẽ có những cái tên thật sự ấn tượng như Tiesto, Yanni, Kitaro... Đáng chú ý nhất là sự trở lại của Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon Music Fesstival), vào tháng 10 tới, với sự góp mặt của nhóm tứ tấu đàn dây nổi tiếng Bond. Trình làng từ năm 2014, dù không có những cái tên thật sự ăn khách như Monsoon vẫn diễn ra rất thành công, đủ để ê kíp của nhà sản xuất âm nhạc Huy Tuấn tự tin tính đến một “thương hiệu Moonsoon”, cho lộ trình dài nhiều năm sau đó.

Theo website bán vé trực tuyến viagogo.com, những festival âm nhạc được khán giả chờ đợi nhất trong năm 2015 bao gồm: Tomorrowland (Bỉ), Coachella (Mỹ), Tomorrowland (Brazil), Sensation (Hà Lan), Isle of Wight (Anh), Rock in Rio (Brazil), Stereosonic (Australia), Rock Am Ring (Đức), Benicassim (Tây Ban Nha), Mysteryland (Hà Lan). Cũng theo Viagogo, người dân Mỹ chịu khó tìm kiếm vé tham dự festival âm nhạc nhất. Xếp sau đó là người dân các nước Đức, Anh, Tây Ban Nha và Australia... Sức lan tỏa và sự cuồng nhiệt của công chúng dành cho các festival music là điều không phải bàn cãi. Tiềm ẩn phía sau những bất ổn, khi hầu hết các liên hoan âm nhạc đều đối mặt với tình trạng sử dụng thuốc kích thích (thời thập niên 60-70 là cần sa, LSD, heroin còn giờ đây ở các liên hoan EDM là ma túy tổng hợp methamphetamine). Bảo đảm an toàn tại các sự kiện, với hàng vạn khán giả tham gia cũng là vấn đề khiến các nhà tổ chức đau đầu.

(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...