Đời sống âm nhạc Bắc Trung Bộ trong xã hội đương đại

11/12/2013

1. Từ một thực tế...

Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật cho nên nó thuộc về thượng tầng kiến trúc xã hội gồm chính trị, triết học, tôn giáo, nghệ thuật... Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật, các yếu tố của thượng tầng kiến trúc dù có tác động nhưng lại phụ thuộc vào vai trò quyết định của hạ tầng cơ sở, trong đó kinh tế là yếu tố then chốt. Ông bà ta ngày xưa thường nói: Có thực mới vực được đạo, cho thấy cái nhìn thực tế rằng khi không có kinh tế, nghĩa là khi các nhu cầu vật chất thường ngày của con người không được đảm bảo thì khó có thể vươn tới sáng tạo những vấn đề cao xa về mặt tinh thần. Bất kể những ngoại lệ, đây vẫn là quy luật chung của xã hội theo như quan niệm của các nhà triết học theo trường phái duy vật biện chứng.

Trong tổng thể các vùng kinh tế của Việt Nam hiện nay, Bắc Trung bộ là một trong những vùng kinh tế thuộc loại khó khăn. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản phụ thuộc nhiều vào thời tiết vốn đã không thuận lợi. Đời sống kinh tế của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn, kéo theo sự kém phong phú và đa dạng của đời sống văn hóa tinh thần. Thực tế là một khi còn chưa đủ ăn thì không ai bỏ tiền mua vé đi xem ca nhạc, hoặc khi nhà nghèo không đủ tiền nuôi đàn con ăn học thì lấy đâu ra để đầu tư cho con học đàn, học múa. Các bạn trẻ cũng chọn ngành học nào có thể nhanh kiếm ra tiền để đỡ đần cha mẹ chứ ít ai đi vào con đường âm nhạc phải nhiều năm khổ luyện cam go, vất vả mà kết quả thì quá xa vời. Người học nhạc ra trường thì có ít “đất dụng võ” để có thể phát triển nghề nghiệp, trở thành nghệ sĩ bởi sản phẩm của anh dù hay hay dở có quá ít người tiêu thụ. Nhiều nhạc sĩ than rằng tác phẩm sáng tác ra chỉ bỏ ngăn kéo chứ lấy đâu ra tiền để phối âm, làm đĩa, dẫu có phát hành đĩa cũng không bán được. Ở vùng đất này, đa số sinh viên ra trường đi theo hướng dạy nhạc hoặc làm trong các cơ quan nhà nước, thà nghèo mà được “an lành”, nếu muốn thành nghệ sĩ phải đến các trung tâm âm nhạc lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Cứ thế, khó có thể có được một sự khởi sắc cho hoạt động âm nhạc ở vùng đất này.

Dù vậy, vùng đất Bắc Trung bộ không thiếu vắng những người làm âm nhạc tài năng, nhưng nó chỉ là nơi cung cấp nhân lực cho các trung tâm âm nhạc lớn của đất nước. Các nhạc sĩ An Thuyên, Tôn Thất Lập, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Mỹ Lệ, Vân Khánh, và gần đây là Hương Tràm... đã chọn Hà Nội hay Sài Gòn làm đất dụng võ trong khi đời sống âm nhạc vùng Bắc Trung bộ vẫn đìu hiu. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đa số là dân nghèo như ở vùng Bắc Trung bộ chúng ta, với cái nhìn thực tế thì âm nhạc là một thứ “xa xỉ phẩm”, nghề âm nhạc là một nghề “trên mây trên gió” và “phi thực tế”.

Hiện nay, vùng đất miền Trung gió Lào cát trắng vẫn tiếp tục ươm mầm cho những nghệ sĩ triển vọng. Điển hình là trong cuộc thi Sao Mai 2013 vừa qua, nhiều giọng ca đăng quang đến từ Bắc Trung bộ như Trần Thị Huyền Trang (Nghệ An) và Ngô Thị Thanh Huyền (Thanh Hóa) đoạt giải nhất, Đinh Thị Trang (Nghệ An), Trần Thụy Miên (Hà Tĩnh) đoạt giải nhì, Tịnh Uyên (Quảng Trị) đoạt giải ba. Thế nhưng những giọng ca triển vọng ấy sẽ phát triển đến đâu nếu tiếp tục bám trụ ở quê hương ? Đây là câu hỏi làm đau đầu tất cả chúng ta, những người quan tâm đến đời sống âm nhac của vùng đất này.

2. ... và một vài suy nghĩ

Cho dù cuộc sống còn khó khăn, âm nhạc vẫn hiện diện trong đời sống của người dân. Đó là thứ không thể thiếu, giúp nâng đỡ và thăng hoa đời sống tinh thần, nên người ta tìm cách nào tiện nhất, rẻ nhất để đến với nó.

Điều cần làm trước tiên là nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo. Đối với các trường đào tạo chuyên nghiệp, cần đi sâu về chất lượng để tạo ra những con người tinh về nghề. Nguồn nhân lực này đến lượt nó sẽ tỏa ra khắp nơi để tiếp tục bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến việc dạy âm nhạc trong các trường phổ thông. Môn Âm nhạc thường thức rất quan trọng đối với việc rèn luyện kiến thức và mỹ cảm âm nhạc cho công chúng. Khi cảm thụ âm nhạc được bồi dưỡng và nâng cao thì kéo càng nhiều người hơn đến với âm nhạc, người dân được đào tạo thành những khán giả “xịn” biết thưởng thức và quý trọng các sản phẩm âm nhạc, điều này khuyến khích nhiều người hơn đến với nghề làm âm nhạc, nguồn cung cấp đầu vào cho các nhạc viện vì thế càng rộng mở, đời sống âm nhạc sẽ trở nên sôi động hơn.

Về vấn đề sáng tác và biểu diễn, trong khi đời sống âm nhạc tại địa phương vẫn đìu hiu, miền Trung tiếp tục cung cấp nhân lực cho hai đầu đất nước. Đây là một thực tế cần được chấp nhận bởi nó là quy luật chung của ngành âm nhạc và một số ngành nghệ thuật khác ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta tự hào và mừng cho những nghệ sĩ tạo lập sự nghiệp trên đất người, đó cũng là sự đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Dù đi hay ở lại, nghệ sĩ vẫn phải cực nhọc lao động sáng tạo để làm ra các sản phẩm tốt nhất có thể.

Các nghệ sĩ ở miền Trung dù có nhiều bất lợi trong hoạt động nghệ thuật như đã nêu, nhưng vẫn có thuận lợi là gần với đời sống của dân, gần với hồn đất quê hương. Đó chính là một mạch nguồn cho xúc cảm sáng tạo, chúng ta cần phát huy tốt hơn nữa để làm nên các tác phẩm nói được tiếng nói của lòng dân. Đó là điều người dân đang cần, và cũng nhờ thế chúng ta phát huy được tác phẩm của mình.

Ngày nay, khi internet len lỏi vào mọi ngóc ngách của thế giới thì nghệ sĩ dù ở đâu vẫn có thể cập nhật các thông tin cần thiết để tự “làm mới” mình. Và không cần phải đi xa, anh vẫn có thể trình diễn được tác phẩm của mình qua mạng. Nghệ sĩ “vùng sâu vùng xa” như ở Bắc Trung bộ vốn thiệt thòi trong các hoạt động giao lưu nghệ thuật, chúng ta cần lưu ý khai thác phương tiện thuận lợi này của thế giới đương đại.

Trở lại với lý luận về vai trò quyết định của kinh tế đối với văn hóa nghệ thuật đã nêu ở đầu bài, nếu đợi cho kính tế phát triển để làm bệ đỡ cho âm nhạc thì là một con đường dài. Chúng ta, những người làm âm nhạc, phải tự tìm hướng đi cho mình. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng vẫn có người, trong đó có bản thân tôi và các nhạc sĩ ở đây, cứ “đâm đầu” vào làm âm nhạc tuy vẫn còn con đường khác để lựa chọn. Chẳng có lý do nào khác ngoài đam mê, tình yêu đối với âm nhạc. Hãy nuôi dưỡng tình yêu ấy và truyền lại cho lớp trẻ, khơi dậy niềm đam mê, sự sáng tạo độc đáo của mỗi con người nghệ sĩ và khuyến khích họ phát triển. Cần nhớ rằng với người nghệ sĩ, sự thăng hoa về tinh thần, sự cổ vũ của xã hội chính là nguồn năng lượng dồi dào để vượt qua khó khăn vật chất, theo đuổi đam mê và tiếp tục cống hiến.

Để kết thúc bài này, tôi xin quay lại với lý luận cơ bản của triết học duy vật: tuy vật chất quyết định ý thức, nhưng ý thức cũng có sự độc lập tương đối và sự tác động ngược trở lại đối với vật chất. Sự “tác động trở lại” này là điều nghệ sĩ chúng ta cần làm để tác phẩm của mình làm đẹp hơn cho cuộc sống của người dân và cho chính chúng ta.

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...