Độc đáo học hát xẩm… online
Những tưởng nghệ thuật hát xẩm sẽ lụi tàn khi nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời. Thế nhưng, đang có một nhóm nghệ sĩ nhiệt huyết có tham vọng phát triển bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo này.
Nhắc đến nghệ thuật hát xẩm, nhiều người phải thừa nhận, mặc dù cùng có số phận hẩm hiu ít người học, ít người nghe như các bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống, nhưng so với ca trù, tuồng, chèo… thì hát xẩm vẫn ít khán thính giả nhất, bởi cực kén người nghe.
Xuất hiện khá lâu đời, hát xẩm từng là phương tiện kiếm sống của người nghèo ở các tỉnh phía Bắc. Người hát trải chiếu xẩm quanh những khu chợ đông người qua lại, hoặc lên tàu, xe để hát kiếm tiền. Những câu hát xẩm thường do các nghệ nhân tự sáng tác hoặc theo các bài ca dao lưu truyền trong dân gian. Ca từ của xẩm thể hiện các vấn đề nóng của xã hội, của cuộc sống, thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân dân, đả kích thói hư, tật xấu của con người.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cùng các nghệ sĩ của CLB Xẩm Hà Thành
Thời kỳ hưng thịnh nhất của nghệ thuật xẩm là vào khoảng đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm nên các phường xẩm dần tan rã. Các nghệ nhân xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi. Năm 2013, “người giữ hồn xẩm” - nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời, những tưởng nghệ thuật hát xẩm sẽ lụi tàn. Nhưng, thực tế nghệ thuật hát xẩm vẫn được lưu giữ và đang từng ngày có thêm những nhân tố mới.
Thực hiện điều đó chính là người được coi là “đệ tử chân truyền” của nghệ nhân Hà Thị Cầu - nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.
Có lẽ nhiều thành viên của nhóm xẩm Hà Thành chưa quên hình ảnh cô gái nhỏ nhắn Mai Tuyết Hoa đã phải chạy đôn chạy đáo gõ cửa các cơ quan chức năng để xin địa điểm biểu diễn.
Nhắc lại thời điểm ấy, Mai Tuyết Hoa nhớ nhất là cảm giác như bị dội một gáo nước lạnh khi nhiều người chưa hiểu hát xẩm, họ tưởng hát xẩm là đi… ăn xin. Tuy nhiên, chị không chùn bước, chị đã cầm cây đàn nhị của mình vừa kéo đàn vừa hát cho mọi người nghe và kiên nhẫn giải thích cho mọi người thấy được cái hay, cái đẹp của xẩm.
Sau này, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, với mong muốn phục dựng bộ môn hát xẩm, Mai Tuyết Hoa cùng một số các nghệ sĩ trẻ tài năng và tâm huyết với nghệ thuật dân gian như: Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nhạc sĩ Giáng Sol, nghệ sĩ Khương Cường… thành lập nhóm xẩm Hà Thành, với những thể nghiệm cách tân vô cùng mới mẻ cho những làn điệu xẩm, để xẩm đến gần với công chúng hơn, đặc biệt là giới trẻ.
Cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, buộc phải vận động, phải đổi mới để tìm người nghe, các nghệ sĩ đã có nhiều cải biến với xẩm. Ngoài việc kết hợp xẩm với các loại hình nghệ thuật hiện đại, nhóm còn cho ra đời các tác phẩm mới mang hơi thở thời đại. Đặc biệt, tham vọng kết nối và phát triển nghệ thuật hát xẩm, nhóm nghệ sĩ đã tổ chức lớp học hát xẩm online.
Nói về ý tưởng này, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ: Xuất phát từ việc ở nhiều địa phương đã có phong trào hát xẩm, nhưng vì chưa có nhiều người thật chắc chắn về chuyên môn để định hướng, đào tạo một cách bài bản. Như vậy, nếu dạy được hát xẩm online sẽ mang lại nhiều thay đổi. Việc dạy hát online khó khăn nhất có lẽ là việc thiếu nghệ nhân. Khi nghệ nhân ít mà tư liệu về xẩm không còn nhiều thì việc truyền dạy online cần được nghiên cứu hết sức tỉ mỉ và cẩn trọng.
Mai Tuyết Hoa cho biết, hiện chị đã và đang phối hợp Trường Đại học Temple (Mỹ) thu thập dữ liệu để số hóa một số bản ký âm về xẩm. Đến nay, những ai yêu thích với nghệ thuật xẩm có thể truy cập vào trang thông tin của nhóm xẩm Hà Thành để học. Tuy thời gian dạy online chưa được lâu, nhưng Mai Tuyết Hoa đã kiếm tìm được những nhân tố hát xẩm độc đáo từ khắp các vùng miền của cả nước, kể cả những học viên là người nước ngoài.
Hạnh phúc về điều này, Mai Tuyết Hoa nói: “Điều tôi thấy hay nhất ở xẩm là tính cộng đồng, không phân biệt già trẻ, gái trai, tầng lớp trí thức hay tiểu nông… Xẩm là nhân dân, là gắn kết con người lại với nhau, tạo nên tính lạc quan như chính bản chất âm nhạc của xẩm. Những ai mệt mỏi hãy đến với xẩm, họ sẽ tìm thấy được sự đồng cảm trong đó”.
Năm 2013, “người giữ hồn xẩm” - nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời, những tưởng nghệ thuật hát xẩm sẽ lụi tàn. Nhưng, thực tế, nghệ thuật hát xẩm vẫn được lưu giữ và đang từng ngày có thêm những nhân tố mới. |