Điều ẩn giấu đằng sau bản sonata Ánh trăng của Beethoven

29/06/2020

Sonata Ánh trăng có thể nói là một bản nhạc đánh dấu sự thay đổi trong phong cách sáng tác âm nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven. Nó vừa có một cái gì đó như là tiếc thương, mất mát, vừa có những lời nguyện cầu, vừa có sự dữ dội như bão tố. Đằng sau bản sonata nổi tiếng này là rất nhiều câu chuyện…

Beethoven. (Ảnh qua Pinterest)

Bản sonata cung Đô thăng thứ dành cho piano mang tên “Quasi una fantasia” thường được biết đến dưới cái tên bản sonata Ánh trăng, là một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven sáng tác vào năm 1801. Ngày nay, nó là bản nhạc nổi tiếng nhất của ông dành cho piano, và ngay cả thời bấy giờ nó cũng là bản nhạc được rất nhiều người yêu thích. Nói về sự phổ biến của sonata Ánh trăng, nó đã làm Beethoven phát bực. Ông từng nói với học trò Czerny của mình rằng: “Thầy còn viết nhiều bản hay hơn thế”, ấy vậy mà người ta cứ nhắc mãi về sonata Ánh trăng…

Có rất nhiều câu chuyện được kể để giải thích cho sự ra đời của bản sonata Ánh trăng. Vào giữa thế kỷ 19, người ta bắt đầu đồn đại về cuộc gặp gỡ của Beethoven với một cô gái mù. Theo đó, khi gặp cô bé mù đang ngồi bên cạnh một chiếc đàn piano, Beethoven đã rất đỗi cảm thương. Ông ngồi xuống chính chiếc đàn piano đó và đột nhiên cảm nhận được ánh trăng đang chiếu vào qua cửa sổ. Như được truyền cảm hứng, Beethoven đánh lên những nốt nhạc của bản sonata nổi tiếng. Trong một phiên bản khác của câu chuyện, nhà soạn nhạc đã ngắm nhìn ánh trăng chiếu vào cô gái mù trong khi ông đang chơi đàn cho cô và anh trai cô. Và rồi ông nhận được linh cảm để sáng tạo nên “Quasi una fantasia”. Lại có người cho rằng đây là bản nhạc dành cho một tình yêu không trọn vẹn của nhà soạn nhạc thiên tài…

Cô bé mù dưới ánh trăng. (Ảnh minh họa qua Adriana.blog.fr)

Dẫu sao, đó cũng chỉ là những “truyền thuyết”. Ánh trăng không phải là cái tên do Beethoven đặt cho bản sonata cung Đô thăng thứ (C♯ minor) này. Cái tên sonata “Ánh trăng” chỉ xuất hiện vài năm sau khi Beethoven đã qua đời. Vào năm 1836, nhà phê bình âm nhạc Đức, Ludwig Rellstab, chia sẻ rằng bản sonata này gợi lên trong ông hình ảnh ánh trăng phản chiếu trên hồ Lucerne. Kể từ đó, cái tên sonata Ánh trăng mới trở thành tên gọi “chính thức” một cách không chính thức của bản nhạc.

Beethoven. (Ảnh qua Lifesitenews.com)

Beethoven không sáng tác sonata Ánh trăng theo mô thức truyền thống là nhanh – chậm – nhanh. Nó bắt đầu với thể Adagio (cung Đô thăng thứ) chậm, rồi nối tiếp bằng Allegretto (cung Rê giáng trưởng) chậm và kết thúc bằng Presto agitato (cung Đô thăng thứ) dữ dội. Phần thứ nhất thật là nhẹ nhàng, sâu lắng, và buồn. Nhà soạn nhạc người Pháp Berlioz bình luận rằng nó như “một thứ thơ mà ngôn ngữ con người không thể nào cất lên được”. Còn học trò của Beethoven, Carl Czerny thì cho rằng nó miêu tả một “màn đêm, với những âm thanh ảm đạm vọng tới từ phương xa”. Cũng có người cảm tưởng rằng mình đang bước đi trong đêm tối dưới ánh trăng chiếu rọi.

Phần thứ hai, Allegretto (cung Rê giáng trưởng), lại mang người nghe bình tĩnh trở lại với những nốt nhạc có phần tươi tắn hơn, trong sáng hơn, đem đến hy vọng. Phần thứ hai rất ngắn, dường như chỉ là cây cầu nối cho phần thứ nhất và phần thứ ba. Nhà soạn nhạc Franz Liszt đã ví phần thứ hai này như là “một bông hoa giữa hai vực thẳm” vậy. Bông hoa của Beethoven cứ nở rồi lại thu về rồi lại nở, tuần hoàn lặp lại trên nền nhạc.

Phần thứ ba là phần “bão tố” của sonata Ánh trăng. Những nốt nhạc nhanh và mạnh mẽ bộc lộ một cảm xúc dữ dội.

Bên cạnh những “truyền thuyết” lãng mạn về bản sonata Ánh trăng, người ta không thể lãng quên một thực tế rằng vào giai đoạn sau 1801, Beethoven bắt đầu nếm trải sự tuyệt vọng trong tâm hồn khi phải cố gắng chấp nhận việc mình bị mất thính giác. Người ngoài nhìn vào thì thấy Beethoven có một cuộc sống lý tưởng, là một nghệ sỹ piano bậc thầy và là một nhà soạn nhạc thành công hàng đầu ở Vienna. Tuy nhiên, Beethoven bắt đầu rời xa khỏi xã hội và bè bạn vì lo lắng rằng mọi người sẽ biết việc mình sẽ bị điếc. Người ta thì cảm thấy ông khó gần…

Beethoven dần xa lánh người khác. (Ảnh qua Pinterest)

Beethoven đã sống nhiều năm trong tịch mịch và cô đơn cho tới lúc điếc hẳn. Hoàn cảnh đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và sự sáng tạo của ông trong âm nhạc. Giai đoạn 1800 – 1802 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Beethoven và cũng khởi đầu cho giai đoạn sáng tác tiếp theo của ông. Khi tai không còn nghe được nữa, Beethoven bắt đầu lắng nghe bằng tâm hồn của mình.

Beethoven đã tìm cách điều trị tại một ngôi làng ở Heilgenstadt vào cuối mùa xuân năm 1802 cho đến tháng 10 cùng năm đó. Quá tuyệt vọng vì việc chữa trị không thành công, ông từng có ý định tự kết liễu đời mình. Trong một bức thư, ông kể: “Nhờ nghệ thuật mà tôi đã không kết liễu đời mình bằng việc tự sát”.

Lặp đi lặp lại trong âm nhạc của Beethoven chính là tinh thần vượt qua nghịch cảnh. Những xung đột nội tâm ông trải qua đều có thể tìm thấy trong âm nhạc, đó là việc vượt lên tất cả để chiến thắng sự tuyệt vọng và đau buồn. Cũng qua những giằng xé trong tâm tưởng đó, Beethoven đã học được cách sống cùng với tật mất thính giác và trở thành một thiên tài âm nhạc với các kiệt tác vô cùng vĩ đại.

Beethoven. (Ảnh qua thoughtco.com)

Sau đợt điều trị, Beethoven tỏ vẻ không hài lòng với các tác phẩm của mình và theo như học trò của ông, Czerny, thì “ông quyết tâm đi trên một con đường mới”. Sự thay đổi đó thể hiện qua tiết tấu mạnh mẽ trong những bản sonata, sự kịch tính, sự bất cân đối…

Sonata Ánh trăng có thể được xem là sáng tác đầu tiên khi Beethoven bước sang giai đoạn dần mất đi thính lực cho đến lúc điếc hẳn. Sự tiếc thương và mất mát trong tác phẩm, những lời nguyện cầu, và cả bão tố đã tạo nên một thứ âm nhạc tuyệt hảo, thứ âm nhạc khởi đầu cho những kỳ tích mang tên Beethoven.

(Nguồn: trithucvn)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...