DJ - Nghề không ăn xổi, ở thì

09/06/2016

DJ đang là nghề hot trong giới trẻ. Số lượng người theo nghề có thể lên đến hàng ngàn nhưng các DJ thực thụ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. DJ không đơn thuần là nghề “phá nhạc” mà còn đòi hỏi sự sáng tạo và học hỏi không ngừng.

Sự bùng nổ

Tại Việt Nam, nghề DJ ra đời khoảng cuối những năm 1980 nhưng chỉ thực sự trở thành trào lưu trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt khi thể loại âm nhạc điện tử EDM phát triển, nghề này càng được chuộng. Mới đây nhất, Tài năng DJ - cuộc thi dành cho các bạn trẻ vừa được khởi động thu hút hàng trăm thí sinh tham gia, hứa hẹn phát hiện, bồi dưỡng nhiều nhân tài mới cho làng nhạc Việt. DJ Wang Trần, người có 13 năm gắn bó với nghề DJ, đồng thời là người viết format cuộc thi này, chia sẻ: “Trào lưu DJ tại Việt Nam đang thực sự lôi cuốn không chỉ những người đam mê bộ môn nghệ thuật này mà còn định hướng nghiêm túc về nghề nghiệp của bản thân”.

Sự bùng nổ của nghề DJ còn được thể hiện qua việc gia tăng các cơ sở đào tạo từ ngắn hạn đến dài hạn, từ cơ bản đến nâng cao, chuyên nghiệp trong thời gian từ 1 đến 3 tháng, học phí dao động 5-8 triệu đồng, cá biệt lên đến mức 20-30 triệu đồng với nhiều hứa hẹn: đào tạo DJ về nền tảng, phong cách âm nhạc; xây dựng mối quan hệ và thương hiệu cá nhân; phong cách biểu diễn; thấu hiểu và làm hài lòng khách hàng...

Theo DJ Wang Trần, dù chưa có một thống kê đầy đủ nào nhưng ước chừng ở Việt Nam hiện có khoảng 2.000 người đang theo nghề này, bao gồm cả những DJ chuyên nghiệp lẫn các bạn mới bước vào nghề.

Đừng ngộ nhận

Bên cạnh những yếu tố tích cực, sự bùng nổ nghề DJ cũng có những mặt trái. “DJ ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn bão hòa. Mọi người đang học theo kiểu mì ăn liền, học để nối các bài nhạc với nhau theo cách máy móc chứ không phải hòa âm hay có những sáng tạo cá nhân. Do đó, nói là theo nghề DJ nhưng họ chưa hẳn là những DJ thực thụ”.

Hiện nay, danh xưng DJ đang bị lạm dụng. Theo DJ Wang Trần: “Ngoài hiểu biết cơ bản về tiếng Anh, vi tính thì cách đánh giá dễ thấy nhất, đó là nhìn vào kết quả công việc, thu nhập và lượng show họ nhận được để thấy DJ đó được xếp ở mức nào”.


Wang Trần, ''phù thủy'' nổi tiếng trong nghề DJ. Ảnh: NVCC

DJ Wang Trần làm một phép tính sơ bộ: tại Việt Nam hiện nay có khoảng 100 quán bar, beer club và mỗi đêm, mỗi điểm diễn cần khoảng 3 DJ chơi phục vụ khán giả. Như vậy, số lượng DJ có công việc thường xuyên, chỉ dao động trong khoảng 300 người, số còn lại khoảng 1.700 người ở trong tình trạng thất nghiệp hoặc theo dạng “bedroom DJ - DJ trong phòng riêng”. Anh lý giải: “Nhiều bạn cứ thấy nghề hot, dễ kiếm tiền là lao vào nhưng không hiểu về nó, khi không được như ý thì bỏ nghề, trách móc. Cá nhân tôi từng xác định, đây chỉ là nghề tay trái nhưng khi quyết tâm theo nghề, sống được với nó tôi mới dám coi là nghề tay phải”.

Không chỉ ngộ nhận về nghề, nhiều bạn trẻ cũng đang “ảo tưởng” về những mức thu nhập khủng. DJ Ngọc Anh - một trong số những DJ nữ đầu tiên tại Việt Nam với gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề cho hay, mỗi đêm cô thường chạy show 4-5 điểm diễn và duy trì nhịp độ đó liên tục, một tháng chỉ nghỉ 1-2 ngày nên thu nhập tương đối cao, dao động từ 100 đến 120 triệu/tháng. Khi được mời đi diễn ở nước ngoài như: Anh, Pháp... mức thu nhập có thể cao hơn. Tuy nhiên, số lượng DJ có thu nhập cao như trên không nhiều.

Là người làm việc với rất nhiều DJ khác nhau, anh Anh Quân chia sẻ hiện nhiều quán bar tại TPHCM trả lương cố định cho các DJ, thường dao động ở mức 6 - 8 triệu đồng, nếu cao hơn khoảng 10-12 triệu đồng cho khoảng 2 giờ chơi nhạc/đêm. Trong khi đó, các DJ thời vụ làm việc cho các quán beer club, mức trả 250.000 - 300.000 đồng /buổi (khoảng 2 giờ). Những con số nói trên cho thấy, DJ không hẳn là nghề hái ra tiền như các bạn trẻ vẫn mường tượng.

Trong tương lai nghề DJ sẽ tiếp tục phát triển mạnh và mở rộng hơn nữa. “Theo tôi, quan trọng nhất là cách mọi người chọn hướng đi như thế nào. DJ cũng là những nghệ sĩ thực thụ. Họ không chỉ là người biết hòa âm, chỉnh nhạc mà cần biết xây dựng hình ảnh, luôn luôn sáng tạo những sản phẩm mới đến cho công chúng”, DJ Wang Trần đúc rút kinh nghiệm từ hơn 10 năm làm nghề của mình.

(Nguồn: http://sggp.org.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...