Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu" 2016: chương trình hòa nhạc “Thế hệ nhạc sĩ trẻ Việt Nam”

13/10/2016

 

Chương trình hòa nhạc thính phòng của các nhạc sĩ trẻ Việt Nam diễn ra vào 10h ngày 13/10/2016, tại Phòng hòa nhạc nhỏ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

1. Trịnh Nhật Anh

3 tác phẩm cho Piano

2. Nguyễn Nhật Quang

Impromptu cho Piano và Clarinet in Bb

3. Nguyễn Minh Trang

Song tấu cho Sáo trúc và Đàn Tam thập lục 16 dây

4. Đỗ Kiên Cường

Những bài dân ca cho dàn nhạc thính phòng

5. Trần Lưu Hoàng

"Fantasie" cho Clarinet, Cello, Piano

6. Phạm Thị Huệ

“Kiều khúc”Solo đàn Tỳ Bà

7. Hồ Hoài Anh

“Nặng tình phương Nam” Solo Đàn Bầu và Tốp nhạc

8. Lê Bằng

"Hội" cho Dàn nhạc thính phòng

 

Các nghệ sĩ Biểu diễn:

Trịnh Nhật Anh / Piano

Nguyễn Nhật Quang / Piano

Nguyễn Minh Hồng / Clarinet

Dương Ngọc Tú / Sáo trúc

Nguyễn Thanh Huyền  / Đàn Thập lục

Trương Thu Hương / Thập lục trầm

Dương Thu Giang / Cello

Trần Lưu Hoàng/ Piano

Phạm Thị Huệ / Tỳ Bà

Hồ Hoài Anh / Đàn Bầu

Và Dàn nhạc thính phòng Rhapsody

Nhạc trưởng: Lưu Quang Minh

 

* Giới thiệu các tác giả trong chương trình:

Trịnh Nhật Anh

Trịnh Nhật Anh năm nay 16 tuổi, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật nên Nhật Anh sớm được tiếp xúc, cảm nhận những giá trị, cái hay trong âm nhạc và hội hoạ. 

Trịnh Nhật Anh được làm quen với phím đàn, nốt nhạc tại lớp nhạc Yamaha âm nhạc từ khi 4 tuổi. Cô may mắn được các thầy, cô giáo tận tuỵ dìu dắt từ bước đi đầu đời. Đến nay, khi là học sinh Trung cấp 2/4 chuyên ngành Sáng tác theo học tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam, Nhật Anh vẫn duy trì cho mình niềm đam mê viết và vẽ lên những nốt nhạc nhỏ.

Qua từng lời giảng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu của người thầy, giảng viên Phạm Minh Thành, các tác phẩm âm nhạc của Nhật Anh hay "3 tiểu phẩm cho Piano" cô trình bày trong Festival lần này ngày càng thêm hoàn chỉnh và chuyên nghiệp hơn.

"3 tiểu phẩm cho Piano" tác phẩm được viết vào đầu năm 2016.

3 tiểu phẩm này chỉ mộc mạc là những cảm xúc nhất thời của cô bé mới lớn. Cô gái ấy lúc nào cũng vui tươi, nhí nhảnh, có chút bướng bỉnh không sợ điều gì. Ấy thế mà cũng có lúc ngồi tương tư, buồn mãi. Phải cho đến khi có niềm vui nhỏ mới lon ton chạy đến, nhẹ nhàng lại ùa về.

Nguyễn Nhật Quang

Nguyễn Nhật Quang sinh năm 1996 tại Hà Nội. Làm quen với cây đàn Piano từ năm 6 tuổi, tuy nhiên, đam mê âm nhạc của Quang chỉ thực sự bắt đầu vào 7 năm sau đó. Các nhạc sĩ phương Tây yêu thích của Quang thuộc trường phái Lãng mạn, Ấn tượng và Tân cổ điển. Nhat Quang cũng dành tình cảm lớn cho các loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là chèo, ca trù và quan họ Bắc Ninh. Năm 2014, Quang bắt đầu học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hệ trung cấp chuyên ngành sáng tác dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ / nghệ sĩ piano Trần Lưu Hoàng.

Tác phẩm "Impromptu for piano and Clarinet" được hoàn thành vào tháng 6 / 2015, là một trong những sáng tác đầu tay của Nguyễn Nhật Quang. Tác phẩm được viết ở hình thức tự do và mang hơi hướng đương đại. Tuy điệu tính được duy trì khá rõ ràng nhưng việc xuất hiện nhiều quãng cromatic, nhịp điệu liên tục được biến đổi và cách nối tiếp các hợp âm nghịch không theo quy tắc cổ điển khiến tác phấm có những bước đi khó đoán trước.

Nguyễn Minh Trang

Nguyễn Minh Trang sinh năm 2000. Năm 2015, Trang đã trúng tuyển vào ngành sáng tác Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dưới sự hướng dẫn và giảng dạy của giảng viên Ths.Phạm Minh Thành.

Tác phẩm Song tấu cho sáo trúc và thập lục là tác phẩm thi học kì hai năm nhất của Minh Trang; lấy cảm hứng là một đêm kỳ quái trên một ngọn núi nọ và buổi sáng sau đó. Tác phẩm này được Minh Trang kì vọng rằng sẽ góp phần mang đến những âm hưởng, giai điệu, màu sắc và ý tưởng mới cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam. 

Đỗ Kiên Cường

Đỗ Kiên Cường là một nhạc sĩ sáng tác, nhạc trưởng, nghệ sĩ biểu diễn tài năng. Anh hoạt động rộng khắp cả ở Mỹ và Việt Nam. Anh cũng đã nhận được những hợp đồng viết nhạc ở Mỹ và ở Châu Á.

Năm 2007, cùng với Dirk Johan Stromberg, anh bắt đầu chương trình Đương Đại Festival. Năm 2010, anh bắt đầu dự án giao hưởng Beethoven. Năm 2011, anh lên sóng truyền hình của thành phố Hồ Chí Minh với vai trò nhạc trưởng với Dàn nhạc thính phòng Sài Gòn. Năm 2012 anh được làm Giám đốc nghệ thuật cho Trung tâm Âm nhạc và Múa Sen Hồng ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2014 anh bắt đầu bận rộn tổ chức những buổi hòa nhạc ở Hà Nội và là một trong 3 thành viên của nhóm Tam tấu Hà Nội.

Anh từng giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội cũng như là nghệ sĩ biểu diễn cho Dàn nhạc Giao hưởng Vũ kịch Tp. Hồ Chí Minh và giảng dạy tại Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh.. Hiện nay anh là giảng viên thỉnh giảng môn âm nhạc của trường Troy University - STU campus tại Việt Nam và Trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh ở Hà Nội.

Những bài dân ca (folk songs) phần I, II 

Phần 1: dựa trên chất liệu âm nhạc miền bắc, cụ thể là giai điệu bài Trống Cơm thể hiện bằng kỹ thuật pizzicato của đàn dây lúc bập bùng như tiếng trống lúc tí tách như những hạt gạo rơi.

Phần 2: âm nhạc dâng dâng chậm chậm từ âm thanh trầm lên tới giai điệu Lý Thương Nhau của dân ca miền trung. Âm nhạc co giãn và đan vào nhau lúc bó lại lúc nở ra như hình tượng trái tim đang thổn thức.

Trần Lưu Hoàng

Nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng tốt nghiệp Thạc sĩ từ Nhạc viện Thượng Hải năm 2011. Một số tác phẩm sáng tác của anh cho Đạo Phật đã được biểu diễn ở Thượng Hải.

Từ 2002 đến 2006, anh học sáng tác với PGS.TS.Đỗ Hồng Quân.

Giải thưởng sáng tác của anh  bao gồm tác phẩm “flute and piano” (2004), “composer jazz theme” ở Mỹ (2008), “Nam mo a di” ở Thượng Hải (2011).

Tháng 5/2014, nhóm nhạc jazz Bavaria của Đức đã biểu diễn tác phẩm phối khí "Inh Lả ơi" của Lưu Hoàng.

Tháng 6/2015, Trần Lưu Hoàng được lời mời của giám đốc Liên hoan âm nhạc quốc tế China-ASEAN lần thứ 4 mời anh sang tham dự và giới thiệu tác phẩm của mình với quốc tế trong tuần lễ liên hoan âm nhạc tại thủ phủ của tỉnh Quảng Tây Nanning và Học viện nghệ thuật Quảng Tây.

Tháng 10/2015, tác phẩm "Nam Mô A Di" được biểu diễn tại Festival âm nhạc mới Á - Âu 2014 do Hội Nhạc sĩ  Việt Nam tổ chức.

Tác Phẩm  Fantasie (Khúc Phóng Túng) được viết dựa trên làn điệu âm hưởng dân ca Việt Nam (Inh Lả ơi) được viết vào năm 2011. Tác giả muốn gửi đến người nghe một "Inh Lả ơi" được viết theo phong cách đương đại nhưng vẫn mang những nét dân ca việt nam  do 3 nhạc cụ Clarinet – Cello - Piano biểu diễn.Thông qua tác phẩm này Nhạc sĩ muốn gửi đến thính giả một  "Inh Lả ơi" được biến đổi về màu sắc hòa âm, phối khí, tiết tấu.

Phạm Thị Huệ

Thạc sĩ Phạm Thị Huệ vừa là ca nương, người chơi các nhạc khí truyền thống, người sáng tác và là giảng viên đàn Tỳ bà tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Những năm 2000 cô Huệ đã được nghệ nhân Ca trù Nguyễn Phú Đẹ (1923) và Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (1930) truyền nghề, họ đã cùng nhau thành lập Giáo phường Ca trù Thăng Long (2006) và cùng các học trò của mình duy trì thực hành biểu diễn bảo tồn nghệ thuật Ca trù tại phố cổ 28 Hàng Buồm 20h thứ 5, thứ 7 hàng tuần. Cô đã biểu diễn tại một số nước Hàn Quốc, Thái Lan, Thuỵ Điển, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản và Pháp.

Tác phẩm “Kiều khúc” viết cho Tỳ Bà và thanh nhạc, sử dung chất liệu Ca Trù, trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

“Một cung gió thảm mưa sầu

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”

Hồ Hoài Anh

NSƯT. Ths. Hồ Hoài Anh sinh ngày 27 tháng 12 năm 1980 tại Hà Nội.  Tham gia dự án Âm nhạc của dàn nhạc Châu Á. Đã viết 3 tác phẩm cho Hòa tấu nhạc cụ dân tộc Châu Á trong đó có tác phẩm “Lung linh Việt Nam” được đánh giá cao và được chỉ huy nổi tiếng của Hàn Quốc chỉ huy dàn nhạc Châu Á trong dịp các Nguyên thủ quốc gia họp tại Hàn Quốc.

Sáng tác nhiều tác phẩm cho dàn nhạc dân tộc, trong đó có tác phẩm “Tiếng vọng” được giải của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tác phẩm “Mở cõi” nhân kỷ niệm nghìn năm Thăng Long và nhiều ca khúc.

Tham gia biểu diễn đàn Bầu trong nhiều dự án âm nhạc ở nhiều nước, cộng tác và biểu diễn đàn Bầu cùng ban nhạc Reto Wbers Percussion orchestra, là khách mời của dàn nhạc dân tộc Rokkasen Concert nổi tiếng của Nhật Bản với tiết mục Độc tấu đàn Bầu. Độc tấu đàn Bầu cùng dàn nhạc Jazz Đan Mạch trong Liên hoan Jazz Châu Âu lần thứ IV tại Hà nội và tham gia nhiều dự án âm nhạc khác với vai trò là giám đốc âm nhạc.

Hiện là nhà sản xuất âm nhạc có uy tín tại Việt Nam và là giảng viên đàn Bầu tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Lê Bằng

Sinh năm 1983. Học Nhạc Viện Hà Nội từ năm 13 tuổi.

Năm 2010 tác phẩm giao hưởng "Dòng chảy nghìn năm" được thể hiện bởi dàn nhạc Rouen (Pháp) Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Claude Bender biểu diễn trong đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Nhà Hát Lớn.
Năm 2010 đoạt giải Nhì thể loại giao hưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 2011 cùng dàn nhạc giao hưởng Rouen biểu diễn tại thành phố Rouen (Pháp) chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ F.LISZT.

Năm 2011 tốt nghiệp đại học Piano Jazz tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Lưu Quang Minh.

Năm 2012 tham gia biểu diễn nhạc Jazz -American Voice tại Bangkok (Thái Lan).
Năm 2014 tham gia Festival Liên hoan âm nhạc Á-Âu tổ chức tại Hà Nội.

Năm 2014 tốt nghiệp cao học chuyên ngành sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Đỗ Hồng Quân.
Năm 2015-2016 học nâng cao về Piano jazz với Giáo sư Hakan Rydin tại Học viện Âm nhạc Malmo-Thuỵ Điển.

Hiện đang là giảng viên chuyên ngành Piano jazz - khoa nhạc jazz Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Tác phẩm "Hội" là tác phẩm mang đậm chất dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ bởi chất liệu âm nhạc dân gian hát Xoan Phú Thọ được tác giả sử dụng xuyên suốt trong tác phẩm. Mở đầu tác phẩm, với phần trình bày ở nhịp điệu tự do trên nền bồi âm của bộ dây khiến người nghe như chìm đắm trong không gian sáng sớm, thoáng đãng nhẹ nhàng. Kết thúc phần mở đầu, thế chỗ cho không gian yên bình của buổi sáng là những tiết tấu rộn rã, tươi vui của ngày hội. Giai điệu của bài dân ca Bà Rằng Bà Rí được hiện lên rõ nét trong phần này đầy sự hóm hỉnh, tươi vui. Ở phần giữa của tác phẩm, vẫn với giai điệu của Bà Rằng Bà Rí nhưng với những tiết tấu chậm và màu sắc phối khí mới mẻ âm nhạc trở nên trùng xuống, đầy sự mềm mại và trữ tình. Ở phần cuối của tác phẩm, giai điệu và những tiết tấu tươi vui của ngày hội được tái hiện thêm một lần nữa.

 

* Giới thiệu các nghệ sĩ biểu diễn:

Nguyễn Minh Hồng / Kèn Clarinet

Nguyễn Minh Hồng sinh năm 1991. Minh Hồng học chuyên ngành Clarinette dưới sự hướng dẫn của giảng Th.S Nguyễn Quốc Bảo. Vừa tốt nghiệp đạt điểm xuất sắc khoá 2012-2016 khoa Kèn-Gõ Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam. 

Năm 2012 dành được học bổng Kumho của Hàn Quốc. 

Từng tham gia âm nhạc thính phòng của CEG. Dàn nhạc sinh viên  Rhapsody philharmonic nay là Maius philharmonic. 

Hiện nay chị là thành viên trong Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội. 

Dương Thu Giang / Violoncello

Dương Thu Giang sinh năm 1981. Từ 1990 đến 2001 học sơ cấp va trung cấp chuyên ngành violoncello tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

2005 tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Violoncello tại học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 2010 tốt nghiệp Thạc sĩ biểu diễn cello tại Học viện.

Cuối năm 2010, dự khóa học nâng cao tại Đại học Temple, Philadelphia, Mỹ.

Thành viên dàn nhạc trẻ Đông Nam Á năm 2003, 2004. Thành viên dàn nhạc trẻ châu Á 2006, dàn nhạc Asean năm 2011.

Tham gia các dàn nhạc giao hưởng trong nước như dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam,tham gia liên hoan các dàn nhạc trẻ tại Nhật năm 2011...

Hiện chị công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Dương Ngọc Tú / Sáo 

Dương Ngọc Tú sinh ra tại Quảng Ninh, là một nghệ sĩ Sáo Trúc trẻ tài năng vừa tốt nghiệp với số điểm xuất sắc, hiện anh đang chuẩn bị là nghiên cứu sinh tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ngoài Sáo Trúc, Ngọc Tú còn thông thạo rất nhiều nhạc cụ khác như Piano, Guitar, Bass, Trống dân tộc, Tam thập lục, đàn Tứ... Ngọc Tú còn là tác giả của một số ca khúc do anh tự sáng tác, phối khí, thu âm rất nhiều các tác phẩm khí nhạc khác. 

Nguyễn Thanh Huyền / Thập lục

Nguyễn Thanh Huyền đã học tập tại Học viện Âm nhạc Huế 10 năm và tiếp tục theo học hệ đại học chính quy chuyên ngành đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiện tại, cô đang công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Huyền tham gia nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc đương đại và thể nghiệm, festival liên kết các nước, festival quest. Ngoài ra, Huyền đã từng tham gia và được trao bằng chứng nhận "Tốt nghiệp khoá học Biểu diễn Âm nhạc đương đại" của trường Musikhögskolan i Malmö - Thụy Điển.

Trương Thu Hương / Thập lục trầm

Trương Thu Hương đã tốt nghiệp đại học hệ chính qui tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô từng tham dự nhiều chương trình, sự kiện âm nhạc lớn và mang tầm quốc tế như Festival nghệ thuật Châu Á lần thứ 14 diễn ra tại Tuyền Châu - Trung Quốc. Ngoài ra, cô cũng từng tham gia và đạt giải nhất Độc tấu đàn tranh - bảng chuyên nghiệp tại Liên hoan Thanh thiếu nhi hát Dân ca và biểu diễn Nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội lần thứ VIII năm 2011. Hiện cô đang là thành viên Ban nhạc Tre nứa Sức Sống Mới.

*
*    *

Đặc biệt tại chương trình Ban giám khảo quốc tế sẽ tìm ra một nhạc sĩ trẻ chiến thắng để trao Giải ACL Tưởng niệm Yoshiro Irino – Giải thưởng này được thành lập tại Hội nghị lần thứ 7 ACL / Festival ở Hồng Kông, năm 1981, để kỷ niệm những thành tựu của cố nhạc sĩ Yoshiro Irino (Nhật Bản) - một trong những người sáng lập của ACL. Giải thưởng được trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất được thực hiện trong Festival ACL bởi một nhà soạn nhạc trẻ tuổi của nước chủ nhà.

Qui tắc:

1. Thông thường các giải thưởng được trao kết hợp tại Asian Composers' League Conference/Festival cho một tác phẩm xuất sắc của một nhà soạn nhạc của nước chủ nhà.

2. Nhà soạn nhạc phải nhỏ hơn 35 tuổi, tính đến ngày của mỗi hội nghị / Festival.

3. Một Hội đồng giải thưởng có 05 thành viên được thành lập để chọn tác phẩm xứng đáng và được đề cử của Chủ tịch ACL hoặc Ban Chấp hành.

4. Đây là giải thưởng sẽ bao gồm mỗi giải $ 1,000 Mỹ và một chứng nhận.

5. Các tác phẩm xuất sắc sẽ được lựa chọn, ghi nhận công lao sáng tạo của một người châu Á-Thái Bình Dương.

6. Các tác phẩm được lựa chọn sẽ nổi bật trong Festival ACL hiện tại, cũng như các buổi hòa nhạc ở các nước, của mỗi quốc gia thành viên cho đến khi Festival/Hội nghị ACL tiếp theo.

7. Ban Chấp hành ACL sẽ chỉ định cách thức và ngày nộp và các mục.

8. Quyết định của Ủy ban giải thưởng sẽ là cuối cùng và không thể thu hồi.

9. Một giải thưởng tiền mặt sẽ được trao cho người chiến thắng bởi NPO JML Yoshiro Irino - Học viện Âm nhạc Tokyo và chứng nhận sẽ được đưa ra bởi Ban chấp hành ACL.

Và Ban giám khảo quốc tế cũng chọn ra 1 tác giả xuất sắc nữa dành cho các nhà soạn nhạc có độ tuổi 40 để trao Giải thưởng TSANG HOUEI HSU.

Mục đích và Ý nghĩa Giải thưởng Tsang Houei Hsu:

Giải thưởng Tsang Houei Hsu được sáng lập nhằm tưởng nhớ Giáo sư Tsang Houei Hsu, một trong những nhà sáng lập của Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á, người đã dành cả đời cho sự nghiệp phát triển văn hóa âm nhạc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm khuyến khích các nhà soạn nhạc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sáng tác nhưng tác phẩm âm nhạc sử dụng những chất liệu truyền thống của chính quốc gia của mình.

Cơ cấu và điều kiện giải thưởng:

1. Giải thưởng bao gồm phần thưởng bằng tiền mặt trị giá 1000 USD và một chứng nhận của Hiệp hội Văn hóa và Nghệ thuật Tsang - Houei Hsu tại Đài Bắc, Đài Loan do ACL trao tặng.

2. Kết hợp với nước đăng cai tổ chức Hội nghị - Festival ACL, giải thưởng sẽ được traocho một tác phẩm xuất sắc được chọn ra từ những tác phẩm tham giamà nước chủ nhà đã chọn lọc.

3. Giải thưởng chỉ dành cho các nhà soạn nhạc 40 tuổi trở xuống và các tác phẩm phải được gửi đúng thời hạn. Nước chủ nhà được giao lựa chọn tác phẩm để tham gia cuộc thi.

4. Tác phẩm dự thi:

a. Phải là tác phẩm viết cho dàn nhạc thính phòng hoặc độc tấu nhạc cụ (giọng hát), có hoặc không có phần âm nhạc acoustic điện tử (nếu có thì nhà soạn nhạc phải đảm bảo đủ điều kiện để biểu diễn trực tiếp).

b. Phải sử dụng nhạc cụ truyền thống và/hoặc với kĩ thuật thanh nhạc chuẩn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hoặc không có nhạc cụ phương Tây; tuy nhiên, việc sử dụng nhạc cụ theo văn hóa gốc của tác giả được đặc biệt đề cao và khuyến khích.

c. Nếu phần lời là bắt buộc, thì khuyến khích mạnh mẽ (nhưng không bắt buộc) cân nhắc tới ngôn ngữ của khu vực.

d. Độ dài phải ít nhất là 7 phút.  Nếu cần thiết, nước chủ nhà sẽ quyết định độ dài cho các tác phẩm và quyết định này sẽ được thông báo tại Đại Hội đồng ACL.

e. Phải được sáng tác trong vòng 4 năm trước ngày nộp tác phẩm.

5. Các tác phẩm trong cuộc thi phải được biểu diễn trực tiếp trong một trong những buổi hòa nhạc trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị ACL.

6. Executive Committee (Ban Lãnh đạo) sẽ bầu ra 5 thành viên tham gia Ban Giải thưởng chịu trách nhiệm lựa chọn những tác phẩm xứng đáng. Quyết định của Ban Giải thưởng sẽ là quyết định cuối cùng và không thể thay đổi.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...