Đổi mới, sáng tạo đến từ đâu
Sau năm 1986, “Đổi mới, sáng tạo” là cụm từ thường xuyên xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Xét trên bình diện kinh tế, văn hóa, xã hội, đất nước đã có nhiều đổi mới, vậy còn sáng tạo?
Có thể thấy, cả bốn cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta đều đứng ngoài cuộc. So với trước thời kỳ Đổi mới (1986), cơ tầng văn hóa để phát triển khoa học công nghệ đã có thay đổi rõ rệt. Song, nói đến sáng tạo không chỉ nhìn vào những “điển hình tiên tiến” dừng lại ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật mà phải xem xét bức tranh tổng thể của toàn xã hội. Đổi mới, sáng tạo bao gồm cả tư tưởng, triết học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và đặc biệt là chính trị - yếu tố có khả năng tác động vào mọi phương diện của đời sống, kích thích hoạt động sáng tạo.
Như chúng ta biết, tình trạng đứng ngoài cuộc sau bốn cuộc cách mạng công nghiệp không chỉ có Việt Nam, mà còn có cả Liên Xô cũ, khu vực Đông Âu trước đây, Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên... những quốc gia theo đuổi đường lối Xã hội chủ nghĩa. Sáng tạo là tài sản chung của nhân loại, khác với tài sản vật chất thuộc sở hữu cá nhân hay tổ chức, nhóm xã hội. Cho đến hiện tại, tầng lớp tư bản ở Việt Nam chưa hề sản sinh ra những ông trùm về khoa học, công nghệ. Theo tổng kết của một số chuyên gia kinh tế, các nhà tư bản Việt Nam xuất phát từ ba nhóm: thứ nhất là: những người lao động hợp tác từ các nước Đông Âu cũ; thứ hai là: từ tổ chức nhà nước đứng ra thành lập doanh nghiệp; thứ ba là: thành phần đã có sản nghiệp trước, trong đó, đa số đi lên từ thị trường địa ốc.
Tìm hiểu trình độ phát triển của khoảng 100 quốc gia trong vòng 200 năm qua cho thấy: có những quốc gia từng là đất nước phát triển, điển hình như Cu Ba chẳng hạn, nhưng sau khi “đạt ngưỡng” thì dừng lại[1]. Thực trạng này được Ngân hàng thế giới phản ánh bằng thuật ngữ “bẫy thu nhập trung bình”. Và chiếc bẫy ấy cũng đang giăng trước đất nước ta, chỉ có Đổi mới, Sáng tạo mới mong thoát khỏi. Vậy, cơ chế nào có khả năng kích thích họat động sáng tạo? Để tìm câu trả lời này, cần xem xét thể chế chính trị ở những quốc gia đã tạo nên cuộc cách mạng khoa học công nghệ, cụ thể là Anh và Mỹ. Vì, cả hai quốc gia trên đều có nhiều điểm giống nhau, từ cơ sở pháp luật, thị trường tài chính cho đến hệ giá trị.
Về cơ sở pháp lý: dựa trên nền tảng của nhà nước pháp quyền, chính phủ đóng vai trò bảo vệ quyền tự do và sở hữu. Đây là hai quyền căn bản của con người. Theo thuyết Cá nhân luận, con người sinh ra vốn có hai quyền: sở hữu bản thân và tự do sử dụng bản thân, từ đó mở rộng phạm vi trên toàn xã hội thành hai quyền sở hữu và tự do. Nhà nước bằng công cụ luật đứng ra bảo vệ hai quyền trên nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo có cơ sở phát huy và được bảo vệ. Như chúng ta biết, sáng tạo sinh ra từ những cá nhân. Nó không thể là sản phẩm của hoạt động phong trào hay vận động quần chúng. Những ý tưởng sáng tạo sau khi được sinh ra cần có điều kiện trở thành sản phẩm văn hóa nhằm tác động vào đời sống xã hội. Khi đó, yếu tố đóng vai trò “bà đỡ” vô cùng quan trọng, đó là Thị trường.
Thị trường là một môi trường sống động đem lại lợi ích thiết thực cho nhà sáng tạo, cụ thể là danh và lợi. Trên bình diện danh, nó tạo cho nhà sáng tạo tên tuổi, ánh hào quang phủ bên ngoài thành quả của mình, trên cơ sở đó họ có thể nhận được nhiều sự hợp tác, đông đảo mọi người tôn trọng, ngưỡng mộ. Về lợi, thông qua luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các giải thưởng… nhà sáng tạo thụ hưởng thành quả nhờ hoạt động sáng tạo.
Và cuối cùng, môi trường đóng vai trò hun đúc, bồi dưỡng và trực tiếp kích thích hoạt động sáng tạo đó chính là nền tự trị đại học. Tự trị đại học thể hiện trên nhiều phương diện, từ tài chính, quản trị cho đến hoạt động chuyên môn, trong đó quan trọng nhất là tự do tư tưởng, học thuật, phương hướng nghiên cứu... Tự trị đại học thể hiện ở chỗ: giáo sư quản trị đại học chứ không phải nhà nước, giáo sư xây dựng kế hoạch hành động chứ không phải quan chức. Bầu không khí tự do tư tưởng, học thuật sẽ góp phần bồi dưỡng tài năng, xây dựng đội ngũ nhà nghiên cứu chuyên tâm vào hoạt động sáng tạo. Như trên đã đề cập, sáng tạo trước hết bắt nguồn từ mỗi cá nhân và sau cùng ảnh hưởng, tác động đến cộng đồng.
Qua ba đặc điểm trên cho thấy, sau năm 1986, Việt Nam đã từng bước áp dụng nhiều mô hình khác nhau vào tình hình cụ thể. Đứng trên bình diện Đổi mới, nhà nước lần lượt xây dựng, hoàn thiện nhiều cơ sở pháp lý (luật), theo đuổi nền kinh tế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, người dân được tham gia vào thị trường tài chính. Về giáo dục, thông điệp “trao quyền tự chủ” cho trường đại học đang trên đường hoàn thiện.
Những yếu tố trên đã tiếp sức cho công cuộc Đổi mới, song trên thực tế, tất cả mới dừng lại ở việc tiếp nhận thêm cái mới, còn khả năng tạo ra bước đột phá, sáng tạo, đó chính là vấn đề. Mặc dù đất nước đã có một nền Pháp trị, nhưng khả năng thực thi yếu, mức độ điều hành kém và tính chất giám sát không đạt hiệu quả, nên chưa thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ. Sau hơn 10 năm gia nhập tổ chức WTO, thị trường vẫn trên đường hướng hoàn thiện để trở nên đúng nghĩa. Về tự trị đại học, có lẽ đây là khâu yếu kém nhất. Trước năm 1975, Sài Gòn từng có một nền tự trị đại học. Sau ngày đất nước thống nhất, cơ chế ấy đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Gần đây, thông điệp “trao quyền tự chủ” cho một số trường đại học bắt đầu được phát đi từ cơ quan quản lý cao nhất là Bộ giáo dục. Thế nhưng, đối với những con người đã quen ỷ lại vào sự chỉ đạo sáng suốt thì dù có “trao quyền tự chủ”, chắc gì họ có khả năng làm chủ?
Nhìn từ góc độ lịch sử, quá trình tiếp biến văn hóa của Việt Nam thường gặp phải trắc trở bởi “căn tính” dân tộc. Bản tính trọng về dụng (hoạt động thực tiễn), coi thường về thể (cơ sở lý luận) dễ dẫn tới tình trạng méo mó, lệch lạc các giá trị du nhập. Bởi vậy, đất nước đã mắc phải bốn căn bệnh mãn tính: hỗn tạp, lãng phí, giả dối và đầy tai ương. Nói về hỗn tạp, thể hiện ở tình trạng thiếu trật tự, kỷ cương. Các hoạt động “ra quân” ồn ào và “rút quân” thầm lặng thường để lại thói quen lỳ lợm, chậm đổi mới. Tổ chức xã hội thiết kế bất cập khiến cho nhiều nguồn lực va chạm, xung đột lẫn nhau sản sinh tình trạng thất thoát, lãng phí, lãng phí từ nguồn lực con người đến tài nguyên thiên nhiên. Nhằm che đậy yếu kém, bất cập, hành vi khuất tất, từ cá nhân cho đến tổ chức đều mắc chứng bệnh thành tích, nói cho đúng đắn, đó chính là giả dối. Thói xấu này phổ biến đến độ trở thành căn bệnh của văn hóa, đạo đức. Và cuối cùng là tai ương mà tai nạn giao thông nổi lên như một điểm tối u ám.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cần bắt đầu từ tư tưởng và kết thúc bằng hành động. Trên đây mới đề cập đến những điều kiện có khả năng kích thích tinh thần đổi mới, sáng tạo, còn để thực sự tạo ra cú hích trong hoạt động này, con đường dài phía trước vẫn đang chờ đợi chúng ta. Con đường ấy phải từng bước xây dựng trên những cột mốc thay đổi từ thể chế chính trị, tư tưởng giáo dục, cơ sở pháp lý, môi trường văn hóa… và cuối cùng là tự bản thân mỗi công dân ý thức được nhân vị trong xã hội. Có như thế, đất nước mới thật sự chuyển biến mạnh mẽ, vững vàng và thừa hưởng được thành quả của thế giới văn minh, cũng như đóng góp phát minh, sáng tạo của mình vào tiến trình phát triển của nhân loại.
[1] https://www.youtube.com/watch?v=mNaeRp9yhNk
Tham khảo bài phát biểu nhan đề: “Chế độ nào có khả năng kích thích sáng tạo một cách hiệu quả”của chuyên gia kinh tế Hứa Thành Cương, Trung Quốc tại Giảng đường thế kỷ, ngày 24 tháng 6 năm 2017.