"Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội"
Biết tôi vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, chiều ngày 25/3/1982, nhạc sĩ Hoàng Hiệp có mặt tại cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) số 7 Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tôi vừa bước vào cổng, Hoàng Hiệp gọi liền, chúng tôi cùng “sà” vào quầy bia hơi giữa sân. Ông nói rằng, “ngày mai cả nhà về quê An Giang nên mình đến chào bạn và gửi băng cát-xét bài hát “Nhớ về Hà Nội” mình mới sáng tác mà Hồng Nhung hát. Huyền đem về Hà Nội “khoe” giúp mình với bà con Đài ta ngoài đó”. Ngồi với nhau giữa Sài Gòn mà nhớ năm 1974 cũng uống bia hơi ở cổng số 56 phố Quán Sứ Hà Nội (cơ quan Đài Phát thanh Giải Phóng A – cạnh Đài TNVN). Hồi đó chúng tôi cùng sinh hoạt chung một chi bộ Văn nghệ, trước khi ông trở về Nam công tác.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Hơn 20 năm sống và làm việc ở Hà Nội, nên duyên và nặng tình nặng nghĩa với Thủ đô, sau ngày đất nước thống nhất nhạc sĩ Hoàng Hiệp về thành phố Hồ Chí Minh mà ông “Lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Ông từng nói với chúng tôi những kỷ niệm về Hà Nội và nhận xét rằng: “Hà Nội đúng là có 4 mùa. Mùa nào ra mùa ấy: Hè thì nóng ran, đông thì lạnh cóng. Thu nắng vàng mới đẹp làm sao! Mùa xuân mưa phùn cây cối đâm chồi nảy lộc… Mỗi khi xuân về tôi mới hiểu thế nào là Tết - tết là tiết - Tiết trời thay đổi thật linh thiêng. Ôi hoa đào! Ôi tiếng leng keng tàu điện sớm khuya. Nhớ Hà Nội quá, nhưng nhớ nhung trong niềm tự hào. Tự hào về một Thủ đô đánh giặc kiên cường, tình người đằm thắm. Đó là quê hương thứ hai của tôi. Có lẽ vì thế mà bài hát “Nhớ về Hà Nội” tôi đã viết nhanh nhất, chỉ trong một đêm mùng một Tết Nhâm Tuất – 1982”.
…Nhớ phố Khâm Thiên rợp bóng cây
Tiếng ve ru những trưa hè
Và nhớ những công viên vừa mới xây
Bước chân em chưa mòn lối...
Hoàng Hiệp đã “Nhớ về Hà Nội” như vậy. Dường như những gì Hà Nội nhất, thân thương nhất… đều đã đi vào kỷ niệm, vào ký ức, vào máu thịt của ông. Từ một Hà Nội: “Hồn nước non thiêng còn giữ dấu xưa oai hùng”, một Hà Nội đánh giặc bằng truyền thống từ thuở Thăng Long, một Hà Nội với những chuyến tàu điện, những đêm hoa sữa, một Hà Nội mà Hoàng Hiệp từng là người được chứng kiến, người trong cuộc:
Nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh
Đất rung ngói tan, gạch nát.
Em vẫn đạp xe ra phố
Anh vẫn tìm âm thanh mới.
Bài hát đôi ta là khúc quân ca…
Và một nỗi nhớ rất đặc biệt:
Nhớ chiều 30 tết, giữa đào hoa tươi thắm
Đường phố đông vui, chờ đón tất niên
Là phút thiêng liêng. Lắng nghe thơ Người, Hà Nội ơi…
Những câu hát này thật sự là Hà Nội, rất Hà Nội, và tưởng chừng không một bức tranh nào có thể miêu tả đời sống tâm linh của Hà Nội sâu sắc hơn. Không yêu thương đến sâu nặng, không gắn bó đến hết mình, không nhớ thương đến “cháy bỏng”, hẳn không thể viết được như vậy.
Nhưng cái cao cả hơn của bài ca đầy sức quyến rũ và chinh phục lòng người này, lại ở chính nhân cách và đạo lý của nhạc sĩ. Giữa một Sài Gòn giàu màu sắc, một Sài Gòn quê hương có phần sinh động và quyến rũ hơn. Hoặc nói đúng hơn vẫn giữ được tất cả những ân tình, những kỉ niệm, lòng kính trọng và cả sự biết ơn với một mảnh đất hôm nay vẫn còn vất vả hơn nhiều so với quê hương miền Nam của ông, vẫn trái tim của chính ông và mỗi con người cả Nam lẫn Bắc. Đây là chân lý, nhưng không phải không có lúc, có nơi, có người ít hay nhiều đã phai nhoà hoặc đã lãng quên.
“Nhớ về Hà Nội” không chỉ riêng Hoàng Hiệp nhớ, mà còn là nỗi nhớ chung của nhiều người khi xa Thủ Đô yêu dấu bẵng những khía cạnh riêng trong tâm khảm.
Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hoà bình…
Đây là một trong những bài hát hay về Hà Nội từ trước đến nay. Chọn được một lối cấu trúc vòng tròn, một điệp khúc quay đi quay lại bằng những âm thanh tha thiết chân thực và tiêu biểu đến mức chính nhiều người Hà Nội cũng không nghĩ ra được hết từ những kỷ niệm khó quên trong chiến tranh và trong hòa bình. Đó là cái tài giỏi, cái khéo léo của Hoàng Hiệp trong ca khúc này.
Dù ông đã đi xa cách đây 3 năm (2013), nhưng hình ảnh nhạc sĩ Hoàng Hiệp cùng với các tác phẩm quen thuộc, trong đó có ca khúc “Nhớ về Hà Nội” vẫn còn mãi với thời gian và sống mãi với tình đời cùng tình người Hà Nội./.