Đời người, đời cây
1 – Các bạn đã bao giờ quan sát kỹ một đại thụ bị cưa đổ chưa? Nhìn vào thớt gỗ đếm những vòng sinh trưởng có thể biết được tuổi của cây.
Nhưng khi nhìn thân cây xẻ ra thành những tấm phản, thì những vân gỗ dọc thân cây cho thấy thêm năm tháng đời cây để có cơ thể gỗ hoàn thiện cũng phong ba bão táp như đời một con người. Thì ra cây cũng như người, để tồn tại được cũng phải chống đỡ với trước phong ba bão táp, nắng mưa hạn hán, và để lại bao nhiêu dấu tích. Đâu phải chỉ có con người vật lộn với cuộc sống còn cây cối thì không. Cây câm lặng nhận những khổ đau đó cất giấu vào trong thân gỗ.Vân gỗ, sẹo gỗ đó là gương mặt mang hình đời sống của cây giống như con người.
Những cây trồng thời công nghiệp không có những vân những sẹo vì nó lớn nhanh được chăm bón mà không phải lăn lóc chịu trận kiếm sống như thử thách của cây rừng nguyên sinh. Nó là sản phẩm hàng công nghiệp.
2 – Nghe Quan họ thì thích, nhất là Quan họ trong làng trước đây. Nhưng bây giờ xem diễn Quan họ thì nhạt. Hướng đưa Quan họ về cội nguồn không khác lối bảo vệ di sản đình chùa hiện nay, phá nhiều hơn giữ.
Còn nhớ cái năm Quan họ được Unesco công nhận di sản phi vật thể của thế giới, Bắc Ninh đã tôn vinh bằng tụ tập mấy trăm người cùng hát Quan họ trên sân vận động. Nghe muốn ngất!
Quan họ xưa, có một câu lục bát mà các cụ nhả giọng nảy hất kéo dài đến 6 phút. Quan họ là nghệ thuật luyến láy âm thanh, nghe người xưa hát là thưởng thưởng thúc thứ âm nhạc siêu ảo ấy chứ không phải là câu cú rõ ràng như lời ca văn nghệ ngày nay. Nghe Quan họ là thẩm âm chứ không phải lấy thông tin. Qủa thật Quan họ là siêu phẩm văn hóa làng Kinh Bắc, mà không phải là văn nghệ quần chúng. Đem nghệ thuật đó quần chúng hóa thì khác gì đem hò vè sáp nhập với thi ca.
Quan họ làng xưa chính là cây đại thụ rừng nguyên sinh. Bổ ra thấy tinh hoa, thấy trầm hương hổ phách. Còn Quan họ diễn hôm nay chỉ là cái bóng mờ ảo của Quan họ làng trước đây. Cách đây mười mấy năm, tôi đã được nghe các phóng viên VTV3 ghi âm ghi hình tại làng, mấy cụ trên 90 hát mới thấy siêu phẩm Quan họ Unesco không thể không công nhân. Tôi, mà là tôi thôi, có cảm nhận Quan họ diễn ngày nay như sản phẩm mậu dịch thông dụng chứ không phải là trao gửi thâm tình như Quan họ làng chuẩn mực thời xa xưa nữa.
3 – Viết thế để lấy cái so sánh cụ thể đại thụ rừng nguyên sinh với Quan họ làng xưa, nó đều được thử thách đủ ngũ hành để cho trầm hương hổ phách. Trên đời này làm gì có thứ hàng nhanh - nhiều - tốt - rẻ như ai đó tưởng. Cái vỏ ngoài với lõi bên trong không phải lúc nào cũng song hành.
Đời người, đời cây đều phải từng trải mới thấy giá trị thật của nó. Con người phải gian nan lên thác xuống ghềnh mới nhận biết ra giá trị cuộc sống và chất xám trong mỗi người. Như những sẹo gỗ, vân gỗ li ti xoắn lại trên gỗ lát, người ta trầm trồ về vẻ đẹp đen bất ngờ của nó, nhưng đó là kết tinh của sự nhọc nhằn năm tháng chứ đâu tự nhiên mà có.
Con người cũng vậy!