Đợi, đợi đợi đợi và đợi
Tôi và N ngồi trong căn nhà đường Quan Thánh, trận B52 gần đây đã bốc đi mái ngói chỉ còn trơ khung nhà và cây đàn dương cầm.
Tất nhiên các vị Betthoven, Rachmanivov, Chopin, Mozart, vẫn còn quanh đó vì các vị đã chết từ nhiều thế kỷ trước.
Những đêm lạnh tôi thường khoác áo choàng đến đây, qua ngón đàn của N hội ngộ với các vị.
N là học trò bà Thái Thị Liên cùng Đặng Thái Sơn đủ điều kiện vào đại học nhưng chưa được gọi. N có một xâu chuỗi bằng những con ốc, thường đeo trên cổ, khi người đưa thư của bưu điện đến, N lần theo những con ốc nếu lẻ là tin vui nhưng thường chỉ là chẵn. Gia đình N thuộc thành phần tư sản.
N vẫn đợi.
Tôi thường lang thang với họa sĩ Bùi Xuân Phái, Phái vẽ phố. Tôi nghĩ về phố, màu sắc trong tranh Phái vào thơ tôi… “Ta còn em một màu xanh thời gian…, một màu xám hư vô…”. Những con chữ nhịp nhàng theo bước chân, cho tới khi khu phố Khâm Thiên bị oanh tạc thì tuôn trào. Và tôi khởi thảo trường ca Em ơi! Hà Nội - Phố. Em ơi Hà Nội - Phố! Ta còn em… Ta còn em - điệp từ thông suốt trường ca chính là một tuyên ngôn trả lời cho những kẻ muốn Hà Nội trở lại thơi kỳ đồ đá.
Tôi muốn đứng trước một quảng trường đọc ngay cho người Hà Nội nghe tác phẩm mới nhưng vì tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm nên chịu kỷ luật của Hội Nhà Văn Việt Nam: 15 năm không được phát hành, phổ biến tác phẩm.
N đã có số lẻ với sâu chuỗi, được gọi vào đại học. Một chuyên gia Nga về dương cầm được phái sang Việt Nam công tác một hôm bỗng lắng nghe rồi đứng lên xuống tầng dưới, khi trở lên anh nói: “Thật quái lạ một ngón đàn như thế mà chưa được vào đại học!”.
N đang gõ đàn dưới đó.
Tôi hứa sẽ mừng với một bó hoa hồng nhưng hôm ấy một cơn gió loạn, làm những bụi hồng vườn Ngọc Hà tàn lụi, tôi đành mừng N với bó hoa bướm, một loài hoa có phận số mong manh,
Trường ca Em ơi! Hà Nội - Phố thời đó cũng chỉ truyền tay đọc. Một nhà thơ lớn, rất thân với tôi, khi đọc xong đã thành thật khuyên tôi: “Nên cất đi!Cậu đã tham gia Nhân Văn, mang tội chống Đảng, trong tập thơ này lại không một dòng về Đảng có nghĩa là vẫn tiếp tục chống đối!”.
Cho tới những năm 80, tôi đã đọc cho nhạc sĩ Phú Quang nghe. Anh rất thích thú ngỏ ý nuốn phổ nhạc. Ca khúc Em ơi Hà Nội phố ra đời, được hát với nhiều giọng hát và được hoan nghênh nhiệt liệt.
N đã vào đại học rồi sang Pháp sống ở Paris không liên lạc nên tôi không có tin tức về N trong giai đoạn này, chỉ một lần về Sài Gòn N tặng tôi một đĩa nhạc của cô thu ở Paris, tôi được đọc những dòng chữ sau đây: “Trịnh Thị Nhàn gốc Việt Nam, từ một gia đình nghệ sĩ. Cô chịu ảnh hưởng trường phái Nga về kỹ thuật, trình diễn được tất cả các tác giả cổ điển và lãng mạn. Ở Nhàn thấy được sự cảm thụ đặc biệt, tính chuyên nghiệp, đủ sức tôn vinh sự phong phú của các tác phẩm bậc thầy…”.
Đây là ý kiến của P.Holiner, một giáo sư Paris. Tôi vẫn nghĩ chưa phải là đích đợi của N.
Trịnh Thị Nhàn, tức là N của tôi.
Đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tôi được mời ra Hà Nội đọc Em ơi! Hà Nội - Phố tại Thư viện Quốc gia với khoảng 300 ngưởi dự, gồm văn nghệ sĩ và sinh viên.
Tôi rất xúc động về sự đón tiếp của người Hà Nội, nửa xe hơi chở hoa đã đưa tôi về khách sạn.
Càng xúc động khi nghĩ đến những người cùng nhóm Nhân văn Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung,.. các anh đều có những bài thơ hay, đáng lẽ phải được đọc tại đây nhưng tất cả đã qua đời, chỉ còn lại mình tôi, người cuối cùng của bộ lạc được thụ hưởng.
Năm 82 tuổi, tôi sang Paris cùng nữ đạo diễn Xuân Phượng để bày tranh nhưng không găp N, Tôi nghe nói N mua một miếng đất ở nghĩa trang, đào một cái huyệt, hàng ngày ra thăm, đó chỉ là một tin đồn nhưng tôi biết N vẫn đợi…
Tôi cũng đợi. Năm nay đã 90 tuổi, cũng không có gì hơn ngoài buổi đọc thơ trong dịp nghìn năm Thăng Long. Có người nói với tôi: “Đáng lý với bài thơ hay nhất về Hà Nội, với giải thưởng Văn học 1955 vở kịch Lửa Cháy Lên Rồi, với khối thơ và những tác phẩm sân khấu, phim truyện, anh phải được đề cử một giải gì đó!”.
Thật tình, tôi không đợi chuyện gì khác hơn chuyện cuối cùng như N đang đợi, nhưng tôi không cần cái huyệt mà tôi muốn một cái bình đựng mớ than tro cuối cùng để đặt bên cái bình của Phi Nga, vợ tôi đã quy gửi trong một cảnh chùa…
30/8/2016 ,Tân Lập 2, Q.9, Sài Gòn