Ðổi mới để lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hấp dẫn hơn
Các học viên được nghiên cứu, tiếp thu, trao đổi nhiều chuyên đề ý nghĩa trong hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật tại lớp bồi dưỡng.
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNT T.Ư) vừa tổ chức lớp bồi dưỡng "Nâng cao trình độ chuyên môn, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng, phương pháp phê bình văn học, nghệ thuật" cho hơn 50 học viên.
Với tám chuyên đề được tổ chức theo hướng đổi mới, tăng cường thảo luận, lớp bồi dưỡng đã mang lại không khí sôi nổi, hấp dẫn và bổ ích cho các học viên về lĩnh vực vốn từng bị coi là khô khan, kinh viện.
Đây là lớp bồi dưỡng đầu tiên do Hội đồng LLPBVHNT T.Ư tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các đối tượng trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực LLPBVHNT, từ đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong công tác này. Phát biểu khai mạc, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh: Lớp bồi dưỡng góp phần mở ra những vấn đề mới trong công tác LLPBVHNT, tạo điều kiện cho hơn 50 học viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, từ đó củng cố thêm nền tảng, định hướng vững vàng để ngày càng đóng góp hiệu quả cho đời sống lao động và thưởng thức văn học, nghệ thuật.
Tám chuyên đề được đưa ra trao đổi và tọa đàm, gồm: Vận dụng các lý thuyết nước ngoài trong LLPBVHNT - Những bài học kinh nghiệm; Kỹ năng viết LLPBVHNT trên báo chí; Kinh nghiệm phê bình VHNT - Thái độ ứng xử và văn hóa tranh luận; Kinh nghiệm phê bình thơ; Kinh nghiệm phê bình tác phẩm văn xuôi; Kỹ năng và phương pháp khai thác, tiếp cận viết phê bình đề tài lịch sử; Kỹ năng, kinh nghiệm và phương pháp phê bình tác phẩm điện ảnh; Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông đối với tác phẩm VHNT.
Các báo cáo viên tham gia truyền đạt, dẫn dắt các chuyên đề này là những tên tuổi nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực LLPBVHNT: PGS, TS Phan Trọng Thưởng; PGS, TS Phạm Quang Long; GS, TS Trần Thanh Hiệp; TS Lê Thành Nghị; nhà phê bình Bùi Việt Thắng; các nhà thơ: Vũ Quần Phương, Trần Ðăng Khoa, Trần Hữu Việt, Phạm Khải. Lớp bồi dưỡng quy tụ các học viên là những người làm chuyên môn ở các báo, tạp chí, nhà xuất bản, các trường đại học, hội nghệ sĩ, hội văn học nghệ thuật, âm nhạc; ban LLPBVHNT của các tỉnh miền bắc và miền trung từ Thừa Thiên Huế trở ra. Với cách thức tổ chức khoa học, đổi mới của Hội đồng, ở các chuyên đề, lớp bồi dưỡng đã phát huy được tinh thần trao đổi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình hoạt động chuyên môn; đồng thời, việc giao lưu, gặp gỡ giữa các chuyên gia và học viên cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ cộng tác giữa các tác giả, cơ quan báo chí, hội VHNT, từ đó áp dụng những thông tin, kiến thức thu được vào thực tiễn LLPBVHNT hiện nay.
Trong chuyên đề "Kinh nghiệm phê bình VHNT - Thái độ ứng xử và văn hóa tranh luận", nhà phê bình, TS Lê Thành Nghị cho rằng, ở thời đại nào và bằng cách thức nào thì công tác LLPBVHNT cũng cần tiếp cận vào bản chất, thông điệp tác phẩm và lao động nghệ thuật của tác giả. Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, dạng phê bình "tức thời" với những tác giả, tác phẩm đang gây chú ý trong đời sống văn chương đã lôi cuốn độc giả vào không khí thời đại. Tuy nhiên, vấn đề này cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có văn hóa ứng xử. Dù tranh luận trên báo chí hay trên mạng xã hội, những người làm công tác phê bình luôn cần giữ thái độ chuẩn mực, có văn hóa.
Chuyên đề "Kỹ năng viết LLPBVHNT trên báo chí" do nhà thơ Hữu Việt làm báo cáo viên được tổ chức với hình thức tọa đàm, đặt ra những vấn đề có tính thực tế, cấp thiết. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, viết LLPBVHNT trên báo chí yêu cầu không chỉ đúng mà còn phải hay, có hàm lượng trí tuệ, sâu sắc. Tuy nhiên, trên báo chí hiện nay, còn nhiều tác phẩm dạng "phê bình thân hữu", chủ yếu khen ngợi, chỉ ra cái hay cái đẹp của tác phẩm kèm theo vài góp ý nhỏ để đọc xong chủ thể hài lòng. Thể loại phê bình hàn lâm mang tính học thuật cao thì vẫn thiếu, chủ yếu đăng ở ấn phẩm chuyên ngành, lượng người tiếp cận còn ít ỏi. Mảng LLPBVHNT trên báo chí cần đời sống mạnh mẽ hơn nữa và một trong những giải pháp đó chính là các hội nghị, hội thảo, lớp bồi dưỡng, tập huấn...
Hiệu ứng từ các sự kiện trên sẽ cuốn hút được người viết, công chúng, tạo nên nguồn chia sẻ, động lực. Nhiều năm viết phê bình sân khấu, nhà báo Cao Ngọc (Ðài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ, lĩnh vực sân khấu có tính chất đặc thù, cần nhiều diễn giải, phương pháp lý luận nên dung lượng trên báo chí là một thách thức với người viết. Ðể giải quyết hài hòa, người viết cần cố gắng đứng ở vị trí người sáng tạo và công chúng. Thách thức về dung lượng là bài toán đòi hỏi người viết LLPBVHNT và đội ngũ tổ chức nội dung trên báo chí cần có sự tinh nhạy, khoa học để hài hòa, mang đến cho công chúng nền tảng cơ bản của vấn đề cần truyền tải. Ngoài ra, báo chí vẫn có thể tổ chức những chuyên đề dài hơi, đăng nhiều kỳ.
Nhiều năm tham dự lớp tập huấn về LLPBVHNT của Hội đồng LLPBVHNT T.Ư, nhà phê bình trẻ Hoàng Thụy Anh (Hội VHNT tỉnh Quảng Bình) nhận định, lớp bồi dưỡng lần này mang đến sự đổi mới, khác biệt, các chuyên đề đều có sự trao đổi, tương tác giữa người nói và người nghe, tạo được không khí tranh luận dân chủ. Sự góp mặt của nhiều cây bút LLPBVHNT ở nhiều loại hình đã giúp những người viết trẻ có điều kiện học hỏi về chuyên môn, kinh nghiệm và tăng thêm nhiệt huyết với nghề, nhất là các cây bút tại địa phương với mong muốn tham gia góp tiếng nói cho những hiện thực văn học có tính vấn đề trên phạm vi sâu rộng hơn.
Nhà văn trẻ Lưu Nga (Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa) đề xuất có thêm nhiều hoạt động tương tự để người viết được tiếp cận thông tin, phương pháp mới. Hiện nay, ở các địa phương, đội ngũ làm công tác lý luận phê bình chủ yếu tập trung ở mảng văn học, còn thiếu các mảng nghệ thuật khác. Chính vì thế, việc đào tạo và định hướng, khuyến khích những người làm LLPBVHNT qua những hoạt động cụ thể, chuyên sâu là rất cần thiết.
(Nguồn: https://nhandan.org.vn/)