Dự án hợp tác nghệ thuật và giáo dục giữa Hội nhạc sĩ Na Uy, Dàn nhạc giao hưởng Oslo và sáu lớp học âm nhạc tại các trường học quanh khu vực Oslo

23/12/2014

Dự án âm nhạc ung.kom được tổ chức lần đầu tiên trong năm học 2008-2009 và diễn ra đều đặn hàng năm kể từ đó tới nay. Dự án này nhằm mục đích mang tới cho học sinh đang theo học các lớp học âm nhạc tại Oslo và vùng lân cận cơ hội học hỏi kiến thức về sáng tác âm nhạc đương đại, cũng như cơ hội để thưởng thức các chương trình của dàn nhạc giao hưởng. Dự án được thực hiện trong khuôn khổ chương trình đào tạo của trường học.


Ông Bjorn Bolstad - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Nauy (Photo: Nguyễn Thị Minh Châu)

Dự án xuất phát từ mong muốn của Hội Nhạc sĩ Na Uy và Dàn nhạc Giao hưởng Oslo muốn được làm nhiều việc hơn với nhóm thuộc độ tuổi học sinh này. Rõ ràng giới trẻ ngày nay hiểu biết ngày càng ít về những công việc thực hành, lĩnh vực chuyên môn của dàn nhạc giao hưởng và nhạc sĩ sáng tác đương đại. Từ khi AsbjØrnSchaathun được bầu làm chủ tịch vào năm 2006, Hội Nhạc sĩ Na Uy kết hợp với dàn nhạc giao hưởng Valdres Summer, dàn nhạc Kristiansand Summer và Dự án ung.kom đã ưu tiên mở những khóa học sáng tác cho nhóm tuổi từ 16-19. Một khía cạnh khác của dự án đó là sự chú trọng mạnh mẽ của KunnskapslØftet vào sáng tác, coi đó như một kỹ năng cần thiết trong giáo dục học đường. Hội Nhạc sĩ Na Uy tin tưởng rằng, việc phát triển số lượng thành viên chuyên môn sẽ có thể thực sự góp phần nào đó vào lĩnh vực này.

Mục tiêu của Dự án là khi tham gia, mỗi trường sẽ mang tới một sáng tác giao hưởng dài khoảng 5 phút của riêng mình. Tác phẩm ấy sẽ được chính Dàn nhạc Giao hưởng Oslo (OPO) trình diễn trước công chúng nhân dịp bế giảng năm học. Mỗi tác phẩm sẽ được trình bày bằng vài cách thức khác nhau. Trong hai năm đầu, những bản nhạc của các trường học này được đan kết với nhau thành một bản tác phẩm chung có thời lượng 30 phút; trong ba năm gần đây, từng trường trình bày riêng biệt những tác phẩm của mình. Chương trình cũng cho phép lựa chọn các tác phẩm giao hưởng khác như bản A Short Ride In a Fast Machine của John Adams, Pictures At an Exhibition (Những bức tranh trong phòng triển lãm) của Ravel/Mussorgsky và The Planet (Hành tinh) của Gustav Holst. Năm 2012, dàn nhạc cũng đã chơi bản Act của Rolf Wallin, và chính Wallin cũng đã trả lời phỏng vấn ngắn trên sân khấu cùng với AsbjØrnSchaathun. Trong năm 2013, Dàn nhạc giao hưởng OPO cũng đã sử dụng dịp này để giới thiệu một nhạc sĩ tiêu biểu, Jon Øivind Ness, và trình diễn sáng tác của anh ấy mang tựa đề Mjœr. Ness cũng đã tham gia phỏng vấn ngay tại sân khấu và trao đổi với nhà soạn nhạc Eivind Buene. Năm 2014, nhạc sĩ tiêu biểu của Dàn nhạc Giao hưởng Oslo là Ørjan Matre, một trong những sáng tác của anh ấy đã được trình diễn tại buổi hòa nhạc, và chính tác phẩm Matre của anh đã được thu đĩa. Trong thời gian bốn năm, trong số các tác phẩm được giới thiệu độc lập, các tác phẩm đại diện từ các trường khác nhau được mang tới sân khấu biểu diễn kèm theo phần giới thiệu ngắn gọn, giải thích một chút về các tác phẩm đó.

Vai trò của Hội Nhạc sĩ Na Uy trong Dự án phối hợp này là cung cấp cho các trường tham gia dự án những nhà cố vấn chuyên môn sáng tác. Họ là những nhà soạn nhạc chuyên nghiệp, có thể phân tích nghệ thuật, giúp cho các trường cơ hội có được một tác phẩm soạn cho dàn nhạc trình diễn. Ngoài ra người cố vấn còn đóng vai trò như những nhà tư vấn chuyên môn cho tất cả mọi yếu tố có trong Dự án như: cố vấn về nhạc cụ, chuẩn bị tổng phổ, hòa âm và phối khí. Hội Nhạc sĩ cũng chịu trách nhiệm thuê một người phối âm - phối khí, người sẽ chỉnh lý, dàn dựng tác phẩm của các trường để dàn nhạc giao hưởng có thể chơi được tác phẩm đó. Chương trình giáo dục của OPO sẽ tạo mọi nỗ lực để làm cầu nối giữa dàn nhạc và khán giả trẻ tuổi bằng cách đưa các em tới Nhà hát Oslo, tạo ra những cơ hội giao lưu giữa học sinh và các nhạc công của nhà hát trong các buổi tập thuộc khuôn khổ của Dự án ung.kom.

Tổ chức Dự án

Hàng năm Dự án này có sự tham gia của sáu lớp học sinh tốt nghiệp phổ thông, cao đẳng, sáu nhạc sĩ cố vấn, một người dàn dựng, một nhạc trưởng, Dàn nhạc Giao hưởng Oslo và hai điều phối viên đến từ các viện nghiên cứu mà dự án phối hợp thực hiện.

Dự án bắt đầu từ học kỳ mùa thu. Năm 2008-2009, các nhạc sĩ đã đến trường mình phụ trách và có các buổi nói chuyện, trình bày tại các lớp học. Năm 2009-2010, chúng tôi mời tất cả các trường tham gia nghe bài diễn thuyết chào mừng của nhạc sĩ Henri Hellstenius tại khán phòng Lille Sal của Nhà hát Oslo (thực ra là có hai buổi nói chuyện vì khán phòng Lille Sal không thể chứa được cùng lúc tất cả các sinh viên). Cách thực hiện này thành công ngay lập tức, và sau đó chúng tôi đã tổ chức thêm vài lần nữa. Nếu trước đây, Dự án chỉ dành cho những em đã được lựa chọn tham gia thì tới nay, các trường đã đăng ký cho tất cả học sinh học âm nhạc năm cuối được tham gia. Công việc sáng tác được thực hiện trực tiếp. Phần quan trọng nhất trong giai đoạn đầu của Dự án là chuẩn bị một hội thảo tập huấn vào cuối tháng 10 - đầu tháng 11, với một nhóm nhạc có 17 nhạc công: flute, hautbois, clarinette, basson, kèn cor, trumpete, trombone, tuba, hai nhạc công chơi bộ gõ hoặc timbales, piano, đàn harpe, tứ tấu đàn dây và đàn contrabasse. Có hai lý do khi chọn những nhạc cụ này hòa tấu bởi đây là dàn nhạc thông thường trong sáng tác hiện đại và cũng là những nhạc cụ luôn có mặt trong dàn nhạc giao hưởng. Khi làm việc cùng với nhạc sĩ cố vấn, thầy giáo âm nhạc, các học sinh có thể phát triển nhiều ý tưởng đa dạng ngay trong hội thảo tập huấn. Những ý tưởng này có thể bao gồm cả âm thanh, khái niệm, ý tưởng sáng tác cho khí nhạc mà các học sinh muốn thử nghiệm ngay trên các nhạc cụ và các em có thể gửi bản nhạc của mình tới dàn nhạc trước khi có các buổi tổng duyệt. Trình tự thực hiện cho công việc sáng tác của từng trường khác nhau. Sở trường của người nhạc sĩ cố vấn, cũng như sự đồng thuận về những điều cần tập trung hướng tới của cả thầy và trò là quan trọng nhất. Một số lựa chọn tập trung vào âm thanh, một số tập trung vào ngẫu hứng, một số tập trung cho việc thể hiện các chuyển động của âm thanh bằng đồ thị, hoặc số khác lại tập trung vào các kỹ thuật sáng tác. Mỗi trường có tối đa 45 phút tổng duyệt bao gồm cả chạy thử chương trình và điều chỉnh theo ý tưởng của người nhạc trưởng. Tại buổi tổng duyệt này, học sinh phải nói về những ý tưởng, mục đích cơ bản của các em. Các nhạc công phản hồi lại về bản nhạc; đặt câu hỏi với những nhạc sĩ trẻ tuổi xem họ đang cố gắng diễn giải điều gì thông qua âm nhạc, những thủ pháp sáng tác và mọi vấn đề có liên quan đến nhạc cụ mà học sinh muốn tìm hiểu. Các em học sinh còn có cơ hội đặt câu hỏi với cả nhạc trưởng hay các nhạc công. Những buổi tổng duyệt này đều được ghi âm và sau đó gửi lại bản sao cho các trường giữ. Những trường có buổi tổng duyệt trùng ngày đều được khuyến khích ở lại xem quá trình tập luyện cho tác phẩm của trường kia, từ đó họ có thể học hỏi được các cách làm việc khác nhau, thu nhận những thông tin bổ ích cho quá trình sáng tác và những khả năng phù hợp khi hòa tấu của Dàn nhạc Giao hưởng Oslo.

Giai đoạn II của Dự án là tạo ra một tác phẩm âm nhạc trong khoảng thời gian 5 phút. Từng trường làm việc kết hợp cùng với nhạc sĩ cố vấn và các giáo viên âm nhạc của mình, sử dụng những kinh nghiệm thu được từ hội thảo tập huấn để viết tác phẩm cho dàn nhạc dây thính phòng. Tác phẩm này sau đó được ghi ra tổng phổ, dàn dựng và đưa cho dàn nhạc dây của Nhà hát Giao hưởng OPO tập trong tháng 1 hoặc tháng 2. Ở đây, mỗi trường chỉ được dành 15 phút trình diễn và ghi âm lại sự kiện trình diễn tác phẩm này.

Giai đoạn III và cũng là giai đoạn cuối cùng của Dự án là chuyển tác phẩm do một dàn nhạc dây nhỏ trình diễn sang cho một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ trình diễn. Tại đây, hai phương thức làm việc thay thế đã được đưa ra.

Thứ nhất là chuyển tổng phổ dành cho dàn nhạc dây và băng ghi lại sự kiện dàn dựng tác phẩm tới người phối âm - phối khí, người này sẽ chuyển thể cho dàn nhạc giao hưởng đầy đủ chơi dựa trên lấy âm thanh và tìm ra các ý tưởng sáng tác có trong phiên bản dành cho dàn nhạc dây.

Nếu các trường có thời gian và khả năng, họ có thể tự chuyển thể tác phẩm này và sau đó chuyển cho người phối âm - phối khí, người này cần đảm bảo rằng nhạc cụ, tổng phổ và phối khí đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật căn bản của nhạc giao hưởng.

Người phối âm - phối khí là một trong những người hoàn thiện bản tổng phổ cuối cùng sau khi nhận sự đóng góp từ các trường tham gia và phân thành những bản nhạc riêng cho các nhạc công dàn nhạc.

Trong năm 2008-2009, người phối âm - phối khí chịu trách nhiệm nối các đoạn sáng tác lại với nhau thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Trong năm 2009-2010, chúng tôi cố gắng dựa theo khuôn mẫu của bản giao hưởng Pictures At an Exhibition (Bức tranh trong phòng triển lãm) của Mussorgsky, ở đó các đoạn nhạc được phân ngắt với một “chủ đề bước dạo” vì thế rất dễ nhận ra phần nhạc sáng tác của mỗi trường đóng góp vào trong tác phẩm chung. Người phối âm - phối khí được giao nhiệm vụ sáng tác chủ đề “bước dạo” này, sau đó chủ đề này được mỗi trường biến tấu theo cách khác nhau. Trong bốn năm gần đây chúng tôi đưa ra nhiệm vụ phối khí cho sáu bản sáng tác riêng biệt của các trường. Điều này mang đến một phương cách làm mới, đặc biệt là nó vẫn giữ được phong cách riêng trong mỗi bản nhạc của từng trường, tốt hơn là khi người ta nối các tác phẩm của các trường thành một bản chung với nhau.

Kết thúc Dự án là một buổi hòa nhạc tại Nhà hát Oslo do chính Dàn nhạc Giao hưởng Oslo chơi trước toàn thể các trường tham gia Dự án, cùng với sự có mặt của những nhạc sĩ cố vấn của họ. Buổi hòa nhạc do AsbjørnSchaathun - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Na Uy vào thời điểm này giới thiệu và dẫn chương trình.

Những yêu cầu khi tham gia dự án ung.kom

- Yêu cầu đầu tiên là nhà trường phải quan tâm đến dự án này.

Dự án đã vận hành được sáu năm và đã có sáu trường trung học, cao đẳng tham dự. Chúng tôi đều biết là các trường đều quan tâm đến dự án và chúng tôi nhận được một số đề nghị mong muốn tham gia của một số trường khác.

- Yêu cầu thứ hai là các thành viên của Hội Nhạc sĩ Na Uy phải quan tâm và tham gia Dự án này và luôn sẵn sàng tham gia cố vấn.

Trong năm 2008-2009, những nhạc sĩ cố vấn là Rune Bebne, Wolfgang Plagge, Glenn Erik Haugland, Erik Dæhlin, Gisle Kverndokk và Bjørn Bolstad Skjelbred. Sau này còn có thêm các điều phối viên - thay mặt cho Hội Nhạc sĩ Na Uy điều hành Dự án, hỗ trợ cho những nhạc sĩ cố vấn này, OPO và các trường. Skjelbredhas là điều phối viên của dự án từ ngày đầu tiên. Những nhạc sĩ khác trước đây từng tham gia với tư cách các nhạc sĩ cố vấn, đó là: Rune Rebne, Erik Dæhlin, Arnt Håkon Ånesen, Bente Leiknes Thorsen, David Bratlie, Maja Ratkje, Øyvind Mæland, Therese Ulvo, Martin Ødegaard, Christian Jaksjø và Julian Skar.

- Yêu cầu thứ ba và cũng là yêu cầu cuối cùng, đó là các nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Oslo phải có trách nhiệm trong việc tham gia.

Những nhạc công tham gia tập bài, nói chuyện với các em học sinh. Dự án này được thực hiện đầy đủ trên cả hai phương diện trách nhiệm cũng như phải đạt được yêu cầu cao. Chúng tôi thấy rõ được sự quan tâm ngày càng cao từ phía các nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Oslo, cũng như sự hiểu biết về tầm quan trọng của họ đối với những dự án như thế này.

ung.kom ngày nay được đưa coi là một phần trong kế hoạch hoạt động của các dàn nhạc trong giai đoạn hiện nay cũng như những năm 2015-2016 và 2016-2017

Phân chia trách nhiệm giữa Hội Nhạc sĩ Na Uy và OPO

Xét trên mọi khía cạnh, đây là một dự án lớn và phức tạp, nó đòi hỏi sự phân chia rạch ròi về trách nhiệm các bên.

- Hội Nhạc sĩ Na Uy chịu trách nhiệm tổng thể về mặt giáo dục và nghệ thuật, chịu trách nhiệm cử các nhạc sĩ cố vấn đến các trường tham gia, tổ chức các sự kiện và chỉ định những người phối âm - phối khí. Thêm vào đó, Hội cũng cung cấp những điều phối viên - những người chịu trách nhiệm liên hệ giữa các trường, các nhạc sĩ cố vấn, những nhà phối âm - phối khí và với những điều phối viên của nhà hát trong suốt quá trình vận hành của Dự án.

Những nhà phối âm - phối khí tham gia ung.kom: Helge Havsgård Sunde (2008-2009 và 2009-2010), Gaute Storaas (2010-2011) và Bjørn Morten Christophersen (2011/2012 - cho đến hiện nay).

Dàn nhạc Giao hưởng Oslo chịu trách nhiệm cung cấp các nhạc công cho những buổi tập các tác phẩm nhỏ, các phòng trống và nhạc cụ sử dụng trong suốt quá trình diễn tập này; bài thuyết trình khai mạc; bố trí photocopy các bản nhạc và các bản thảo cho các thành viên của buổi hòa nhạc. OPO cũng chịu trách nhiệm cung cấp nhạc trưởng cho dự án và duy trì liên lạc với giới truyền thông.

Những nhạc trưởng tham gia ung.kom: Morten Wensberg (2008-2009), Håkon Daniel Nystedt (2009-2010), Cathrine Winnes Trevino (2010-2011 và 2011-2012), Elise Båtnes (2012-2013) và Torodd Wigum (2013-2014).

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...