Đời sống âm nhạc 2018

10/05/2019

Điều dễ nhận thấy nhất trong bức tranh âm nhạc năm 2018 qua góc nhìn của riêng tôi là sự đa dạng. Dù khắt khe mấy đi nữa, ta vẫn không thể phủ nhận rằng: đời sống âm nhạc hiện nay đa sắc hơn trước với nhiều sự kiện, dự án, chương trình trên sân khấu, trên sóng phát thanh, truyền hình và internet; với các tác phẩm phong phú về đề tài nội dung và hình thức thể loại, đa dạng hơn về ngôn ngữ âm nhạc và phong cách trình diễn.

Bên cạnh nhạc mới, thấy rõ sự hồi sinh của nhạc cổ với không ít chương trình kiên trì quảng bá cho các thể loại dân gian cổ truyền, đặc biệt những loại hình đã được thế giới biết đến qua sự tôn vinh của UNESCO (ca trù, quan họ, hát xoan, đờn ca tài tử…).

Bên cạnh ca nhạc giải trí, còn có nhiều sáng tác nối tiếp dòng chảy mà báo chí thường gắn cho tên gọi: nhạc “đỏ”, nhạc cách mạng. Dòng chảy âm nhạc chính thống đâu chỉ có ca khúc quần chúng, mà phải kể đến những bài hát có phần đệm mang tính chuyên nghiệp cao (romance) và các thể loại thanh nhạc lớn như hợp xướng có nhạc đệm và hợp xướng không nhạc đệm (à capella), thanh xướng kịch (oratoria), kịch hát, nhạc kịch (opera)…; và không thể chỉ tính thanh nhạc mà bỏ qua sáng tác khí nhạc là tiếng nói đại diện cho nền âm nhạc nước nhà trên nhạc trường quốc tế.

Bên cạnh hoạt động sáng tác và biểu diễn, còn cần ghi nhận thành tựu trong lĩnh vực đào tạo và lý luận âm nhạc, với sự nối dài danh sách giải thưởng quốc tế và quốc gia bởi các tài năng trẻ, với việc in ấn những cuốn sách và chuyên luận nghiên cứu phê bình âm nhạc mang chất lượng khoa học và nghệ thuật.

Chỉ tiếc, sự đa dạng trong các lĩnh vực kể trên chưa thực sự đem lại hiệu quả xã hội như mong muốn, bởi ngoài cố gắng tự thân của người sáng tạo, hiệu quả xã hội còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan, vào nhiều thứ vượt ra ngoài tầm với của giới nhạc. Sau tính đa dạng, đây là điểm thứ hai tôi muốn nói tới: xã hội hóa hoạt động âm nhạc.

Việc xã hội hóa sản phẩm âm nhạc hiện nay luôn chú trọng hai yêu cầu: tính thương mại và tính phổ cập. Trong ca nhạc thị trường mục tiêu thương mại thường được đặt trên giá trị nghệ thuật, hiệu quả phổ cập luôn được đánh giá cao hơn chất lượng học thuật. Có cầu khắc có cung, thế là ra đời hàng loạt sản phẩm chạy theo thị hiếu số đông và vô số bài bình luận âm nhạc chỉ “bình loạn” những chi tiết “ngoài âm nhạc”.

Giữ vai trò quyết định với nhạc thị trường và các chương trình ca nhạc được giới kinh doanh tài trợ, tính thương mại còn tạo nên áp lực không nhỏ cho nhạc chính thống. Mục tiêu thương mại luôn là rào cản trong việc phổ cập nhạc cổ và giao hưởng thính phòng. Nhiều tinh hoa cổ truyền rất khó đi vào đời sống xã hội, dù các nhà nghiên cứu cùng các nghệ nhân vẫn âm thầm phổ cập di sản tổ tiên. Nhiều tác phẩm khí nhạc không có cơ hội vang lên, nhiều bản thảo nghiên cứu phê bình âm nhạc không có điều kiện in ấn, vì các nhà soạn nhạc và các nhà lý luận hoàn toàn bất lực trong việc đưa những đứa con tinh thần tới công chúng.

Nhìn lại đời sống âm nhạc 2018, ta không khỏi băn khoăn khi yếu tố thương mại làm nảy sinh không ít biến thái trong cách thức trình diễn nhạc cổ nhằm câu khách trong lễ hội dân gian, trong nghi lễ hầu đồng.

Ta không khỏi lo ngại trước sự nở rộ các chương trình truyền hình thực tế, các cuộc thi thố hát hò có biểu hiện lệch lạc về thẩm mỹ âm nhạc, dễ gây phản cảm hoặc ngộ nhận cho người xem.

Ta không khỏi nản lòng vì yếu tố phổ cập đại trà kèm căn bệnh thành tích giả dối đã dẫn tới lạm phát chức danh giáo sư - tiến sĩ trong đào tạo âm nhạc, vậy mà vẫn không trang bị đạo đức nghề nghiệp tối thiểu cho người làm nhạc, khiến hiện tượng đạo nhạc, đạo văn, đạo ý tưởng là hành vi tuyệt đối cấm kị trong sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu khoa học lại trở thành cơm bữa.

Song, nhìn lại năm 2018, ta có thể hy vọng vào các cây bút trẻ có tính cách riêng, biết vận dụng công nghệ thông tin trong hoạt động âm nhạc, dám thử nghiệm và ham học hỏi thành tựu âm nhạc thế giới cũng như kế thừa tinh hoa vốn cổ dân tộc.

Ta có thể phấn chấn với sự gia tăng các chương trình hòa nhạc mang tầm quốc gia và quốc tế, đặc biệt các buổi hòa nhạc của dàn nhạc Sun Symphony do Tập đoàn Sun Group thành lập đang được coi như một dẫn chứng đầy thuyết phục cho mô hình tư nhân hóa hoạt động âm nhạc.

Thực tế đang cho thấy tư nhân hiệu quả hơn nhà nước trong việc xã hội hóa hoạt động âm nhạc. Một khi vai trò bao quát của người tổng chỉ huy quá mờ nhạt, thì dễ dẫn đến tình trạng thả nổi, tự phát, mạnh ai nấy làm, và khó mà tạo nên sự cân đối hài hòa cho bức tranh chung.

Chính vì mất cân đối nên công chúng vẫn ngộ nhận nhạc thị trường là đại diện duy nhất của nền nhạc mới ở ta. Còn các nhà chuyên môn nhiều khi cực đoan không chấp nhận sản phẩm thị trường và luôn chê trách giới trẻ bởi họ là lực lượng chủ lực trong sáng tác, biểu diễn và thưởng thức loại nhạc này.

Vẫn có những nhạc sĩ và ca sĩ trẻ muốn nổi tiếng bằng bất kỳ cách nào, kể cả scandal. Vẫn có những sản phẩm kém chất lượng và thiếu văn hóa dễ làm hỏng tai, hỏng tính cách công chúng trẻ. Song, những sản phẩm đáp ứng thị hiếu nhất thời cũng giống như thời trang, hết mùa luôn bị thay thế bởi mẫu mã khác. Thời gian không ngừng đào thải những sản phẩm nhái hoặc kém chất lượng nghệ thuật. Những cây bút đạo nhạc và thiếu bản lĩnh sáng tạo không thể trụ mãi. Những hiện tượng gây “sốc” bằng lời lẽ thô thiển hoặc tiêu đề nói lái thành nghĩa tục thì chẳng cần đến biện pháp cấm đoán cũng vẫn chết yểu thôi. Cấm đoán hoặc chỉ trích rùm beng đôi khi lại là một thứ quảng cáo miễn phí cho những chiêu trò “phi âm nhạc”.

Thời nay kiểm soát con trẻ, ép ăn thứ này cấm ăn thứ nọ không hữu hiệu bằng chỉ cần đưa ra những món hấp dẫn hơn hẳn mấy thứ độc hại để bọn trẻ tự quyết. Nếu được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục âm nhạc nhân ái và hướng thiện thì tự mỗi người là bộ lọc tốt trước những nhiễu nhương lẫn lộn thật - giả, hay - dở, đẹp - xấu, để từ đó hình thành người biết cảm thụ, cũng như người sáng tác và biểu diễn âm nhạc chân chính.

Tôi muốn tin vào các nhạc sĩ trẻ và thấy vui mỗi khi nhận ra điều mới lạ ở họ. Chính các tác giả trẻ luôn đưa hơi thở thời đại và tính đa dạng vào đề tài xã hội. Họ khác các thế hệ trước bởi sự hóm hỉnh, biết tự trào và rất “đời” với những câu chuyện thời sự nóng hổi thu hút giới trẻ. Nhẹ nhàng, tự nhiên, không cứng nhắc, không đao to búa lớn, họ hát về lối đưa tin nhảm nhí giật gân câu khách của truyền thông và báo chí lá cải, về các chiêu trò câu view câu like của các cô các cậu sống ảo trên mạng xã hội, về lối sống hình thức rỗng tuếch “người yêu tôi không có gì để mặc, dẫu một bao tải quần áo đầy kho”… Họ can đảm chạm đến các vấn nạn quốc gia: việc phá rừng tàn bạo chẳng khác cạo trụi mái tóc mẹ thiên nhiên, một môi trường ô nhiễm toàn phần - đến âm thanh cũng trở thành một thứ độc hại, rồi cái chết thương tâm oan ức của em bé trong bão lũ là hậu họa trực tiếp từ nhiều năm tàn phá môi trường tự nhiên. Họ không lảng tránh những góc khuất vô nhân đạo: phá thai, trộm chó, lạm dụng tình dục trẻ em… Họ không kiêng kị những câu chuyện nhạy cảm: người chuyển giới, gái bán hoa, chứng trầm cảm, bệnh tự kỷ…

Sự mới mẻ không chỉ dừng ở đề tài nội dung, mà còn có trong ngôn ngữ âm nhạc và phong cách thể hiện - bàn về điều này các cây bút bình luận âm nhạc trên báo chí không thể kham nổi, chỉ có thể trông đợi các nhà chuyên môn phân tích, đánh giá, giúp các tác giả trẻ thấy rõ mình hơn để tiến xa hơn, nhất là trong lĩnh vực nhạc không lời.

Dù đã đa dạng hơn trong sáng tác, nhưng vẫn còn đó sự mất cân đối giữa thanh nhạc và khí nhạc, nguyên nhân không hoàn hoàn do khả năng nhạc sĩ và thị hiếu công chúng.

Để khích lệ các nhà soạn nhạc viết tác phẩm giao hưởng thính phòng, nhất định phải có sự đầu tư xứng đáng về tiền tài, chất xám và thời gian.

Để tác phẩm khí nhạc được vang lên, không thể trông chờ vào cố gắng cá nhân tác giả và nhạc công.

Để đông đảo công chúng biết cảm thụ nhạc không lời, phải gây dựng được môi trường âm nhạc nuôi dưỡng trí tưởng tượng và khích lệ sáng tạo cá nhân. Môi trường ấy bao gồm nhà trường, nơi sinh hoạt cộng đồng, các phương tiện truyền thông, in ấn xuất bản…

Để có được môi trường âm nhạc trong lành và nhân văn thì vai trò quyết định vẫn thuộc người quản lý - một đối tượng quan trọng mà ta không thể luôn tránh nhắc đến cứ như sợ phạm húy.

Bóng đá Việt Nam vừa làm nên kỳ tích nhờ vai trò chỉ đạo dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang Seo, người không những biết phát huy thế mạnh của từng cầu thủ, mà còn tạo được sự phối hợp hiệu quả nhất. Âm nhạc cũng có thể làm nên kỳ tích với những người lãnh đạo có tài - có tâm - có tầm. Tài là biết quản lý, biết dùng đúng người đúng chỗ; tâm là người có nhân cách, dám làm và dám chịu trách nhiệm, tầm là sự hiểu biết văn hóa nghệ thuật và biết nhìn xa trông rộng. Khi ấy, bức tranh đời sống âm nhạc hẳn sẽ vừa đa dạng, vừa cân đối như ta mong ước.

Đời sống âm nhạc nếu bị đánh giá chỉ phong phú sôi động bề mặt mà ít giá trị thực và thiếu cân đối, thì Hội Nhạc sĩ Việt Nam - một tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp, có trách nhiệm tư vấn về văn hóa nghệ thuật cho các cấp lãnh đạo nhà nước - không thể hoàn toàn vô can.

Thực ra Hội Nhạc sĩ Việt Nam không phải cơ quan quản lý. Là mái nhà chung của những người làm âm nhạc, Hội Nhạc sĩ đóng vai trò kết nối giữa những người làm nhạc với nhau, giữa người làm nhạc với công chúng, giữa giới nhạc và công chúng với các tổ chức quản lý âm nhạc.

Hội Nhạc sĩ đã góp thêm phần đa dạng cho đời sống âm nhạc 2018 bằng các sự kiện mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Mới đây Hội Nhạc sĩ đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với công chúng trong nước và đồng nghiệp quốc tế qua Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu (11/2018) với sự tham gia của hơn 70 tác giả và 200 nghệ sĩ từ hơn 30 quốc gia.

Việc cần làm của Hội Nhạc sĩ trong tương lai gần là: bên cạnh kế hoạch duy trì những hoạt động chuyên môn thường niên, Hội thành lập Ban Truyền thông để đáp ứng nhu cầu quảng bá tác phẩm, nhất là những tác phẩm đoạt giải thưởng hàng năm của Hội; hoàn thiện dự án xây dựng Trung tâm đào tạo sáng tác trẻ.

Còn trong tương lai xa, tại sao ta không thể hy vọng Hội Nhạc sĩ có một kênh truyền hình dành riêng cho âm nhạc, để có thể phổ cập nhạc sạch và đưa những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao đến với công chúng?

01-01-2019

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...